Pronty là game phiêu lưu hành động mang thiết kế metroidvania từ nhà phát triển 18Light với nhiều ý tưởng thú vị. Trò chơi kết hợp bối cảnh thành phố Royla dưới đáy đại dương cùng hệ thống chiến đấu twin-stick độc đáo, mang đến trải nghiệm hấp dẫn và không kém phần bất ngờ. Tuy trò chơi gây ấn tượng với phong cách đồ họa art-deco độc đáo và tạo hình nhân vật kiểu hoạt hình nhưng khá hạn chế ở khía cạnh khám phá, mang nhiều cảm giác trải nghiệm tuyến tính khi so với những cái tên như Hollow Knight hay Metroid Dread.
Kỳ thực, các địa danh trong Pronty được thiết kế phức tạp với mức độ chi tiết cao gợi nhớ đến BioShock là điểm cộng đầu tiên đập vào mắt người viết. Từ yếu tố trang trí đậm tính nghệ thuật khắp thành phố Royla cho tới tạo hình kẻ thù mà bạn phải đối mặt trong suốt trải nghiệm game. Đồ họa góp phần không nhỏ mở rộng yếu tố kể chuyện thông qua những hình ảnh vẽ tay trong game. Bạn có thể thấy rõ điều này từ những công trình đổ nát hay gian phòng bị hư hại khắp nơi trong suốt cuộc phiêu lưu của cặp đôi nhân vật chính Pronty và Bront.
Nhắc đến đồ họa không thể không nhắc đến nhạc nền và thiết kế âm thanh đóng vai trò không nhỏ tạo nên nhiều cảm xúc trong trải nghiệm game. Đội ngũ phát triển 18Light kết hợp độc đáo giữa những bản nhạc nhẹ nhàng và âm thanh để tạo nên sự khác biệt cho mỗi địa danh. Chẳng hạn ở đầu trải nghiệm, khi mọi thứ còn mơ hồ là tiếng dương cầm tạo cảm giác mông lung xen kẽ tiếng bong bóng dưới nước. Khi bạn khám phá địa danh mới sẽ có tiếng đàn violin chậm rãi cất lên mang đến cảm giác rất ‘chill’ trong trải nghiệm game.
Thế nhưng dù cốt truyện khá thú vị với nhiều thông điệp đáng suy ngẫm, nhưng cách kể chuyện lại không phải điểm cộng của trò chơi. Thay vì chấp bút phần thoại dài và tần suất ít hơn, đội ngũ phát triển chọn giải pháp liên tục tạm dừng trải nghiệm để lồng câu chuyện kể vào mỗi khi có tình tiết mới phát sinh. Cách làm này vô tình phá vỡ nhịp độ chơi nhiều đến mức khiến người viết cảm thấy khó chịu. Mặt khác, cốt truyện diễn ra đều đều và hiếm khi phân nhánh cũng góp phần làm giảm sức hút của khía cạnh kể chuyện.
Ở góc độ người chơi, những game như Blasphemous và Hollow Knight xây dựng khía cạnh này tốt hơn Pronty nhiều. Hầu hết những thông tin về bối cảnh thành phố Royla được thu thập trong quá trình khám phá thông qua các tài liệu ghi chép, cộng với dữ liệu do nhân vật Bront tự bổ sung. Mặc dù cốt truyện kết hợp cùng gameplay chưa tốt, nhưng sự bí ẩn của nền văn minh dưới đáy đại dương này vẫn là điểm cộng đầy cuốn hút. Mỗi thông tin thu thập được từ trải nghiệm càng khiến người viết tò mò muốn tìm hiểu thêm.
Lối chơi của Pronty được thiết kế như các game metroidvania truyền thống, đưa người chơi khám phá bản đồ rộng lớn với các khu vực liên thông, chiến đấu với kẻ thù và boss xen kẽ với các kỹ năng mới và tìm những vật phẩm thu thập. Khác biệt lớn nhất của trò chơi là cơ chế chiến đấu thông qua nhân vật đồng hành. Về cơ bản, Bront tấn công theo thao tác người chơi dưới sự điều khiển của cần analog phải. Nếu bạn giữ nút tấn công thì Bront hóa thành màn chắn tự động tấn công cận chiến bất kỳ kẻ thù nào tiếp cận.
Thiết kế này tạo cảm giác chiến đấu khá vụng về, nhất là khi đối mặt với nhiều kẻ thù. Thao tác điều khiển thường khiến người viết mỏi tay khi chơi trên máy Switch ở chế độ handheld. Tôi không biết đây có phải chủ ý thiết kế của đội ngũ phát triển nhưng những trận đánh trong Pronty khá mất thời gian, cảm giác như sát thương do Bront gây ra không đủ hoặc boss có máu quá “trâu”. Điều này đặc biệt đúng khi boss chiến, dù không thể phủ nhận cảm giác thử thách những trận đối đầu khá hoành tráng và hào hứng này gợi nhớ đến MO:Astray.
Xen kẽ với các trận chiến trong Pronty là trải nghiệm khám phá tương tự Shinsekai Into the Depths và Earth Atlantis, đòi hỏi người chơi phải di chuyển tới lui giữa các khu vực mới và cũ mỗi khi mở khóa kỹ năng mới. Tuy nhiên cũng giống như hai cái tên kể trên, người chơi có rất ít không gian tự do khám phá vì mọi thứ được thiết kế có phần tuyến tính. Bù lại, trò chơi có điểm dịch chuyển nhanh và save point rất nhiều trong suốt trải nghiệm game, cộng với một số thử thách có tính tưởng thưởng cao cho công sức mà bạn bỏ ra.
Hệ thống kỹ năng trong Pronty gọi là Memory Board cũng rất có chiều sâu khi cho phép người chơi đa dạng hóa chiến thuật trong trận chiến. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của nó là các kỹ năng mới được mở khóa rất lâu và lượng kỹ năng được trang bị khá hạn chế, đẩy người chơi vào thế khó khi phải cân đo đong đếm hiệu quả chiến thuật khi chỉ có thể sử dụng số lượng kỹ năng nhất định. Ngược lại, thiết kế này cũng đồng thời khuyến khích bạn thường xuyên thử nghiệm cách xây dựng bộ kỹ năng khác nhau hơn.
Một vấn đề mà tôi không thể không đề cập là Pronty không phù hợp cho trải nghiệm handheld. Trò chơi sử dụng cỡ chữ rất nhỏ trong giao diện game nên rất khó đọc trên màn hình máy Switch và Steam Deck. Trải nghiệm trên Nintendo Switch Lite có màn hình nhỏ hơn càng không khả thi. Chưa kể, cơ chế điều khiển twin-stick đặc trưng của trò chơi khiến việc trải nghiệm trên máy Switch ở chế độ handheld rất mau mỏi tay, khuyến cáo bạn gắn dock khi chơi game và dùng Pro Controller để có trải nghiệm tốt hơn.
Sau cuối, Pronty mang đến một trải nghiệm metroidvania khá hào hứng, nhưng cũng mắc phải một số thiết kế có thể gây khó chịu cho những người chơi khó tính. Nếu bạn thuộc mẫu người chơi chú trọng yếu tố thiết kế thế giới game, cơ chế gameplay độc đáo và những trận đánh boss hoành tráng, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu cho thư viện game.
Pronty hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!