Song of Horror: Episode 1 là phần chơi mở đầu cho trải nghiệm kinh dị sinh tồn mang nhiều cảm hứng từ những cái tên kinh điển thuộc thể loại này ngày xưa.
Kỳ thực, Song of Horror có màn “chào sân” bằng Episode 1 và 2 gây nhiều tiếng vang từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất hai episode này, tôi quyết định tạm hoãn viết về game vì nhiều lý do. Một trong số đó là nội dung khá hấp dẫn được chia thành nhiều episode khác nhau, khiến trải nghiệm gián đoạn quá lâu sẽ giảm đi sự hào hứng rất nhiều. Ở góc độ người chơi, đây là một trong những tựa game kinh dị hiếm hoi vẫn giữ được cảm giác căng thẳng thường trực, dễ khiến bạn “vỡ tim” trong trải nghiệm và chắc chắn không dành cho những ai yếu bóng vía.
Song of Horror: Episode 1 mang cảm giác được lấy cảm hứng từ series Alone in the Dark trong cách xây dựng yếu tố kinh dị. Trò chơi không cần sử dụng chiêu trò để hù dọa người chơi như thường thấy trong những tựa game cùng thể loại khác trên thị trường, chẳng hạn như Layers of Fear. Thay vào đó là tạo cảm giác căng thẳng thường trực xuyên suốt trải nghiệm, khiến người chơi lúc nào cũng trong tình trạng “căng như dây đàn”. Khi đó, bất kỳ một chất xúc tác nào dù chỉ là ngẫu hứng hay được sắp đặt cố ý cũng khiến người chơi “cứng cựa” đôi lúc cũng không tránh khỏi cảm giác giật mình.
Thậm chí, ngay cả yếu tố câu chuyện kể cũng được nhà phát triển chú ý đầu tư. Episode 1 mở đầu câu chuyện khởi nguồn với phần giới thiệu về nhân vật Sebastian Husher, một nhà văn nổi tiếng bỗng nhiên mất tích cùng với gia đình. Lo lắng trước sự biến mất đột ngột này, tổng biên tập đã nhờ trợ lý đến nhà ông nhà văn để tìm hiểu, nhưng nhân vật này cũng một đi không trở lại. Người chơi là một trong số những người tiếp cận để điều tra sự mất tích của người trợ lý, từ đó mở ra câu chuyện kinh dị về một thực thể bí ẩn được gọi là Presence. Nhân vật phản diện này chính là điểm nhấn xuyên suốt 5 episode của Song of Horror.
Về cơ bản Presence là một AI với khả năng “ham học hỏi” từ cách chơi của mỗi người. Chính vì vậy, tùy vào trải nghiệm của bạn như thế nào mà nhân vật phản diện này sẽ có cách hành xử khác nhau. Nó biết giám sát người chơi và phản ứng lại dựa trên nhiều điều kiện, chẳng hạn như khoảng cách và thời gian tiếp cận vùng cấm địa của nó từ nhân vật chính v.v… Ý tưởng này được nhà phát triển Protocol Games xây dựng từ pha “hú hồn con chó” trong Resident Evil kinh điển mà chắc chắn rất nhiều người chơi từng thót tim khi đối mặt với nó. Thế nhưng, Presence còn làm tốt hơn thế vì nó không không hành động rập khuôn theo kịch bản tuyến tính.
Thay vào đó, nó sẽ quan sát người chơi dựa trên quy luật và hành vi của bạn, từ đó tự thay đổi phản ứng bằng một pha “hết hồn chim én” hoặc khiến người chơi sợ muốn vỡ tim. Thậm chí, nếu có thần kinh thép với “trái tim yếu đuối”, mỗi lượt chơi lại bạn cũng sẽ thấy thay đổi hành vi rất khó đoán của Presence, không lần nào giống lần nào. Thế nhưng, vai phản diện chưa lộ diện này không phải yếu tố gameplay hấp dẫn duy nhất trong Episode 1 nói riêng và Song of Horror nói chung mà còn có perma-death. Mô tả đơn giản, nếu người chơi để nhân vật chết, bạn sẽ phải tiếp tục cuộc phiêu lưu cũ với nhân vật mới.
Tuy nhiên, nếu mắc sai lầm nhiều đến mức khiến tất cả các nhân vật đều “mất tích”, người chơi phải “làm lại từ đầu” episode. Thiết kế “nhẹ hẫng” này nâng khía cạnh căng thẳng của trò chơi lên cao hơn rất nhiều so với những tựa game cùng thể loại khác trên thị trường. Đáng chú ý, mỗi nhân vật cũng có ưu và khuyết điểm riêng, góp phần làm thay đổi khía cạnh trải nghiệm theo hướng được này mất kia. Đơn cử như nhân vật có sức khỏe kém sẽ gặp nhiều khó khăn trong những phân đoạn “giữ cửa” đặc trưng, nhưng khả năng giải đố sẽ tốt hơn và ngược lại. Không phải nhân vật nào cũng giống nhau mà chỉ khác biệt về tạo hình như bạn dễ lầm tưởng.
Chưa hết. Nếu có gì để tiếp tục khen, có lẽ không thể không nhắc đến khía cạnh âm thanh tiếng động và phần lồng tiếng thổi hồn cho các nhân vật quá tốt. Từ tiếng bước chân trên sàn gỗ nghe cót két cho đến giọng cười man rợ dựng tóc gáy của những thực thể ẩn giấu đâu đó trong bóng tối, tạo không khí căng thẳng như dây đàn sắp đứt. Kết hợp yếu tố này với Presence đang lởn vởn đâu đó rình bạn như một con mồi, việc mở từng cánh cửa cũng đòi hỏi người chơi phải nghe ngóng tiếng động cẩn thận. Một sai lầm khi mở cửa có thể “hô biến” nhân vật mà bạn đang điều khiển như chưa từng xuất hiện.
Không những vậy, người chơi còn gặp rất nhiều những hình ảnh thoáng qua trong tình huống “vô tình thôi”, nhưng đủ khiến những ai có trái tim yếu đuối muốn són ra quần mà không cần pha jump-scare “hết hồn chim én” như thường thấy. Đáng chú ý, đồ họa cũng là một điểm cộng của Song of Horror với hiệu ứng ánh sáng xử lý rất tốt, tạo cảm giác không gian đáng sợ thật sự ngay cả trong những khung hình nhiều ánh sáng. Dù vậy, phần lớn trải nghiệm diễn ra ở những khung cảnh thiếu sáng nên tầm nhìn nhân vật khá giới hạn, trong khi camera thường giữ cố định buộc người chơi thỉnh thoảng phải tự điều chỉnh lại theo “nhu cầu” khá phiền.
Sau cuối, Song of Horror: Episode 1 mở màn quá xuất sắc cho trải nghiệm kinh dị sinh tồn hấp dẫn và không kém phần đáng sợ trong Song of Horror. Trải nghiệm ban đầu đầy hứa hẹn khiến tôi càng tin rằng Episode 2 sẽ có thêm nhiều yếu tố “trăm nghe không bằng mắt thấy”, tiếp tục sứ mệnh gieo vào lòng người chơi cảm giác sợ hãi kinh hoàng hơn. Kỳ thực, đây là phần chơi xuất sắc hiếm hoi không thể thiếu trong thư viện game của những ai yêu thích thể loại cần đến “thần kinh thép” này.
Song of Horror: Episode 1 hiện chỉ có trên PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!