Star Wars Jedi: Fallen Order là tựa game phiêu lưu hành động đầy bất ngờ khi kết hợp tuyệt vời giữa nhiều lối chơi “đỉnh cao” khác nhau, mang đến một trải nghiệm tưởng không hay ai ngờ hay không tưởng.
Từ trước đến nay, Star Wars vẫn được biết đến là một thương hiệu điện ảnh, bất chấp việc có không ít tựa game đủ mọi thể loại được ra mắt dưới cái tên này. Sau không ít “lời ra tiếng vô” với hai phần chơi Star Wars Battlefront, sự xuất hiện có phần lặng lẽ của Star Wars Jedi: Fallen Order ít nhiều đều khiến không ít người chơi hoài nghi về sức hấp dẫn của tựa game này. Không những vậy, nó còn được giao cho một nhà phát triển vốn trước đây chỉ phát triển game FPS, dù đều là những cái tên khá thành công như series Titanfall và Apex Legends, nhưng càng đẩy sự nghi ngờ đi xa hơn.
Ấy thế mà trái ngược với những lo ngại ban đầu, Star Wars Jedi: Fallen Order cuốn hút tôi ngay từ màn chơi tutorial và tiếp tục kéo dài đến hết trải nghiệm. Cảm giác hết sức thỏa mãn. Đội ngũ phát triển rất chắc tay khi kết hợp khéo léo hệ thống chiến đấu của Dark Souls và Sekiro: Shadows Die Twice với lối chơi phiêu lưu khám phá, mang nhiều cảm giác cân bằng hài hòa giữa series Tomb Raider reboot và Prince of Persia kinh điển vào trải nghiệm game. Cách làm này có phần khá giống với công thức của bộ phim The Force Awakens ra mắt màn ảnh bạc vài năm trước.
Sự pha trộn những yếu tố trong các phần phim Star Wars cùng những gì tinh túy nhất của nhiều series game khác nhau, đã mang đến một trải nghiệm game phiêu lưu hành động vô cùng hấp dẫn. Mặc dù trò chơi không có điểm gì mới về mặt sáng tạo, nhưng cách xây dựng game lại vô cùng tinh tế và cuốn hút. Thay vì tập trung vào kỷ nguyên hiện tại trong các phim Star Wars mới, trò chơi lại lấy bối cảnh 5 năm sau phần phim Star Wars Episode III: Revenge of the Sith, thời điểm diễn ra sắc lệnh 66 mà đế quốc Galactic cho người truy tìm và thanh trừng gần như tất cả các Jedi.
Nhân vật của người chơi là padawan Cal Kestis. Sau một thời gian ẩn thân tại xưởng tàu vũ trụ, Cal buộc phải dùng thần lực để cứu một người bạn và để lộ thân phận. Với sự giúp đỡ của “cựu binh Jedi” Cere Junda và lão phi công “điển trai” Greez Dritus, bộ ba đã lần theo manh mối người thầy quá cố của Cere để lại, với hy vọng tìm kiếm những gương mặt Jedi tiềm năng trong tương lai và gầy dựng lại hội đồng Jedi. Nếu bạn đã xem phim thì cũng đã biết câu chuyện đó kết cục ra sao nhưng kỳ thực, chính trải nghiệm hấp dẫn và cuốn hút mới là mục tiêu của người chơi. Ở khía cạnh này, Star Wars Jedi: Fallen Order đã làm tốt hơn mong đợi.
Điểm đáng khen đầu tiên là ngay cả khi bạn chưa từng xem bộ phim Star Wars nào, trải nghiệm game vẫn không gây khó cho người chơi vì hầu hết mọi bối cảnh và sự kiện sẽ dần được làm rõ thông qua các tài liệu thu thập được và hội thoại giữa các nhân vật. Tuy nhiên, nếu yêu thích series phim Star Wars, bạn sẽ càng phấn khích hơn khi nhìn thấy tận mắt nhiều gương mặt thân quen từ phim xuất hiện trong trải nghiệm game, có cả nhân vật ngoại truyện. Song hành cùng người chơi là BD-1, một người máy gợi nhớ đến nhân vật Wall-E trong phim hoạt hình cùng tên của Pixar. Không chỉ mang tạo hình rất dễ thương, BD-1 còn có tính cách rất đáng yêu và đặc biệt hữu dụng trong trải nghiệm.
Bạn sẽ luôn cần đến sự giúp đỡ của nhân vật này trong suốt trải nghiệm như hồi máu, gợi ý giải đố, lập bản đồ. Toàn những việc vô cùng hệ trọng trong trải nghiệm. Kỳ thực, không chỉ nhân vật này mà hàng loạt các NPC cũng đều để lại ấn tượng tốt trong suốt trải nghiệm game. Từ già Greez lúc nào cũng có thái độ như “cà khịa là đam mê” cho đến Cere với tính cách vừa nhu vừa cương. Thậm chí, ngay cả những nhân vật kình địch cũng để lại ấn tượng sâu đậm, không chỉ ở tạo hình “bao ngầu” mà cả nội tâm rất có chiều sâu. Trải nghiệm ấn tượng ngay từ dàn nhân vật khi lồng ghép trong một cốt truyện tưởng quen mà lạ với rất nhiều bất ngờ.
Dù không phải thiết kế thế giới mở nhưng các màn chơi trong Star Wars Jedi: Fallen Order vô cùng rộng lớn, đường đi phức tạp, chia thành nhiều tầng với những lối tắt thông nhau để bạn di chuyển nhanh từ vị trí này đến vị trí khác. Trò chơi có đồ họa khá đẹp dù tôi nghĩ nó không sánh bằng Star Wars Battlefront II hoặc những cái tên “đỉnh cao” khi trải nghiệm trên PS4 Pro với ti vi HDR như Days Gone hay Death Stranding. Tuy nhiên, chất lượng đồ họa game ít nhiều có sự bất nhất về mặt chất lượng. Trong khi thiết kế các hành tinh màn chơi hay phi thuyền vũ trụ nhìn rất đẹp và ấn tượng thì “cái tóc là gốc con người” của các nhân vật lại trông thiếu tự nhiên.
Đơn cử như Cal, cảm giác như anh chàng phun cả mớ keo xịt tóc lên đầu vậy. Rất hiếm khi tôi thấy tóc của nhân vật đung đưa theo gió hay khi di chuyển. Một vấn đề khác tuy cũ rồi, nhưng cũng đôi lúc gây khó chịu là “chuyện xưa tích cũ” của game engine Unreal. Thỉnh thoảng, bạn sẽ gặp tình huống texture không tải kịp dẫn đến xuất hiện những khung hình trông khá thô và xấu. Bù lại, tạo hình kẻ thù rất đa dạng và có sự khác biệt hoàn toàn trong từng hành tinh màn chơi khác nhau. Mỗi kẻ thù lại có một bài tấn công riêng, đòi hỏi người chơi phải vận dụng cách hóa giải tương ứng nếu không muốn bị ăn đòn sấp mặt. Chúng thậm chí còn chia phe, biết né tránh khi bị tấn công và phối hợp nhau để “úp sọt” người chơi khi cần thiết.
Hệ thống chiến đấu của Star Wars Jedi: Fallen Order có nhiều điểm tương đồng Sekiro: Shadows Die Twice. nếu không muốn bị đối phương phá vỡ tấn thủ dẫn đến trúng đòn tấn công liên hoàn không trượt phát nào, người chơi lẫn kẻ thù phải đỡ và cản đòn (parry) nhằm triệt tiêu thanh thể lực của đối thủ. Chưa kể, tùy vào độ khó được bạn thiết lập trong trải nghiệm mà thời gian này cũng sẽ thay đổi nhanh hoặc chậm hơn. Thế nhưng, ở góc độ người chơi thì tôi có cảm giác hệ thống parry khá vụng về chứ chưa được “tinh xảo” như Sekiro, thường đòi hỏi thời điểm bấm nút chính xác có vẻ thuyết phục nhưng lại rất vô lý. Chính vì thế nên giải pháp lăn người né tránh vẫn được tôi chuộng và tin cậy hơn.
Vấn đề này không ít lần khiến tôi khá khổ sở khi đánh boss do đòi hỏi nhấn nút parry chính xác từng mili giây thời điểm. Đáng nói, ở thiết lập độ khó Jedi Grand Master thì hệ thống này còn khiến bạn “hết hồn chim én” hơn vì kẻ thù có thể ra tay nhanh đến mức khiến bạn “toang” trong chớp mắt. Trong khi đó, trò chơi lại không có hệ thống autosave mà mọi chuyện đều phụ thuộc vào điểm Meditation được đặt rải rác khắp màn chơi, đôi khi trong những nơi bí mật nữa. Đây cũng là nơi để bạn ‘Rest’ cho mục đích “hồi sức” hoặc mở khóa kỹ năng cho nhân vật, dựa trên điểm kỹ năng có được thông qua trải nghiệm chiến đấu và thu thập. Tuy nhiên, Rest không những hồi máu và vật phẩm hồi máu cho bạn mà còn khiến tất cả kẻ thù cũng hồi sinh theo.
Cách thiết kế này khá hay về mặt ý tưởng khuyến khích người chơi “liều ăn nhiều”, nhưng lại trở thành thảm họa khi game bị crash hoặc treo. Đó cũng là vấn đề mà tôi gặp phải đôi lần trong trải nghiệm, ngay cả với bản cập nhật mới nhất ở thời điểm bài viết, ức chế vô cùng. Lời khuyên của tôi là đừng bỏ lỡ việc sử dụng Meditation bất kỳ khi nào bạn thấy nó. Tuy nhiên, hệ thống kỹ năng của Cal mang chút cảm giác gò bó vì bạn chỉ mở khóa hạn chế một số lượng kỹ năng nhất định khi chơi đến phân đoạn cụ thể. Thiết kế này có vẻ để tránh trường hợp người chơi lợi dụng hệ thống Meditation hồi máu Cal và hồi sinh kẻ thù cho mục đích cày XP và điểm kỹ năng, khiến nhân vật trở nên quá mạnh.
Bù lại, các câu đố trong game lại được xây dựng khá ấn tượng với mức độ “hại não” tăng dần, mang đến cảm giác thỏa mãn hơn về tính thử thách so với Shadow of the Tomb Raider hay series Uncharted. Người chơi không chỉ phải quan sát môi trường cẩn thận mà còn phải biết nắm bắt đúng thời điểm và xem xét cẩn thận quy luật diễn ra. Dù vậy, có một điểm mà tôi cảm thấy khá thất vọng chính là khả năng tương tác với môi trường của người chơi. Mang tiếng là sử dụng lightsaber nhưng khả năng “chặt chém môi trường” của Cal khá hạn chế. Bạn sẽ gặp rất nhiều chướng ngại vật chỉ là vài thanh sắt hoen gỉ mỏng te, nhưng lại chẳng thể dùng lightsaber để “chẻ” nó thành mớ sắt vụn mà phải loay hoay tìm cách giải đố để vào “đường đường chính chính”.
Tương tự, người chơi cũng không thể dùng kiếm ánh sáng để chẻ đôi cánh cửa mà luôn phải mở cửa ra vào rất từ tốn. Nếu cửa khóa thì lại tìm đường khác để vào mở cửa, cảm giác như có gì đó sai sai. Mặc dù bạn được bù lại bằng lượng vật phẩm thu thập khổng lồ để tô điểm cho Cal, BD-1, lightsaber và cả phi thuyền vũ trụ, nhưng ít nhiều vẫn khiến trải nghiệm Star Wars Jedi: Fallen Order có phần nào kém hào hứng. Như đã nói ở trên, những vật phẩm thu thập này chỉ để tô điểm với mục đích làm đẹp chứ hoàn toàn không có tác động gì đến trải nghiệm. Có lẽ nó được thiết kế chủ yếu dành cho những ai yêu thích thương hiệu Star Wars hơn.
Sau cuối, Star Wars Jedi: Fallen Order mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động giải đố khá xuất sắc ở nhiều khía cạnh. Một số vấn đề của trò chơi có thể khiến “cuộc chơi” bớt chút hào hứng, nhưng những gì mà tựa game này mang đến kỳ thực rất tuyệt vời và hấp dẫn, không chỉ với người chơi mới mà cả những ai yêu thích cái tên Star Wars. Nếu yêu thích thể loại này, đây đích thực là cái tên mà bạn không nên bỏ lỡ.
Star Wars Jedi: Fallen Order được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One. Xem thêm các bài kinh nghiệm chơi game Star Wars Jedi: Fallen Order.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!