Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin là trải nghiệm hành động nhập vai khá kỳ lạ ở mọi khía cạnh thiết kế. Từ đồ họa mang hai phong cách tạo hình nhân vật cho tới cách xây dựng câu chuyện kể. Đặc biệt là hệ thống chiến đấu vừa mang cảm giác lai giữa các game Final Fantasy kinh điển và hiện đại, vừa kết hợp đầy bất ngờ và thú vị với yếu tố soulslike nhưng dễ tiếp cận hơn. Đó là nhờ vào các thiết lập độ khó khác nhau vốn không hề có trong những game Soulsborne trên thị trường hiện nay.
Tuy Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin có thể xem là bản làm lại của Final Fantasy kinh điển, nhưng kỳ thực trò chơi được xây dựng như tiền bản của tựa game vừa đề cập, với hướng tiếp cận và cốt truyện hoàn toàn mới lấy cảm hứng từ nguyên bản. Thú vị hơn, chấp bút cho kịch bản game là ông Nojima Kazushige, người từng biên kịch cho nhiều tựa game trong series Kingdom Hearts và Final Fantasy. Chẳng hạn loạt game Final Fantasy VII từ nguyên gốc, spinoff cho đến bản làm lại và nhiều nữa.
Vấn đề lớn nhất của Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin là cốt truyện phức tạp, trái ngược với dàn nhân vật không để lại dấu ấn gì sâu sắc. Các tình tiết cốt truyện trong trải nghiệm game đều khá mơ hồ, không có sự kết nối rành mạch khiến người chơi khó tránh khỏi cảm giác mù mờ. Mọi thứ chỉ được giải đáp vào cuối trải nghiệm. Khía cạnh phát triển nhân vật khá nhạt nhòa cũng là điểm trừ của trò chơi, dù đây là khuyết điểm thường thấy trong những tựa game cùng do Team Ninja phát triển như Nioh và Nioh 2.
Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin có màn mở đầu rất hấp dẫn, tiếp nối bằng trận đánh boss Tiamat giúp người chơi làm quen với hệ thống chiến đấu. Thế nhưng, phần giới thiệu nhân vật và bối cảnh game ngay sau đó kém hào hứng khiến tôi không tránh khỏi liên tưởng đến Babylon’s Fall. May mắn là chỉ vài tiếng sau đó, trải nghiệm trở nên cuốn hút khi các cơ chế gameplay mở khóa dần, nhất là khía cạnh chiến đấu. Thậm chí cũng không sai khi nói đây là điểm cộng lớn nhất của trò chơi.
Về cơ bản, Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin có gần 30 lớp nhân vật mà trong game gọi là chức nghiệp (job). Người chơi có thể tự do phối ghép giữa hai chức nghiệp bất kỳ trong chiến đấu, tạo nên đòn tấn công liên hoàn rất hào hứng. Bạn cũng không cần gắn bó với bộ đôi chức nghiệp này trong suốt trải nghiệm game, mà có thể thay mới hoàn toàn để đổi phong cách chiến đấu của nhân vật chính. Mỗi chức nghiệp đều sở hữu hệ thống cây kỹ năng và vũ khí riêng, góp phần tạo nên trải nghiệm chiến đấu khác biệt cho nhân vật điều khiển.
Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng hai chức nghiệp Mage đối lập nhau như White Mage và Black Mage, giúp nâng cao khả năng công thủ toàn diện cho nhân vật đến khi mở khóa được Sage. Marauder và Pugilist cũng là lựa chọn thú vị khi hai chức nghiệp này hoàn thiện kỹ năng cho nhau. Hay như sự kết hợp giữa chức nghiệp Knight và Paladin là chân ái của những ai thích lối chơi chặt chém với nhân vật điều khiển máu trâu. Đó chỉ là vài ví dụ. Thậm chí, trải nghiệm game sẽ rất nhàm chán nếu bạn tự giới hạn trong hai lớp nhân vật từ đầu đến cuối.
Đặc biệt, nhân vật chính còn có thể học kỹ năng từ kẻ thù thông qua sử dụng Soul Shield. Đây là kỹ năng cơ bản, vận hành như phiên bản thu gọn của hệ thống Junction trong Final Fantasy VIII nhưng với nhiều hạn chế hơn. Cụ thể, người chơi chỉ có thể học lỏm kỹ năng của kẻ thù, trong khi các kỹ năng “ngoại lai” này có số lần sử dụng khá hạn chế. Ngược lại, tận dụng những kỹ năng nói trên vào đúng kẻ thù đúng thời điểm mang đến cảm giác khá hào hứng, nhất là khi nhìn kẻ thù bị gậy ông đập lưng ông bởi chính kỹ năng của chúng.
Thú vị hơn, Soul Shield còn dùng để cản và phản đòn kẻ thù (parry), vô cùng hữu dụng khi boss chiến hoặc đối mặt những kẻ thù dai như đỉa khác trong trải nghiệm game. Kỳ thực, điểm cộng hào hứng nhất của trải nghiệm Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin là khả năng tùy biến rất có chiều sâu, cộng với số lượng chức nghiệp đông đảo và nhiều khả năng kết hợp. Ở góc độ người chơi, thiết kế này mang đến giá trị chơi lại khá cao cho game, đặc biệt mỗi chức nghiệp đều có ưu và khuyết điểm khác nhau trong chiến đấu.
Chưa kể, các chức nghiệp còn có khả năng mở rộng thông qua dùng Job Point để mở khóa cây kỹ năng. Chẳng hạn, Mage có thể mở khóa ba chức nghiệp khác là Red Mage, White Mage và Black Mage. Không những vậy, các nhân vật đồng hành cũng có thể chuyển đổi qua lại giữa chức nghiệp chính và phụ, nhưng không linh hoạt như nhân vật chính. Tuy nhiên, người chơi chỉ có thể điều khiển gián tiếp nhân vật đồng hành chiến đấu thông qua phím tắt, không thể điều khiển trực tiếp tham chiến như trải nghiệm Final Fantasy VII Remake.
Đó cũng là lúc trải nghiệm co-op trong Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin tỏa sáng, mang đến cảm giác chiến đấu rất khác biệt so với chơi solo. Về cơ bản, mỗi người chơi sẽ điều khiển một nhân vật trong party. Nếu như solo mang nhiều cảm giác soulslike, trải nghiệm co-op gần giống Diablo III phiên bản góc nhìn thứ ba hơn. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa kỹ năng của mỗi nhân vật do người chơi điều khiển không chỉ giúp các trận chiến bớt thử thách hơn, mà từ đồ loot đến nhịp độ chơi đều hào hứng hơn.
Mức độ tùy biến của hệ thống lobby cũng là điểm cộng của Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin. Người chơi có thể chọn nhiệm vụ nhất định, thậm chí chơi tạm với AI trong lúc chờ bạn bè hoặc bất kỳ ai được máy chủ ghép vào trải nghiệm co-op. Mức độ thử thách trong co-op cũng thấp hơn. Đơn cử khi solo, nhân vật chính hết máu đồng nghĩa phải chơi lại từ điểm save game gần nhất. Co-op thì ngược lại, nhân vật điều khiển chỉ bị vô hiệu hóa tạm thời và có thể hồi sinh bằng Phoenix Down dùng chung hoặc Potion của người chơi khác.
Đáng chú ý, trải nghiệm co-op còn giúp thăng cấp chức nghiệp nhanh hơn hẳn so với solo. Điều này khá quan trọng vì càng trải nghiệm về sau, các chức nghiệp mạnh hơn hơn càng khiến bạn tốn rất nhiều thời gian cày cuốc nhiệm vụ phụ để thăng cấp. Không những vậy, một số chức nghiệp như các thể loại Mage thường khiến người viết gặp khó khăn trong chiến đấu khi chơi solo, nhưng lại dễ dàng hơn rất nhiều trong co-op. Phần lớn nguyên nhân do AI không có khả năng trợ chiến tốt cho các chức nghiệp này khi trải nghiệm solo.
Phòng thủ đóng vai trò quan trọng không kém công kích trong trải nghiệm Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin. Thế nhưng, khía cạnh này được thiết kế không thử thách bằng các game Soulsborne. Chẳng hạn, người chơi không cần quan tâm đến thời khắc thi triển Soul Shield phải chuẩn không cần chỉnh để parry đòn tấn công của kẻ thù. Thay vào đó, bạn chỉ cần để mắt đến thanh Break của nhân vật điều khiển giảm dần mỗi khi dùng Soul Shield và bỏ chạy chờ nó phục hồi trong chốc lát là có thể tái sử dụng kỹ năng quan trọng này.
Mặt khác, Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin cũng không trừng phạt người chơi quá nặng nề, dù khía cạnh này còn tùy thuộc vào thiết lập độ khó của bạn khi làm nhiệm vụ. Về cơ bản, người chơi vẫn được giữ lại trang bị, nguyên liệu và điểm kinh nghiệm khi nhân vật cạn máu, nhưng bị giảm đến mức mất toàn bộ Magic Point (MP) hiện có lúc đó. Tương tự các game Final Fantasy, MP khá quan trọng vì nhân vật cần chỉ số này để vận phép thuật cũng như thi triển nhiều kỹ năng chiến đấu và trợ chiến khác nhau.
Mặc dù mô tả có vẻ nghiêm trọng, nhưng MP rất dễ phục hồi trong trải nghiệm Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin. Người chơi chỉ cần phá vỡ thanh Break màu vàng bên dưới HP của kẻ thù, dùng Soul Burst kết liễu và pha lê hóa chúng là phục hồi được lượng MP kha khá cho nhân vật. Đó là chưa kể, parry thành công đòn tấn công của kẻ thù hồi phục rất nhiều MP, mang đến trải nghiệm chiến đấu rất thỏa mãn. Tuy nhiên, không phải đòn tấn công nào cũng có thể parry và bạn phải ghi tâm khắc cốt điều này trong trận chiến.
Thế nhưng, khía cạnh phần thưởng trong Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin để lại cho tôi cảm giác khá trái chiều. Trò chơi sở hữu lượng trang bị và vũ khí nhiều tới mức người viết không còn quan tâm đến chúng sau nhiều giờ trải nghiệm ban đầu. Thậm chí để đỡ mất công săm soi hơn thiệt giữa trang bị và vũ khí, tôi còn thiết lập cơ chế tự động chỉ nhặt đồ nhiều sao và tận dụng triệt để tính năng ‘Optimize Equipment’. Ngay cả nguyên liệu nâng cấp cũng chẳng dùng tới, vì trang bị và vũ khí tốt hơn luôn có trong nhiệm vụ cấp cao hơn.
Khía cạnh nghe nhìn cũng để lại cho người viết nhiều bất ngờ thú vị. Không hiếm địa danh mang đến cho tôi cảm giác vừa lạ và vừa quen khi nhận ra đội ngũ phát triển dường như lấy cảm hứng thiết kế màn chơi từ những game Final Fantasy hiện đại. Ngược lại, những địa danh như thành phố Cornelia và Chaos Shrine ở đầu trải nghiệm được 3D hóa khá ấn tượng từ địa điểm quen thuộc trong nguyên bản Final Fantasy kinh điển. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh trong Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin không đồng nhất.
Cụ thể, những địa điểm làm nhiệm vụ ban đầu được xây dựng khá xấu, trái ngược hoàn toàn các đoạn chuyển cảnh CG rất mãn nhãn. Tuy những địa danh về sau có chất lượng đồng nhất hơn, nhưng không thể phủ nhận đây là điểm trừ hơi khó hiểu của Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin ở khía cạnh đồ họa. Mặc dù vậy, mỗi khung cảnh đều có dấu ấn riêng, mang đến cái nhìn luôn mới mẻ trong trải nghiệm khám phá và chiến đấu. Thú vị không kém là nhạc nền quen thuộc từ các game Final Fantasy được phối khí lại, tạo nên không khí sôi động cho trải nghiệm game.
Sau cuối, Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá kỳ lạ. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là hệ thống chiến đấu vô cùng hào hứng và đầy thỏa mãn, kết hợp cùng khả năng tùy biến nhân vật linh hoạt thông qua chuyển đổi giữa các chức nghiệp đa dạng khác nhau. Tuy sở hữu vài thiết kế dễ để lại cảm giác trái chiều, nhưng đây kỳ thực là cái tên rất đáng cân nhắc với những ai yêu thích thể loại này cộng với chút kiên nhẫn.
Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!