FINAL FANTASY VII Remake là phiên bản “đập đi xây lại” của JRPG kinh điển cùng tên ra mắt cách đây hơn 23 năm. Không chỉ nâng cấp toàn diện mọi khía cạnh, bản làm lại còn sở hữu nhiều cơ chế gameplay mới và mang đến trải nghiệm vô cùng hấp dẫn. Bài viết được thực hiện trên bản game digital được Square Enix cung cấp cho Trải Nghiệm Số.
Sau FINAL FANTASY VIII Remastered gợi nhiều hoài niệm xưa, cái tên FINAL FANTASY VII Remake lại gieo vào lòng tôi những cảm xúc lẫn lộn theo nghĩa tốt. Dù phiên bản gốc của trò chơi có thể đã thành huyền thoại trong trái tim của rất nhiều người chơi PC và PlayStation ngày xưa, nhưng nó chưa bao giờ là JRPG yêu thích của tôi trong suốt 23 năm qua vì nhiều lý do. Một trong số đó là tạo hình nhân vật nhìn cục mịch kém hấp dẫn, khiến tôi chủ yếu xem nhỏ em chơi hơn là trực tiếp trải nghiệm. Thế nhưng khi phim FINAL FANTASY VII: Advent Children ra mắt, tôi từng nghĩ đến sự kết hợp tuyệt vời giữa trải nghiệm game và tạo hình mới này. Điều đó đã trở thành sự thật sau nhiều năm dài chờ đợi, thậm chí còn vượt xa kỳ vọng của tôi.
FINAL FANTASY VII Remake đã nâng tầm trải nghiệm cho một “huyền thoại” của nhiều người chơi xưa kia lên cấp độ khác với định hướng mới. Vẫn là câu chuyện của Cloud và nhóm bạn trong cuộc chiến mà nhiều người đã thuộc nằm lòng, nhưng mọi thứ nay đã khác trước rất nhiều. Không chỉ khía cạnh đồ họa mà cả tuyến truyện cũng đem lại cho tôi nhiều bất ngờ thích thú. Ngay cả khi bạn là fan cứng của FINAL FANTASY VII, câu chuyện kể trong bản làm lại chắc chắn cũng mang đến cảm giác hoàn toàn mới mẻ. Ngoại trừ một số yếu tố quen thuộc cũ như tên nhiều loại vũ khí, lối chơi khá tuyến tính hay hệ thống Materia đi vào lòng bao người, cảm giác hoài cổ trong trải nghiệm không được giữ lại nhiều mà điều chỉnh cho phù hợp với thời đại hơn.
Đồ họa trong FINAL FANTASY VII Remake là điều mà tôi ấn tượng đầu tiên. Tạo hình các nhân vật rất giống phim CG FINAL FANTASY VII: Advent Children, nhưng chất lượng và độ chi tiết cao và biểu cảm tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, game không không có các tùy chọn để tận dụng sức mạnh của PS4 Pro. Dù vậy, thế giới trong game vẫn được xây dựng hết sức ấn tượng. Các địa danh từ khu vực Sector 5 đến Sector 7 trong tựa game gốc nay mở rộng hơn rất nhiều. Những cảnh cháy nổ và hiệu ứng ánh sáng xử lý rất tuyệt vời. Với hơn 80GB, trong đó chiếm dung lượng không nhỏ là các đoạn phim CG chuyển cảnh, nhưng tôi gần như không phân biệt được khi nào dựng hình bằng game engine Unreal 4 và lúc nào sử dụng phim chuyển cảnh.
Nhạc nền cũng không hề kém cạnh khi tái sử dụng lại rất nhiều những bản nhạc đã từng làm nên cái hồn của trò chơi gốc, tất nhiên với chất lượng cao hơn và cũng có chút remix mà vẫn giữ lại giai điệu cũ. Điều thú vị là ông Nojima Kazushige tiếp tục quay trở lại chấp bút cho kịch bản vừa cũ lẫn mới trong phần chơi FINAL FANTASY VII Remake, trao cho các nhân vật chính lẫn phụ trước đây nhiều cơ hội tỏa sáng hơn. Đơn cử như bộ ba Jessie, Biggs và Wedge trước đây xuất hiện rất nhạt nhòa thì nay họ có nhiều điều để nói hơn. Các nhân vật khác cũng vậy, bất kể trong phiên bản gốc từng là nhân vật phụ, vai phản diện khó ưa hay chỉ là một cái tên thoáng qua, giờ đây tất cả đều có đất diễn cho riêng mình và thể hiện tâm lý rõ ràng hơn.
Ở góc độ người chơi, câu chuyện kể trong FINAL FANTASY VII Remake mang cảm giác cá nhân hóa cao hơn. So với game gốc, phiên bản làm lại hé lộ nhiều tình tiết mới về thân nhân và sự phát triển tâm lý của các nhân vật, giúp người chơi cũ lẫn mới hiểu hơn về động cơ đằng sau của mỗi người trong tổng thể nội dung. Kết hợp câu chuyện kể với đồ họa đẹp và biểu cảm sống động trên khuôn mặt dù là nhân vật điều khiển hay NPC, trải nghiệm game tạo cho tôi cảm giác như đang sống cùng những hỉ nộ ái ố của từng nhân vật hơn. Đơn cử như Cloud ban đầu chỉ quan tâm đến tiền, nhưng sau khi trải qua nhiều thăng trầm với những người mà anh chưa từng xem là đồng đội, “lạnh lùng boy” này cũng dần thay đổi qua nhiều biểu cảm vụng về mà đáng yêu.
Ấn tượng không kém trong trải nghiệm FINAL FANTASY VII Remake là hệ thống chiến đấu kết hợp hài hòa “tân cổ giao duyên”. Phiên bản làm lại không còn hệ thống Active Time Battle (ATB) thuần theo lượt như phần chơi gốc nữa. Thay vào đó là sự kết hợp yếu tố hành động chặt chém theo thời gian thật như Crisis Core: Final Fantasy VII với thanh ATB quen thuộc trong tựa game gốc. Về cơ bản, người chơi sẽ điều khiển trực tiếp một nhân vật trong party, các nhân vật còn lại sẽ do AI điều khiển. Tuy nhiên, bạn có thể chuyển qua lại giữa cả party bất kỳ lúc nào theo thời gian thật để tận dụng sức mạnh từng cá nhân hoặc phối hợp cả party. Đáng chú ý, thanh ATB giờ đây thay cho cơ hội sử dụng tuyệt kỹ (ability), vật phẩm (item) và phép thuật (spell).
Người chơi có thể làm đầy thanh ATB nhanh hơn bằng cách chiến đấu chặt chém kẻ thù như bất kỳ game hành động nhập vai nào hoặc chờ thanh này tự đầy với thời gian lâu hơn rất nhiều. Bạn có thể chỉ sử dụng yếu tố chặt chém với hai nút □ và △ trên tay cầm Dual Shock 4, nhưng chắc chắn mất nhiều thời gian hơn so với làm đầy nhanh thanh ATB bằng cách chiến đấu để có thể sử dụng những tuyệt kỹ và phép thuật mạnh hơn. Hệ thống Materia hay ngày xưa chị em tôi thường gọi là gắn ngọc về cơ bản vẫn hoạt động gần giống tựa game gốc, nhưng có chút khác biệt thú vị và sử dụng giao diện hiện đại cũng như dễ nhìn hơn. Tận dụng hệ thống này tốt sẽ giúp ích rất nhiều khi chiến đấu, đặc biệt là trong những trận đánh boss vô cùng hoành tráng.
Do hệ thống chiến đấu hướng đến tính hành động cao, trải nghiệm đánh boss trong FINAL FANTASY VII Remake hấp dẫn hơn rất nhiều so với phiên bản gốc ngày xưa. Nhịp độ trận chiến diễn ra rất nhanh với tạo hình boss khổng lồ, nhìn cực ngầu vừa ấn tượng vừa không thiếu tính sáng tạo. Tuy nhiên, độ khó của các trận này có thể khiến một số người chơi cũ cảm thấy không thỏa mãn vì hiếm khi đòi hỏi sự kiên nhẫn như trước đây. Một phần vì người chơi có sự hỗ trợ “tận răng” của “công nghệ Assess”, nhưng phần lớn có lẽ vì nhà phát triển có chủ ý thiết kế như thế. Khoảng cách giữa các trận đánh boss cũng được rải đều hợp lý trong phần lớn trải nghiệm, nhưng cũng có một số phân đoạn diễn ra liên tiếp tuy khiến tôi thấy hơi mệt mà vẫn bị cuốn hút.
Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của FINAL FANTASY VII Remake là trải nghiệm game rất tuyến tính. Thế giới trong trò chơi dù được xây dựng rộng lớn nhưng không mang cảm giác mở. Điều đáng khen là những ngõ cụt đều được nhà phát triển hợp thức hóa hợp lý chứ hiếm khi có tình trạng “bức tường vô hình” ngăn người chơi như Kingdom Hearts III. Vấn đề ở chỗ, điểm trừ này lại dẫn đến một điểm trừ khác là trải nghiệm game không tập trung nhiều vào yếu tố khám phá. Các bí mật cũng không giấu kín kẽ đến mức đòi hỏi bạn phải mất nhiều công sức tìm kiếm. Hầu hết cũng chỉ là những vật phẩm hỗ trợ hồi máu hoặc chiến đấu, nhưng kỳ thực tôi rất hiếm khi phải dùng tới chúng vì hệ thống chiến đấu đã làm quá tốt sứ mệnh của nó.
Các nhiệm vụ phụ không hấp dẫn và thiếu tính bổ sung nội dung cho cốt truyện chính cũng là điểm trừ khác. Mặc dù cũng có tình tiết câu chuyện riêng, nhưng chúng khá lạc điệu khi xen giữa tiết tấu nhanh của các trận chiến. Hầu hết đều là những nhiệm vụ được thiết kế cho mục đích kéo dài trải nghiệm, thường xoay quanh yêu cầu buộc bạn phải chạy từ đông sang tây rồi từ nam đến bắc cả Sector rộng lớn để tương tác với các NPC hoặc tham gia vào những trận đánh quái quen thuộc. Nếu có điều gì để gỡ gạc điểm trừ trong các nhiệm vụ này là nhà phát triển cũng biết tiết giảm số lượng vừa phải, tạo sự đa dạng về mặt nội dung và tình tiết chứ không quá mức nhàm chán, đến mức nặng cảm giác lặp lại như hệ thống nhiệm vụ phụ trong FINAL FANTASY XV.
Riêng tôi, việc trò chơi không tận dụng sức mạnh của PS4 Pro với tùy chọn ưu tiên tốc độ khung hình hay độ phân giải như FINAL FANTASY XV cũng là một điểm trừ nhỏ. Mặc dù FINAL FANTASY VII Remake có hiệu năng rất tốt trong hầu hết trải nghiệm, nhưng các đoạn panning hay có hiện tượng giật hình nhẹ rất dễ nhận thấy. Góc nhìn camera cũng đôi chỗ chưa được xử lý tốt, dẫn đến giác khá ức chế trong trải nghiệm khám phá. May mắn là tôi hiếm gặp trường hợp tương tự khi chiến đấu. Bù lại, trò chơi đã làm rất tốt khi khép lại cốt truyện trong phần đầu tiên của bản làm lại, không tạo cảm giác hụt hẫng mà thậm chí ngược lại. Kết thúc thú vị và có thể hơi “hack não” của game càng khiến tôi thêm háo hức mong đợi phần tiếp theo.
Sau cuối, FINAL FANTASY VII Remake mang đến một trải nghiệm JRPG xuất sắc khi vừa giữ lại những yếu tố hoài cổ cần thiết, nhưng cũng vừa cải tiến rất nhiều để tạo nên trải nghiệm hấp dẫn hơn. Công không nhỏ trong đó phải kể đến đội ngũ lồng tiếng Anh và Nhật đã thật sự thổi hồn cho các nhân vật, mang đậm cảm giác điện ảnh trong trải nghiệm game theo xu thế hiện nay. Nếu yêu thích tựa game gốc, đây chắc chắn là trải nghiệm mà bạn không muốn bỏ lỡ. Thế nhưng, những thay đổi đáng kể trong hệ thống chiến đấu có thể không mang đến cảm giác hoài cổ như kỳ vọng của một số “fan cứng” ngày xưa.
FINAL FANTASY VII Remake hiện chỉ có trên PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!