Live A Live là JRPG khá độc đáo không chỉ về ý tưởng thiết kế mà cả cách xây dựng câu chuyện kể. Mỗi nhân vật đều sở hữu tuyến truyện riêng hoàn toàn khác biệt không chỉ ở khía cạnh cốt truyện, mà cả bối cảnh lẫn thời đại và được chia thành từng chapter độc lập. Tất cả chỉ hội tụ ở thời điểm bất ngờ nhất trong trải nghiệm game. Đặc biệt, dàn nhân vật trong mỗi chapter đều do các mangaka rất nổi tiếng từ thập niên 90 đến nay thiết kế tạo hình và xây dựng khung cảnh.
Dành cho bạn nào không biết, Live A Live ra mắt lần đầu trên hệ máy Super Famicom vào năm 1994 dưới sự chỉ đạo game của ông Tokita Takashi. Đáng chú ý, ông cũng chính là người tham gia chỉ đạo cho cực phẩm JRPG xuyên không Chrono Trigger và game nhập vai hành động kinh điển Parasite Eve mà người viết vô cùng yêu thích. Tuy nhiên, game gốc không được chuyển ngữ và phát hành quốc tế. Thậm chí đến tận năm 2008 tức 5 năm sau khi đế chế SNES kết thúc vòng đời, trò chơi mới có bản fansubs.
Live A Live năm 2022 là bản làm lại của game gốc năm 1994 nói trên với khía cạnh nghe nhìn đều được đại tu hoàn toàn. Trò chơi mang phong cách đồ họa HD-2D tương tự Octopath Traveler, kết hợp giữa sprite gợi nhiều cảm giác hoài cổ và cảnh nền 3D tạo chiều sâu cho khung cảnh. Thiết kế này dựng nên những khung hình cực kỳ ấn tượng. Đơn cử hình ảnh nhân vật ninja Oboromaru ở chapter ‘Twilight of Edo Japan’ chạy trên mái nhà giữa ánh hoàng hôn, trông không khác gì bức tranh nghệ thuật tuyệt mỹ.
Điểm cộng sáng nhất của Live A live là thiết kế game độc đáo. Cụ thể, mỗi chapter không chỉ diễn ra ở thời đại khác nhau mà nhân vật điều khiển cũng hoàn toàn mới. Đó là tôi còn chưa nói đến cơ chế gameplay của mỗi chapter cũng rất khác biệt. Chẳng hạn ở “thời tiền sử” Prehistory, do chưa có ngôn ngữ nên câu chuyện kể được thuật lại dưới những biểu tượng đặc trưng. Không những vậy, kẻ thù cũng không xuất hiện trực tiếp mà chỉ thông qua mùi hương ngửi bằng kỹ năng riêng của nhân vật người tiền sử Pogo.
Chapter “miền viễn tây” The Wild West thì ngược lại. Nhân vật chính Sundown chủ yếu góp sức cùng người dân thị trấn đi gài bẫy, gây thiệt hại lớn cho kẻ thù thay vì chiến đấu liên tục như nhân vật Shifu trong chapter Imperial China. Ngược lại, chapter Twilight of Edo Japan khuyến khích bạn sử dụng kỹ năng của ninja Oboromaru để hành động lén lút đằng sau kẻ thù, không phải làm hại bất kỳ ai. Tất nhiên người chơi vẫn có thể trải nghiệm tùy tâm, nhưng hậu quả không ngờ tới đang chờ bạn phía trước.
Ở góc độ người chơi, thiết kế trải nghiệm phi tuyến tính cộng với sự đa dạng trong lối chơi, cũng như bối cảnh và câu chuyện kể là những điểm cộng lớn nhất của Live A Live. Thiết kế này thậm chí cho phép người chơi trải nghiệm game tự do một cách tùy hứng. Chẳng hạn bạn hoàn toàn có thể chọn một chapter nhất định, chơi được một chút rồi chuyển qua chapter khác mà vẫn có thể quay lại chơi tiếp chapter cũ bất cứ lúc nào. Trò chơi tự động lưu lại tiến trình chơi của mỗi chương cho bạn.
Thế nhưng ở góc nhìn khác, điểm cộng lớn nhất kể trên của Live A Live cũng đồng thời là điểm trừ của game. Nguyên nhân vì thiết kế nói trên mang tới trải nghiệm thiếu cân bằng và có phần lặp lại khi trải nghiệm trong một chương. Chẳng hạn chapter Imperial China diễn ra các trận đánh liên tục trong suốt trải nghiệm game, đến mức người viết cảm thấy ngao ngán vì mệt mỏi từ thời điểm nửa sau của chương này. Chapter Twilight of Edo Japan của nhân vật Oboromaru cũng có vấn đề tương tự.
Thiết kế đặc trưng tòa lâu đài mà ninja Oboromaru phải xâm nhập vô cùng rộng lớn. Trong khi đó, màn chơi này lại có nhiều vị trí hao hao nhau với không ít mật thất dẫn tới các lối tắt, khiến người viết lạc đường liên tục trong suốt trải nghiệm chương này. Điều này đặc biệt đúng khi màn chơi được xây dựng như mê cung trong trải nghiệm game với nhiều đường thông nhau bất ngờ. Kỳ thực, Live A Live có radar định hướng ở góc phải dưới cùng màn hình, thế nhưng nó không hữu dụng trong việc tìm đường.
Mỗi chapter đều có những vấn đề như thế, nhưng sự độc đáo của các thời đại và nhân vật chính trong từng chương mang đến cảm giác trải nghiệm khá hào hứng và luôn tươi mới. Một phần cũng do thời lượng của mỗi chapter không quá dài đến mức gây ức chế. Không những vậy, khía cạnh chiến đấu dù dùng chung hệ thống chia ô tương tự các game nhập vai chiến thuật như Triangle Strategy, nhưng được đo ni đóng giày cho mỗi nhân vật thông qua hệ thống kỹ năng được cá nhân hóa rất cao.
Chẳng hạn, ninja Oboromaru sử dụng phần lớn các kỹ năng chiến đấu gây tác động trên diện rộng nhiều ô, trong khi nhân vật Shifu có tầm tấn công rất hạn chế đặc trưng. Ngược lại, chàng cao bồi miền viễn tây Sundown dùng súng nên chỉ có thể tấn công đối thủ từ khoảng cách rất xa. Thiết kế này buộc người chơi phải học cách chiến đấu của mỗi nhân vật trong từng chapter, tận dụng ưu thế của lối tấn công đó và các kỹ năng của nhân vật chính trong những trận đánh xuyên suốt từng chương.
Ngay cả kẻ thù trong mỗi chapter cũng luôn được thiết kế và sắp đặt vị trí, giúp bạn dễ dàng thi triển chiến thuật cũng như sử dụng hiệu quả kỹ năng riêng của mỗi nhân vật chính hơn. Nếu người chơi không tinh ý nhận ra điều này mà chỉ chăm chăm tấn công như các JRPG truyền thống, trải nghiệm chiến đấu trong Live A Live có thể trở nên khá thử thách. Đó cũng là kinh nghiệm xương máu của người viết khi đụng độ những kẻ thù như boss ẩn có khả năng kháng một số đòn tấn công nhất định.
Kỳ thực, Live A Live có thể khiến bạn bất ngờ với hệ thống chiến đấu theo lượt nhưng mang nhiều cảm giác hành động, gợi nhớ đến Parasite Eve kinh điển. Trận đánh diễn ra trên chiến trường chia ô như bàn cờ. Mỗi đòn tấn công có vùng tác động đặc trưng như các quân khác nhau của cờ vua. Người chơi phải biết vận dụng kỹ năng chiến đấu hiệu quả nhất trong từng trường hợp. Đơn cử có đòn đánh chỉ gây sát thương theo đường thẳng hoặc chéo, thậm chí xung quanh nhân vật ở khoảng cách rất gần.
Chính vì vậy, việc giữ khoảng cách lúc triển khai tấn công là yếu tố then chốt khi chiến đấu trong Live A Live. Chưa kể, mỗi nhân vật và kẻ thù đều có thanh “đến lượt” được làm đầy khi thực hiện các hành động như di chuyển, tấn công và bị kẻ thù công kích. Nếu thanh này đầy nhưng xung quanh bạn không có mục tiêu trong tầm đánh và ngược lại kẻ thù cũng vậy, nhân vật đó bị mất lượt. Người chơi có thể tận dụng điều này để vô hiệu hóa lượt đi của đối phương, mang đến trải nghiệm chiến đấu khá hào hứng.
Tuy nhiên, điểm trừ của hệ thống chiến đấu trong Live A Live là thiếu chiều sâu, hiếm khi tạo cảm giác thử thách một khi bạn hiểu được cách vận hành. Phần lớn trải nghiệm chiến đấu chỉ xoay quanh chọn kỹ năng phù hợp. Trong nhiều trường hợp đó là kỹ năng gây sát thương khủng nhất, kết hợp cùng di chuyển và giữ khoảng cách hợp lý cộng với hồi máu khi cần thiết, phần thắng gần như chắc chắn thuộc về bạn. Boss và mini boss tuy mất nhiều thời gian hơn, nhưng cũng không nằm ngoài vòng lặp kể trên.
Ở góc độ người chơi, hiệu năng của Live A Live vô cùng ấn tượng trên hệ máy của Nintendo dù là gắn dock hay chơi ở chế độ handheld. Trò chơi cũng sở hữu phần âm hình vô cùng xuất sắc và được tối ưu rất tốt khi trải nghiệm trên máy Switch. Một điểm mà tôi cũng không thể không đề cập là thời lượng tải dữ liệu cực nhanh, thường chỉ mất vài giây mỗi khi chuyển cảnh hoặc vào trận chiến. Chỉ hơi tiếc là kiểu chữ phụ đề không thay đổi theo chủ đề từng thời đại như bản fansubs mà đồng nhất trong suốt trải nghiệm game.
Sau cuối, Live A Live mang đến một trải nghiệm nhập vai đặc sắc với ý tưởng độc đáo trong xây dựng cốt truyện và cơ chế gameplay. Nếu yêu thích JRPG, đây kỳ thực là cái tên không thể thiếu cho thư viện game của bạn.
Live A Live hiện có cho Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!