Forged Battalion là tựa game RTS gợi nhiều cảm giác quen thuộc từ series đình đám một thời như Command & Conquer hay Red Alert.
Nếu bạn từng có một thời mất ăn mất ngủ với những series game RTS như Command & Conquer, Red Alert hay Age of Empires, có thể những cảm giác hòa mình trong các cuộc chiến hấp dẫn đó vẫn rất khó quên. Trong khi những dòng game chiến thuật thời gian thật hiện đại ngày nay đã chuyển sang một bước chuyển mình, với chiến dịch màn chơi hoành tránh hơn rất nhiều thì vẫn không gì bằng một trận Age of Empires với đồng nghiệp nam vào giờ nghỉ trưa. Có lẽ muốn mang đến cảm giác hoài niệm của thể loại RTS ngày xưa mà Forged Battalion khi ra mắt đã gây sự chú ý không nhỏ trong cộng đồng người chơi RTS kỳ cựu.
Ngay từ đầu trò chơi, Forged Battalion đã khiến tôi khá bất ngờ với hệ thống tùy biến của được gọi là Faction. Nó chi tiết tới mức thậm chí cho phép bạn đặt tên cho một loại quân mà bạn muốn tùy biến nữa. Về cơ bản, người chơi sẽ được thưởng research point khi trải nghiệm bất kỳ chế độ chơi nào. Các research point dùng để mở khóa và nâng cấp các công nghệ quân sự (tech tree). Một số mở khóa mang tính thiết yếu, nhưng rất nhiều trong số đó cần được cân nhắc theo ý đồ chiến thuật của bạn là gì.
Ứng dụng các công nghệ này vào việc xây quân sẽ giúp bạn sản xuất ra các loại quân mạnh mẽ hơn, tất nhiên cũng kèm với một số đánh đổi. Các công nghệ cao cấp thì tốn nhiều tài nguyên và thời gian để ứng dụng hơn, trong khi các công nghệ “củ cải” thì ngược lại. Khó khăn của người chơi là ở chỗ cân bằng những công nghệ này như thế nào để bảo đảm cân bằng giữa hai thứ, sản sinh ra những loại quân hiệu quả nhất trên chiến trường theo chiến thuật của bản thân.
Tuy nhiên trò chơi cũng có hạn chế về lượng công nghệ bạn có thể ứng dụng vào một quân và số loại quân có thể mang theo vào trận bằng loadout, nên không có chuyện bạn có thể mang toàn “hàng khủng” vào trận được. Không may là đây là yếu tố có thể gây nhiều tranh cãi, vì nó chỉ phù hợp với phần trải nghiệm campaign khi bạn có thể xếp lại loadout cho phù hợp và chơi lại sau một trận thua với kẻ thù AI. Thế nhưng khi trải nghiệm multiplayer thì bạn không có cơ hội thử và sai, do vậy việc cân nhắc chuẩn bị loadout để có đầy đủ khí tài đối phó với bất kỳ chiến thuật bất ngờ nào từ những người chơi khác không phải là việc dễ dàng.
Các công trình xây dựng cũng được đặt tên rất quen thuộc với những ai từng một thời ăn ngủ cùng series game Command & Conquer. Ngay cả các phím tắt sử dụng trong trò chơi cũng không ngoài cảm giác đó khiến tôi ban đầu cũng khá bất ngờ. Điều này thật ra không lạ, vì đội ngũ phát triển Forged Battalion chính là những gương mặt đã tạo nên thành công của series Command & Conquer từ thời do Westwood Studios phát triển. Sau đó, Westdood bị EA mua lại vào năm 1998 và đóng cửa năm năm sau đó.
So với các phiên bản Command & Conquer cũ từ thời Westwood Studios, AI của máy đã có sự cải tiến đáng kể và thông minh hơn. Chúng biết học hỏi từ những chiến thuật của người chơi để tạo nên những bất ngờ cho bạn trên chiến trường, bất kể đó là cuộc chiến đó bạn giành phần thắng hay thua. Yếu tố này tạo nên sự hấp dẫn trong trải nghiệm, khiến độ khó dần tăng theo tương ứng với trình độ của người chơi, chứ không còn cảm giác quá dễ hay quá khó nữa như series Command & Conquer trước đây nữa. Thậm chí nếu bạn tận dụng chiến thuật “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, thì kẻ thù cũng mạnh và bạo không kém, khiến cuộc chiến không bao giờ quá đơn giản và dễ dàng cả.
Tuy nhiên, một điều khá đáng tiếc mà tôi nghĩ nhà phát triển có thể dễ dàng cải thiện trước khi game phát hành chính thức, đó là phần tutorial. Mặc dù Forged Battalion vẫn có phần hướng dẫn khá chi tiết về cách sử dụng Faction để mang đến lợi thế về công nghệ cho người chơi, nhưng đó là tất cả những gì bạn được hướng dẫn. Phần trải nghiệm chính thì trò chơi không đả động gì về cách chơi và những gì cần xây dựng đầu tiên. Điều này khiến những ai mới chơi lần đầu thể loại này hoặc chưa từng chơi game RTS tương tự trước đây sẽ gặp ít nhiều khó khăn để tiếp cận. Chẳng hạn, đâu phải ai cũng biết công trình Refinery dùng để thu thập tài nguyên và bạn cần năng lượng để các công trình hoạt động.
Một yếu tố cũng khiến tôi cảm thấy hơi đáng tiếc là phong cách đồ họa mang hơi hướng hoạt hình của trò chơi, tạo cảm giác hơi khác thường đối với thể loại RTS mà Forged Battalion theo đuổi. Mặc dù tôi không gặp vấn đề nào về tốc độ khung hình trồi sụt thất thương hay văng game về Windows, nhưng thật sự tôi không thích chút nào phong cách đồ họa của trò chơi. Nó tạo cảm giác như trải nghiệm của người chơi là một cuộc chiến trận giả mà các quân trong đó là những món đồ chơi của con nít vậy, rất buồn cười. Ngay cả tông màu của trò chơi cũng có cảm giác có gì đó sai sai, không mang đến cảm nhận hiện đại phù hợp với bối cảnh của trò chơi chút nào. Dù vậy, tôi khá thích cách mà nhà phát triển dành sự chăm chút nhiều tiểu tiết tinh tế trong trò chơi, chẳng hạn khi những chiếc xe tăng cán qua những cái cây sẽ khiến cây ngã rạp và biến mất.
Sau cuối, mặc dù chỉ mới ở giai đoạn Early Access nhưng Forged Battalion thật sự là một tựa game chiến thuật thời gian thật hấp dẫn và đáng trải nghiệm, nhất là với những ai yêu thích những tựa game RTS kinh điển như Command & Conquer. Tuy không có nội dung hấp dẫn cho phần chơi campaign như nhiều tựa game RTS khác lấy đề tài Thế Chiến trên thị trường, nhưng trải nghiệm multiplayer hấp dẫn đã bù đắp phần nào điều đó. Phần trải nghiệm này cho phép lên tới 8 người chơi tham gia vào trận chiến với người và AI hỗn hợp, mang đến giá trị chơi lại khá cao cho trò chơi.
Forged Battalion hiện chỉ có trên Windows.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game”]