Old Man’s Journey là một câu chuyện kể cảm động và ngọt ngào mà bạn hiếm thấy trên thị trường hiện nay. Trò chơi đưa người chơi đến với nhân vật chính là một ông lão tóc bạc phơ với những hình ảnh ban đầu là một ngôi nhà trước biển trên một đỉnh đồi. Một lá thư được chuyển đến khiến ông lão khăn gói chống gậy lên đường, tạo cảm giác ban đầu khá tò mò. Kỳ thực, mặc dù đây không phải lần đầu tôi được trải nghiệm tựa game này, nhưng cảm giác tò mò ngày xưa giờ đây vẫn gợi trong tôi chút sự thích thú muốn trải nghiệm lại cuộc hành trình đầy thú vị của ông lão. Thế là hai ông cháu lại lên đường.
Đồ họa vẽ tay mang dấu ấn riêng là điểm nhấn đầu tiên của Old Man’s Journey, không những đơn giản mà còn mộc mạc với các hoạt cảnh chuyển động mượt mà. Nhà phát triển đã thiết kế môi trường màn chơi giống như một quyển sách tranh đầy màu sắc cho thiếu nhi với độ chi tiết cao. Những khung cảnh vùng quê, từ cây cỏ xanh tươi cho tới biển cả, bến cảng và rất nhiều những tiểu tiết chuyển động khác như những bạn chim hay bé mèo vàng lười biếng, tất cả đều góp phần tạo nên những khung cảnh bình dị trong trải nghiệm. Nhà phát triển sử dụng những gam màu cho môi trường màn chơi hơi lạ, tạo cảm giác khá tương phản với thiết kế của nhân vật ông lão tóc bạc phơ, lúc nào cũng có vẻ trầm ngâm.
Khác với phần lớn những tựa game thiên về câu chuyện kể khá, Old Man’s Journey không có bất kỳ lời thoại hay lời kể chuyện nào để dẫn dắt bạn đến với nội dung của game. Nó hoàn toàn khác với cách kể chuyện và lối chơi trong game The Stillness of the Wind mà tôi từng trải nghiệm gần đây. Toàn bộ trải nghiệm của người chơi là di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, xen kẽ với yếu tố giải đố di dời đồi núi trong màn chơi để tạo nên những lối đi thông suốt cho nhân vật chính. Trò chơi gần như không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn nào, trừ đầu trải nghiệm game khi bạn loay hoay để nhân vật đứng mãi không biết làm gì.
Cách thiết kế này khá thú vị, nó buộc người chơi phải tự động não và tìm hiểu cơ chế gameplay, nhưng một khi đã hiểu được rồi thì trải nghiệm về sau khá thông suốt. Cơ chế giải đố của Old Man’s Journey xoay quay yếu tố “dời đồi chuyển núi” để tạo những điểm giao cho nhân vật “trèo qua”. Ở góc độ người chơi thì nó không quá thử thách nhưng cũng không phải dễ dàng đến mức khiến bạn mau cảm thấy nhàm chán. Nhà phát triển khá khéo léo trong thiết kế để tạo nên giao điểm dung hòa độ khó và độ dễ trong phần giải đố rất đáng khen.
Ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy quen thuộc với phần giải đố “dời đồi chuyển núi” thì trò chơi lại tung ra cơ chế mới, vận dụng khéo léo những cơ chế cũ với nhịp độ hoặc cách thức thay đổi, mang cảm giác hào hứng liên tục trong trải nghiệm. Rắc rối nhất có lẽ là các điểm dừng chân của ông lão trong Old Man’s Journey, thường buộc người chơi phải tương tác đúng với một thứ gì đó gắn liền với kỷ niệm của nhân vật. Đây cũng là cách để nhà phát triển giúp người chơi hiểu được câu chuyện thông qua hồi tưởng của ông lão.
Mọi thứ càng lúc càng phức tạp hơn khi có sự xuất hiện của những nhân tố mới nửa sau trải nghiệm, chẳng hạn như bầy cừu ngáng đường hay “dời đồi chuyển núi” để những chiếc thùng có đủ đà lăn từ trên xuống, phá hủy bức tường cản đường đi của bạn. Hay như chuyến xe lửa mà bạn bước lên tạo sự thay đổi nhịp độ chơi khá thú vị. Đặc biệt là phiên bản Nintendo Switch có hỗ trợ điều khiển bằng cảm ứng nên mang đến cảm giác trải nghiệm khá mượt mà không kém gì so với bản mobile và PC trước đây, khiến game trở nên dễ chơi hơn ở chế độ handheld.
Chế độ dock sử dụng điều khiển cảm ứng chuyển động với Joy-Con trái hoặc phải tùy bạn chọn thay cho con trỏ chuột trong phiên bản PC thì ngược lại. Thú vị là hai người chơi có thể sử dụng hai tay cầm Joy-Con để cùng điều khiển trải nghiệm game, tuy nhiên tôi chưa có điều kiện để thử chế độ chơi này. Vấn đề lớn nhất của cơ chế điều khiển này là không có phần điều chỉnh độ nhạy. Đã vậy, thay vì tạo cảm giác di chuyển chính xác, điều khiển bằng chuyển động luôn có cảm giác như con trỏ cứ di chuyển với độ trễ nhất định so với chuyển động Joy-Con của người chơi. Khó chịu hơn là tôi thường xuyên bị lạc cảm ứng chuyển động sang những vị trí trỏ ra ngoài màn hình phía trước.
Mặc dù bạn có thể sử dụng nút L hoặc R tùy tay cầm Joy-Con để đưa con trỏ về vị trí trung tâm màn hình, nhưng cách giải quyết này chỉ mang tính tạm thời vấn đề con trỏ “đi lạc”. Chưa kể, nó không giải quyết được vấn đề lớn nhất của cảm ứng chuyển động là không tạo được sự chính xác trong điều khiển, khiến các thao tác “dời đồi chuyển núi” không chính xác, khá khó chịu. Trò chơi cũng không cho phép bạn sử dụng cần analog của tay cầm Joy-Con để mô phỏng thao tác di chuột, nên càng khiến trải nghiệm game không phù hợp với chế độ dock bằng handheld.
Sau cuối, Old Man’s Journey mang đến một câu chuyện kể gây tò mò ban đầu và xúc động về sau. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi chính là thời lượng trải nghiệm khá ngắn, chỉ khoảng từ một đến hai tiếng là tối đa. Mặt khác, lối trải nghiệm độc đáo của trò chơi với nhịp độ rất chậm khiến trò chơi có thể không phù hợp với mọi đối tượng người chơi. Nếu yêu thích những câu chuyện kể ít chữ hoặc không lời thì đây chắc chắn là một cái tên rất đáng chú ý.
Old Man’s Journey hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch, Android và iOS.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!