Layers of Fear 2 tuy được xem là hậu bản của game kinh dị tâm lý Layers of Fear, nhưng không có sự liên kết về cốt truyện. Trò chơi đưa bạn đến với bối cảnh như phiên bản kinh dị của tàu Titatnic cùng nhân vật và câu chuyện kể hoàn toàn mới. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của trò chơi là cốt truyện khá rời rạc, đòi hỏi người chơi phải tư duy nhiều để ráp các mảnh thông tin vẽ nên toàn cảnh câu chuyện kể. Đã vậy, lối chơi có phần lặp lại với những chiêu trò hù dọa kinh điển và dễ đoán cũng để lại cảm giác khá trái chiều.
Như bạn cũng có thể đoán ra phiên bản mà tôi trải nghiệm là Nintendo Switch. Trái với lo ngại đồ họa bị giảm chất lượng như Observer hay mờ như Blair Witch khi trải nghiệm ở chế độ handheld, Layers of Fear 2 phiên bản Switch có chất lượng hình ảnh hết sức ấn tượng. So với các hệ máy khác dù là gắn dock hay chơi ở chế độ handheld, đồ họa đều khá tương đồng ở khía cạnh nhìn, chỉ có viền của các vật thể nhiều răng cưa hơn thôi. Trò chơi thậm chí còn có tùy chọn không khóa tốc độ khung hình bên cạnh thiết lập giới hạn 30fps.
Thiết kế môi trường màn chơi thay đổi liên tục cũng là một trong những điểm cộng của trải nghiệm Layers of Fear 2. Đơn cử như cánh cửa mà bạn vừa bước vào có thể biến mất không để lại dấu vết, nhưng có lúc lại mở ra khung cảnh bên trong hoặc bên ngoài bối cảnh chính hoàn toàn mới. Đó có thể là khu vườn đáng sợ hoặc những tòa nhà chọc trời đủ khiến những người chơi yếu bóng vía hết hồn chim én. Hiệu ứng ánh sáng cũng được thiết kế ấn tượng và chặt chẽ, tôn lên bầu không khí rùng rợn trong từng bước chân mà bạn di chuyển.
Tương tự Layers of Fear, hậu bản này cũng được xây dựng trên ý tưởng “cơn điên” của người làm nghệ thuật. Chỉ khác ở chỗ Layers of Fear 2 đưa bạn đến với nhân vật diễn viên trên con tàu sang chảnh khổng lồ. Kẻ gieo rắc kinh hoàng lần này là người đạo diễn bí ẩn. Ông ta cất lên chất giọng đủ khiến bạn rợn tóc gáy giữa con tàu không một bóng người. Đâu đó là những quái vật thoắt ẩn thoắt hiện thỉnh thoảng chơi trò trốn tìm, khiến bạn từ khoảnh khắc chạy trối chết chuyển sang chết không kịp ngáp hết sức ức chế.
Nhập vai diễn viên, người chơi có nhiều cơ hội thể hiện vai diễn của đa dạng nhân vật. Đó cũng là cách mà nhà phát triển Bloober Team xây dựng câu chuyện kể trong trải nghiệm Layers of Fear 2. Nó rời rạc đủ khiến bạn cảm thấy lùng bùng mất phương hướng và không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng khi tìm hiểu đủ thông tin thì mang đến cảm giác khá thỏa mãn. Xen lẫn trong đó là những câu nói mông lung của đạo diễn, vừa tự mâu thuẫn mà vừa có tính triết lý sâu sắc. Đây tiếp tục là điểm cộng khác của trò chơi.
Với câu chuyện kể được chấp bút sắc xảo và thiết kế môi trường ấn tượng, góp phần không nhỏ mang đến cảm giác sợ hãi trước những suy nghĩ điên rồ của nhân vật phản diện trong trải nghiệm. Kỳ thực, đây cũng là thủ pháp quen thuộc của nhà phát triển Bloober Team trong những tựa game kinh dị tâm lý. Đội ngũ biên kịch của họ luôn biết cách gieo vào đầu người chơi cảm giác sợ hãi từ trong tâm trí, kết hợp cùng những màn hù dọa để che đi điều đó một cách khéo léo. Thậm chí, tôi cũng thấy dấu ấn thiết kế này trong The Medium.
Vấn đề ở chỗ, chính những chiêu trò hù dọa điển hình thường dễ khiến người chơi tập trung vào cảm xúc, vô tình không nhận thấy thiết kế tinh tế này. Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ đây là điểm mà Layers of Fear 2 làm tốt hơn phần chơi trước. Tương tự, môi trường biến đổi cũng được thiết kế có chủ ý để che đi trải nghiệm tuyến tính của trò chơi. Do không biết trước đường đi nên bạn phải dành thời gian khám phá trước khi tới nơi cần đến. Dù vậy, thiết kế này cũng làm mất đi giá trị chơi lại của game.
Nhà phát triển giải quyết vấn đề này bằng cách xây dựng trải nghiệm có nhiều kết thúc khác nhau tùy thuộc vào những lựa chọn của bạn. Vấn đề ở chỗ, không dễ để phân biệt đâu là quyết định tác động đến kết thúc. Game cũng không cho phép bạn chơi lại từ Act bất kỳ để dễ dàng thay đổi cái kết của trò chơi. Thay vào đó, Layers of Fear 2 có thêm Safe Mode nhằm vô hiệu hóa các cảnh quái vật truy đuổi, giúp người chơi tập trung hơn vào câu chuyện kể. Dù vậy, tính năng này không phải thiết kế tối ưu cho vấn đề nói trên.
Điểm trừ lớn nhất của Layers of Fear 2 là các câu đố thường không có tính thử thách tương xứng với khía cạnh nghe nhìn được xây dựng quá tốt. Ngược lại, yếu tố giải đố trong game khá đa dạng với tần suất hợp lý. Tuy nhiên, với người đã kinh qua rất nhiều game giải đố như tôi thì chúng có phần quá dễ, khiến người viết không tránh khỏi chút cảm giác thất vọng. Bù lại, câu đố thường gắn kết khá thú vị với tình huống game. Chẳng hạn, môi trường thay đổi chắc chắn có liên quan đến giải đố tìm lối đi an toàn tránh kẻ thù.
Thế nhưng, kẻ thù cũng là một trong những thiết kế gây khó chịu nhất trong Layers of Fear 2. Chúng có thể xuất hiện bất ngờ và truy đuổi bạn đến cùng, nhưng nếu để kẻ thù bắt được là “toang”. May mắn là những phân cảnh này thường chỉ mất chút thời gian chơi lại vì checkpoint trong game rất nhiều. Dẫu là thế, nhưng cảm giác mù mờ không biết khi nào kẻ thù truy đuổi cũng khiến bạn dễ hoảng loạn, đặc biệt khi đó là thiết kế có chủ ý từ nhà phát triển nhằm gây nhiễu cảm giác và tăng bầu không khí đáng sợ trong trải nghiệm.
Sau cuối, Layers of Fear 2 mang đến một trải nghiệm kinh dị tâm lý khá rùng rợn và hấp dẫn. Trò chơi làm rất tốt nhiều khía cạnh, từ nghe nhìn cho tới gieo vào tâm trí người chơi cảm giác khó chịu và không an toàn. Trừ khi bạn kỳ vọng cảm giác bị hù dọa khiến người chơi thần hồn nát thần tính trong game kinh dị tâm lý, đây chắc chắn là cái tên không thể bỏ lỡ.
Layers of Fear 2 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác