Romancing SaGa 2: Revenge of the Seven là bản làm lại toàn diện rất thú vị của game nhập vai Romancing SaGa 2 ra mắt lần đầu năm 1993 trên nền tảng Super Famicom. Tuy nhiên, thay vì sử dụng phong cách đồ họa HD-2D trứ danh như bản làm lại Live A Live năm 2022 hay Dragon Quest III HD-2D Remake mới đây, trò chơi lại được xây dựng đồ họa 3D rất táo bạo theo phong cách của bản làm lại Trial of Mana năm nào khiến tôi khá bất ngờ.
Nói vậy không có nghĩa đồ họa của Romancing SaGa 2: Revenge of the Seven không đẹp. Tuy nhiên, gọi là đẹp cũng không hẳn đúng. Mặc dù chỉ đạo nghệ thuật vẫn khá ấn tượng nhưng chất lượng đồ họa nhìn khá cũ, thậm chí có phần ít chi tiết hơn khi so với bản làm lại Trial of Mana vừa đề cập. Chỉ nhìn trang phục với những thớ vải mà nhân vật mặc trên người cũng đủ giúp bạn hình dung mức đồ đầu tư cho khía cạnh hình ảnh trong trò chơi là không cao.
Hiệu ứng ánh sáng một số phân đoạn không tốt, khiến khuôn mặt nhân vật trong không ít trường hợp bỗng tối sầm lại giữa tổng thể. Tóc cũng vậy, trông cứ bết lại chứ không thể hiện rõ sợi tóc. Thường thì tôi ít để ý những tiểu tiết đó khi bắt đầu chìm đắm vào trải nghiệm game. Thế nhưng mỗi lúc tạm dừng nghỉ xả hơi để nhân vật đứng nơi an toàn, tôi lại khó tránh khỏi chút cảm giác khó chịu khi mọi thứ quá rõ ràng trong từng khung hình.
Thành thật mà nói, ngày xưa tôi thường né series SaGa vì thiết kế phi tuyến tính của dòng game này khiến việc trải nghiệm rất nhức đầu. Chỉ cần đọc không cẩn thận lời thoại là rất dễ bí đường, không biết phải làm gì hay đi đâu. Trong khi đó, việc khám phá cũng tương đối hạn chế vì độ khó khá cao của các trận chiến dễ gây nản lòng. Lúc thu hết can đảm ngồi chơi SaGa Frontier Remastered là tôi cũng run lắm chứ không đùa.
Tuy nhiên khi bắt được nhịp, trải nghiệm những game SaGa cũng không đáng sợ như lúc tôi trẻ hơn bây giờ. Thế nên sau đó không lâu, tôi lại hào hứng với trải nghiệm Romancing SaGa -Minstrel Song- Remastered. Dành cho bạn nào không biết, series SaGa được cho là sự kế thừa ý tưởng thiết kế từ phiên bản Final Fantasy 2 kinh điển của thời đại 8bit máy NES ngày xưa. Đó là một trải nghiệm nhập vai kỳ lạ và gây rất nhiều tranh cãi đến mức chia rẽ trong giới mộ điệu.
Thế nên tôi đến với trải nghiệm Romancing SaGa 2: Revenge of the Seven khá thoải mái khi xem những thiết kế gameplay “có một không hai” đó là nét đặc trưng của series này. Cụ thể là thay vì học tuyệt kỹ mới thông qua cơ chế thăng cấp quen thuộc, các nhân vật nâng cao trình độ chiến đấu của họ bằng các loại vũ khí và phép thuật khác nhau dựa trên hành động trong chiến trận. Đó còn là thiết kế phi tuyến tính trao cho người chơi sự tự do khám phá.
Nếu như bạn bảo những cơ chế gameplay này không hề mới trong các trò chơi ngày nay thì điều đó chính xác. Ở một góc độ nào đó, có thể nói series SaGa đã đi trước thời đại khá xa trong xây dựng thiết kế game độc đáo, tạo nên một bản sắc rất riêng cho series này trong suốt các phần chơi kéo dài nhiều thập niên đến nay. Chỉ có vấn đề thiếu tính cầm tay chỉ việc là làm khó người chơi nhiều nhất, nhưng đó kỳ thực cũng là quan điểm thiết kế game nhập vai vào thập niên 90 ngày xưa.
Minh chứng rõ ràng nhất là Softstar Entertainment cũng có thiết kế tương tự với Xuan Yuan Sword: Mists Beyond the Mountains vào cuối thập niên 90. Thiết kế như thế ít nhiều mang đến cảm giác tưởng thưởng rất hấp dẫn mỗi khi bạn tìm được những bí mật giấu kín trong thế giới game. Chỉ là thời đại ngày nay, phần lớn người chơi ít hào hứng với ý tưởng này vì nhiều lý do. Có The World of Kungfu: Dragon and Eagle vẫn dám liều ăn nhiều.
Cốt truyện có lẽ là điểm trừ lớn nhất của Romancing SaGa 2: Revenge of the Seven vì thiếu chiều sâu và không hấp dẫn. Nó đơn giản nhưng câu chuyện kể diễn biến quá nhanh, không bao giờ sa lầy vào sự kịch tính như cốt truyện thường thấy trong các JRPG ngày nay. Mặc dù vậy, điểm trừ này bỗng trở nên nhỏ như con thỏ khi cơ chế gameplay hấp dẫn, linh hoạt đến khó hiểu, đủ sức làm hài lòng những người chơi khó tính và thích đắm chìm trong thử thách.
Đầu tiên là quá trình phát triển nhân vật không theo cách thông thường. Thay vào đó, người chơi phải sử dụng vũ khí và phép thuật để mở khóa các kỹ năng mới. Romancing SaGa 2: Revenge of the Seven có hơn 30 lớp nhân vật cho bạn tha hồ tùy biến nhưng nếu không cẩn thận, người chơi có thể vô tình khiến nhân vật điều khiển “bay màu” vĩnh viễn kể cả nhân vật chính ở thời điểm trải nghiệm game. Càng về sau, bạn càng có nhiều tùy chỉnh để tối ưu hóa nhân vật hơn.
Ở giai đoạn cuối, bạn sẽ mở khóa được lớp nhân vật có sự kết hợp của nhiều khả năng khác nhau, mang đến những nhân vật đa năng có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong chiến đấu. Thêm vào đó là người chơi có thể vô hiệu hóa một số lượng kỹ năng cụ thể thông qua cơ chế đội hình độc đáo của trò chơi. Nói cách khác, người chơi có thể xây dựng một party trong mơ đi chinh chiến khắp nơi và đó chỉ mới là bề nổi của cơ chế gameplay.
Mức độ tùy biến nhân vật trong Romancing SaGa 2: Revenge of the Seven rất đáng kinh ngạc khi trao cho người chơi khả năng tự do nhiều đến bất ngờ. Tuy nhiên sự tự do nào cũng phải có đánh đổi và mức độ trừng phạt của trò chơi cũng rất tàn nhẫn như tôi vừa đề cập ở trên. Thế nhưng đó cũng là một cơ chế gameplay “hết hồn chim én” của trò chơi. Thậm chí sự ra đi của nhân vật cũng có thể vì một “tương lai tốt đẹp hơn”. Thấy rất phiêu đúng không?
Về cơ bản, người chơi sẽ phải làm quen với việc các thành viên party bị xáo trộn liên tục thông qua hệ thống thừa kế. Điều này một mặt giúp bạn có những lựa chọn đa dạng hơn cho party của mình trong chiến đấu, suốt thời lượng chơi vốn không hề ngắn của Romancing SaGa 2: Revenge of the Seven. Nhưng chắc chắn cũng để lại không ít đau lòng một khi nhân vật yêu thích bị bay màu. Tiếc là cốt truyện đơn giản nên chưa tận dụng triệt để hệ thống hấp dẫn này.
Đấy là những gì tôi có thể tiết lộ về thiết kế “phi tuyến tính” của trò chơi. Nó không chỉ xoay quanh ý tưởng cho phép người chơi tự do khám phá thứ tự các địa điểm theo cách bạn muốn. Đó còn là sự hỗn loạn trong party được gây ra vô tình hoặc cố ý mỗi khi nhân vật thiệt mạng. Tôi nghĩ chính xác hơn phải gọi đây là thiết kế phi truyền thống vì ngoài series SaGa ra, tôi gần như chưa thấy ý tưởng này trong những game nhập vai khác.
Với tư duy thiết kế không đụng hàng như thế, bạn cũng đừng lấy làm lạ nếu như phần hướng dẫn cơ bản của Romancing SaGa 2: Revenge of the Seven khá sơ sài. Thậm chí giấu đi nhiều thông tin quý giá có thể giúp trải nghiệm game của người chơi tốt hơn nếu được thông tin đầy đủ. Tôi đồ rằng đây là chủ ý của nhà phát triển khi xét những game SaGa khác cũng rất hạn chế trong cầm tay chỉ việc và chỉ cung cấp thông tin ở mức tối thiểu.
Một trong số đó chính là kinh nghiệm xương máu mà tôi chia sẻ ở đây, tất nhiên chỉ ở mức độ thông tin tối thiểu và rất sơ sài. Ít ra vẫn tốt hơn Romancing SaGa 2: Revenge of the Seven còn chẳng thèm đề cập đến cho người chơi biết. Đó là đừng thấy kẻ thù mà bạ đâu đấy đánh. Việc tiêu diệt toàn bộ kẻ thù sẽ khiến chúng mạnh lên đến mức mà bạn khó có thể đối đầu nổi. Và cuối cùng là nên cẩn thận với Technique Point nhận được khi chơi phòng thủ.
Sau cuối, Romancing Saga 2: Revenge of the Seven kỳ thực là một trải nghiệm nhập vai độc đáo và vô cùng cuốn hút. Chính điều này có thể khiến một số người chơi cảm thấy khó khăn trong trải nghiệm game. Thế nhưng không thể phủ nhận trò chơi sở hữu gameplay rất hấp dẫn với thiết kế phi tuyến tính, thậm chí phi truyền thống ở nhiều khía cạnh trong khi vẫn có sự gắn kết những cơ chế này rất sâu sắc. Cốt truyện và đồ họa đơn giản có thể là điểm trừ, nhưng đây là game SaGa mà!
Romancing SaGa 2: Revenge of the Seven hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, PlayStation 4, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!