Kill la Kill – IF là tựa game song đấu đối kháng arena “tràn đầy năng lượng”, được chuyển thể từ series anime Kill la Kill với dàn nhân vật tuy khá ít nhưng luôn mang cảm giác “bùng nổ”.
Nếu không tính những tựa game thuộc thể loại visual novel, dòng game được chuyển thể từ manga hoặc anime đang ngày càng nhiều trên thị trường. Thế nhưng, con số đó vẫn khá khiêm tốn khi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một vài cái tên xuất hiện thường xuyên như series Dragon Ball, Naruto, One Piece hay mới nổi gần đây nhất là Attack on Titan 2: Final Battle. Chính vì vậy mà Kill la Kill – IF mang đến cho tôi một kỳ vọng khá lớn. Tuy nhiên, dù vẫn là một tựa game đối kháng arena hấp dẫn ở nhiều khía cạnh, nhưng tựa game này để lại cho tôi một chút thất vọng khi chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của cái tên Kill la Kill.
Một trong những điều khá thú vị của các game song đấu đối kháng là thấy vậy mà không phải vậy. Nếu bạn xem một cao thủ thi đấu, diễn biến xuất hiện trên màn hình không khác gì màn nện nút điên cuồng thường thấy trong những tựa game “chặt chém”. Kỳ thực, điều này sẽ nhanh chóng thay đổi khi bạn tận tay điều khiển nhân vật, chiến đấu với những tính toán cẩn thận để tạo ra một chuỗi đòn tấn công liên hoàn, nhẹ thì chỉ khiến đối thủ chỉ mất ít máu, nặng thì “rút” nửa cây máu của nhân vật hoặc hơn thế nữa. Kill la Kill chính xác mang đến cho bạn cảm giác “lên đỉnh” đó. Trò chơi sử dụng hệ thống điều khiển tương đối đơn giản, chỉ xoay quanh việc nhấn tổ hợp hai hai hoặc một nút bấm nào đó để “trình diễn” pha tấn công đẹp mắt.
Kill la Kill – IF chọn cách dẫn truyện có thể khiến những ai hâm mộ series anime Kill la Kill cảm thấy chút ngạc nhiên, nhưng nếu tinh ý thì bạn cũng có thể nhận ra điều này ngay từ cái tựa của trò chơi. Không những vậy, cảm giác này sẽ nhanh chóng mất đi khi bạn bận rộn với những trận chiến “vô tiền khoáng hậu” trong trải nghiệm game. Nhà phát triển đã làm rất tốt trong việc tái hiện lại thành công phong cách chiến đấu độc đáo của dàn nhân vật chính trong anime. Chưa kể, phần chơi đơn theo cốt truyện cũng có một số trận đấu khá thú vị nhưng vì chưa có điều kiện xem đủ trọn bộ anime, nên tôi cũng không chắc nó được lấy từ trong anime hay do nhà phát triển “tự biên tự diễn” để tạo sự mới mẻ.
Hệ thống chiến đấu trong Kill la Kill – IF khá dễ tiếp cận, thậm chí còn dễ hơn cả Jump Force mà tôi từng trải nghiệm hồi năm ngoái. Mỗi nhân vật sẽ có ba đòn tấn công cơ bản là đánh cận chiến, tầm xa, phá vỡ thế phòng thủ của đối phương. Đi kèm đó là các đòn tấn công đặc biệt khi nhấn thêm một nút kết hợp với ba đòn tấn công cơ bản nói trên. Điều thú vị là tuy cơ chế điều khiển đều giống hệt nhau, nhưng mỗi nhân vật đều có phong cách chiến đấu riêng, mang đến một cảm giác trải nghiệm khá thỏa mãn dù phần điều khiển hết sức đơn giản. Đơn cử như Harime Nui với sở trường mà tôi không biết nên gọi là “kim thiền thoát xác” hay phân thân thuật, trong khi Matoi Ryuko thiên về khả năng tấn công thần tốc dồn combo.
Điều đáng nói là mỗi nhân vật đều có khả năng né hoặc đỡ đòn, thế nhưng những hành động cơ bản này được thực hiện khá chậm chạp, nên mang tính rủi ro rất cao khi triển khai và không phù hợp với trải nghiệm song đấu đối kháng ở nhịp độ nhanh của Kill la Kill – IF. Phần lớn, cách dễ nhất để chiến thắng là tấn công đối thủ chớp nhoáng liên tục. Điều này vô tình khiến một vài nhân vật mang cảm giác có lợi thế hơn các nhân vật khác trong game. Không chỉ vậy, nếu trúng đòn combo thì bạn chỉ có một cách duy nhất là sử dụng phản đòn, tốn đến nửa thanh năng lượng để thực thi. Thế nên, việc bạn không có sẵn thanh năng lượng này cho những khi cần kíp thì hậu quả nhãn tiền ra sao cũng dễ dàng đoán được.
Vấn đề ở chỗ, người chơi thường phải vận dụng hiệu quả các đòn tấn công combo để xây dựng thanh năng lượng nói trên, nên không phải lúc nào nhân vật cũng có sẵn năng lượng để thực hiện phản đòn, nhất là ở đầu trận. Thế nhưng, trừ khi đối thủ ngừng tấn công, đây lại là tuyệt kỹ duy nhất giúp nhân vật thoát khỏi đòn tấn công liên hoàn của kẻ thù. Yếu tố “duy nhất” này khiến nhiều trận chiến diễn ra mang cảm giác thiếu công bằng, rất dễ gây ức chế, đặc biệt là khi trải nghiệm chế độ chơi Versus cùng những người chơi khác hoặc khi bạn tăng độ khó của AI lên ba sao. Điều thú vị là mặc dù có chút vấn đề với hệ thống chiến đấu, các trận đối kháng trong Kill la Kill – IF vẫn mang đến cảm giác khá thỏa mãn đầy bất ngờ.
Điều này một phần cũng nhờ vào phong cách đồ họa cel-shade, gắn liền tạo hình quen thuộc của dàn nhân vật chính từ bộ anime cùng với chuyển động mượt mà, khó phân biệt giữa các đoạn chuyển cảnh mang cảm giác như đang xem anime và khi người chơi điều khiển nhân vật tham chiến. Chưa hết, nhà phát triển còn sử dụng “kỹ xảo” để làm chậm những khoảnh khắc tấn công gây sát thương lớn, mang đến cảm giác “rất phê” mỗi khi đối thủ trúng đòn đau hoặc ngược lại khi nhân vật của bạn “ăn đòn” từ kẻ thù. Chưa kể, ngoài các cuộc chiến 1v1 quen thuộc, phần chơi Story cũng pha trộn khá nhiều trận chiến khác nhau, chẳng hạn như cho kẻ thù “đánh hội đồng” người chơi rất ngầu và cũng dễ khiến bạn làu bàu không ngừng suốt trận đấu diễn ra.
Mặc dù có vẻ như đây chỉ là một cách để tạo sự thay đổi nhịp độ chơi và cảm giác trải nghiệm trong chế độ chơi Story, nhưng nó cũng vô tình “để lộ” điểm yếu lớn nhất của game về sự thiếu vắng các cơ chế gameplay hỗ trợ cho những trận chiến như thế này. Về cơ bản, Kill la Kill – IF được thiết kế cho lối chiến đấu 1v1 nên không có các tính năng hỗ trợ người chơi trong những trận “đánh hội đồng” nói trên. Điều này thỉnh thoảng gây ức chế không nhỏ khi bạn đang mải mê tung những đòn tấn công liên hoàn “sấm sét” vào đối thủ, thì lại bị một tên khác “đâm sau lưng chiến sĩ” mà không có bất kỳ cảnh báo nào. Điều này là do đặc trưng góc nhìn trong thiết kế game thường không dễ để quan sát cục diện trận chiến.
Nếu chỉ quan tâm chế độ chơi Versus, bạn có thể bỏ qua vấn đề nói trên. Thế nhưng, Kill la Kill – IF lại dính ngay điểm trừ lớn nhất là trò chơi có số lượng nhân vật khá nghèo nàn, thậm chí còn ít hơn phiên bản đầu tiên của series Guilty Gear phát hành cách đây hơn hai thập kỷ. Mặc dù nhà phát triển có bổ sung thêm “biến thể” trang phục để tạo cảm giác khác biệt về tạo hình cho một hay hai nhân vật, nhưng yếu tố này không đủ mang đến cảm giác mới mẻ về một nhân vật cũ. Tuy game có chế độ Gallery với tính chất fan service khá rõ nét, nhưng chế độ này cũng không được nhà phát triển tận dụng hiệu quả như mong đợi, mang cảm giác nghèo nàn, thiếu đầu tư chứ không đa dạng như series game SENRAN KAGURA, khá là đáng tiếc.
Sau cuối, Kill la Kill – IF mang đến một trải nghiệm song đấu đối kháng hướng đến những người chơi yêu thích series anime Kill la Kill. Nếu nhìn nhận ở khía cạnh này thì đây là một tựa game khá thành công khi dung hòa được hai yếu tố quan trọng là fan service và gameplay, chẳng hạn như tạo hình nhân vật, nhạc nền hay Bloody Valor, mở khóa nhờ vào trải nghiệm và đặc biệt các các trận chiến trong game. Dù vậy, nếu xét ở khía cạnh một game song đấu đối kháng thuần túy thì trò chơi khá hụt hơi, không phù hợp với những ai muốn tìm kiếm một trải nghiệm chỉ thiên về thể loại này.
Kill la Kill – IF được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!