Tales of Vesperia: Definitive Edition là phiên bản remaster cho các nền tảng mới nhân dịp kỷ niệm 10 năm tuổi của tựa game nhập vai kinh điển cùng tên.
Được phát hành lần đầu độc quyền trên nền tảng Xbox 360 một năm, trước khi ra mắt bản PlayStation 3 với nhiều cập nhật bổ sung nội dung mới, đến nay Tales of Vesperia vẫn luôn đứng trong top 10 hay thậm chí là top 3 những game Tales hay nhất trong series “Tales truyền kỳ”. Chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi tựa game này nhận được bản “kỷ niệm 10 năm” Definitive cho các nền tảng chơi game hiện đại ngày nay. Liệu phiên bản mới có giúp trò chơi trường tồn với thời gian khắc nghiệt?
Tales of Vesperia đưa người chơi đến với nhân vật Yuri và cả một câu chuyện khá tăm tối ở thế giới Terca Lumireis. Vùng đất này bị cai trị bởi một đế chế quân chủ vốn không được lòng người dân. Mỗi thành phố ở đây được bảo vệ bởi một vòng chắn blastia được xây dựng trên phép thuật cổ xưa để ngăn không cho quái vật xâm nhập. Mọi chuyện bắt đầu khi có một vấn đề xảy ra với blastia tại nơi mà nhân vật chính sinh sống. Hàng loạt biến cố sau đó dẫn đến cuộc phiêu lưu mà bạn sẽ được trải nghiệm.
Đồ họa tất nhiên vẫn luôn là điểm khiến tôi “xét nét” đầu tiên trong các bản remaster. Mọi thứ trông có vẻ sắc nét hơn nhưng không mang nhiều cảm giác khác biệt so với phiên bản Xbox 360 phát hành đầu tiên. Tales of Vesperia: Definitive Edition sử dụng đồ họa kiểu cel-shade, kết hợp với các đoạn phim chuyển cảnh anime rất hợp với nhau. Sự kết hợp này tạo cảm giác đồng nhất về phong cách đồ họa giữa các đoạn phim chuyển cảnh anime và các đoạn dựng bằng game engine của trò chơi.
Theo chia sẻ của nhà phát hành thì Tales of Vesperia: Definitive Edition sẽ có tốc độ khung hình 60fps toàn bộ trải nghiệm trên phiên bản PlayStation 4. Hai nền tảng Xbox One và Nintendo Switch thì chỉ chạy ở 30fps khi vào trận đấu và 60fps ở các phân đoạn còn lại. Riêng bản PC thì sẽ thay đổi tốc độ khung hình tùy thuộc vào sức mạnh phần cứng PC của người chơi. Trò chơi xuất hình ở độ phân giải 1080p trên tất cả các nền tảng console. Tuy nhiên, PC lên được 4K trong khi Switch ở chế độ handheld thì cũng chỉ được 720p như bao tựa game khác.
Về cơ bản, thông số kỹ thuật này khá chính xác nhưng vấn đề nằm ở các đoạn phim chuyển cảnh của trò chơi. Tôi hay gặp tình trạng khung hình bị giật nhẹ chứ không mượt mà như các đoạn dựng hình bằng game engine. Có lẽ nhà phát triển đã lấy phim thành phẩm từ nền tảng PlayStation 3 để upscale độ phân giải và việc xử lý bằng các bộ lọc đã gây nên tình trạng này. Đó là chưa nói tới vấn đề tốc độ khung hình tối ưu của anime thường rất thấp, khi sản xuất luôn được xử lý từ trước để tăng tốc độ khung hình cho phù hợp thiết bị thu tín hiệu. Nếu kỹ thuật viên sai lầm trong việc xử lý lại trên thành phẩm cũ sẽ gây ra tình trạng tương tự như trên.
Không rõ vấn đề do đâu, nhưng các đoạn phim trong Tales of Vesperia: Definitive Edition thấy rõ chất lượng khá khác biệt và thiếu đồng nhất. Màu sắc có một chút bệt và tối hơn so với đoạn phim mở đầu game hết sức tươi sáng và rực rỡ. Đồ họa dựng bằng game engine của trò chơi trong một số trường hợp hiếm cũng có hiện tượng khối polygon này xuyên qua khối polygon kia, nhưng khi và chỉ khi bạn có cặp mắt tinh tường. Tuy những vấn đề này hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến trải nghiệm, nhưng vẫn mang đến một chút cảm giác khó chịu trong trải nghiệm với những ai khó tính.
Thế nhưng, Tales of Vesperia: Definitive Edition vẫn làm rất tốt khâu remaster lại đồ họa gốc ban đầu lên độ phân giải cao hơn. Bản thân tựa game này khi ra mắt lần đầu trên Xbox 360 cũng đã mang đến đồ họa khá ấn tượng ở thời điểm đó. Dù ít nhiều mang chút cảm giác cũ kỹ ở thời điểm hiện tại, nhưng không thể phủ nhận các thành phố, khu rừng, hang động và những khung cảnh rộng lớn trong thế giới của trò chơi khá đẹp. Thiết kế và chuyển động nhân vật khá ấn tượng với một số trang bị và phục trang cũng tạo sự thay đổi bên ngoài của nhân vật. Ngay cả trong các đoạn chuyển cảnh bằng game engine cũng thể hiện sự thay đổi khá tinh tế này.
Về cơ bản, Tales of Vesperia: Definitive Edition chỉ là một bản remaster của tựa game gốc, do vậy toàn bộ trải nghiệm vẫn gần giống hệt như những gì mà bạn vẫn nhớ nếu đã từng trải nghiệm phiên bản gốc của trò chơi trước đây. Bên cạnh yếu tố đồ họa đề cập ở trên, điểm khác biệt lớn nhất mà tôi thấy là thay vì không cho người chơi lựa chọn nào như trước đây, phiên bản Definitive cho phép lựa chọn giữa hai ngôn ngữ lồng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh mỗi khi vào game. Mặt khác, những ai từng trải nghiệm bản Xbox 360 trước đây sẽ cảm thấy hào hứng với nhiều nội dung mới được cập nhật bổ sung trong bản PlayStation 3, giờ đây cũng đều được đưa hết vào bản Definitive này.
Trong đó có nhân vật Patty Fleur hoàn toàn mới, các đoạn chuyển cảnh và tình tiết nội dung mới, bao gồm cả Skit tăng thêm chiều sâu cho các nhân vật. Soundtrack, minigame và boss mới cũng được cập nhật. Nhiều điều chỉnh khác rất thú vị từ bản PlayStation 3 khiến phiên bản Definitive “dày” về nội dung hơn, hệ thống chiến đấu cũng được tinh chỉnh hợp lý hơn. Đáng chú ý là việc bổ sung thêm các nhiệm vụ phụ mà bạn có thể thực hiện sau khi hoàn thành trải nghiệm ban đầu của trò chơi. Một điểm mà tôi rất thích trong Tales of Vesperia: Definitive Edition là trò chơi lồng ghép phần hướng dẫn các cơ chế gameplay cho người chơi vào game khá tự nhiên. Tuy nhiên, với những ai quá khó tính thì bạn sẽ không thích điều này, vì có không ít lần trải nghiệm bị gián đoạn để phần tutorial hướng dẫn bạn một cơ chế gameplay phức tạp nào đó.
Với số lượng nhân vật đồng hành đông đảo, Tales of Vesperia: Definitive Edition khá thành công khi xây dựng tính cách mỗi nhân vật khá thú vị và mang nhiều cảm giác đời thường. Chẳng hạn như Yuri chuyên gia troll mọi người trong nhóm. Hay Estelle mang phong thái của một cô gái khá quý tộc dễ bị tổn thương, lúc nào cũng bó hẹp theo những quy định và khuôn phép hết sức mệt mỏi. Mỗi nhân vật đều được đội ngũ lồng tiếng thổi được hồn khá ấn tượng. Tuy nhiên, ở góc độ người chơi game thì tôi có thiên một chút về phần lồng tiếng Nhật hơn. Giọng lồng tiếng Anh của Yuri nghe không hài hước chút nào so với giọng lồng tiếng Nhật trong những lúc mà anh chàng đi troll cả đám. Ngay cả bài nhạc mở đầu bằng tiếng Anh nghe cũng thiếu cảm xúc so với bản nhạc tiếng Nhật.
Điểm đặc trưng nhất trong series game Tales là hệ thống chiến đấu Linear Motion Battle hết sức đặc biệt và Tales of Vesperia: Definitive Edition cũng không phải ngoại lệ. Nói một cách đơn giản thì nó giống như hệ thống song đấu mà bạn thường thấy trong các game đối kháng 2D. Người chơi chỉ điều khiển một nhân vật chính và các nhân vật còn lại sẽ được AI điều khiển theo chiến lược mà bạn đề ra cho mỗi nhân vật theo thời gian thật. Hệ thống này yêu cầu người chơi phải phối hợp nhịp nhàng các đòn thế để tạo được combo tấn công liên hoàn, mang cảm giác hành động hết sức thỏa mãn.
Không chỉ vậy, Tales of Vesperia: Definitive Edition còn có các hệ thống kỹ năng (skill) và tuyệt chiêu (arte) của nhân vật khá nhiều, cho phép người chơi có thể vận dụng kết hợp để tạo thành những chuỗi tấn công liên hoàn gây sát thương rất lớn. Arte giống như kỹ năng riêng của nhân vật, có thể học được thông qua trải nghiệm đến một thời điểm nào đó trong game hoặc nhận được từ các nhiệm vụ phụ hay sử dụng một arte nào đó đạt số lần nhất định. Bổ trợ cho hệ thống này là Overlimit, cho phép người chơi tung ra những đòn tấn công mạnh hơn nhiều với sát thương “khủng”. Song song với Arte còn có hệ thống Skill. Đây là những kỹ năng mà bạn học được từ trang bị.
Nghe nó có vẻ rắc rối nhưng kỳ thực bạn chỉ trang bị một vũ khí nào đó có skill, chiến đấu thật nhiều trận để thanh tiến trình chạy hết là bạn đã học xong skill đó. Không khó để nhận ra hệ thống chiến đấu trong trò chơi không đơn giản như hầu hết những JRPG khác, nhưng lại mang đến cảm giác chiến đấu đậm chất hành động khá thỏa mãn. Tuy nhiên, hệ thống này cũng có một chút vấn đề của nó. Cụ thể, khi kẻ thù bị “đo đất”, chúng thường có một khoảng thời gian không “ăn đòn” khi đứng lên. Những khoảnh khắc này có khi chỉ vài giây ngắn ngủi nhưng lại làm mất đòn tấn công liên hoàn của người chơi. Tuy vấn đề này không quá lớn đến mức phá hỏng trải nghiệm chiến đấu, nhưng nó làm gián đoạn nhịp độ trận chiến khá thường xuyên khá khó hiểu.
Sau cuối, Tales of Vesperia: Definitive Edition là một trải nghiệm nhập vai khá hấp dẫn, không chỉ với những ai chưa từng trải nghiệm phiên bản gốc của trò chơi, mà ngay cả những ai muốn tìm lại cảm giác trải nghiệm ngày xưa với các nội dung mới được bổ sung. Điều này đặc biệt đúng với những bạn nào đã từng trải nghiệm phiên bản gốc trên Xbox 360 và muốn tìm lại cảm giác hoài cổ, hòa cùng cuộc phiêu lưu của Yuri và nhóm bạn cùng với nhân vật mới. Nếu yêu thích thể loại này thì đây là một cái tên rất đáng chú ý, tuy nhiên một số yếu tố thiết kế ngày xưa như save point có thể là một trở ngại với những ai chưa từng có một thời đắm chìm vào những dòng JRPG như series Tales. Câu hỏi ở đầu bài, tin chắc rằng bạn cũng đã câu trả lời cho nó.
Tales of Vesperia: Definitive Edition được phát hành cho Windows, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Tales of Vesperia: Definitive Edition.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!