Khoảng một năm nay, khá nhiều tựa game thuộc thể loại chiến thuật theo lượt đổ bộ lên nền tảng Nintendo Switch sau khi phát hành “chán chê” trên những nền tảng khác. Phantom Doctrine cũng vậy, nhưng với bối cảnh vào thời kỳ chiến tranh lạnh trong một trải nghiệm chiến thuật theo lượt hấp dẫn. Sau một thời gian phát hành trên nhiều nền tảng khác nhau, bến đỗ cuối cùng của trò chơi là nền tảng của Nintendo.
Tôi thích Phantom Doctrine ngay từ cốt truyện với bối cảnh độc đáo và đề tài phản gián hiếm thấy trong trải nghiệm game. Trò chơi đưa bạn nhập vai các điệp viên CIA hoặc KGB có nhiệm vụ triệt phá Beholder Initiative, một tổ chức xấu xa được cho là đứng đằng sau một âm mưu thống trị thế giới. Nhiệm vụ của bạn là phải chặn đứng kế hoạch nguy hiểm mang tính mưu lợi cá nhân này. Tất nhiên, tổ chức này chẳng hề liên quan gì đến tựa game Beholder đâu nhé.
Điều thú vị và cũng đồng thời hết sức thảm họa là Phantom Doctrine sở hữu những hệ thống gameplay phức tạp và liên kết chặt chẽ lẫn nhau. Thế nhưng, những thông tin về cách thức hoạt động của chúng đều không được giải thích rõ ràng trong game. Người chơi chỉ được hướng dẫn yếu tố cơ bản thông qua một nhiệm vụ tutorial mô tả ngắn gọn, cùng một số mẹo xuất hiện trong suốt trải nghiệm mỗi khi bạn mở khóa những cơ chế mới. Một khởi đầu chẳng hề dễ chịu mà quả thật là vậy.
Ngay từ nhiệm vụ đầu tiên, Phantom Doctrine đã khiến tôi cảm thấy hết sức ức chế vì điều này khi buộc người chơi phải “tự lực cánh sinh” để vượt qua. Kỳ thực, đây là một tựa game khá hấp dẫn với những ai yêu thích series XCOM, nhưng đó là khi bạn hiểu được rõ ràng cơ chế hoạt động của trò chơi. Trong trường hợp ngược lại, trải nghiệm sẽ hết sức khó chịu khi tựa game này hướng đến yếu tố hành động lén lút trong cách tiếp cận kẻ thù ở khía cạnh gián điệp, chứ không phải góc độ “tất sát” là thắng.
Lối chơi trong Phantom Doctrine khá quen thuộc nếu bạn đã từng chơi những tựa game thuộc thể loại này. Trò chơi sử dụng góc nhìn chéo từ trên xuống với yếu tố Action Point (AP) cho các hành động của nhân vật. Người chơi có thể tuyển dụng và đào tạo các điệp vụ mới, đưa họ đi đến nhiều địa danh trên khắp thế giới với mục đích là thu thập các thông tin quan trọng cho sứ mệnh cao cả. Tuy nhiên, những nhiệm vụ thu thập thông tin này có thể làm lộ vỏ bọc điệp viên tùy vào cách mà bạn triển khai nhiệm vụ.
Người chơi sẽ bắt đầu với các khu vực định trước cùng một loạt các yêu cầu nhiệm vụ và triển khai bằng các hành động lén lút. Mục đích lớn nhất vẫn là tránh gây động đến kẻ thù. Nếu không, đó thật sự là một thảm họa vì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể tiêu diệt toàn bộ kẻ thù trong các nhiệm vụ này. Người chơi phải đưa ra những chiến lược cụ thể cho từng hành động của các điệp viên, tính toán cẩn thận để không vô tình hay sơ suất trong các pha hành động lén lút. Thế nhưng, nói thì dễ hơn làm.
Giám sát người chơi không chỉ có những tên lính cầm súng và di chuyển qua lại giữa các khu vực, mà còn có những camera giám sát và nhiều yếu tố khác. Không những vậy, phần lớn nhiệm vụ thường đòi hỏi bạn phải tiếp cận một căn phòng nào đó mà không biết trước điều gì sẽ chờ bạn trong đó. Có khi chỉ là một căn phòng trống nhưng cuộc sống mà, điều đó rất hiếm khi xảy ra trong những hoàn cảnh như thế này. Chỉ có một cách duy nhất để biết được phía sau một cánh cửa đóng là điều gì. Bạn hiểu không?
Phantom Doctrine đòi hỏi người chơi phải lên kế hoạch cẩn thận trong từng hành động. Chẳng hạn như đối với các camera an ninh, bạn có thể di chuyển tránh khỏi tầm nhìn của chúng, tìm cách vô hiệu hóa chúng từ trung tâm điều khiển hoặc chọn cách đơn giản và ồn ào nhất là “cho nó một lỗ đạn”. Mỗi giải pháp trong trường hợp này đều có ưu và khuyết điểm rõ ràng, gián tiếp tác động đến những hành động sau đó của người chơi mà hậu quả đôi khi không diễn ra như bạn lên kế hoạch ban đầu.
Chẳng hạn như lựa chọn bắn vỡ camera giống như trong game Kingsman – The Secret Service Game. Bắn thì quá đơn giản, nhưng bạn sẽ gây ra tiếng ồn khiến kẻ thù bật báo động và chúng sẽ mất vài lượt để kéo đến vây kín vị trí phát ra tiếng động. Không chỉ vậy, nếu sử dụng súng đạn để “giải quyết” màn chơi, kẻ thù có thể gọi thêm tiếp viện kéo tới tiêu diệt bạn. Một sai lầm trong hành động sẽ gây tai họa rất lớn, tác động đến sự thành bại của nhiệm vụ và khả năng sống sót của các điệp viên.
Thời gian đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi nhiệm vụ. Kim chỉ nang cho toàn bộ trải nghiệm là vào nhanh, rút nhanh mà phải êm và gọn nữa. Nếu bạn đặt kẻ thù vào tình trạng báo động quá sớm ngay từ đầu màn, người chơi gần như không có cơ hội nào để vượt qua màn chơi khi phải chiến đấu với chúng. Đây là một thiết kế rất hay, không những giống ngoài đời thật mà còn mang đến sự kịch tính cho trải nghiệm game, điều mà Phantom Doctrine luôn làm rất tốt.
Người chơi phải tiến hành mọi thứ như một điệp viên thực thụ, giảm mọi yếu tố chiến đấu nếu không cần thiết. Chiến đấu là một yếu tố bất lợi, dù nó diễn ra trong game khá giống ngoài đời thật. Điểm thú vị là Phantom Doctrine không có tỷ lệ trúng trật mang tính ngẫu nhiên như series XCOM mà thay vào đó, các điệp viên có một yếu tố gọi là awareness (sự phòng bị) mà sẽ mất dần đi mỗi khi bạn chủ động tấn công, sử dụng kỹ năng hoặc thực hiện bất kỳ điều gì cần đến sự tập trung.
Không chỉ vậy, awareness cũng đóng vai trò không nhỏ trong khả năng phòng thủ của mỗi điệp viên. Nếu bị kẻ thù bắn, yếu tố này sẽ quyết định khả năng trúng đạn không trượt phát nào hay chỉ sượt qua để lại một vết thương nhỏ hay may mắn hoặc tệ hơn thế. Đó là một cơ chế gameplay khá phức tạp, nhưng chung quy vẫn là mỗi khi bạn “triển” một hành động nào với kẻ thù, yếu tố này sẽ là rào cản giữa rủi ro và cơ hội mà người chơi phải cân nhắc.
“Ra tay” với kẻ thù càng làm suy giảm yếu tố này, khiến các điệp viên dễ trúng đạn khi chiến đấu. Đây chắc chắn là điều bạn không bao giờ muốn xảy ra, đồng nghĩa người chơi phải tính kỹ trước khi hạ gục một kẻ thù nào đó, phân tích thiệt hơn liệu hành động này có tương xứng với cái giá mà điệp viên phải trả không. Trải nghiệm Phantom Doctrine là thế, đặt tính chiến thuật vào yếu tố hành động lén lút, giống như trò mèo vờn chuột vậy.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của trò chơi có lẽ nằm ở yếu tố trải nghiệm lâu dài, khi người chơi đã rành rẽ mọi cơ chế gameplay và có xu hướng tự làm cũ đi lối chơi khá hấp dẫn của Phantom Doctrine. Ở góc độ người chơi, kỳ thực tựa game này khuyến khích lối chơi sáng tạo và mạo hiểm với những trải nghiệm mang tính thử nghiệm hơn. Đáng tiếc là điều đó có vẻ khó thuyết phục người chơi khi bạn muốn tìm trải nghiệm dễ hơn, nhất là với độ khó khá cao của trò chơi không thua gì game Battle Worlds: Kronos cùng thể loại.
Ban đầu, tôi cũng vướng vào vấn đề nói trên. Rõ ràng, tẩy não điệp viên kẻ thù, lợi dụng chúng để thâm nhập sâu hơn vào căn cứ hay dùng một khẩu súng hãm thanh để từ từ “hãm thanh” mọi kẻ thù mang đến một cảm giác khá thỏa mãn, dễ khiến bạn không có động cơ để thay đổi lối chơi quen thuộc và tự dẫn trải nghiệm hấp dẫn vào một lối mòn nhàm chán. Trong khi đó, các nhiệm vụ thường được thiết kế để cố gắng buộc bạn bước ra khỏi lối mòn đó và chiến đấu, nên dễ tạo cho người chơi cảm giác khá lẫn lộn khi “xung trận”.
Tuy nhiên, nhiêu đó chỉ mới là một nửa trải nghiệm trong Phantom Doctrine. Nửa còn lại là yếu tố quản lý căn cứ với các mở khóa và nâng cấp đóng vai trò không nhỏ trong trải nghiệm game. Người chơi thậm chí có thể chế tạo ra những món đồ khá quan trọng như ống hãm thanh mà tôi đề cập ở trên. Bạn cũng có thể tạo ra danh tính mới cho các điệp viên bị “lật mặt”, điều chỉnh ADN của điệp viên để tăng giảm chỉ số và rất nhiều cơ chế gameplay vô cùng hấp dẫn khác như di dời căn cứ chẳng hạn, mang cảm giác như đang điều hành cơ quan phản gián thật sự.
Sau cuối, Phantom Doctrine mang đến một trải nghiệm chiến thuật hành động lén lút vô cùng hấp dẫn về nội dung tình báo dựa trên thời kỳ chiến tranh lạnh năm 1983. Song hành với đó là nhiều cơ chế gameplay phức tạp, tạo sự khác biệt cho trò chơi trên thị trường hiện nay. Mặc dù vẫn có một số khiếm khuyết, chủ yếu vì định hướng của game khá nghiêm túc về các yếu tố đời thật trong trải nghiệm, nhưng khó có thể phủ nhận đây là một tựa game khá thú vị và đáng chơi với những ai yêu thích thể loại này.
Phantom Doctrine phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game” plain=”1″]