Like a Dragon: Ishin! là bản chuyển ngữ và phát hành quốc tế của game phiêu lưu hành động Ryu ga Gotoku Ishin! ra mắt lần đầu vào năm 2014 chỉ tại thị trường Nhật Bản. Về mặt kỹ thuật, đây là bản làm lại của cái tên vừa đề cập do chuyển sang sử dụng Unreal Engine 4, thay vì game engine dùng trong nguyên bản tiếng Nhật cho PlayStation 3 và PlayStation 4. Phiên bản mới được xây dựng trung thành theo game gốc và gần như không bổ sung nội dung gì đáng đề cập, ngoại trừ khả năng sử dụng hệ thống Trooper Card linh hoạt hơn.
Dành cho bạn nào không biết, Like A Dragon chính là tên mới của series Yakuza trên thị trường quốc tế. Tiếp nối sau Yakuza: Like a Dragon hay còn được “dân chơi” gọi là Yakuza 7, dòng game này được nhà phát triển chuyển về tựa gốc Ryu ga Gotoku hay Like a Dragon trên thị trường quốc tế với nhân vật chính hoàn toàn mới và bản spin-off Ishin cũng không hề ngoại lệ. Tuy vậy, người chơi vẫn được tái ngộ dàn nhân vật trong tạo hình quen thuộc từ các phần chơi từ Yakuza 0 đến Yakuza 6, nhưng với danh phận và cốt truyện hoàn toàn mới.
Chẳng hạn, nhân vật chính trong Like a Dragon: Ishin mang dáng dấp “soái ca” Kiryu Kazuma từ Yakuza 6 trở về trước. Các tình tiết tuy vẫn là những âm mưu và đấu đá tranh giành quyền lực tương tự các game Yakuza nói trên, nhưng bối cảnh đất nước mặt trời mọc vào những năm 1860 mang đến cảm giác hoàn toàn mới mẻ. Người chơi nhập vai chàng goshi Ryuma Sakamoto phải rời bỏ quê nhà Tosa sau khi người cha nuôi đáng kính bị sát thủ che mặt hành thích. Tuy cốt truyện mở đầu có phần hao hao Shenmue I & II nhưng về sau đầy kịch tính bất ngờ.
Ở góc độ người chơi, một điều khiến tôi không biết nên xem là điểm cộng hay điểm trừ của Like a Dragon: Ishin là bối cảnh và cốt truyện mang nặng yếu tố lịch sử với rất nhiều nhân vật có thật ngoài đời. Thế nhưng, do không nghiên cứu lịch sử nước Nhật nên người viết không rõ tính xác thực trong câu chuyện kể hay nó được hư cấu từ đội ngũ biên kịch. Không những vậy, trò chơi sử dụng nhiều từ tiếng Nhật được romanji hóa nhưng không giải thích rõ, dễ khiến những người chơi không có hiểu biết nhất định về bối cảnh game khó nắm bắt.
Đơn cử đầu trải nghiệm có nhiều câu thoại đề cập đến goshi và joshi, những thuật ngữ lịch sử liên quan đến hệ thống phân cấp samurai thời kỳ Edo và cũng là bối cảnh trong Like a Dragon: Ishin!. Đáng nói, rất khó để thiết lập định nghĩa chung do cấp bậc thực tế của samurai và phương pháp cai trị khác nhau của mỗi “Mạc phủ” Bakufu lẫn từng gia tộc. Kỳ thực, người viết không tránh khỏi cảm giác trải nghiệm game như đang tái hiện lịch sử Nhật Bản với nhiều thuật ngữ đương thời được đề cập trong những cuộc trò chuyện giữa các nhân vật.
Đây có lẽ cũng là lý do đội ngũ phát triển không dám mang Ryu ga Gotoku Ishin ra thị trường quốc tế trong suốt 9 năm qua, cho đến khi chứng kiến sự thành công của Ghost of Tsushima. Bù lại, Like a Dragon: Ishin! sở hữu cốt truyện vô cùng cuốn hút, đan xen với những khoảng dừng đầy kịch tính nếu không nói khá đột ngột, từ nút thắt đến màn đấu đá giữa các nhân vật theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tuy phần lớn cốt truyện được kể theo nhịp độ chậm nhưng được cân đo đong đếm thời gian rất chuẩn, không bao giờ khiến tôi cảm thấy nhàm chán.
Đó là tôi còn chưa đề cập đến số lượng nhiệm vụ phụ rất phong phú với những câu chuyện kể mang nhiều màu sắc lịch sử thời Edo. Những nhiệm vụ này giống như các cuộc phiêu lưu nhỏ bên cạnh cốt truyện chính, giúp người chơi đỡ căng thẳng hơn trước những nút thắt đầy bất ngờ của trải nghiệm Like a Dragon: Ishin. Chúng góp phần không nhỏ mang đến nhiều cảm xúc hơn. Chẳng hạn trước đó bạn vừa tìm cách an ủi Souta khi cô bạn thanh mai trúc mã của cậu bé cùng gia đình dọn đi. Không lâu sau đó, người chơi đã phải làm “trợ giảng” bất đắc dĩ cho ông giáo già.
Điều thú vị là những “nhiệm vụ phụ” substory thường mang đến cho người chơi nhiều cảm xúc trái ngược theo nghĩa tốt. Đơn cử chuyện của Souta tuy là câu chuyện buồn, nhưng người viết không thể không bật cười trước những suy nghĩ trẻ con của nhân vật dẫn đến tình huống dỗi bạn rất quen thuộc và đời thường. Câu chuyện về ông giáo già cũng vậy. Dù không mang tới nhiều cảm xúc trái ngược như substory của Souta, nhưng truyền tải cho người chơi nhiều kiến thức thú vị về địa lý thời Edo. Không có nhiệm vụ phụ nào nhàm chán và vô nghĩa cả.
Vấn đề ở chỗ, có không ít đoạn chuyển cảnh trong Like a Dragon: Ishin quá dài, lại hay xen ngang vào giữa trải nghiệm khiến nhịp độ chơi nhiều lúc hơi rối. Không hiếm đoạn chuyển cảnh kéo dài hơn 15 phút có vô số nhân vật mới xuất hiện, cộng với những thuật ngữ và tình tiết cốt truyện nối tiếp nhau khiến người kiên nhẫn như tôi cũng khó tránh khỏi cảm giác dông dài, mệt mỏi. Mặc dù vậy, cốt truyện game không khó theo dõi như quan ngại ban đầu của người viết, nhất là khi nhà phát triển từng cho rằng đây là tựa game không thể chuyển ngữ.
Một phần do khâu dịch thuật rất chỉn chu. Phần còn lại nhờ tính năng chú giải trong game, giúp người chơi dễ nắm bắt những chi tiết tưởng chừng “nhiệm vụ bất khả thi” để thẩm thấu câu chuyện kể hơn. Chính vì thế mà những địa danh hoặc nhân vật có thể xa lạ với những ai không phải người Nhật như tôi; chẳng hạn Tosa và Kyo ở đâu, Takechi Hanpeita là ai hay Bakufu là lực lượng gì mà có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử nước Nhật. Tất cả đều được giải đáp thông qua chú giải trong game mỗi khi đề cập đến trong lời thoại giữa các nhân vật.
Tuy lối xây dựng game như thế không hề mới mà vốn là công thức chung của các game trong series Yakuza. Thế nhưng, cảm giác trải nghiệm lại khác biệt do xây dựng bối cảnh thời Edo trong Like a Dragon: Ishin so với các phần chơi trước mang màu sắc hiện đại hơn, ít nhất là vài tiếng đầu trải nghiệm. Càng về sau, cảm giác trải nghiệm càng quen thuộc nếu bạn từng chơi bất kỳ game Yakuza nào. Thậm chí, trò chơi còn có tính năng hệ thống hóa mối quan hệ của các nhân vật, giúp người chơi dễ dàng theo dõi và phát triển Ryuma như mong muốn hơn.
Đáng chú ý, hệ thống chiến đấu trong Like a Dragon: Ishin có bốn phong cách nhưng được thiết kế có phần mất cần bằng. Phong cách đầu tiên là “tay không đánh giặc” Brawler với khả năng sử dụng nắm đấm tấn công tốc độ nhanh và ‘parry’. Phong cách chiến đấu này có phần tương tự các phần chơi Yakuza cũ khi cho phép bạn vơ lấy bất cứ thứ gì trong môi trường làm vũ khí trợ chiến. Tuy nhiên, sau vài trận ban đầu hoặc bắt buộc phải sử dụng Brawler, người viết gần như không có ý định sử dụng phong cách chiến đấu này trong trải nghiệm về sau.
Thay vào đó, nhập vai “kiếm khách” Swordman mang đến cho tôi những trận đánh hào hứng nhất. Về cơ bản, chiến đấu theo phong cách này mang chút màu sắc soulslike khi sử dụng các đòn công và thủ xen kẽ với khả năng parry đòn đánh của kẻ thù để giành chiến thắng. Phong cách chiến đấu này rất hữu dụng trong các trận đối đầu 1v1, nhất là khi đánh boss. Người viết đặc biệt thích những khoảnh khắc vừa chiến đấu bằng kiếm, vừa thừa cơ cho những kẻ xấu mà bạn đụng độ trong trải nghiệm Like a Dragon: Ishin một đạp vào mặt. Thật hả dạ làm sao.
Bên cạnh dùng kiếm, Ryuma còn biết sử dụng súng và “tay súng oai hùng” Gunman là phong cách chiến đấu cho vũ khí tầm xa này với nhiều loại đạn có yếu tố sát thương và thuộc tính khác nhau. Điểm nổi bật của phong cách này là khả năng bắn nhiều kẻ thù cùng một lúc, khá hữu dụng khi cần tấn công kẻ thù từ xa dù mức sát thương không cao bằng Swordman. Dung hòa giữa kiếm và súng là phong cách chiến đấu “vũ điệu hoang dã” Wild Dancer, có khả năng vừa chém kiếm vừa bắn súng nhìn rất ảo diệu và đầy hào hứng.
Wild Dancer nhìn khá hoa mỹ khi thực hiện, nhất là kỹ năng né đòn từ kẻ thù nhìn như đang múa vậy. Phong cách chiến đấu này đặc biệt hữu dụng khi Ryuma bị kẻ thù bao vây hoặc trong trường hợp bạn phải đối mặt với số lượng lớn kẻ thù rải rác nhiều hướng khác nhau. Mỗi phong cách lại có hệ thống cây kỹ năng riêng, giúp tăng chiều sâu trong trải nghiệm Like a Dragon: Ishin và có tính tưởng thưởng cao một khi người chơi làm chủ được kỹ năng chiến đấu, tạo nên những đòn tấn công combo chớp nhoáng và không kém phần thỏa mãn trong trận chiến.
Đáng tiếc, điểm trừ lớn nhất của hệ thống chiến đấu bốn phong cách này lại do vấn đề thiết kế. Hầu hết các trận đánh boss đều buộc người chơi phải sử dụng Swordman thay vì những lựa chọn khác. Điều này vô tình hạn chế sự đa dạng trong chiến đấu của Like a Dragon: Ishin. Chưa kể nếu không tập trung nâng cấp vào phong cách Swordman, trải nghiệm Like a Dragon: Ishin có thể gây ức chế khi người chơi đụng độ những con boss thời điểm giữa game. Không những thế, bạn cũng khó lòng “cày cuốc” để nâng cấp phong cách chiến đấu trong tuyến nhiệm vụ chính.
Giống như các phần chơi trong series game Yakuza, Like a Dragon: Ishin cũng có rất nhiều minigame. Từ đơn giản như “câu cá mùa thu”, đá gà, hát karaoke “bấm nút theo nhịp nhạc”, cho tới ‘Another Life’ mang đến trải nghiệm mô phỏng trang trí nhà cửa và thú vui điền viên. Số lượng các minigame này rất đồ sộ, chắc chắn khiến bạn tốn nhiều thời gian “bánh cuốn” vì chúng. Tất nhiên có cả “bản lĩnh đàn ông” với tình phí không hề rẻ, dù minigame này không nặng yếu tố fan service như Omega Labyrinth Life hay series Gal Gun.
Ngược lại, khía cạnh nghe nhìn trong Like a Dragon: Ishin để lại cảm xúc khá trái chiều. Đồ họa game nhìn hơi cũ vẫn còn nhiều tàn dư của nguyên bản từ thời PlayStation 3. Chuyển động của các nhân vật có nhiều động tác còn cứng và thiếu tự nhiên. Trò chơi có tùy chọn bộ lọc mô phỏng hình ảnh như thời Edo, nhưng khiến tôi cảm thấy khá nhức mắt sau một thời gian trải nghiệm. Giao diện menu nhìn hơi lủng củng và thiếu trực quan. Bù lại, bản PC cho phép tùy biến các thiết lập đồ họa khá nhiều tương tự bản PC của Yakuza: Like a Dragon.
Hiệu năng của Like a Dragon: Ishin khá tốt khi trải nghiệm trên Steam Deck. Người viết thử kết hợp giữa hai thiết lập đồ họa Low và Medium cũng như tận dụng FSR 2.1, kết quả đạt được hiệu năng khá ổn định với tốc độ khung hình 40fps khi vẫn duy trì chất lượng đồ họa ở mức chấp nhận được, nếu không nói đẹp rạng ngời mà không chói lóa. Tuy vẫn có hiện tượng sụt giảm tốc độ khung hình trong những tình huống trải nghiệm khác nhau thậm chí trong vài đoạn chuyển cảnh, nhưng hiệu năng tổng thể khá tốt trên máy chơi game cầm tay của Valve.
Sau cuối, Like a Dragon: Ishin! mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động đầy hào hứng, dù bạn là người chơi lâu năm của series Yakuza hay lần đầu đến với dòng game này. Trò chơi có rất ít điểm trừ và chúng gần như không gây tác động xấu đến trải nghiệm, trong khi hàng loạt điểm cộng của game cũng đủ vùi lấp những điểm trừ nhỏ như con thỏ này. Nếu bạn chưa từng trải nghiệm bất kỳ phần chơi nào trong series này, đây là xuất phát điểm tuyệt vời ông mặt trời. Ngay cả khi ngược lại, đó vẫn là cái tên cực kỳ đáng chú ý cho thư viện game.
Like a Dragon: Ishin! hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!