Site icon TRAINGHIEMSO.VN

Game cũ mà hay: Far Cry

Game cũ mà hay: Far Cry

Một trò chơi quá tuyệt vời vào năm 2004, nhất là sau khi tìm hiểu sâu hơn mọi ngóc ngách của hòn đảo mà nhà văn chuyên viết truyện khoa học giả tưởng Herbert George Wells (H.G.Wells, 1866 – 1946) đã dựng nên.

Nếu ông còn sống, ắt hẳn ông sẽ mỉm cười khi thấy có một ngày các tác phẩm của mình được nhiều người biết đến không chỉ qua phim ảnh mà còn qua các trò chơi giải trí – một lĩnh vực thu lợi nhuận không thua gì điện ảnh. Ông có nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, nhưng đặc biệt có một tác phẩm được dân làm game sử dụng nhiều nhất: “Hòn đảo của bác sĩ Moreau” (The Island of Dr. Moreau). Tác phẩm này kể về một hòn đảo nằm ở nơi hẻo lánh trong vùng biển Nam Thái Bình Dương, tại đây có một vị bác sĩ lập căn cứ thí nghiệm những biến đổi của gen đối với cơ thể sống và điều tệ hại nhất đã xảy ra với ông. Đọc tới đây, nếu các bạn đã và đang chơi Far Cry sẽ tinh ý nhận ra rằng “khung sườn” của trò chơi rất giống ý tưởng từ tác phẩm trên…

Câu chuyện của Far Cry bắt đầu từ nhân vật Jack Carver – một người kiếm sống bằng nghề chở khách du lịch tham quan các hòn đảo thơ mộng và xinh đẹp ở vùng biển Nam Thái Bình Dương. Một ngày kia có một nữ du khách kỳ lạ và bí ẩn, nữ phóng viên Valerie Cortez, nhờ Jack chở đến một hòn đảo không tên trên bản đồ – một căn cứ bỏ hoang của quân Nhật thời chiến – để tham quan. Và tại đây nhiều điều bí ẩn bắt đầu xảy ra: cuộc tấn công của đám người lạ mặt hung dữ, con thuyền của Jack bị đánh đắm, mọi liên lạc với thế giới bên ngoài đều bị cắt đứt, đến cả nữ phóng viên cũng biến mất trong khu rừng bạt ngàn trên hòn đảo. May mắn cho Jack khi anh được Doyle – một người lạ mặt bí hiểm tự xưng là khoa học gia, đề nghị giúp đỡ anh tìm kiếm Valerie và khám phá những điều huyền bí của hòn đảo này. Cơn ác mộng của Jack bắt đầu khi anh dấn thân vào “địa ngục”…

Khung cảnh đẹp, âm nhạc hay và cách chơi pha trộn một ít kinh dị, phiêu lưu mạo hiểm với những pha hành động hồi hộp đến nghẹt thở, đó là những gì mô tả chính xác về Far Cry. Với một độ dài “kinh khủng” 20 màn (thường rất ít game bắn súng nào đạt tới số lượng màn nhiều như vậy) game cuốn hút người chơi từ đầu tới cuối, khiến bạn không tài nào rời tay và mắt khỏi màn hình được. Điều gì trong game thu hút người chơi đến như vậy? Có nhiều mặt trong game đạt “điểm cao”, nhưng điểm “hút hàng” đầu tiên phải kể đến đồ họa.

Khởi đầu trò chơi, người chơi bị “mê hoặc” bởi những khung cảnh tuyệt vời của game: các hàng dừa xanh rì mát mắt, những bãi cát vàng trải dài mời gọi, các khu rừng nhiệt đới đầy hoa lá, cỏ cây, côn trùng và chim chóc bay lượn với “tông” màu rất tươi và sặc sỡ, tạo nên một bức tranh sinh động. Nhưng điều “ấn tượng” nhất phải công nhận là: hiệu ứng thể hiện “nước” trong game thật đến độ cứ mỗi khi nhìn thấy là bạn phải dừng chân ít giây để chiêm ngưỡng hay thậm chí… nhảy xuống để “bơi” thử! Không chỉ có cảnh ngoài trời (outdoor) được dịp “khoe” sắc, nội cảnh (indoor) cũng không kém cạnh với các hiệu ứng thuộc hàng “đinh” như hỗ trợ xử lý nguồn sáng động (dynamic lighting) (tương tự Deus Ex: Invisible War); kỹ thuật đổ bóng bump-mapping tạo nếp nhăn trên bề mặt. Nhờ những hiệu ứng này mà các căn phòng trong game trông thật hơn, đôi lúc còn… “rùng rợn” – nhất là những màn đụng độ với quái vật, luôn có cảnh tranh tối tranh sáng làm tăng thêm sự hồi hộp.

Để đồ họa đạt tới đỉnh cao như vậy phải kể tới “công lao” của CryENGINE – một engine cực kỳ mạnh và đa tính năng (tích hợp hệ thống vật lý, quản lý AI, hiệu ứng…), có khả năng tái tạo những mô hình phức tạp với nhiều vật thể chi tiết. Tuy nhiên, để tránh trường hợp card đồ họa của người chơi bị “vắt kiệt” công suất khi dựng hình 3D và tô màu (lúc này số lượng đa giác sẽ tăng lên rất khủng khiếp), các thành viên của CryTek đã “vắt óc” suy nghĩ và cuối cùng họ tìm ra được lời giải – đó là kỹ thuật Polybump. Với kỹ thuật này số đa giác khi tô màu vẫn bằng với số đa giác khi dựng hình khung mà chất lượng hình ảnh không suy giảm. Bên cạnh chức năng “phục vụ” cho Far Cry, engine này còn được các nhà làm game tính thêm “nước cờ thứ hai”: cho thuê. Vâng, khi mà yêu cầu về đồ họa trong game ngày càng “đáng sợ” thì việc có trong tay một engine đa năng và mạnh mẽ để xây dựng game là một phương án “tiết kiệm” chi phí, đồng thời sẽ “sinh lợi” cho nhà phát triển trò chơi sau này. Có lẽ CryTek đã tiên đoán trước được sự thành công của trò chơi cho nên họ dốc sức nghiên cứu ra CryENGINE, và kết quả hiện nay hẳn không cần phải bàn cãi nhiều.

Song dù có cố gắng đến mấy đi chăng nữa, đồ họa vẫn luôn là “sát thủ” của phần cứng! Để có thể tận hưởng hết vẻ đẹp hoàn hảo của trò chơi, cấu hình máy của bạn phải trả một “cái giá” không nhỏ thời đó. Có ba yếu tố chính ảnh hưởng đến hình ảnh và tốc độ trò chơi: CPU, RAM và card màn hình. Trong đó phần card màn hình là “nặng đô” nhất, vì nó lãnh hết phần trách nhiệm xử lý hình ảnh để CPU “rảnh tay” thanh toán những phần còn lại với sự trợ giúp của “anh RAM”.

AI – trí thông minh của máy – là một thách thức đối với các gamer bắn súng “chuyên nghiệp”. Khi Far Cry xuất hiện, AI của game nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí đầu bảng về mức độ tinh khôn của các nhân vật máy. Xuyên suốt 20 màn chơi cực kỳ lớn của game, người chơi sẽ có dịp đụng độ với nhiều loại nhân vật khác nhau, và các nhân vật này sẽ có những cách hành xử rất thông minh: chỉ cần nghe một tiếng động lạ (dù rất nhỏ) như tiếng lá sột soạt, tiếng công tắc đèn pin hay âm thanh lội nước bì bõm là chúng đã cảnh giác cử người do thám ngay lập tức những vị trí khả nghi; khi gặp nguy hiểm các nhân vật máy sẽ phân chia nhiệm vụ: có tên lo chạy đi báo động, kẻ thì gọi trực thăng hoặc canô yểm trợ (những thứ khó chịu nhất trong trò chơi), những tên còn lại họp thành nhóm bao vây mục tiêu và bất chợt tấn công từ nhiều phía; phải công nhận là chúng biết lựa thời cơ tấn công đúng vào những lúc người chơi mất cảnh giác nhất.

Việc đấu trí đã khó nhưng chưa khó bằng đấu súng. AI thay đổi theo mức thiết lập độ khó mà bạn chọn trước khi chơi. Những tay bắn súng “pro” nên “thử lửa” chế độ khó nhất (realistic): trong những cuộc đấu súng, phần thắng luôn nghiêng về máy và có thể bạn phải chơi lại một cảnh cả chục lần là “chuyện thường tình”. Đụng độ với mỗi loại nhân vật trong game là một lần thu lượm được những kinh nghiệm thú vị lẫn sự hồi hộp trong hành động. Đối đầu với lính, bạn học được sự cảnh giác đề phòng từ mọi phía, học được cách tấn công chúng bằng những cách khác nhau. Còn khi giáp mặt với quái vật, bạn có được cảm giác hồi hộp đan xen một chút sợ hãi và học được cách… bỏ chạy thật nhanh khi cần thiết. Nhiều người vẫn nghĩ rằng quái vật là loài sinh vật to xác, ngu ngốc và chậm chạp, điều đó đúng với một số game nhưng với FC thì không: chúng phản xạ cực kỳ nhanh nhẹn và không chỉ có những cái “tát” nảy lửa mất cả nửa “bình máu” mà chúng còn biết sử dụng vũ khí để tấn công. Đôi lúc, chúng còn biết ngụy trang bằng cách “tàng hình”!

Tuy độ khó của game có thể nói nhiều lúc vượt quá khả năng của bạn (đôi lúc đến mức phi lý), nhưng để tồn tại, người chơi không chỉ “nhanh tay, lẹ mắt” mà họ còn cần sự giúp sức của các vật dụng hữu ích. Đứng đầu “danh sách” các món “đồ nghề” trợ giúp cho bạn là chiếc ống nhòm đa năng: không chỉ nhìn xa mà nó còn có khả năng “bắt hình” các mục tiêu và chuyển tải chúng vào màn hình rađa để bạn tiện theo dõi (những mục tiêu ẩn núp kỹ và khuất thì ống nhòm không thể “bắt” được, bạn cần lưu ý điều này khi chơi). Ngoài ra, nó còn có thể “thu tiếng” các cuộc trò chuyện từ xa, phát hiện các mục tiêu tàng hình. Vật hữu dụng kế tiếp là ra-đa, nó có hai phần: màn hình hiển thị (dựa vào ống nhòm để định vị mục tiêu) và cột cảnh báo, từ đây người chơi có thể nắm được tình hình xung quanh.

Vật dụng hữu ích nữa chính là các phương tiện vận chuyển. Game có ba loại: không, thủy và bộ. Phần thủy và bộ chính là xe jeep và canô nhưng bạn đừng vội coi thường chúng, vì ở những màn sau của trò chơi khung cảnh rất lớn và có độ nguy hiểm vô cùng cao, việc có được một phương tiện di chuyển là hết sức quí giá. Về phần “bay lượn”, bạn sẽ không thể nào tìm được một chiếc máy bay để “dạo cảnh”, mà thay vào đó chỉ được một “con diều bay” (hang glider) dùng để bay từ bờ bên đây sang bờ bên kia.

Vũ khí là những thứ hữu dụng cuối cùng không thể thiếu (bạn được mang tối đa 4 loại vũ khí cùng lúc). Game cung cấp cho người chơi nhiều loại vũ khí hiện đại như: P90 SMG, M4 Karabiner, OICW, AW50 Sniper…; trong đó, khẩu M4 Karabiner là loại được dùng thường xuyên nhất vì không chỉ có hỏa lực mạnh mà còn cho phép bắn theo hai chế độ: liên thanh và từng phát (rất ít loại súng trong game có hai chế độ bắn này).

Nói về điểm yếu của game thì hầu như Far Cry có rất ít. Có lẽ vấn đề mà nhiều người than phiền nhất chính là game không có chế độ lưu nhanh (Quicksave), mặc dù trong game có những điểm lưu cố định (checkpoint), nhưng với một màn có độ lớn (lẫn độ khó) kinh khủng mà chỉ có ít điểm “checkpoint” thì Far Cry thực sự là một “cơn ác mộng” với các gamer.

Ngoài ra, AI và đồ họa của game cũng vướng một số lỗi nho nhỏ như: đôi lúc các nhân vật máy bị kẹt không biết tìm đường khác để đi, mép nước đôi chỗ làm không được tự nhiên, không thể hiện được dấu chân khi đi từ dưới nước lên, xác chết không nổi lềnh bềnh trên mặt nước mà nằm… ngay đơ.

Nếu như phần chơi đơn của game rất xuất sắc thì mục chơi mạng của Far Cry có thể nói chỉ đạt mức trung bình. Game có rất ít chế độ chơi mạng: Free For All (hay còn gọi là chế độ Deathmatch), Assault (tương tự cách chơi cướp cờ – Capture the Flag) và TDM (Team Deathmatch). Số lượng màn chơi dành cho phần mạng cũng rất ít (khoảng 11 màn dành cho ba chế độ chơi). Việc tìm kiếm đối phương trong mục chơi mạng khá “phê”, vì khung cảnh vô cùng rộng lớn mà các loại xe và canô hầu như ít xuất hiện. Cũng may là người chơi có thể định vị đối phương không chỉ qua ống nhòm, ra-đa, mà còn nhờ sự phản chiếu ánh sáng từ kính ngắm trên súng – một điểm khá hay của game. Hi vọng rằng trong thời gian tới, nhà phát triển game sẽ tung ra thêm các phần chơi mới nhằm thu hút hơn nữa sự chú ý của các fan chơi mạng.

Và cuối cùng, không thể không nhắc tới sự đóng góp của âm thanh trong thành công chung của trò chơi. Các bản nhạc của game theo nhìn nhận là khá hay (và theo tôi, bài nhạc menu game là cuốn hút nhất), chúng thay đổi nhịp điệu theo từng trạng thái hành động đang diễn ra: bình thường thì âm nhạc trầm lắng, bạn có thể nghe được tiếng sóng biển rì rào, tiếng lá xào xạc…, khi tới cảnh “action” thì tiếng nhạc trở nên dồn dập với tiết tấu tăng nhanh, tạo cảm giác hồi hộp. Nói chung phần “tiếng” của tổng thể trò chơi không có gì đáng phải phàn nàn.

Dù bạn là tay bắn súng chuyên nghiệp, vượt qua rất nhanh các trò bắn súng, nhưng với Far Cry bạn cần phải học lại từ đầu. Tất nhiên, thử thách chỉ đến khi bạn đối mặt với chế độ chơi khó nhất…

Exit mobile version