Mary Skelter 2 là phần tiếp theo “tuyệt vời ông mặt trời” của Mary Skelter: Nightmares, tựa game khám phá hầm ngục nổi lên và thành danh từ nền tảng PlayStation Vita cách đây hai năm về trước.
Từ trước đến nay, dòng game nhập vai với lối chơi khám phá hang động (dungeon crawler) thường khá kén người chơi vì đặc thù gameplay không mấy thân thiện và nhiều khi khá phức tạp với những ai lần đầu đến với thể loại này. Thế nhưng, Mary Skelter 2 đã làm khá tốt việc đơn giản hóa sự phức tạp của thể loại này, giúp trải nghiệm dễ tiếp cận hơn với số đông người chơi. Các mê cung hầm ngục được thiết kế không quá phức tạp và yếu tố khám phá không gây nhiều khó khăn như hầu hết những tựa game “hardcore” của dòng game đặc thù nói trên. Song song với khám phá, thỉnh thoảng người chơi cũng phải giải một số câu đố với độ khó vừa phải.
Câu chuyện trong series Mary Skelter khởi đầu từ một thành phố tại đất nước mặt trời mọc bất ngờ bị một luồng sáng kỳ lạ “hô biến” như chưa hề tồn tại, thay vào đó là một hầm ngục được gọi là The Jail xuất hiện và cầm tù tất cả mọi người. Nhiều “tấm gương chói sáng” đã tìm cách vượt ngục để tìm một tương lai tươi đẹp, nhưng dường như chưa có ai thành công cho đến khi những cô gái Blood Maiden đánh cược thử thách với số phận của họ. Trò chơi tiếp nối nội dung của Mary Skelter: Nightmares, đưa người chơi đến cuộc chiến của các Blood Maiden chống lại lũ Marchen trong The Jail. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải chơi phần đầu trước khi trải nghiệm Mary Skelter 2 vì nhiều lý do.
Kỳ thực, Mary Skelter 2 không mang cảm giác là phần tiếp theo lắm, nhất là khi người chơi mới hoàn toàn có thể trải nghiệm mà không cần biết nội dung từ phần chơi trước. Mặc dù tôi trải nghiệm hơi ngược khi chơi phần hai trước khi trải nghiệm Mary Skelter: Nightmares, nhưng ngoài một số tính năng thú vị mới và độ khó tăng vọt, phần lớn những gì mà tựa game này mang đến không có nhiều khác biệt về gameplay cơ bản so với phần đầu của series. Người chơi sẽ khám phá các hầm ngục ở góc nhìn thứ nhất, giải các câu đố và tiếp tục làm điều đó với khu vực tiếp theo và cứ thế. Đó cũng là toàn bộ trải nghiệm chính của game.
Mary Skelter 2 vẫn mang nhiều cảm giác JRPG với hệ thống chiến đấu theo lượt quen thuộc với điểm nhấn là Blood Splatter, gây ảnh hưởng khá lớn đến yếu tố chiến thuật trong trận chiến. Về cơ bản, Blood Splatter là một thanh được biểu thị bằng các biểu tượng hình tròn ngay bên dưới hình đại diện của các nhân vật trong chiến đấu. Mỗi khi bạn gây sát thương trí mạng (Critical) hoặc “vô cực” (Overkill) lên kẻ thù sẽ khiến chúng “tưới huyết” (Blood Splatter) vào tất cả nhân vật trong party và làm tăng thanh này lên. Khi đạt mức tối đa, nhân vật của người chơi hay còn gọi là Blood Maiden sẽ chuyển sang cuồng sát (Massacre Mode), giúp tăng chỉ số và có thể sử dụng các đòn tấn công rất mạnh trong một số lượt tấn công nhất định.
Vấn đề ở chỗ, Massacre là một trạng thái mang tính chất “rủi ro và phần thưởng”. Bạn có thể sử dụng nó để “lội ngược dòng” trong những tình huống chiến đấu không thuận lợi. Thế nhưng, nếu để Blood Maiden bị “ăn hành” khi đang ở trạng thái này quá nhiều hoặc có thành viên trong party bị “KIA” , nhân vật đó sẽ chuyển sang Blood Skelter và hên xui may rủi, lành ít dữ nhiều đang chờ người chơi ở phía trước. Khi đó, chỉ số bao gồm cả chiến lực của họ sẽ tăng vọt khủng khiếp đến Massacre Mode cũng không đủ tuổi để so, nhưng quan trọng nhất là bạn không thể điều khiển được nhân vật nữa.
Ngược lại, “hoa hậu thân thiện” của bạn giờ đây lại quay sang tấn công ngẫu nhiên bất kỳ ai bao gồm cả thành viên trong party, chẳng khác nào bị “ngáo đá”. Thế nhưng, “dã man con ngan” nhất phải kể đến Jack. Nhân vật này sẽ hóa thành Jack the Ripper khi bị “ăn hành” quá nhiều đến mức căng thẳng vô cực. Nếu hay xem truyện trinh thám, chắc bạn cũng biết tên sát nhân “ám ảnh kinh hoàng” nổi tiếng ở London này. Trong Mary Skelter 2, những gì bạn biết về hắn cũng giống hệt như Jack the Ripper của huyền thoại đó, dễ dàng khiến cả party “đăng tiên” trong nháy mắt. Ghê hôn?
Tất nhiên, Mary Skelter 2 cũng không “tàn nhẫn” đến mức bắt bạn phải hứng chịu những “trận đòn đau”, có thể kịch tính đến mức tiềm tàng dẫn tới khả năng gây vỡ cả máy Nintendo Switch này, nhưng tôi sẽ dành phần hóa giải như thế nào cho bạn khi trải nghiệm game. Nói hết thì còn gì vui vẻ nữa. Thậm chí, nếu đây là lần đầu tiên trải nghiệm tựa game này, bạn sẽ hào hứng với nhiều cơ chế gameplay khá thú vị được đưa vào liên tục trong trải nghiệm, không những khiến hệ thống gameplay rất có chiều sâu mà còn hấp dẫn và gây nhiều bất ngờ. Các hang động vẫn có một số “gương mặt đáng thương” quen thuộc từ phần đầu với mức độ thử thách “không phải dạng vừa đâu”, có thể khiến bạn “khóc hận” chỉ trong trong vài nốt nhạc nếu chủ quan.
Thế nhưng, điểm nhấn lớn nhất của những tựa game đến từ nhà phát triển Compile Heart là dàn nhân vật nữ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” trong tạo hình và Mary Skelter 2 cũng không phải ngoại lệ. Các Blood Maiden mà người chơi điều khiển chiến đấu đều có artwork rất đẹp và quyến rũ, đúng nghĩa “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Mỗi nhân vật đều được đặt tên theo những câu truyện cổ tích rất quen thuộc với nhiều thế hệ người chơi, như cô bé quàng khăn đỏ (Red Riding Hood) hay Alice trong truyện cổ tích Alice ở xứ sở thần tiên. Điều thú vị là thiết kế hầm ngục trải nghiệm khi giải cứu các nhân vật này cũng đều theo chủ đề của câu chuyện cổ tích về nhân vật đó, rất đa dạng và tinh tế.
Chưa kể, tính cách của nhân vật đều được khắc họa rất tốt, có sự đa dạng về sắc thái, đặc biệt là tạo hình ấn tượng và đầy bất ngờ, không có khiếm khuyết nào để chê cả. Khâu lồng tiếng phải nói là quá tốt, các diễn viên lồng tiếng thật sự thổi được cái hồn cho nhân vật với nhiều lời thoại khá hài hước, có cả lồng tiếng Anh và tiếng Nhật cho bạn “quẹo lựa”. Đồ họa trong Mary Skelter 2 cũng có sự cải thiện vượt bậc so với phần đầu khi phát hành trên PlayStation Vita. Môi trường màn chơi tận dụng khéo léo những gam màu để tạo nên những thiết kế hầm ngục mang chút cảm giác vừa rùng rợn lại vừa đẹp một cách tinh tế. Thiết kế quái vật rất chi tiết và chăm chút. Nhạc nền “chuẩn bài”. Điểm trừ lớn nhất là trải nghiệm game hơi nặng tính cày cuốc.
Sau cuối, Mary Skelter 2 mang đến một trải nghiệm nhập vai kiểu khám phá hầm ngục rất quyến rũ và tuyệt vời. Mặc dù vẫn có một số khiếm khuyết nhỏ, nhưng những vấn đề của trò chơi hoàn toàn bị trải nghiệm hấp dẫn ở nhiều khía cạnh phủ lấp hoặc do đặc trưng của thể loại nên không đáng chê trách. Nếu yêu thích thể loại này, đây là cái tên cực kỳ đáng chú ý mà bạn không nên bỏ lỡ. Không những vậy, trò chơi có kèm theo Mary Skelter: Nightmares được tinh chỉnh lại so với lần đầu phát hành cũng là một điểm cộng tuyệt vời về giá bán. Người chơi có thể tải về DLC Mary Skelter Game Item miễn phí hoặc hoàn thành game để mở khóa.
Mary Skelter 2 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!