OCTOPATH TRAVELER là JPRG khá ấn tượng ở nhiều khía cạnh, nhưng điều đó phụ thuộc vào việc bạn có thích cách dẫn chuyện của trò chơi hay không.
Dòng JRPG đã phát triển vượt bậc trong nhiều năm qua với đồ họa 3D ấn tượng, thế giới mở cùng hệ thống chế tác cùng rất nhiều “nâng cấp” khác, khiến những người chơi thích hoài niệm như tôi ngày càng ít lựa chọn hơn. Giữa cơn bão remaster và đổ bộ mobile của nhiều JRPG thời kỳ PlayStation, chẳng hạn tựa game kinh điển FINAL FANTASY VIII mới được remaster gần đây hay Valkyrie Profile “hạ giới” xuống nền tảng di động hồi năm ngoái, OCTOPATH TRAVELER bất ngờ xuất hiện khiến tôi yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên vì nét đồ họa hoài cổ đáng yêu.
OCTOPATH TRAVELER mở ra câu chuyện về vùng đất Orsterra mang truyền thuyết về mười ba vị thần đã khai sinh ra thế giới này. Thế rồi một trong số đó đã đi ngược lại lý tưởng ban đầu và gây đại họa. Cốt truyện dẫn dắt người chơi đến tám nhân vật với tám câu chuyện kể khác nhau, mỗi người đều có một lý tưởng và mục đích riêng trong chuyến hành trình này. Đó cũng là khi bạn bắt đầu dấn thân vào cuộc phiêu lưu của mỗi nhân vật, từng người một theo cách mà có lẽ bạn chẳng hề nghĩ đến.
Về cơ bản, người chơi sẽ chọn một trong số tám nhân vật nói trên và hoàn thành chapter mở đầu của nhân vật đó rồi dấn thân vào vùng đất Orsterra để tìm đến những nhân vật khác. Bạn có thể chọn bất cứ nhân vật nào và thu nhận những nhân vật khác theo thứ tự mong muốn. Khi đủ bốn nhân vật, người chơi có thể bắt đầu cuộc phiêu lưu để giải quyết vấn đề của mỗi người hoặc tiếp tục gặp gỡ thêm những người còn lại. Về lý thuyết, lối kể chuyện khá mở này sẽ mang đến câu chuyện kể khá hấp dẫn và cuốn hút. Thế nhưng, cách mà nó được xây dựng khiến tôi có đôi chút thất vọng vì không có sự giao thoa gắn kết đủ nhiều khi nhìn ở bức tranh tổng thế, thỉnh thoảng chỉ có một số đoạn hội thoại ngắn để kết nối mọi người.
Cốt truyện trong OCTOPATH TRAVELER giống như tuyển tập của tám truyện ngắn khác nhau, việc ai nấy làm. Chỉ có khi chiến đấu mới chung chiến tuyến nên mang cảm giác khá rời rạc, không có gắn kết sâu sắc như tôi mong đợi. Điều này dẫn đến nhiều tình huống trong game khá ngang trái khi một nhân vật gặp biến cố, nhưng những nhân vật khác dửng dưng như người dưng, dù rằng họ thật sự là những người dưng với nhau theo đúng nghĩa đen. Nếu bạn không xác định rõ điều này ngay từ đầu, một số tình huống trong game sẽ mang đến cảm giác có gì đó sai sai. Dù vậy, nếu “xé nhỏ” câu chuyện của từng nhân vật ra thì đó kỳ thực là những truyện ngắn khá thú vị, mang đến những thông điệp đáng chú ý trong cuộc sống.
Ở góc độ cốt truyện, cách nhà phát triển xây dựng kết cấu các chapter câu chuyện của từng nhân vật cũng có sự lặp lại. Chuyện đời của một nhân vật luôn bắt đầu với việc gặp nhau ở một ngôi làng mới, nhân vật gặp vấn đề gì đó cần giải quyết thế là cả party kéo nhau đi động đánh quái phụ một tay, kết thúc bằng diệt boss và rời khỏi làng để tiếp cận nhân vật khác. Thế nhưng, đó vẫn là chuyện riêng của nhân vật đó, không có sự hiện diện các nhân vật trong party ngoài các phân đoạn chiến đấu. Mặc dù câu chuyện kể của mỗi nhân vật đều có ý nghĩa, việc lần lượt lặp lại chapter mở đầu cho liền tù tì tám nhân vật khiến kiên trì như tôi cũng cảm thấy mệt. Mọi người chung party như “bạn thân, thân ai nấy lo”, không hề biết đến sự tồn tại của nhau.
Thế nhưng, nếu bỏ qua vấn đề tuyến truyện của các nhân vật thiếu sự kết nối sâu sắc, mọi thứ khác trong trải nghiệm OCTOPATH TRAVELER đều khá ấn tượng. Trò chơi sử dụng phong cách đồ họa độc đáo, được nhà phát triển gọi là HD-2D. Đó là sự kết hợp của các nhân vật được dựng hình bằng sprite khá quen thuộc từ thời Super NES và môi trường màn chơi 3D tạo bằng polygon, kết hợp các các hiệu ứng đồ họa như làm mờ hậu cảnh tạo nên một thế giới game sống động. Tuy nhiên, các hiệu ứng này lại khiến một số lối đi nhỏ hẹp giấu rương đồ trở nên khá đánh đố, đặc biệt là trong những hang động tối. Dù vậy, đây có lẽ là ý đồ của nhà phát triển vì phần lớn rương đồ “kín đáo” đều cho vật phẩm mà bạn cần, chẳng hạn như đồ hồi máu.
Bất chấp vấn đề nhỏ nói trên, môi trường màn chơi đa dạng, điều kiện thời tiết thay đổi và những cảnh đẹp khó cưỡng trên chất liệu đồ họa đặc trưng, gợi nhớ đến những JPRG kinh điển thời Super NES và PlayStation ngày xưa là điều mà bạn sẽ luôn thấy trong suốt trải nghiệm OCTOPATH TRAVELER. Tạo hình các NPC nhìn khá dễ thương trên nền đồ họa pixel art sử dụng sprite. Ấn tượng nhất là những con boss luôn được tạo hình là một những mảng sprite khổng lồ, đến mức phải gọi là bự chà bá mới chính xác. Nhìn vào biết ngay là trùm và tất nhiên chiến đấu với chúng cũng khá là mỏi mệt. Đội ngũ phát triển khá tinh tế khi đưa vào thiết kế game nhiều chi tiết nhỏ, mang đến cảm giác rất khác trong trải nghiệm.
Đặc biệt, tám nhân vật chính cũng có những dấu ấn riêng, không chỉ về tạo hình mà cả tính cách và kỹ năng riêng mà trong game gọi là Path Action. Đơn cử như Tressa có thể mua đồ từ NPC trong khi Therion thì ngược lại, chỉ biết “thó đồ” từ các NPC để đỡ chút “phí đi đường” và nhiều khi “bàn tay nhám” được đồ khá ngon. Tuy nhiên, mỗi hành động riêng nói trên của các nhân vật đều có hai mặt tốt và xấu, người chơi phải cẩn thận nếu không muốn mất thanh danh và phải vào quán rượu trả một khoản tiền kếch sù để “thanh tẩy” tai tiếng. Không những vậy, bạn cũng có thể sử dụng Path Action để tìm hiểu thêm về tiểu sử các NPC cũng như thực hiện hàng loạt nhiệm vụ phụ rải khắp trải nghiệm.
Thiết kế này giúp thổi hồn vào thế giới trong OCTOPATH TRAVELER và cũng là một trong những điểm khiến tôi rất thích trong trải nghiệm. Ngay cả phần nhạc nền cũng mang nhiều âm hưởng của dòng game nhập vai theo lượt kinh điển ngày xưa, gợi rất nhiều cảm xúc hoài niệm trong tôi. Thế nhưng, hệ thống chiến đấu mới đích thực là điểm sáng nhất của trò chơi với yếu tố chiến thuật khá có chiều sâu, đòi hỏi sự tính toán của người chơi. Nó như một bản rút gọn của hệ thống chiến đấu trong Bravely Default của cùng nhà phát triển. Về cơ bản, mỗi kẻ thù đều có màn chắn với một số điểm yếu nhất định. Bạn chẳng bao giờ biết được nếu không thử tấn công chúng bằng nhiều yếu tố khác nhau như rìu, cung, kiếm hoặc phép thuật như băng, hỏa, bóng tối…
Tấn công bằng điểm yếu sẽ phá vỡ màn chắn của kẻ thù, khi đó người chơi mới có thể gây sát thương lớn hơn cho chúng bằng bất kỳ đòn tấn công khác. Nếu không, bạn sẽ khá chật vật và mất nhiều thời gian để tiêu diệt những kẻ thù “cắc ké” trong suốt trải nghiệm. Để tăng sự kịch tính, mỗi nhân vật còn có thêm Boost Point giúp cường hóa đòn tấn công cá nhân, gây sát thương mạnh hơn hoặc tăng thời gian dùng phép thuật. Không những thế, một số nhân vật còn có kỹ năng riêng như Cyrus có thể “nhìn mặt bắt hình dong” điểm yếu của kẻ thù hay H’aanit có thể thuần hóa quái vật để dùng chúng hỗ trợ chiến đấu. Các nhân vật khác cũng có “siêu năng lực” riêng như vậy, mang đến trải nghiệm chiến đấu vô cùng hấp dẫn.
Hệ thống chức nghiệp cũng là một điểm hấp dẫn trong trải nghiệm game, giúp người chơi “mở khóa” trọn vẹn tiềm năng của các nhân vật trong chiến đấu. Điều này khá quan trọng vì càng về sau độ khó càng tăng cao, đặc biệt là boss thường khá “cục súc”. Chúng đòi hỏi người chơi phải trổ tài vận dụng công thủ hiệu quả nhất mới có thể vượt qua “cửa tử” này. Mặt khác, trải nghiệm OCTOPATH TRAVELER khá nặng về tính cày cuốc do thiết kế đặc trưng mỗi nhân vật khi nhập party đều khởi điểm từ cấp thấp nhất. Thế nhưng, điều đau khổ là người chơi chỉ nhận ra điều này sau một thời gian trải nghiệm. Lúc đó, việc bắt đầu “cày” cho nhân vật khi quá muộn rất dễ khiến nhiều người chơi cảm thấy “đau đầu”.
Sau cuối, OCTOPATH TRAVELER mang đến một trải nghiệm JRPG khá ấn tượng ở nhiều khía cạnh, chỉ có vấn đề gắn kết giữa các nhân vật là có thể gây nhiều cảm xúc lẫn lộn nhưng điều này tùy thuộc vào mỗi người chơi. Dù vậy, khó có thể phủ nhận đây vẫn là một JRPG khá đặc sắc với những ai yêu cảm giác hoài niệm, sẵn sàng đầu tư rất nhiều thời gian vào nó để đi hết cuối game như những ngày xưa đó. Kỳ thực, đây là một trong những JRPG có thời lượng chơi dài nhất mà tôi từng trải nghiệm trong nhiều năm nay và công sức đó thật sự rất tương xứng.
OCTOPATH TRAVELER được phát hành cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game-box”]