Onimusha: Warlords là phiên bản remaster của tựa game cùng tên từng được phát hành lần đầu trên nền tảng PlayStation 2 vào những năm 2000.
Onimusha là một series game chặt chém khá nổi tiếng từ thời PlayStation 2, mang nhiều cảm hứng và ý tưởng từ tựa game kinh dị sinh tồn Resident Evil. Thế nhưng, series này đi theo một hướng tiếp cận khác, thiên về lối chơi phiêu lưu hành động chặt chém pha lẫn một chút yếu tố nhập vai hơn. Onimusha: Warlords là phần chơi đầu tiên trong series này và mới đây đã được remaster cho các nền tảng chơi game hiện đại ngày nay.
Về cơ bản, Onimusha: Warlords là một trải nghiệm sinh tồn pha chút kinh dị lấy bối cảnh vào thời Chiến quốc Nhật Bản. Nếu chưa từng trải nghiệm tựa game này trước đây thì bạn có thể hình dung nó giống như game Resident Evil phiên bản đầu tiên, nhưng thay các yếu tố zombie và virus sinh học bằng lũ quỷ trong truyền thuyết của đất nước mặt trời mọc. Trò chơi đưa người chơi đến cuộc chiến của samurai Samanosuke và kunoichi Kaede chống lại lũ quỷ Genma để giải cứu Yuki-hime.
Đồ họa là điểm khiến tôi quan tâm đầu tiên. So với phiên bản gốc trên PlayStation 2, Onimusha: Warlords đã được khoác lên lớp đồ họa HD nhìn sắc nét hơn. Tuy nhiên, ngoài việc texture có độ phân giải cao hơn để mang đến chất lượng đồ họa tốt hơn, toàn bộ hình ảnh đều giữ nguyên như phiên bản gốc của trò chơi. Ngay cả số lượng polygon dựng hình ban đầu của trò chơi gốc cũng được “bảo toàn số lượng” nên không gây được ấn tượng như mong đợi. Chuyển động và biểu cảm của các nhân vật vẫn khá cứng và đơ, không có thay đổi hay điều chỉnh gì.
Một điểm đáng chú ý là tựa game Onimusha: Warlords ở thời điểm phát hành ban đầu vào những năm 2000 sử dụng cảnh nền được render sẵn và hiển thị trong game theo kiểu hình bitmap, nhằm mang đến cảm giác không gian 3D. Đây là cách quen thuộc để giảm tải phần cứng yếu kém của các hệ máy chơi game ở thời điểm đó, tập trung sức mạnh phần cứng vào các chi tiết trên nhân vật hơn. Thế nhưng, phiên bản remaster của trò chơi không thể giải quyết được vấn đề này triệt để, chỉ upscale hình nền dựng sẵn nói trên nên chất lượng khá thấp và kém chi tiết so với tổng thể đồ họa của trò chơi.
Ngay cả các đoạn phim CG của trò chơi cũng được upscale nên chất lượng cũng không cao như mong đợi, dù nó từng là một thành tựu gây nhiều ấn tượng ở thời điểm phát hành ban đầu. Onimusha: Warlords sử dụng xen kẽ các đoạn phim chuyển cảnh bằng CG và game engine nên bạn có thể thấy rõ chất lượng đồ họa khác biệt đáng kể giữa những phân đoạn này. Mặc dù đây không phải là vấn đề trong trải nghiệm, nhưng trò chơi lại không cho phép bỏ qua các đoạn phim chuyển cảnh bằng game engine và gây không ít bực mình trong nhiều phân đoạn.
Đáng chú ý là phiên bản remaster của Onimusha: Warlords so với tựa game gốc có bổ sung một số tính năng mới như hỗ trợ widescreen, nâng độ phân giải game tối đa lên 1440p và tốc độ khung hình khóa ở 60fps. Đáng tiếc là do game được thiết kế ban đầu cho tỷ lệ màn hình 4:3 và các cảnh nền dựng sẵn bang hình bitmap cũng, nên nhà phát triển đã chọn giải pháp widescreen là phóng hình và cắt bớt phần thừa ở cạnh trên và cạnh dưới để tạo tỷ lệ màn hình 16:9. Nói một cách khác, nếu bạn trải nghiệm ở tỷ lệ màn hình mặc định 16:9 của trò chơi thì sẽ phải chấp nhận mất một số chi tiết trong khung hình gốc.
Điểm khác biệt đáng kể nhất giữa bản gốc và remaster của Onimusha: Warlords là soundtrack được thu âm lại với phối khí mới. Ngay cả phần lồng tiếng Nhật của nhân vật chính do diễn viên Kaneshiro Takeshi thể hiện cũng được thu âm lại. Phần điều khiển cũng có những điều chỉnh đáng hoan nghênh. Người chơi nay đã có thể sử dụng cần analog trái để điều khiển nhân vật, hoặc nếu muốn trải nghiệm kiểu cũ thì bạn vẫn có thể dùng D-pad. Tuy nhiên, ở khía cạnh điều khiển thì tôi nhận thấy sử dụng cần analog sẽ làm mất đi một số kỹ năng của nhân vật, khiến trải nghiệm chiến đấu sẽ kém linh hoạt hơn so với sử dụng D-pad như tựa game gốc.
Phần điều khiển cũng có thêm nút chuyển vũ khí giữa trải nghiệm, thế nhưng lại yêu cầu nhân vật phải đứng yên chứ không thể chuyển đổi theo thời gian thật khi đang di chuyển được. Cá nhân tôi thấy tính năng này không thuận tiện trong trải nghiệm lắm, nhất là trong các trận đánh boss hoặc kẻ thù xuất hiện đông trên màn hình. Lẽ ra nhà phát triển nên điều chỉnh cho phép chuyển đổi theo thời gian thật thì sẽ hữu ích hơn. Ngoài ra còn có thêm tính năng mới là Honors, kỳ thực là bảng achievement/trophy quen thuộc nhưng được xây dựng thẳng vào menu của game để giúp bạn dễ truy cập và theo dõi hơn.
Ở góc độ người chơi, Onimusha: Warlords vẫn mang đến cảm giác quen thuộc của tựa game gốc từ thời PlayStation 2, cả những điểm mạnh và điểm yếu của nó ở thời điểm ra mắt ban đầu. Mặc dù trải nghiệm vẫn thú vị với những ai chưa từng trải nghiệm, nhưng nhiều vấn đề thiết kế cũ kỹ của trò chơi không được điều chỉnh trong bản remaster có thể là một trở ngại không nhỏ với những người chơi mới. Đơn cử như góc nhìn camera và hệ thống save game cố định tương tự như Resident Evil thường xuyên gây nhiều khó khăn cho những ai chưa từng có tuổi thơ với tựa game này.
Đó là chưa kể các điểm save game được đặt ở những vị trí không hợp lý. Có vài trận đánh boss mà trước đó không có chỗ save nên nếu sơ suất, bạn có thể phải đi lại một đoạn khá dài nếu quên save game trước đó. Đã vậy, đây không phải là vấn đề duy nhất với các điểm save game, mà nó còn gây phiền phức khi bạn phải xem lại những đoạn phim chuyển cảnh bằng game engine đã từng xem trước đó mà không thể bỏ qua. Nếu là fan của tựa game gốc, tôi nghĩ đây không phải là vấn đề to tát, nhưng chắc chắn những người chơi mới chưa từng trải nghiệm tựa game này sẽ cảm thấy khá ức chế điều này.
Rất may là phần gameplay của Onimusha: Warlords hấp dẫn và chất lượng đến mức có thể khiến bạn nguôi ngoai bớt những vấn đề của trò chơi. Các câu đố trong game tuy không nhiều nhưng tương đối thử thách. Thậm chí nếu chưa từng chơi game gốc hoặc xem hướng dẫn, những câu đố số và ký tự trong trò chơi cũng là một trải nghiệm khá “hại não”. Ngay cả hệ thống chiến đấu và nâng cấp vũ khí cũng được thiết kế tốt và mang đến cảm giác khá thỏa mãn, có thể xem như đây chính là tiền bối của những tựa game như Dark Souls hay Nioh với độ khó “không hề đơn giản” ngay cả ở chế độ Normal.
Ở khía cạnh gameplay, sự kết hợp hai trải nghiệm gần như trái ngược nhau giữa hai nhân vật Samanosuke và Kaede trong Onimusha: Warlords cũng là một thách thức không nhỏ cho người chơi. Chưa kể, game vẫn giữ nguyên yếu tố fan service khá thú vị và không kém phần hài hước lẫn thử thách cũng là một điểm cộng. Tuy nhiên, điều khiến tôi cảm thấy tiếc nhất là phiên bản remaster lại không sử dụng game Genma Onimusha. Đây là phiên bản cập nhật thêm nội dung và tính năng mới của game Onimusha gốc, được phát hành dành riêng cho nền tảng Xbox ngày xưa và vượt trội hơn về mọi mặt so với tựa game gốc ra mắt trên nền tảng PlayStation 2.
Sau cuối, Onimusha: Warlords mang đến một trải nghiệm đáng giá không chỉ cho những người chơi cũ của tựa game này mà ngay cả người chơi mới cũng sẽ cảm thấy hào hứng. Tuy nhiên, một số vấn đề ban đầu của trò chơi chưa được giải quyết trong bản remaster có thể sẽ là trở ngại với không ít người chơi mới. Nếu có thể bỏ qua vấn đề này thì đây là một tựa game rất đáng chú ý.
Onimusha: Warlords được phát hành cho Windows, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!