Conan Unconquered là tựa game mới nhất lấy bối cảnh thần thoại từ bộ tiểu thuyết Conan the Barbarian của nhà văn người Mỹ Robert Ervin Howard. Tuy nhiên, khác với những tựa game trước đây thường thiên về trải nghiệm chặt chém, phần chơi này lại là một trải nghiệm sinh tồn chiến thuật thời gian thật khá thú vị về mặt ý tưởng.
Trò chơi được phát triển bởi Petroglyph Games, nguyên là Westwood Studios từng làm nên thành công cho những tựa game chiến thuật thời gian thật kinh điển như Dune II, Command & Conquer hay Star Wars: Empire at War. Với nhiều người chơi thuộc thế hệ 7x và 8x, đây là những cái tên đã gắn liền với một thời thơ ấu. Tựa game gần đây nhất của họ là Forged Battalion và trong tương lai gần sẽ là bản remaster hai phần chơi Tiberian Dawn và Red Alert của game Command & Conquer kinh điển nói trên.
Conan Unconquered là sự kết hợp giữa yếu tố chiến thuật và khám phá trong cùng một trải nghiệm. Trò chơi có hướng đi gần giống với SpellForce 3: Soul Harvest nhưng thiên về yếu tố sinh tồn và phòng thủ tháp hơn. Mục tiêu của người chơi là bảo vệ căn cứ chống lại những trận tấn công của kẻ thù, nhưng không đồng nghĩa chỉ tính toán và xây các tháp súng bảo vệ như thường thấy. Thay vào đó, bạn phải mở rộng căn cứ, thu thập tài nguyên và nuôi binh, chuẩn bị sẵn sàng trước mọi đợt tấn công của kẻ thù.
Lối chơi của Conan Unconquered khá đơn giản. Người chơi sẽ chiến đấu để thăng cấp cho hero và binh lính, thu thập tài nguyên bằng cách xây dựng các công trình, gầy quân và bảo vệ căn cứ mà quan trọng nhất là “nhà chính” Fortress. Trải nghiệm game thường được chia thành hai giai đoạn xen kẽ cho khâu chuẩn bị và chiến đấu ở mỗi đợt tấn công. Người chơi có thể tận dụng thời gian chuẩn bị để khám phá màn chơi, nhưng nếu quá tập trung vào yếu tố này thì hậu quả không tốt đẹp đang chờ bạn ở phía trước.
Thế nhưng, điều đó cũng không đồng nghĩa cứ xây quân ào ào và phát triển căn cứ thật nhanh sẽ giành được lợi thế. Trải nghiệm Conan Unconquered được thiết kế để người chơi phải có chiến thuật bài bản rõ ràng, khá có chiều sâu và cân bằng giữa hai yếu tố nói trên một cách hợp lý. Mặc dù các công trình đều được mở sẵn ngay từ đầu trải nghiệm, nhưng việc nghiên cứu công nghệ mới lại là một gánh nặng cho yếu tố quản lý vĩ mô trong trải nghiệm game. Chưa kể, các đợt tấn công của kẻ thù càng có xu hướng tăng dần độ khó về sau, dễ khiến bạn trở tay không kịp.
Đây là một trong những kinh nghiệm xương máu của tôi khi chủ quan ở đợt tấn công cuối ngay trong màn chơi đầu tiên. Hậu quả là khi quân ta đang còn mải tấn công một phía thì một đám quân nhỏ của kẻ thù bọc lót hướng còn lại, kéo vào “băm nát” Fortress và màn hình Defeated hiện ra trong sững sờ của tôi. Đây cũng là một điểm trừ của game, nhưng không phải ở độ khó cao mà là yếu tố hướng dẫn cơ bản gần như không có, khiến tựa game này gần như không thân thiện với người chơi mới của thể loại này.
Không những vậy, khác với những tựa game cùng thể loại khác thường chia việc khá rõ ràng cho yếu tố thu thập tài nguyên và rèn binh luyện tướng, Conan Unconquered lại đòi hỏi người chơi phải làm nhiều hơn thế. Trò chơi không có “người nông dân” như thường thấy mà bạn chỉ cần xây các công trình cho mục đích thu thập tài nguyên. Yếu tố này vận hành bán tự động, cứ xây lên đúng công trình là tài nguyên đó sẽ tự động được thu thập theo một chu kỳ nhất định. Mặt khác, quân của bạn giống như lính đánh thuê và việc nuôi quân cũng tốn tiền vàng để duy trì chứ không chỉ xây quân tốn tài nguyên một lần là hết.
Chiến đấu cũng vậy. Ngoài yếu tố chiến đấu với các đợt tấn công của kẻ thù, Conan Unconquered còn mang ý tưởng “một mình cân cả thế giới” vào game, đúng với phong cách của nhân vật Conan trong bất kỳ tựa game nào thuộc series này trước đây. Cụ thể, thỉnh thoảng sẽ có những đám tàn binh nomad đâu đó xuất hiện vào phá hoại căn cứ và cướp tài nguyên của bạn. Thậm chí, những “binh đoàn” quái vật thời tiền sử cũng rất biết tận dụng thời cơ để gây khó cho người chơi. Từ những con đà điểu cho tới bò cạp khổng lồ, đâu đâu cũng đều là kẻ thù của người chơi theo đúng nghĩa đen.
Tuy nhiên, càng chiến đấu thì hero của bạn sẽ càng thăng cấp mạnh hơn và quân sĩ cũng vậy. Chiến đấu cũng là cơ hội nhận thưởng thêm nguồn tài nguyên phụ hoặc các thánh tích quý giá hỗ trợ rất lớn trong trải nghiệm. Nó như một cách để khuyến khích người chơi khám phá và chiến đấu. Mọi chuyện đều tốt đẹp cho đến khi bạn nhận ra hệ thống quản lý vĩ mô của trò chơi có hàng tỉ thứ phải làm và chẳng người chơi nào ba đầu sáu tay để có thể làm tốt điều này. Nhà phát triển giải quyết vấn đề này bằng nút tạm dừng và hỗ trợ chơi co-op hai người.
Nếu như chơi đơn hấp dẫn một với hàng khối thứ phải quản lý khiến bạn đau cả đầu, nhất là khi căn cứ càng mở rộng thì yếu tố này ngày càng nặng nề và nhiều đến mức gần như không thể trải nghiệm mà không dùng đến nút tạm dừng. Ở góc độ người chơi, tính năng này khá hữu dụng nhưng tôi cảm giác nó giống như một giải pháp tạm thời mà nhà phát triển chưa nghĩ ra được giải pháp nào hay hơn. Vấn đề lớn nhất của nó là khiến trải nghiệm bị gián đoạn, điều mà tôi nghĩ có lẽ không phù hợp với lối chơi chiến thuật thời gian thật của game.
Ngược lại, trải nghiệm co-op hai người chơi cùng quản lý căn cứ lại khiến Conan Unconquered hấp dẫn mười và thật sự tỏa sáng. Cảm giác như đây mới chính là thiết kế ban đầu của trò chơi, trong khi phần chơi đơn chỉ để chiều lòng người chơi vì mục đích thương mại mà thôi. Về cơ bản, đó là trải nghiệm mà hai người chơi cùng quản lý mọi yếu tố trong một trải nghiệm và là một cách “chia để trị” khá hữu hiệu. Chẳng hạn, một người chơi có thể vừa lo tập trung vào yếu tố nghiên cứu công nghệ vừa bao quát Fortress, người chơi còn lại có thể lo việc khám phá hoặc quay về ứng cứu khi tình hình “loạn chiến” diễn ra. Đó là chưa kể có hai hero chinh chiến mang lại lợi thế rất lớn so với chơi đơn.
Mặc dù mang đến trải nghiệm khá hào hứng, nhất là khi chơi co-op nhưng Conan Unconquered vẫn vướng phải một số vấn đề đáng nói. Đầu tiên là “bà hỏa”, một cơ chế gameplay của trò chơi mà ngay màn hình tải dữ liệu có đề cập đến đại ý là thứ gì cũng có thể cháy, từ công trình xây dựng cho tới tường hay thậm chí quân của bạn cũng có thể bị lửa đốt. Kỳ thực tôi không chê ý tưởng gameplay này vì nó khá hay, được thiết kế phù hợp với yếu tố sinh tồn trong trải nghiệm game.
Vấn đề nằm ở chỗ quân của bạn không biết cách dập lửa và nó đã tồn tại từ khi trò chơi ra mắt hồi cuối tháng 5/2019. Đến nay, tuy đã có năm hay sáu bản cập nhật tung ra, nhưng bản cập nhật mới nhất ở thời điểm bài viết là build 691236 version 11.43 vẫn chưa giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, việc dập lửa khá rắc rối nếu nó cháy lan khiến tôi thường chọn giải pháp đập bỏ rồi xây lại cho nhanh thay vì cố dập lửa mang lại rủi ro quá lớn. Có vẻ như nhà phát triển đưa yếu tố đời thật này vào game một cách quá nghiêm túc thì phải.
Vấn đề thứ hai liên quan đến thời gian tải dữ liệu của Conan Unconquered khá lâu. May mắn là thời gian chờ này chỉ xảy ra trước khi vào trận. Tuy nhà phát triển cũng tận dụng khoảng thời gian chờ này để đưa ra những mẹo chơi game hay hướng dẫn người chơi mới trong trải nghiệm, nhưng không phải ai cũng quan tâm đến những thông tin này, nhất là khi bạn đã trải qua hàng chục giờ chơi đi chơi lại solo hoặc với bạn bè. Trong khi đó, trải nghiệm game lại khá ngắn và ít nội dung so với mức giá có phần hơi cao, có lẽ vì chi phí bản quyền khá nặng. Bản Deluxe cũng không có nhiều giá trị như mong đợi.
Một số vấn đề khác nhỏ hơn như thao tác nâng cấp khá phiền phức chẳng hạn như bức tường, đòi hỏi bạn phải nhấn vào từng mảng một để nâng cấp, rất dễ bỏ sót và gián tiếp gây ảnh hưởng không nhỏ đến phòng thủ. Mặt khác, thỉnh thoảng tôi cũng gặp phiền phức với hệ thống tìm đường của AI, nhưng may mắn là không tệ đến mức dễ nổi điên như S.W.I.N.E. HD Remaster khi phải dẫn đường thủ công từng chút một. Ít ra thì các quân trong Conan Unconquered cũng biết “đi đến nơi, về đến chốn” từ điểm A đến điểm B trong phần lớn trường hợp. Một vấn đề “nhỏ xíu” khác là mỗi khi trò chơi autosave lại bị gián đoạn vài giây chờ khá khó chịu khi đang “loạn chiến”.
Vấn đề cuối cùng có thể hơi thiên về cảm nhận cá nhân, nhưng với tôi thì đồ họa của Conan Unconquered lạ nhưng không ấn tượng, mang cảm giác khá cũ kỹ dù có thể đây là chủ ý thiết kế của nhà phát triển nhằm giảm bớt yếu tố bạo lực. Các công trình xây dựng không tạo cảm giác “xây” trên chính mảnh đất đó mà giống như được dán “keo con voi” xuống hơn, tạo cho tôi cảm giác có gì đó sai sai khó diễn tả. Dù vậy, điểm cộng của đồ họa là nhà phát triển đã tận dụng khá tốt tạo hình các nhân vật và mọi thứ trong vũ trụ Conan the Barbarian, từ nhân vật cho đến môi trường màn chơi nhìn vào đều có thể dễ dàng nhận ra ngay nếu bạn từng chơi game trong series này.
Sau cuối, Conan Unconquered mang đến một trải nghiệm chiến thuật sinh tồn thời gian thật khá hấp dẫn và hào hứng, nhưng chỉ khi bạn có bạn để chơi cùng. Trải nghiệm solo kém hấp dẫn hơn rất nhiều, cộng với quá nhiều yếu tố quản lý phải lo khiến trải nghiệm khá thử thách trong trường hợp này. Nếu yêu thích thể loại này và có bạn để chơi cùng, đây chắc chắn là một tựa game đáng cân nhắc.
Conan Unconquered được phát hành cho PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác