Attack on Titan 2: Final Battle là phiên bản đầy đủ nhất của tựa game phiêu lưu hành động Attack on Titan 2 được chuyển thể từ bộ anime cùng tên tính đến thời điểm này. Phiên bản này có thể mua riêng như một bản nâng cấp với mức giá rẻ hơn nếu bạn đã sở hữu game gốc hoặc mua theo dạng trọn gói, mang đến một trải nghiệm hoàn chỉnh cho những ai yêu thích lẫn chưa từng xem bộ anime nói trên.
Ở khía cạnh cập nhật, Attack on Titan 2: Final Battle được cập nhật thêm nội dung mới từ Season 3 của bộ anime, với nhiều nhân vật trong anime tham gia chiến đấu cùng người chơi, nâng tổng số nhân vật vượt hơn con số 40. Điều thú vị là bản cập nhật này cũng bổ sung thêm chế độ chơi mới, cho phép bạn trải nghiệm game dưới góc nhìn của những nhân vật này thay vì nhân vật do bạn tùy biến và tạo ra ở đầu trải nghiệm. Bản cập nhật Final Battle cũng bổ sung thêm nhiều trang bị mới trong Season 2 và 3 của bộ anime. Cùng với đó là chế độ chơi Territory Recovery mang lối chơi tương tự phần chơi cốt truyện, nhưng có hơi hướng chiến thuật hơn một chút. Người chơi sẽ nâng cấp và phát triển nhóm của mình bằng cách tuyển thêm thành viên mới là những người chơi khác và hỗ trợ nhau chiến đấu chống lại các Titan khổng lồ.
Trong khi đó, ở khía cạnh là một phiên bản độc lập, Attack on Titan 2: Final Battle mang đến trải nghiệm vô cùng hào hứng, với lối chơi pha trộn giữa cảm giác bay nhảy và chiến đấu như người nhện trong game Marvel’s Spider-Man với kẻ thù là các Titan khổng lồ. Chưa kể, cốt truyện game khá hấp dẫn nếu bạn chưa từng xem anime hoặc trải nghiệm phiên bản game gốc Attack on Titan 2 trước đây. Điểm nhấn trong trải nghiệm game là hệ thống chiến đấu thú vị và độc đáo, với thiết bị Omni-Directional Mobility (ODM) cho phép người chơi tung dây bám vào khắp nơi trong thế giới game hay các Titan khổng lồ để di chuyển và chiến đấu. Ý tưởng này nghe khá giống người nhện nhưng kỳ thực đơn giản hơn, dù không hề kém cạnh trong việc mang đến cảm giác trải nghiệm hấp dẫn nhờ vào hàng loạt trang bị cực ngầu mà bạn chế tạo được.
Chiến đấu trong Attack on Titan 2: Final Battle thường chỉ xoay quanh một số điểm yếu nhất định của các Titan là đầu gối, khủy tay và cổ, đòi hỏi người chơi phải canh đúng thời điểm ra đòn. Sự khác biệt về thời khắc này thay đổi tùy thuộc vào trang bị của nhân vật và độ khó mà bạn thiết lập từ đầu trải nghiệm. Chiến thắng kẻ thù hoặc hoàn thành nhiệm vụ sẽ mang đến cho người chơi các nguyên liệu dùng để chế tạo trang bị mới hoặc nâng cấp, sửa chữa trang bị, vì Blade sẽ bị cùn sau một thời gian sử dụng và việc bắn dây tung bay giữa trời tốn khá nhiều gas. Việc nâng cấp trang bị không chỉ tốn tài nguyên mà còn đòi hỏi khá nhiều như tiền thu thập được trong suốt trải nghiệm, buộc người chơi phải hoàn thành nhiệm vụ thật nhanh và hiệu quả nhất để giành được xếp loại cao và nhận thưởng hậu cho mục đích nâng cấp và chế tạo trang bị.
Điểm nhấn trong Attack on Titan 2: Final Battle là hai chế độ chơi mới sau khi hoàn thành Story Mode. Đầu tiên là Character Episode Mode, một chế độ chơi hướng đến trọng tâm là các nhân vật phụ trong game nhưng lại là những nhân vật chính trong anime, về cơ bản là Story Mode lấy nội dung từ Season 3 trong anime. Chế độ chơi này thú vị, có thể giúp bạn cường hóa vũ khí rất mạnh. Thậm chí, mọi thứ thu thập được trong chế độ chơi này cũng được chuyển sang sử dụng trong các chế độ chơi khác. Territory Recovery Mode thì ngược lại. Người chơi sẽ được trao cho căn cứ với nhiệm vụ dẫn dắt “đoàn quân” của mình giành lại các khu vực do Titan chiếm cứ. Bạn có thể “chiêu mộ anh tài” từ các nhân vật theo cốt truyện hay thậm chí thăng cấp cho mọi người trong chiến đấu, tuy nhiên một số nhân vật phải mở khóa bằng việc trải nghiệm Story Mode và Another Mode từ trước.
Đây là chế độ chơi có giá trị chơi lại khá cao và đi kèm với mức độ thử thách không hề thấp. Người chơi chỉ có một số lượt nhất định cần chú ý để khám phá và chiến đấu với các Titan giành lại cứ địa. Tài nguyên thu thập được tận dụng khá đa dạng trong trải nghiệm Territory Recovery Mode, giúp kéo dài thời gian trải nghiệm chẳng hạn tăng số lượt hạn chế hoặc cải thiện khả năng chiến đấu của các thành viên trong nhóm. Bạn cũng có thể chia thành viên được chiêu mộ bằng cách giúp đỡ họ trên chiến trường thành nhiều nhóm khác nhau, không chỉ hữu ích trong chiến đấu mà còn mang đến nhiều lợi thế trong các hoạt động của người chơi ở chế độ chơi này, như xây dựng tình bạn để thúc đẩy năng lực chiến đấu của mọi người. Đôi lúc, bạn còn phải đưa ra những lựa chọn khó trong việc quyết định hy sinh một tình bạn để đổi lấy nhân vật mạnh hơn.
Bản mở rộng Final Battle còn bổ sung thêm một số trang bị mới trong Season 3 của anime như vũ khí tầm xa gọi là Anti-Personnel ODM, cùng Thunder Spear mà các thành viên đội Scout sử dụng. Blade thì quá quen thuộc với những ai đã chơi phiên bản gốc Attack on Titan 2, nhưng súng lại khác. Đây là loại vũ khí mới khá hữu dụng, mang đến lối chiến đấu thú vị và hấp dẫn hơn nhiều. Mỗi loại súng đều sử dụng đạn khác nhau và có thuộc tính riêng. Sử dụng súng thay cho Blade không chỉ làm thay đổi cảm giác trải nghiệm mà còn giúp thổi luồng gió mới vào phần nội dung cũ của phần chơi gốc. Điểm trừ của vũ khí này là độ chính xác không cao bằng Blade tùy vào loại súng, nhưng đổi lại gây sát thương khá lớn so với Blade. Những khoảnh khắc tìm cơ hội để bắn những đường đạn “máu lửa” hay nạp đạn giữa không thật sự hào hứng.
Thế nhưng, ấn tượng nhất vẫn là Thunder Spear hay Showdown Equipment Mode, một cơ chế vũ khí mang tính hủy diệt gây sát thương cực “khủng” ở bất kỳ khoảng cách nào, giúp bạn “xẻ ngọt” nhiều Titan trong một khoảnh khắc ngắn vô cùng hấp dẫn. Chẳng hạn như súng khi kích hoạt chế độ nói trên sẽ trở thành khẩu Gattling Gun, không bị giới hạn về đạn mà cũng không cần nạp đạn. Như cái tên của nó mang tính biểu diễn khá rõ nét, người chơi chỉ cần nhắm trúng mục tiêu và “phun đạn” miệt mài đến khi các Titan gục ngã hoặc thời gian sử dụng kết thúc. Tất nhiên, việc sử dụng cũng có một số hạn chế nhất định, nhưng cái giá phải trả đó hoàn toàn tương xứng, chỉ đòi hỏi người chơi hoàn thành một nhiệm vụ phụ trên bản đồ để tiếp tục sử dụng Thunder Spear vào lần kế. Đây có vẻ là một cách thiết kế có tính toán của nhà phát triển để bù trừ lại trải nghiệm game có phần lặp lại của Attack on Titan 2: Final Battle trong các nhiệm vụ.
Dù vậy, ở góc độ người chơi game, Attack on Titan 2: Final Battle có thể tạo chút cảm giác hơi thất vọng do mức giá khá cao so với một bản mở rộng game. Tuy nhiên, điều này phần lớn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người chơi về những nội dung mới mà Final Battle mang đến. Ở chiều ngược lại, nếu bạn chưa từng trải nghiệm game gốc thì đây lại là một trải nghiệm hoàn chỉnh và thật sự rất đáng tiền, không chỉ ở lối chơi hấp dẫn mà còn thu hút ở đồ họa mang phong cách quen thuộc với những ai đã từng xem bộ anime này. Thậm chí, đây là một trong những tựa game hiếm hoi quyến rũ đến mức khiến tôi phải tìm xem anime để hiểu rõ thêm về nội dung mà một số tình tiết đã bị lượt bỏ trong trải nghiệm game. Thế nhưng, không thể phủ nhận hấp dẫn nhất vẫn là những khoảnh khắc chiến đấu “nhanh, gọn, lẹ” đầy hào hứng với các Titan mà trò chơi mang đến.
Sau cuối, Attack on Titan 2: Final Battle mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động vô cùng hấp dẫn, không chỉ với những ai đã từng trải nghiệm game gốc lẫn đối tượng người chơi mới, bất kể bạn đã từng xem bộ anime mà tựa game này được chuyển thể hay chưa. Nếu yêu thích thể loại này, trừ khi không thích phong cách đồ họa kiểu anime đặc trưng của trò chơi, rõ ràng không có lý do gì khiến bạn có thể bỏ lỡ một tựa game hấp dẫn như vậy được, nhất là những ai chưa từng trải nghiệm phiên bản gốc phát hành năm ngoái.
Attack on Titan 2: Final Battle được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!