Do Not Feed The Monkeys là tựa game khá độc đáo, sở hữu lối chơi mô phỏng đầy sáng tạo và đặc biệt là tính chiến thuật rất có chiều sâu ở khía cạnh quản lý. Sau một thời gian phát hành trên PC, trò chơi đã tìm được “bờ bến lạ” trên nền tảng Nintendo Switch.
Do Not Feed The Monkeys có cái tựa rất dễ khiến không ít người chơi nhầm lẫn mà tôi là một trong số đó. Trò chơi sử dụng nhiều “từ lóng” mà chỉ khi trải nghiệm bạn mới hiểu. Mặc dù sở hữu lối chơi mô phỏng “dòm ngó đời tư” gợi nhớ đến Beholder ở khía cạnh “đen tối” hơn, nhưng tựa game này lại đi kèm với yếu tố hài hước có phần “hơi mặn” so với số đông người chơi. Tuy đồ họa pixel đã làm giảm bớt yếu tố này, nhưng “cây kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra”.
Không chỉ được gắn cho cái tựa “thấy vậy mà không phải vậy”, Do Not Feed the Monkeys cũng rất biết “cà khịa” khi bắt bạn phải tự lực cánh sinh ngay từ đầu trải nghiệm. Trò chơi không có phần tutorial hướng dẫn người chơi phải làm gì và ngay cả câu chuyện kể ban đầu cũng gây nhiều tò mò một cách cố ý. Thậm chí, trải nghiệm lúc này giống như bạn bị buộc phải làm thế đến khi bắt đầu quen cảm giác “nhà bao việc” thông qua lối chơi đặc trưng.
Về cơ bản, đó vẫn là trải nghiệm mô phỏng lồng trong mô phỏng tương tự như Mainlining hay Tech Support: Error Unknown. Tuy nhiên, tựa game của nhà phát triển Fictiorama Studios có chiều sâu và nhiều bất ngờ hơn trong các hình ảnh mà bạn tương tác hay quan sát. Nhiệm vụ của người chơi không chỉ là theo dõi những “con khỉ” thông qua các “chiếc lồng” mà còn phải thu thập thông tin, dùng nó để tìm cơ hội “quan lộ thần tốc” trong Primate Observation Club.
Ban đầu, trải nghiệm tương đối đơn giản và không có nhiều việc để làm nhưng càng về sau, bạn sẽ mở khóa được rất nhiều “chiếc lồng”, nâng điểm giám sát lên rất nhiều. Đây kỳ thực là thử thách không nhỏ đối với người chơi. Đáng chú ý, mỗi kịch bản tình huống đều có một chuỗi hoạt động diễn ra, đòi hỏi người chơi phải liên tục chuyển qua lại giữa chúng để hoàn thành yêu cầu. Đã vậy, một số địa điểm còn có nhiều “chiếc lồng” ở các góc độ quan sát khác nhau.
Tuy nhiên, đó không phải công việc duy nhất mà bạn phải làm trong trải nghiệm Do Not Feed the Monkeys. Bên cạnh thu thập thông tin các “con khỉ”, nhân vật của người chơi còn có cuộc sống riêng cần phải cân bằng giữa đi làm và đời tư. Đó có thể là những việc không tên “bảo vệ riêng tư” của nhân vật, nhưng cũng không hề thiếu những nhu cầu thường nhật như ăn uống hay ngủ nghỉ. Cân bằng giữa hai yếu tố này mới là thử thách lớn nhất mà người chơi phải đối mặt.
Thậm chí, những tình huống rất đời thường như chủ trọ đập cửa đòi tiền phòng cho tới “anh ơi, em đói” cũng đủ khiến bạn cảm thấy đau đầu trước ví tiền ngày càng xẹp. Có lẽ tôi cũng không cần phải xác nhận thêm rằng tiền cũng rất khó kiếm trong trải nghiệm Do Not Feed the Monkeys, trừ khi bạn chấp nhận “tay nhúng chàm” thông qua lợi dụng những khoảnh khắc hớ hênh của những “con khỉ” và ghi hình, gởi cho một show truyền hình vớ vẩn nào đấy.
Đến lúc này thì trải nghiệm mang nhiều cảm giác khá tương đồng với Beholder, quay sang thử thách lương tri của người chơi trước tình huống đời thường “thô mà thật” của nhân vật chính. Tất nhiên, mỗi hành động của bạn đều để lại hậu quả mỗi khi để “tay nhúng chàm”. Trong khi đó, sống bằng tiền lương ba cọc ba đồng với mớ công việc mà Primate Observation Club giao phó thông qua giám sát những “con khỉ” chẳng thể giàu nổi so với “buôn chổi đót, nuôi heo”.
Đó là chưa kể công việc “lương thiện” nói trên cũng đầy vất vả, đòi hỏi bỏ nhiều công sức. Đơn cử như Primate Observation Club sẽ thường giao cho bạn “trọng trách” điều tra tên, định vị vị trí v.v… và v.v… của đối tượng “con khỉ”. Để hoàn thành những nhiệm vụ này, người chơi thường phải giám sát ngày đêm, moi móc mọi thứ quan sát được và dùng cái đầu để vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh, trầy trật mãi mới nhận lại được ít tiền công bèo bọt.
Kỳ thực, Do Not Feed the Monkeys không hề dễ và có tính thử thách người chơi khá cao. Bạn sẽ phải chú ý rất nhiều chi tiết vụn vặt để đảm bảo nhân vật sống sót qua ngày. Thậm chí ngay cả khi không mắc sai lầm hoặc lao vào cám dỗ, những vấn đề trong cuộc sống thường nhật như cạn ví, không có gì bỏ bụng cũng biến trải nghiệm “game over” rất nhanh. Tuy nhiên, nếu “quản lý vi mô” gây e ngại thì đã có Peeper Mode lo, bạn chỉ cần chơi thôi.
Chế độ chơi này tập trung vào yếu tố gameplay cốt lõi của Do Not Feed the Monkeys là đi tọc mạch đời tư của những “con khỉ”, loại bỏ yếu tố quản lý đời thường “khổ trăm bề” nói trên. Đây là chế độ chơi “nhẹ nhàng” hơn, nhưng trải nghiệm “nói giảm nói tránh” mà Peeper Mode mang đến cũng vô tình bớt đi chiều sâu gameplay mà tựa game này mang đến. Dù vậy, trao cho người chơi quyền lựa chọn vẫn là một điểm cộng đáng chú ý, nhất là những ai có đam mê “hóng chuyện”.
Đáng chú ý, Do Not Feed the Monkeys phiên bản Switch có hỗ trợ điều khiển bằng cảm ứng, mang đến trải nghiệm khá tương đồng với bản PC. Điều này đặc biệt quan trọng khi lối chơi đặc trưng của game đòi hỏi tương tác qua rất nhiều menu và các lựa chọn, không ít trong số đó cần người chơi “phản ứng nhanh”. Tuy màn hình nhỏ của Nintendo Switch ở chế độ handheld đôi lúc cũng gây chút rắc rối trong trải nghiệm, nhưng tôi không xem là điểm trừ trong trường hợp này.
Sau cuối, Do Not Feed the Monkeys mang đến một trải nghiệm mô phỏng quản lý khá đặc sắc dù sở hữu phong cách đồ họa dễ tạo cảm giác “chúng ta không thuộc về nhau”. Nếu bỏ qua những vấn đề nói trên, đây lại là một tựa game mô phỏng khá tuyệt vời và có chiều sâu rất đáng chú ý, để lại cho bạn nhiều cảm giác không mấy dễ chịu về khía cạnh đạo đức trong tâm trí. Nếu có điểm trừ gì đáng tiếc, có lẽ là trải nghiệm đặc trưng của nó có thể không phù hợp với số đông mà thôi.
Do Not Feed the Monkeys hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.