FINAL FANTASY VIII Remastered là phiên bản nâng cấp đồ họa nhưng vẫn giữ lại cảm giác hoài cổ của JRPG kinh điển cùng tên từ thời hoàng kim PlayStation ngày xưa.
Trong số ba tựa game FINAL FANTASY kinh điển thời PlayStation, FINAL FANTASY VIII là tựa game để lại cho tôi nhiều ký ức đáng nhớ nhất ở khía cạnh cá nhân. Đây là một trong những tựa game hiếm hoi mà chị em tôi có dịp trải nghiệm chung cách đây khoảng 20 năm về trước. Thời điểm đó, do tôi học sáng và nhỏ em học chiều nên chúng tôi chia nhau ra chơi và “cày cấp” cho nhân vật. Cứ sáng tôi đi học thì nhỏ em ở nhà học bài và chuẩn bị cơm nước xong thì chơi, đến khi tôi đi học về lại “thay ca” cho nhỏ em đi học. Tối đến, đứa nào học bài xong trước thì tiếp tục lãnh trách nhiệm “nặng nề” này và cứ thế thi nhau chơi xen kẽ, chia sẻ cho nhau những thông tin trải nghiệm để hiểu trọn vẹn nội dung.
Đó là những khoảnh khắc đầy kỷ niệm mà tôi mãi không bao giờ quên. Thậm chí, đến nay vẫn còn giữ cục save PlayStation ngày xưa có save game của FINAL FANTASY VIII “cực khủng” mà hai chị em đã thi nhau “cày cuốc”, làm tất cả các nhiệm vụ phụ và kiểm tra walkthrough để bảo đảm là không bỏ sót bất kỳ thứ trước khi chuyển sang cảnh mới. Các nhân vật đều đã “max level” và theo như tôi còn nhớ thì trận đánh trùm cuối khi đó cũng khá nhẹ nhàng nhờ vào thời gian “cày” trước đó. Dư âm để lại của câu chuyện tình lãng mạn giữa các cặp đôi trong game dù đẹp, nhưng chắc chắn không bằng những ký ức mà chị em tôi trải qua trong suốt thời gian đó. Chính vì thế mà tôi rất hào hứng với FINAL FANTASY VIII Remastered. Chỉ khác là lần này tôi chơi một mình trên PS4, nhưng những tính năng hỗ trợ trong bản remaster giúp trải nghiệm không kéo dài như trước đây.
Ở góc độ người chơi cũ, FINAL FANTASY VIII Remastered làm khá tốt công việc đại tu hình ảnh và vẫn giữ được cảm giác hoài cổ quen thuộc của tựa game gốc. Các nhân vật đều được thay thế bằng texture độ phân giải cao, nhìn rõ nét sắc mặt diện mạo và những hoa văn đặc trưng trên trang phục hơn. Dựng hình các nhân vật hầu hết đều khá giống trong các đoạn phim CG chuyển cảnh, dễ nhận diện thay cho việc nhìn vào trang phục riêng của mỗi người so với trước. Cảnh nền cũ được pre-render thành hình bitmap nay được phủ bộ lọc, giúp che đi hình ảnh chất lượng thấp từ cái gốc PlayStation trước đây. Cách remaster này giúp trò chơi vẫn giữ nguyên được các chi tiết cũ, tuy nhiên nó tạo sự tương phản khá lớn giữa hình ảnh nhân vật nổi bật do sử dụng texture độ phân giải cao và cảnh nền nhìn hơi mờ mờ.
Điều thú vị là tôi vô tình phát hiện FINAL FANTASY VIII Remastered có một tính năng mà tôi cũng không chắc từng thấy trong bản game gốc. Đó là khi bạn di chuyển nhân vật xa khỏi vị trí thì artwork sẽ càng mờ đi, giống như có chiều sâu trường nhìn vậy. Các đoạn phim CG được upscale nhìn cũng khá ổn so với những gì đọng lại trong tâm trí tôi của phiên bản gốc từ thời PlayStation. Thế nhưng, có thể do bộ lọc nên một số cảnh hiếm hoi rất ngắn lại thấy giống như bị vỡ hình nhẹ. Dù vậy, vấn đề này không thường xảy ra và cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm nên tôi cũng không đặt nặng, đặc biệt với khâu remaster thường không cho phép nhà phát triển can thiệp quá nhiều vào phần code của trò chơi như remake.
Ở góc độ người chơi mới chưa từng trải nghiệm FINAL FANTASY VIII, bản remaster có thể để lại nhiều ấn tượng không tốt, đặc biệt là việc không hỗ trợ tỷ lệ màn hình 16:9 thông dụng hiện nay. Nhìn chung, đây là một lý lẽ hợp lý nhưng không phù hợp với trường hợp này. Thời điểm phát hành tựa game gốc thì màn hình widescreen không phải là tiêu chuẩn chung của ti vi như ngày nay, trong khi thiết kế môi trường màn chơi bị hạn chế rất nhiều bởi giới hạn phần cứng của hệ máy PlayStation thời điểm đó. Thế nên, việc hỗ trợ widescreen trong bản remaster không hề đơn giản. Không ít tựa game remaster chọn cách như Onimusha: Warlords là cắt xén và phóng to vào hình ảnh tỷ lệ 4:3 gốc để tạo khung hình 16:9.
Tuy nhiên, cá nhân tôi không thích giải pháp này. Cách làm này sẽ khiến trò chơi mất đi rất nhiều chi tiết gốc, chưa kể góc nhìn camera cũng sẽ gần hơn, gây nhiều khó khăn trong trải nghiệm đặc trưng của thể loại JRPG. Chưa kể, tựa game gốc đã được nhà phát triển tính toán rất kỹ lưỡng và tinh tế các cảnh nền pre-render và phim CG chuyển cảnh, không có những khoảng không gian thừa để có thể dễ dàng cắt xén mà không gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của trò chơi trong từng khung hình. Nói một cách khác, theo quan điểm cá nhân tôi thì sự lựa chọn của nhà phát triển trong trường hợp này là phù hợp nhất, giúp giữ lại nhiều chi tiết nhất và đặc biệt là cảm giác hoài cổ trong FINAL FANTASY VIII Remastered.
Mặc dù phiên bản gốc của trò chơi không phải là tựa game FINAL FANTASY mà tôi yêu thích nhất thời hoàng kim của PlayStation, nhưng khó có thể phủ nhận đây là một trong những phần chơi của series này sở hữu hệ thống chiến đấu cực kỳ có chiều sâu. Điểm nhấn của nó là Junction, một hệ thống tùy biến thuộc tính và chỉ số của nhân vật thông qua việc sử dụng các kỹ năng và phép thuật của những Guardian Force (GF). Nó tương tự hệ thống Materia trong FINAL FANTASY VII, nhưng có khả năng tùy biến sâu hơn nhờ vào GF. Bạn có thể hình dung GF như những vị thần đến giúp bạn trong cuộc chiến sau khi đã chứng tỏ thực lực với họ. Tương tự nhân vật, GF cũng có cấp độ và các kỹ năng riêng nhằm hỗ trợ người chơi.
Không những vậy, GF còn mang đến khả năng tùy biến cực sâu cho nhân vật, giúp một trận đánh boss mệt mỏi cũng có thể trở thành “cuộc đi dạo” nếu bạn biết tận dụng hệ thống Junction để khắc chế các đòn tấn công thuộc tính của chúng. Hệ thống phép thuật cũng có sự thay đổi khá độc đáo. Thay vì học phép thuật và dùng mana để làm phép, nhân vật sẽ “hút” (stock) phép từ kẻ thù và sử dụng chúng để tăng cường chiến đấu, phòng thủ cũng như khả năng kháng thuộc tính cho nhân vật trong trận chiến. Ở thời điểm FINAL FANTASY VIII mới ra mắt, Junction là một hệ thống chiến đấu đi trước thời đại vô cùng phức tạp. Điểm trừ của nó là mức độ phức tạp quá cao, khiến nhiều người chơi cảm thấy lúng túng khi tìm hiểu, đặc biệt là những ai không giỏi đọc hiểu tiếng Anh hoặc “chơi chay” bản tiếng Nhật.
Tuy nhiên, một khi hiểu được trọn vẹn hệ thống này và phát huy thế mạnh của nó thông qua việc chỉ định phép thuật để nâng cấp khả năng kháng cho nhân vật, Junction lại mang đến tính chiến thuật rất có chiều sâu mà hiếm hệ thống chiến đấu nào trong các JRPG hiện nay làm được. Dù vậy, hệ thống này cũng có một khuyết điểm nhỏ là khiến việc sử dụng phép thuật trở nên phức tạp một cách không cần thiết. Thế nhưng, nếu so với những gì mà nó mang lại cũng như thiết kế có vẻ thiên về tính tùy biến nhân vật cao, đây không hẳn là một điểm trừ đáng chú ý ngay cả ở thời điểm hiện nay khi tôi trải nghiệm FINAL FANTASY VIII Remastered.
Ở những khía cạnh còn lại, có lẽ không có gì để nói vì phần nhạc nền quá đỉnh, nhất là bài nhạc chủ đề Eyes on Me từng làm mê mẩn bao thế hệ người chơi. Trò chơi còn có phần minigame đấu thẻ bài Triple Triad để “thay đổi không khí” rất tốt, với luật chơi đấu thẻ bài tuy đơn giản nhưng rất hấp dẫn. Không những vậy, FINAL FANTASY VIII Remastered còn có một số tính năng độc quyền để hỗ trợ trải nghiệm: tăng tốc độ game lên gấp ba lần, “có tất cả” và chặn các cuộc chiến ngẫu nhiên. Những tính năng này chủ yếu dành cho những ai muốn thưởng thức cốt truyện và “tua nhanh” yếu tố cày cuốc, chiến đấu và thu thập vốn khá mất thời gian từ tựa game gốc mà bản remaster kế thừa.
Sau cuối, FINAL FANTASY VIII Remastered mang đến một trải nghiệm JRPG vừa đậm tính hoài cổ vừa đi kèm với một số tính năng hỗ trợ giúp người chơi “dễ thở” hơn. Mặc dù bản remaster vẫn có một số vấn đề gây nhiều tranh cãi như có nhân vật bị “che”, tốc độ khung hình các đoạn chuyển cảnh thấp, nhưng rõ ràng đấy là vấn đề từ tựa game gốc chứ không phải của bản remaster. Nếu yêu thích tựa game gốc và muốn sống lại những ngày xưa tháng cũ năm ấy với các nhân vật từng một thời đi vào ký ức và tuổi thơ, đây chắc chắn là trải nghiệm mà bạn không muốn bỏ lỡ.
FINAL FANTASY VIII Remastered hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game-box”]