Haven là game nhập vai góc nhìn thứ ba với yếu tố sinh tồn. Trò chơi có cách tiếp cận khá độc đáo khi xây dựng trải nghiệm tập trung vào mối quan hệ của hai nhân vật chính chứ không chỉ riêng câu chuyện kể và cơ chế gameplay như thường thấy. Thiết kế này giúp Haven trở nên rất khác biệt so với nhiều tựa game nhập vai trên thị trường. Những tình huống sự kiện diễn ra giữa hai nhân vật rất đời thường và là tâm điểm của trải nghiệm game, gợi nhiều cảm giác quen thuộc từ A tới Z mà bất kỳ cặp đôi nào cũng từng trải qua ở thời điểm nào đó.
Đồ họa có lẽ là điểm cộng hút mắt tôi ngay từ những khung hình đầu tiên. Haven mở đầu cực kỳ ấn tượng với phong cách màu nước đậm tính nghệ thuật. Cách xây dựng cốt truyện trong Haven cũng rất thú vị khi mở đầu ở lưng chừng câu chuyện kể. Người chơi bước vào trải nghiệm từ khoảnh khắc đời thường của hai nhân vật chính Yu và Kay. Mọi thứ khác từ bối cảnh cho đến chuyện tình của họ dần được hé lộ thông qua các cuộc trò chuyện của cặp đôi trong trải nghiệm game. Tôi chỉ có thể tiết lộ rằng mọi chuyện bắt đầu từ cuộc trốn thoát của hai nhân vật chính.
Yu và Kay tái định cư tại hành tinh Source hoang sơ, đầy những hiểm họa đến từ môi trường và sự biến đổi của các sinh vật ngoại lai sở hữu những tạo hình lạ lùng. Mọi thứ được tái hiện bằng những gam màu pastel với phong cách đồ họa cel-shade, xen kẽ một số chi tiết như được vẽ bằng màu nước rất nổi bật. Tuy nhiên, đừng để bức tranh nghệ thuật của trò chơi hớp hồn vì nơi này luôn biến động bởi nguồn năng lượng được gọi là Flow, chia cắt bề mặt Source thành quần đảo trên không, nối liền bằng những cây cầu ở lưng chừng trời và thời gian chờ tải dữ liệu.
Kỳ thực, Flow không chỉ tạo nên những cây cầu nối giữa các khu vực. Nó còn là nguồn năng lượng giúp hai nhân vật chính có thể bay giữa không, lướt qua những cung đường lắt léo gọi là Flow Thread để tiếp cận những khu vực mới mà bình thường bạn không thể. Trái ngược với Flow là Rust, thứ vật chất màu hồng nguy hại mà người chơi phải tẩy rửa bằng cách cho nhân vật nạp đầy năng lượng rồi chạy ngang qua và thu về những nguyên liệu dùng để chế tác. Rust xuất hiện khắp nơi trên hành tinh Source và gây tác động tiêu cực đến các sinh vật tiếp xúc với nó.
Đây cũng là những kẻ thù mà bạn phải chiến đấu và hạ gục rồi tiến hành ‘Pacify’ để cứu chúng khỏi vật chất Rust nói trên. Hệ thống chiến đấu trong Haven được thiết kế khá giống trải nghiệm bấm nút theo nhạc. Tuy nhiên, đội ngũ phát triển có chút điều chỉnh để nó mang nhiều âm hưởng của cơ chế chiến đấu trong những tựa game nhập vai sở hữu hệ thống chiến đấu theo lượt hơn. Sự thay đổi này dễ khiến người chơi mới gặp chút khó khăn ban đầu trong việc khai thác hiệu quả trận chiến. Về cơ bản, Impact là chiến đấu cận chiến còn Blast là tấn công tầm xa.
Shield thì dùng để bảo vệ hai nhân vật khỏi đòn tấn công của kẻ thù và Pacify là thanh tẩy Rust để cứu các sinh vật bị biến đổi khi tiếp xúc với vật chất nói trên. Việc sử dụng những kỹ năng này như thế nào tùy thuộc vào từng kẻ thù và bạn phải tự nhớ. Đây cũng là điểm trừ nhỏ của Haven. Kỳ thực, hệ thống chiến đấu của Haven không dễ để mô tả cụ thể. Nó chủ yếu tập trung vào khoảnh khắc ‘shield’ và ra đòn ‘impact’ hoặc ‘blast’ tương ứng. Cuộc chiến kết thúc khi bạn triệt tiêu thanh máu của kẻ thù và “xoa dịu” để chúng trở về trạng thái bình thường.
Ban đầu, cảm giác chiến đấu khá hào hứng nhưng càng về sau thì độ khó càng tăng, đòi hỏi bạn phải đỡ và tấn công đúng thời điểm tiếp nối nhau. Đơn cử như có kẻ thù chỉ bị thương nếu bị bạn tấn công ngay sau khi chúng vừa làm điều đó với bạn. Nếu canh sai khoảnh khắc này thì đòn tấn công của người chơi bị vô hiệu hóa trước kẻ thù. Việc sử dụng Impact hay Blast cũng đóng một phần không nhỏ về tính chiến thuật. Có kẻ thù miễn nhiễm với đòn tấn công này trong khi kẻ thù khác thì ngược lại. Vấn đề lớn nhất là bạn phải tự nhớ điều này cho từng kẻ thù.
Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ đây là điểm trừ nhỏ trong hệ thống chiến đấu của Haven. Với số lượng sinh vật khá đa dạng, việc phải nhớ điểm yếu của từng kẻ thù để tung đòn tấn công tương ứng đôi khi khá ức chế, nhất là trong những trận có nhiều loại kẻ thù khác nhau. Đó là chưa kể cách phối màu kẻ thù khiến người chơi rất khó nhìn ra những chi tiết khác biệt và phân loại chúng. Chính vì thế, trong nhiều trường hợp mà đặc biệt là các trận đánh boss, tôi thường không tránh khỏi cảm giác kẻ thù luôn có chút lợi thế hơn so với người chơi trong chiến đấu.
Đáng nói, chúng còn có thể tự hồi sinh nếu bạn không kịp ‘Pacify’, khiến không ít trận chiến thành cuộc chạy đua thời gian thao tác và đòi hỏi mức độ chính xác cao. Cơ chế chiến đấu trong Haven khá đơn giản, nhưng khi trải nghiệm thì rắc rối bội phần mà chủ yếu do thời gian người chơi phải đè nút bấm để ra lệnh đúng thời điểm. Bạn không chỉ điều khiển một mà tới hai nhân vật chiến đấu độc lập. Trong khi đó, mỗi nhân vật chiến đấu phải theo tuần tự bằng các thao tác xoay cần analog hoặc dàn nút tương ứng với Yu và Kay trên các hệ console.
Tiếc là tôi không có điều kiện trải nghiệm bản PC để so sánh cảm giác điều khiển, nhưng qua phân tích tài liệu của nhà phát triển cung cấp thì tôi cho rằng cơ chế điều khiển bằng tay cầm trực quan hơn việc phải nhớ hàng đống phím trên bàn phím. Thế nhưng, đó chỉ là điểm trừ nhỏ so với hệ thống chiến đấu khá sáng tạo mà Haven mang đến trong trải nghiệm. Cảm giác tưởng thưởng cũng rất hào hứng, nhất là khi nó kết hợp chặt chẽ với yếu tố kể chuyện. Nói đâu xa, ngay cả mối quan hệ của hai nhân vật tiến triển cũng ảnh hưởng đến hệ thống chiến đấu.
Chưa hết, hệ thống chế tác trong Haven tuy khá đơn giản nhưng cũng đòi hỏi cách tương tác tương tự. Thiết kế này tuy không gây khó khăn trong việc chế vật phẩm hỗ trợ chiến đấu và khẩu phần ăn cho Yu và Kay, nhưng việc hủy yêu cầu chế tác đòi hỏi bạn phải thao tác cho cả hai nhân vật khi chơi solo khiến tôi cảm thấy khá phiền. Đã vậy lại còn không hỗ trợ chế tác nhiều vật phẩm một lúc. May mắn là bạn không phải điều khiển cả hai nhân vật trong trải nghiệm khám phá. Thay vào đó, người chơi có thể chuyển đổi qua lại giữa hai nhân vật chính bất cứ lúc nào.
Thậm chí, bạn nên làm thế vì có yếu tố gameplay gắn liền với việc thay đổi nhân vật mà tôi xin để dành làm bất ngờ trong trải nghiệm. Tuy cảm giác điều khiển khám phá rất tốt, nhưng góc nhìn camera đôi khi không được tối ưu. Dù vậy, điều này cùng một số vấn đề liên quan đến hiển thị có thể dễ dàng điều chỉnh trong Options nên tôi không xem chúng là điểm trừ. Thế nhưng, không phải mọi vấn đề liên quan đến hiển thị đều có thể điều chỉnh. Một trong số đó là bản đồ khá đơn giản nhưng rất khó hình dung đường nào đi đến đâu.
Mặc dù Haven có tính năng trợ giúp khá tinh tế để người biết đường nào bạn vừa vào và đường nào dẫn đến đâu, nhưng nếu thiếu chú ý quan sát thì bạn khó lòng phát hiện ra chỉ báo đó. Không những vậy, một số thông tin cũng khá quan trọng nhưng lại không hiển thị rõ ràng hoặc hoàn toàn mất tích trên giao diện game. Đơn cử như thông tin về lượng Flow còn lại cho đôi giày của Yu và Kay. Ngoài ra còn một số hạn chế khác trong thiết kế cơ chế chiến đấu, nhưng do trải nghiệm game hiếm khi gây khó khăn cho người chơi nên tôi cũng không xem là điểm trừ.
Đáng chú ý, trò chơi hỗ trợ co-op local 2 người và mang đến cảm giác trải nghiệm khá đặc biệt, nhất là khi bạn chơi cùng crush hay một nửa của đời mình. Không như nhiều tựa game khác thường buộc người chơi phải chủ động tạo mối quan hệ tình cảm với nhân vật thông qua lựa chọn lời thoại hoặc tặng quà, trải nghiệm Haven bỏ qua việc quà cáp và chỉ tập trung vào các lựa chọn tình cảm. Hướng đi độc đáo này dẫn dắt người chơi nhẹ nhàng bước vào câu chuyện tình rất đời thường trong từng lời thoại và tình huống của hai nhân vật chính.
Bạn dễ dàng cảm nhận được tình cảm của hai nhân vật từ những khoảnh khắc “cưa cẩm” hay “cà khịa” nhau cho đến những lúc họ hâm nóng tình yêu. Mỗi nhân vật đều có cá tính rất riêng. Người thì hài hước, kẻ thì dí dỏm. Tình yêu của họ được thể hiện rõ nét qua từng lời thoại được biên kịch chấp bút rất chỉn chu, cuốn hút, sâu sắc và không kém phần gợi cảm. Tôi cực kỳ thích cách mà Yu và Kay tán tỉnh lẫn nhau xen lẫn với những pha “bẻ lái” quyến rũ đến từng lời nói. Đó là chưa kể rất nhiều hình artwork khoảnh khắc cuộc sống của cặp đôi khi chờ tải dữ liệu.
Tuy nhiên, dù mang đến chiều sâu hơn nhưng trải nghiệm co-op có phần thử thách hơn solo. Đó là cảm giác rất khác biệt, đòi hỏi mỗi người phải hiểu ý nhau và đôi khi gây tác dụng ngược. Trải nghiệm co-op không tạo cảm giác như được bổ sung vào cuối quá trình phát triển như nhà phát triển tiết lộ. Nó cũng không giống cảm giác trải nghiệm co-op mà một số JRPG như Tales of Vesperia hay Dragon Quest XI S: Echoes of an Elusive Age – Definitive Edition từng làm. Mỗi người chơi không chỉ độc lập tương tác từng nhân vật trong chiến đấu mà cả trong chế tác.
Lời thoại cũng vậy. Chỉ có trải nghiệm khám phá khi co-op thì hơi khác một chút. Một người chơi điều khiển nhân vật của mình cũng khiến nhân vật còn lại tự động di chuyển theo như chơi solo. Thiết kế này cho phép bạn và người ấy thay phiên nhau điều hướng di chuyển, người còn lại có thể thực hiện một số thao tác hạn chế khác để hỗ trợ. Đặc biệt, có một điểm cộng mà tôi không thể không nhắc đến chính là hai diễn viên lồng tiếng cho Yu và Kay. Họ thật sự xuất sắc trong việc thổi hồn và thể hiện tính cách của mỗi nhân vật trong từng câu thoại.
Sau cuối, Haven mang đến một trải nghiệm nhập vai đặc sắc và quyến rũ bất ngờ với chủ đề về tình yêu. Trò chơi có cách tiếp cận rất sáng tạo trong xây dựng câu chuyện kể dựa trên mối quan hệ sâu sắc của hai nhân vật chính, đủ sức làm lu mờ bất kỳ điểm trừ nào trong thiết kế game. Dù solo hay co-op cùng ai, đây chắc chắn là cái tên “tuyệt vời ông mặt trời” mà bạn không thể không chơi!
Haven hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác