Fall of Light: Darkest Edition là sự pha trộn thú vị giữa hai tựa game nổi tiếng nhưng cũng giống như trên PC, phiên bản dành cho các hệ console này vẫn giống như một viên ngọc thô cần được mài dũa thêm cho đẹp đẽ.
Fall of Light: Darkest Edition là cuộc phiêu lưu của Nyx, một người chiến binh già và cô con gái Aether. Đây là sản phẩm đầu tay của hai nhà phát triển Cristian và Matteo. Trò chơi lấy cảm hứng từ hệ thống chiến đấu trong game Dark Souls để xây dựng nên nhân vật Nyx và hình tượng nhân vật Aether được xây dựng nên từ hệ thống hộ tống độc đáo của game ICO. Sản phẩm sau cuối tuy không gây ấn tượng về phong cách đồ họa nhưng vẫn đáng chú ý nhờ vào tính thẩm mỹ khá đặc trưng.
Với lối chơi kết hợp giữa Dark Souls và ICO, tựa game này rất dễ bị mang ra so sánh với hai tượng đài game này. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là một sự so sánh khiên cưỡng và bất công khi xét về quy mô đầu tư của từng tựa game. Thế giới tăm tối của Fall of Light: Darkest Edition quả thật có rất nhiều trở ngại giống như Dark Souls, nhưng sự kết hợp với yếu tố hộ tống trong ICO khiến tựa game này cũng có một số điểm nhấn riêng, đặc biệt khi xét ở khía cạnh đây là một tựa game đầu tay của hai nhà phát triển indie chứ không phải của cả một đội ngũ phát triển đông nhân sự.
Nhân vật chính của người chơi là Nyx, một người chiến binh già nên mọi động tác và thế đánh đều khá chậm chạp, ra đòn khá lâu. Đây là yếu tố đặc trưng trong hệ thống chiến đấu khiển trải nghiệm của trò chơi khá khó khăn, đòi hỏi người chơi phải làm quen với độ trễ nhất định khi chiến đấu với kẻ thù để bù trừ khi chiến đấu. Không những vậy, trải nghiệm trong Fall of Light: Darkest Edition cũng hết sức tăm tối, phần lớn chỉ là những ánh sáng le lói tỏa ra từ những ngọn đuốc, ngọn lửa hay những cây nến được đặt rải rác khắp toàn bộ màn chơi.
Bên cạnh toàn bộ phần nội dung cũ quen thuộc, phiên bản Darkest bổ sung thêm một số yếu tố như kẻ thù, bẫy và vũ khí mới nhưng không làm thay đổi lối chơi đặc thù. Đáng chú ý là một hầm ngục mới chỉ có trong phiên bản dành cho nền tảng console, nhưng cũng không có sự khác biệt về trải nghiệm so với phiên bản gốc. Trò chơi vẫn tiếp tục thử thách tính kiên nhẫn của người chơi khi chiến đấu và đối mặt những mối nguy hiểm từ bẫy rập hay kẻ thù luôn truy đuổi người chơi.
Hệ thống chiến đấu của Fall of Light: Darkest Edition không hề đơn giản. Dù ở khía cạnh nào đó, bạn có thể xem nó là phiên bản rút gọn từ hệ thống tương tự của game Dark Souls. Vì ngoài việc chiến đấu với kẻ thù hung bạo và nguy hiểm cũng như những cái bẫy ngày càng tinh vi mà trò chơi đặt ra, người chơi còn phải tập trung bảo vệ Aether khỏi đội quân bóng đêm luôn tìm cách bắt lấy cô bé những khi bạn không để ý, hoặc lực bất tòng tâm trong khoảnh khắc nhất định. Giống như công chúa Yorda trong game ICO, nhân vật Aether hoàn toàn không có khả năng chinh chiến, thậm chí khá vô dụng ở thời gian đầu trải nghiệm. Chỉ khi trải nghiệm về sau thì bạn mới mở khóa thêm nhiều năng lực hữu ích của nhân vật này.
Không những vậy, Aether cũng là một gánh nặng trong nhiều phân đoạn giải đố. Một sơ suất của người chơi có thể dẫn đến cô bé bị thiệt mạng. Đó là chưa kể nhân vật này không thể leo trèo như Nyx, thay vào đó bạn phải luôn tìm cách giải những câu đố để mở đường cho nhân vật vượt qua chướng ngại. Đôi khi cảm giác khá ức chế, nhất là khi Aether thậm chí cũng không biết leo thang. Rất may là nhân vật này cũng không hoàn toàn vô dụng như công chúa Yorda chỉ biết dỗi. Thế nhưng, càng trải nghiệm về sau, bạn mới thấy khả năng tỏa sáng của cô bé quan trọng như thế nào, đặc biệt khi chiếc đèn rất mau hết nhiên liệu.
Không có ánh sáng của Aether, khả năng Nyx thiệt mạng vì lọt hố hay rơi xuống một vực thẳm bất ngờ nào đó là rất cao. Trong khi đó, cô bé vừa là nguồn sáng duy nhất không cần phải nạp nhiên liệu, lại vừa đóng vai trò tăng sức mạnh cho Nyx khi ở cạnh nhân vật này. Đó là chưa nói tới hàng loạt phép thuật về sau hỗ trợ rất nhiều trên con đường bảo vệ và hộ tống của người chơi, đặc biệt khi Nyx rất dễ chết trước sự hung hãn của kẻ thù và sự “yếu tay” của người chơi. Khoảnh khắc hai nhân vật nắm tay nhau rất đẹp, dù phần chuyển động và đồ họa của game chưa đạt đến mức tuyệt vời như mong đợi, thường xuyên xuất hiện tình trạng tay nắm một đằng và nhân vật chạy ở một nẻo khá là buồn cười.
Hệ thống trang bị và hành trang của Fall of Light: Darkest Edition cũng có những hạn chế nhất định về số lượng vũ khí mà người chơi có thể mang theo. Yếu tố này buộc người chơi phải cân nhắc thật kỹ vũ khí mà bạn sử dụng chính và thêm một lựa chọn phòng thân với vũ khí thứ hai. Không chỉ vậy, trò chơi còn buộc ngu7òi chơi phải sử dụng linh hoạt nhiều loại vũ khí khác nhau tùy vào tình huống nguy hiểm cụ thể. Nếu không, độ khó của trò chơi có thể cao hơn so với bình thường, nhưng đấy là lựa chọn của bạn chứ không phải ai khác. Dù vậy, công bằng mà nói thì yếu tố này ở khía cạnh nào đó cũng ít nhiều mang cảm giác hơi áp đặt nếu người chơi muốn chọn con đường dễ đi nhất.
Đáng chú ý là số lượng trang bị trong Fall of Light: Darkest Edition dù không nhiều so với các tựa game cùng thể loại khác, nhưng mỗi loại đều có ưu và khuyết nhất định. Đơn cử như vũ khí cầm hai tay tuy có sát thương lớn nhất nhưng tốc độ ra đòn rất chậm và thường không hiệu quả khi chiến đấu với kẻ thù ở cự ly gần có khả năng cơ động cao. Ngược lại, vũ khí này lại khá hiệu quả để tung các đòn tấn công mạnh mẽ vào những kẻ thù di chuyển chậm chạp và mang giáp trụ nặng nề. Thú vị nhất có lẽ là lợi thế của người chơi và kẻ thù đều được thiết kế ngang bằng nhau.
Bạn có thể tấn công kẻ thù khi chúng đã ngã lăn xuống đất và chúng cũng có thể làm vậy với nhân vật của người chơi. Ngay cả yếu tố môi trường màn chơi cũng vậy, bạn có thể lợi dụng chúng để tiêu diệt kẻ thù nhưng ngược lại thì điều đó cũng xảy ra khi người chơi sơ ý. Chính những thiết kế như vậy khiến tôi cảm thấy khá thỏa mãn với hệ thống chiến đấu của trò chơi, bất chấp việc đó không phải là một trải nghiệm dễ dàng. Vấn đề ở chỗ, nó mang đến cảm giác khá công bằng một khi bạn hiểu được cách thức vận hành của hệ thống này, nhưng với những ai không hiểu được nó thì trải nghiệm khi đó sẽ thật sự là một thảm họa không hơn không kém.
Đồ họa cũng là một vấn đề đáng nói khi so sánh giữa các phiên bản console khác nhau. Tương tự như nhiều tựa game khác, người chơi sẽ phải hy sinh chất lượng đồ họa khá nhiều trên hệ máy chơi game của Nintendo để đổi lấy khả năng chơi cơ động. Tuy nhiên, sự hy sinh này khiến trải nghiệm game tệ hơn rất nhiều so với các nền tảng game console còn lại. Điều này nhận thấy rõ nhất ở những cảnh đèn vàng le lói trong phiên bản Nintendo Switch trông khá mù mờ và thiếu sức sống, khiến toàn bộ hình ảnh giống như được bao phủ bởi một màn sương mờ.
Trên hai hệ máy PlayStation 4 và Xbox One thì ngược lại, chất lượng cây nến lập lòe nhìn lộng lẫy và rất có hồn giữa khung cảnh đổ nát của trò chơi hơn. Vấn đề đồ họa của Nintendo Switch khiến trải nghiệm Fall of Light: Darkest Edition thậm chí còn khó khăn hơn so với hai hệ máy còn lại, nhất là khi bạn không dễ để phân biệt một cái hố chết người nào đó nằm lù lù ở góc khuất, “ẩn mình chờ thời” ở dọc đường đi không đủ ánh sáng. Đây là điều khiến tôi ức chế nhất khi trải nghiệm trên hệ máy chơi game của Nintendo, do trước đó đã từng chơi Fall of Light phiên bản PC ở thiết lập đồ họa cao nhất có thể.
Một vấn đề khác của trò chơi là khi nhân vật của người chơi chết, Aether cũng chết theo và nằm lại “sa trường” chờ bạn đến hồi sinh hoặc chạy đi tìm cứu. Điều tương tự cũng xảy ra khi người chơi để sơ ý cô con gái cho bọn Shadow bắt mất. Vấn đề ở chỗ, nếu bạn muốn save game thì phải có cả hai nhân vật và ngay khi bạn được hồi sinh thì mọi kẻ thù đã tiêu diệt trước đó cũng được hồi sinh theo. Nói một cách khác, nếu để nhân vật chết thì người chơi sẽ phải quay lại cửa tử để hồi sinh Aether và đó có thể không phải là điều bạn mong muốn. Có lẽ tôi cũng không cần phải giải thích vì sao.
Sau cuối, Fall of Light: Darkest Edition mang đến một trải nghiệm khá thú vị khi kết hợp giữa các yếu tố đặc trưng của hai tựa game Dark Souls và ICO. Tuy vậy, sự kết hợp này có thể dẫn đến ý kiến trái chiều của người chơi khi so sánh với tượng đài ban đầu mà trò chơi lấy làm cảm hứng. Lựa chọn của bạn có thể khác, nhưng với tôi thì những gì mà tựa game này mang lại hoàn toàn tương xứng, nhất là khi nó là sản phẩm đầu tay của chỉ hai nhà phát triển chứ không phải một đội ngũ phát triển nhiều tiền.
Fall of Light: Darkest Edition chỉ được phát hành cho PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Fall of Light.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.