Someday You’ll Return là game phiêu lưu thiên về câu chuyện kể nhuốm màu sắc tâm lý rùng rợn, kết hợp cùng hệ thống chế tác để mang đến trải nghiệm khá hấp dẫn ở những khía cạnh mà nhà phát triển làm tốt.
Bạn sẽ làm gì nếu có con gái mất tích và thông tin định vị cho thấy cô bé đang ở một nơi rất xa? Someday You’ll Return dẫn dắt người chơi vào câu chuyện đơn giản như thế, nhưng cũng khiến tôi “hú hồn” khi mở đầu có phần giống Blair Witch. Cũng nhân vật chính lái xe vào rừng tìm kiếm, nhưng thay vì có chú chó trung thành đi cùng giúp “hóa giải” những hiểm họa vô hình, giờ đây nhân vật chính Daniel chỉ có một mình. Dường như chẳng có mối nguy hiểm nào ngoài những cơn ác mộng của nhân vật chính hay là bạn tưởng thế?
Đồ họa có lẽ là điểm hút mắt người chơi đầu tiên, nhưng tôi sẽ nói đến yếu tố câu chuyện kể trước. Về cơ bản, nội dung được kể lại thông qua những lời lầm bầm trong tức giận của nhân vật chính và thay đổi thái độ về sau. Nó không phải câu chuyện kể quá rõ ràng mà được xây dựng khá thú vị để người chơi hiểu được loáng thoáng chuyện gì đã xảy ra. Kỳ thực, biên kịch khá chắc tay khi cung cấp thông tin vừa đủ với nhịp độ chậm rãi, gợi sự tò mò mà không khiến người chơi hoàn toàn mù mờ ở khía cạnh nội dung.
Thú vị hơn, câu chuyện kể trong Someday You’ll Return luôn có những nút thắt cần thiết làm điểm nhấn, nhưng không tạo cảm giác dài lê thê hay dễ đoán như một số tựa game thường mắc phải trong xây dựng kịch bản. Thậm chí, cái kết của trò chơi cũng là khoảnh khắc khá ấn tượng, ít nhiều cũng đọng lại trong tâm trí tôi sau khi kết thúc trải nghiệm. Nếu nhiêu đó chưa đủ hấp dẫn, bạn sẽ còn hào hứng hơn khi biết game có giá trị chơi lại ở mức tương đối với cái kết tùy thuộc vào hành động của người chơi trong trải nghiệm.
Quay lại với câu chuyện đồ họa của Someday You’ll Return. Kỳ thực, mỗi khung cảnh trong trò chơi trông không khác gì một tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí, bạn sẽ càng ấn tượng hơn khi biết rằng game xây dựng màn chơi rất rộng lớn dù không phải thiết kế thế giới mở. Thậm chí, tôi khá bất ngờ khi không có tình trạng sao chép khung cảnh cũ như một số tựa game từng bị “bắt quả tang”. Theo chia sẻ của nhà phát triển, phong cảnh trong game được tái hiện lại từ cảnh thật ở Cộng Hòa Séc, chỉ là không phải “sao y bản chính”.
Trải nghiệm Someday You’ll Return chủ yếu xoay quanh yếu tố phiêu lưu tìm đường và giải đố. Tuy nhiên, trò chơi không “cầm tay chỉ việc” mà đòi hỏi người chơi phải tự tìm đường. Việc đi lạc trong trường hợp này đôi khi cũng khá ức chế, nhất là những bạn nào mắc chứng mù đường. Yếu tố giải đố cũng vậy. Các câu đố trong game “không phải dạng vừa đâu” và thường ít thể hiện rõ ràng, buộc người chơi phải chú ý một chút đến môi trường xung quanh để tìm thông tin cần thiết. Dù vậy, trò chơi cũng có gợi ý trong Journal khi cần.
Ở góc độ người chơi, nhà phát triển CBE software cân bằng khá tốt giữa không khí pha chút rùng rợn và nhịp độ liên tục thay đổi. Xen kẽ đó là yếu tố giải đố và khám phá cùng nhiều bí mật ẩn giấu dưới dạng vật phẩm thu thập, giúp trải nghiệm game không khi nào nhàm chán. Đơn cử như các mã QR rải rác trong suốt trải nghiệm mà bạn có thể sử dụng ứng dụng quét mã để “nhận thưởng” khá thú vị. Đáng chú ý, dù đồ họa đẹp và giống thật dễ dàng phát huy hiệu quả hù dọa, nhưng Someday You’ll Return lại rất hạn chế các cảnh này.
Thay vào đó, nhà phát triển dường như muốn hướng người chơi vào yếu tố khám phá và giải đố nhiều hơn để phô bày đồ họa. Yếu tố tâm lý rùng rợn giống như phương tiện để mang thêm sắc màu cho trải nghiệm hơn. Thế nhưng, nếu đi lạc chưa đủ khiến bạn ức chế thì giải đố có thể sẽ là điểm trừ không nhỏ của game. Phần lớn các câu đố đều liên quan đến những vật phẩm mà bạn thu thập được trước đó. Nếu sơ sót để lỡ một món đồ và phải vòng lại khu vực cũ để tìm, chắc chắn bất kỳ người chơi nào cũng khó lòng cảm thấy hào hứng.
Đáng nói, Someday You’ll Return có một số phân đoạn hành động lén lút mà tôi nghĩ nó khá khiên cưỡng ở khía cạnh gameplay. Tuy nhiên, do “chiếm sóng” rất ít nên có thể du di cho qua. Ngược lại, thiết kế màn chơi rộng lớn và không có chỉ dẫn “cầm tay chỉ việc” có thể trở thành con dao hai lưỡi trong trải nghiệm. Điều này đặc biệt đúng khi bầu không khí căng thẳng và đáng sợ, rất dễ biến thành nỗi ức chế khi phải đi lòng vòng để tìm đường. Chỉ có thiết kế những không gian đóng chật hẹp là mang đến cảm giác tìm đường tốt hơn.
Dù vậy, Someday You’ll Return vẫn có điểm trừ nhỏ khác liên quan đến hỗ trợ tay cầm. Đây là điểm trừ khiến tôi khá ngạc nhiên khi nhà phát triển vốn đã có kế hoạch phát hành game trên các hệ console vào cuối năm nay. Vấn đề ở chỗ, mặc dù điều khiển nhân vật di chuyển bằng tay cầm khá tốt, nhưng các tương tác với menu hay giao diện game đều vô cùng khó chịu. Về cơ bản, các thao tác này trên tay cầm chỉ mô phỏng di chuột y như Earthfall: Alien Horde, nhưng CBE software hứa sẽ sớm có bản vá giải quyết vấn đề này.
Sau cuối, Someday You’ll Return mang đến một trải nghiệm phiêu lưu rùng rợn rất hấp dẫn và tuyệt vời, được xây dựng nhiều cơ chế gameplay thú vị. Chế thuốc là một trong số đó. Nếu có chút kiên nhẫn, yêu thích khám phá và trải nghiệm game thiên về câu chuyện kể, đây chắc chắn là cái tên rất đáng chú ý mà bạn không nên bỏ qua.
Someday You’ll Return hiện chỉ có cho PC (Windows). Bản PS4 và Xbox One dự kiến ra mắt vào cuối năm 2020.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác