Google Fuchsia là hệ đều hành mà Google đang phát triển độc lập với Android và Chrome OS. Theo nhà phát triển, họ sẽ dùng nó cho các thiết bị Internet of Things nhưng vẫn có khả năng mở rộng sang mobile, tablet, PC khi cần thiết.
Google Fuchsia được phát hiện lần đầu trong một đoạn mã bí ẩn được đăng tải trên GitHub vào tháng 8 năm 2016, không kèm theo bất cứ thông báo chính thức nào.
“Fuchsia”, được ghép từ hai từ “Pink + Purple”, vốn không nói lên ý nghĩa rõ ràng nào. Nó dùng nhân Magenta dựa trên dự án “Little Project” của Google. Nhân này được thiết kế để hướng tới các thiết bị IoT, đồng thời nó cũng tương thích tốt với cả các thiết bị smartphone lẫn máy tính PC.
Dù vậy, Fuchsia có giao diện người dùng tương tự với Android hiện tại, mang hơi hướng của Material Design. Ngoài ra, nó cũng hỗ trợ hầu như tất cả các vi xử lí hiện nay từ các chip 32, 64bit ARM hay chip 64bit trên PC.
Nói về việc hỗ trợ Swift, đây là một bước đi tưởng chừng như rất lạ vì tại sao Google lại đi ủng hộ một thứ ngôn ngữ của đối thủ nhưng nếu xét về sự sẵn sàng của lập trình viên thì lại rất đúng đắn. Hiện tại có rất nhiều người đã dùng Swift để làm app iOS rồi nên khi Fuchsia ra mắt chính thức các lập trình viên này có thể nhanh chóng viết mới hoặc port app cũ sang, góp phần gia tăng hệ sinh thái mà Google muốn xây dựng.
Đó là chưa kể đến việc Swift còn là một ngôn ngữ mở và nó đang có tiềm năng lớn không chỉ cho iOS mà còn dùng để lập trình server và nhiều thứ khác. Swift còn có thể được mang lên nhiều nền tảng khác nhau nữa. Ngoài Swift, Fuchsia còn hỗ trợ thêm nhiều ngôn ngữ lập trình phổ biến khác như C, C++.
Nhiều người cho rằng đây chính là nỗ lực mới của Google để kết hợp và thay thế cả Android lẫn ChromeOS, mang lại trải nghiệm đồng nhất với cả điện thoại, máy tính bảng, laptop, PC và các thiết bị thông tin thuộc IoT.
Một suy đoán khác thì cho rằng đơn giản là Google muốn tạo ra một hệ điều hành nhẹ nhàng hơn để tối ưu hóa tốt với các sản phẩm như OnHub hay Google Home.