Outlast đã làm rất tốt những gì mà một tựa game kinh dị có thể mang đến cho người chơi trong trải nghiệm: ác mộng kinh hoàng!
Outlast lấy nội dung là cuộc điều tra bệnh viện tâm thần Mount Massive của một nhà báo mang tên Miles Upshur sau khi nhận được tin báo lạ lùng gửi đến anh. Đây là một nhân vật rất bình thường cũng chẳng biết sử dụng súng đạn hay có sức mạnh “siêu nhiên” nào để chống trả kẻ thù. Và để “sống sót” trong Outlast, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chạy trốn, ẩn nấp hoặc chấp nhận bỏ mạng tại nơi này.
Trong số những tựa game kinh dị đã kinh qua, Outlast là một trong số hiếm hoi khiến tôi cảm thấy thú vị nhờ vào những yếu tố môi trường và những màn hù dọa được làm tới nơi tới chốn của nó. Trò chơi xây dựng phần hỗ trợ ban đầu khá tốt, hướng dẫn tỉ mỉ những thao tác cần thiết để giúp bạn sinh tồn trong Mount Massive. Sau khi đã “trang bị” cho người chơi những kiến thức cần thiết, trải nghiệm sau đó mới thật sự là những cơn ác mộng kinh hoàng.
Khắp nơi trong bệnh viện là những xác chết nằm la liệt không rõ nguyên do. Người chơi phải đối mặt với rất nhiều khu vực, từ những hành lang, căn phòng, tầng hầm cho tới cả các khu vực ngoài trời tăm tối. Thế nhưng bạn đừng vội nghĩ có thể gian lận bằng cách chỉnh độ sáng màn hình hoặc trò chơi lên tối đa, nó không hiệu quả. Trong hoàn cảnh này, vật duy nhất có thể giúp bạn nhìn được mọi thứ là chế độ night vision của chiếc camera cầm tay mang theo. Vấn đề lớn nhất ở đây là nó ngốn pin rất khủng khiếp, chỉ sử dụng chừng chục phút là đã phải thay pin. Nhưng nếu không có nó, bạn sẽ không thể làm được gì trong khung cảnh tối đen như mực này.
Nếu xét về thời điểm phát hành năm 2013, Outlast là một trong những tựa game kinh dị sinh tồn có đồ họa khá đẹp. Mọi thứ từ ánh sáng đến âm thanh đều kết hợp với nhau rất “ăn ý” để giữ cảm giác rùng rợn trong trải nghiệm của người chơi. Môi trường màn chơi được thiết kế khá chi tiết, với những tiểu tiết rất nhỏ được nhà phát triển đưa vào khá tinh tế. Chẳng hạn những vệt máu của bước chân sau khi dẫm phải vũng máu có thể khiến bạn hình dung ra Mount Massive là một nơi kinh khủng như thế nào. Hay những âm thanh hù dọa được tăng âm lượng bất ngờ khi mở một cánh cửa nào đó có thể khiến tim bạn |nhảy dựng” trong giây lát.
Thế nhưng, mặc dù xây dựng môi trường tạo cảm giác rùng rợn khá tốt, hình mẫu các nhân vật lại có phần kém chi tiết hơn. Tôi không nói các nhân vật nhìn xấu, thật sự họ không hề đẹp vì mục đích hù dọa người chơi. Tuy nhiên, một số kẻ thù có thể khiến bạn “hồn vía lên mây” từ xa lại trông hơi “kém sợ” khi nhìn cận cảnh. Thậm chí càng về sau, trò chơi giống như muốn tiết kiệm chi phí thiết kế nhân vật nên thường xuyên tái sử dụng lại những nhân vật cũ. Dù vậy, đây không phải là vấn đề lớn vì tôi dám chắc bạn sẽ lo tập trung chạy trốn đến mức chẳng kịp để ý đến kẻ thù là ai nữa đâu.
Outlast được thiết kế tạo cảm giác sinh tồn đậm chất kinh dị rất tốt. Nhân vật của người chơi khá bình thường nên gây tác động đến suy nghĩ sinh tồn của người chơi trong mọi trường hợp. Vừa không thể chiến đấu, lại vừa bị hạn chế khả năng nhìn trong bóng tối, bạn sẽ liều lĩnh hay cẩn thận nhất có thể để sống sót? Chắc chắn không thể liều lĩnh được rồi. Chưa kể, trò chơi không lạm dụng những màn hù dọa khiến bạn nhảy dựng như thường thấy. Mặc dù cũng có không ít những cảnh như vậy, nhưng chính thiết kế nói trên mới là thứ tạo nên cảm giác sợ hãi trong tâm lý người chơi.
Trò chơi tạo nên những tình huống khiến bạn phải tin do mắt thấy và tai nghe, đánh lừa người chơi ở khía cạnh tâm lý. Những màn hù dọa có thể khiến “con tim yếu đuối” của bạn đập loạn xạ trong vài giây, nhưng vượt qua được những khu vực tối đen khi máy quay cạn pin, không biết khi nào bất thần bị kẻ thù tóm, mới là những thứ “tra tấn” tinh thần người chơi nhất. Hãy thử tưởng tượng cảnh kẻ thù truy đuổi sau lưng và bạn đánh liều mở đại cánh cửa nào đó để trốn vào mà không thể biết trước điều gì đang chờ đợi trong đó. Một cảm giác rất rùng mình phải không? Thế nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với cảm giác khi kẻ thù xộc vào phòng, “quẩy nát” căn phòng và bắt đầu mở tủ đồ mà bạn đang trốn để tìm kiếm “con mồi”. Nhiêu đó chắc đủ để bạn hình dung sự căng thẳng trong tâm lý mà Outlast mang đến kinh hoàng như thế nào với người chơi.
Không chỉ có thế, Outlast còn bổ sung thêm yếu tố tăng thêm căng thẳng cho người chơi: tiếng thở. Trong suốt thời gian trải nghiệm, bạn sẽ nghe rất nhiều lần tiếng thở của nhân vật Miles cứ gieo vào trải nghiệm. Yếu tố này dường như để tăng sự kích động trong trải nghiệm của người chơi theo kiểu định hướng. Trong nhiều trường hợp, tiếng thở sợ hãi này khá lạc điệu với cảm nhận của tôi, thường gây khó chịu hơn là căng thẳng. Tiếng thở giống như con dao hai lưỡi và không phải người chơi nào cũng cùng “nhịp điệu” với nhân vật. Thế nhưng nó bị lạm dụng khá nhiều trong Outlast.
Ngược lại, phần âm thanh rất “tuyệt vời” khi trải nghiệm với âm thanh vòm 5.1. Bạn có thể nghe rất nhiều thanh âm tiếng động trong bệnh viện. Từ tiếng kẽo kẹt của sàn gỗ cũ, cho tới tiếng leng keng của những sợi xích, tiếng điện thoại reo văng vẳng đâu đó hay thậm chí là những tiếng gầm gừ của kẻ thù khi nhân vật bị truy đuổi sau lưng. Tất cả tạo nên những âm thanh “siêu thực”, khiến cảm giác như bạn đang thật sự ở bên trong bệnh viện tâm thần Mount Massive vậy. Nếu không có dàn âm thanh 5.1, tốt nhất bạn nên trải nghiệm Outlast bằng tai nghe để cảm nhận toàn bộ trải nghiệm mà trò chơi mang đến.
Một yếu tố nữa góp phần tạo không khí căng thẳng cho người chơi chính là khả năng nhìn xuyên đêm của chiếc máy quay. Hầu hết những khung cảnh trong bệnh viện đều đắm chìm trong bóng tối, do vậy night vision là thứ không thể thiếu để khám phá. Thiết kế này tạo nên cảm giác căng thẳng cùng cực, nhất là khi nó đi kèm với việc chiếc máy quay rất mau hết pin. Mặc dù bạn có thể tìm thấy pin trong khắp bệnh viện nhưng số lượng tương đối hạn chế, buộc người chơi phải sử dụng tiết kiệm. Đáng tiếc trong trường hợp này, chức năng save game có thể bị một số người chơi lạm dụng để vận dụng “thử và sai”, tạo sự bất công trong trải nghiệm. Tuy nhiên đó là vấn đề của người chơi hơn nên tôi sẽ không đề cập chi tiết.
Nói vậy không phải Outlast không có vấn đề của nó. Cốt truyện cuốn hút, không khí sinh tồn đậm chất kinh dị đánh vào tâm lý khiến người chơi rùng mình, nhưng hệ thống nhiệm vụ lại là hạn chế lớn của trò chơi. Nhiều nhiệm vụ trong game rất thiếu tinh tế so với tổng thể trò chơi. Hầu hết chúng gần như là cách duy nhất để Outlast đưa người chơi vào những khu vực tăm tối, mang tính bắt buộc phải khám phá. Mặt trái là nó khiến trải nghiệm bớt đi nhiều sự hấp dẫn và căng thẳng. Chẳng hạn việc bắt nhân vật phải đi bật ba cái máy phát điện mới có thể khôi phục nguồn điện trở lại cho khu vực thật sự rất miễn cưỡng. Tôi không chỉ trích việc bạn phải đi tìm ba món đồ gì đó để giải một câu đố. Nhưng không thể phủ nhận việc bắt người chơi phải đi tìm cùng một món đồ ở các khu vực để giải quyết câu đố đã khiến tôi thấy “tụt mood”. Chưa kể càng về cuối, trò chơi càng mất đi chất kinh dị xây dựng được ban đầu quả là có một chút đáng tiếc.
Sau cuối, Outlast là một game kinh dị khá đáng sợ. Sự kết hợp của âm thanh, đồ họa và câu chuyện hấp dẫn tạo nên một trải nghiệm kinh hoàng trong khám phá bí ẩn của bệnh viện tâm thần Mount Massive. Thậm chí trò chơi còn đi kèm với chế độ chơi Insane chỉ có một mạng dành cho những “tay chơi hardcore” thích trải nghiệm thử thách khó. Vấn đề là bạn có dám dấn thân vào cuộc điều tra đó không?
Outlast hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4 và Xbox One. Xem thêm bài kinh nghiệm chơi game Outlast.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!