Company of Heroes 3 là trải nghiệm chiến thuật tiếp nối thành công của hai phần chơi trước trong series game Company of Heroes, nhưng lần này là chiến trường Địa Trung Hải. Cụ thể là Bắc Phi với màn chơi thiết kế tuyến tính và Ý với thiết kế bản đồ mở, mang đến trải nghiệm giao thoa giữa lối chơi quen thuộc trong các phần chơi cũ và bản mở rộng độc lập Company of Heroes 2 – Ardennes Assault. Với thiết lập như thế, những tưởng trò chơi sẽ gây ấn tượng cho người viết nhưng kỳ thực tất cả đọng lại là những cảm xúc khá lẫn lộn.
Một trong những điểm trừ đập vào mắt tôi đầu tiên chính là phong cách đồ họa mang nhiều cảm giác cartoon hơn, dù đây dường như là chủ ý của nhà phát triển Relic Entertainment nhằm giảm cảm giác chiến tranh vô cùng khốc liệt của Company of Heroes 3 so với các phần chơi trước. Không chỉ hình dựng mà ngay cả artwork của các nhân vật trong game nhìn như những người lính đồ chơi bằng mủ vậy. Đã thế, trò chơi còn sử dụng tông màu hay bộ lọc hình ảnh khiến nhiều khung cảnh đổ nát nhưng nhìn vẫn rất tươi sáng.
Đáng chú ý, Company of Heroes 3 có sự nâng cấp rất nhiều hệ thống mô phỏng vật lý, đặc biệt là các hiệu ứng particle góp phần không nhỏ mang đến những khung cảnh chiến trường rất ấn tượng. Bỏ qua tạo hình nhân vật thì mức độ chi tiết của trò chơi rất cao, nhất là diễn hoạt của mỗi loại quân khác nhau. Chẳng hạn ở màn chơi đầu tiên, người viết có thể thấy binh chủng pháo binh nạp từng trái pháo và mỗi lần khai hỏa là khói bốc lên từ khẩu pháo với đất cát bắn tứ tung nơi trái pháo rơi xuống, nhìn rất thật.
Mặc dù vậy, thái độ trịch thượng của các vị tướng chỉ huy trong trải nghiệm cũng để lại cho tôi cảm giác “cay” rất khó chịu. Nó gián tiếp làm giảm sự hào hứng của người viết không hề ít khi phải nghe lệnh họ và đưa quân vào những nhiệm vụ tự sát, trong khi cảm giác phần thưởng nhận về gần như không có. Vẫn biết đây chỉ là trải nghiệm game, nhưng những điều tưởng chừng nhỏ nhặt đó vô tình làm tổn hại đến cảm xúc của người chơi và là điểm trừ không hề nhỏ của Company of Heroes 3 khi kết hợp cùng các vấn đề khác.
Thậm chí, tôi nghĩ sẽ không quá lời nếu nói trải nghiệm Company of Heroes 3 sẽ hấp dẫn hơn nếu người chơi bỏ qua bối cảnh và cốt truyện của hai chiến dịch phần chơi đơn để tập trung vào lối chơi hơn. Kỳ thực, bản đồ màn chơi thường phát sinh những tình huống thú vị, giúp người viết hiểu được yếu tố chiến thuật quan trọng các trận chiến chính là tính cơ động cao chứ không phải chỉ có khí tài “khủng”. Thiết kế bản đồ màn chơi trong cả hai chiến dịch Bắc Phi và Ý đều thể hiện rõ quan điểm này.
Chẳng hạn, hệ thống bản đồ trong chiến dịch Bắc Phi là sự kết hợp của địa hình gồm những khu vực hoang vắng, xen giữa những rặng núi hoặc thung lũng rộng với khu dân cư nhỏ, đòi hỏi người chơi phải tận dụng thế mạnh của quân chủng và môi trường xung quanh để tiêu diệt kẻ thù. Ngược lại, thiết kế bản đồ nước Ý đa dạng hơn khi kết hợp giữa đồi núi và sông suối cùng mật độ khu dân cư nhiều hơn. Người chơi phải giành được vị trí địa hình cao hơn kẻ thù mới dễ dàng phản công và tiêu diệt chúng khi giao tranh.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Company of Heroes 3 là nhiều ý tưởng thiết kế thấy vậy mà không phải vậy. Đơn cử hệ thống quản lý tài nguyên trong quá trình tutorial mang cảm giác rất phức tạp nếu không nói là đao to búa lớn, nhưng về sau lại mang cảm giác thừa thãi và dường như được thiết kế để phức tạp hóa trải nghiệm game là chính. Tương tự, các lựa chọn vị trí phòng thủ và các loại quân chuyên biệt dường như không tác động nhiều đến cuộc chiến, không biết có phải do tôi chơi ở độ khó mặc định không.
Tuy nhiên sau vài nhiệm vụ thử tăng độ khó lên cao nhất, người viết nhanh chóng nhận ra không phải vấn đề của thiết lập độ khó, mà có lẽ do AI của Company of Heroes 3 được thiết kế theo kịch bản cố định hơn là dùng “trí tuệ nhân tạo” để đánh giá khách quan các tình huống chiến sự và tự đưa ra quyết định. Không hiếm tình huống kẻ thù chỉ yên vị một chỗ “ăn bánh uống trà”, kiên nhẫn đợi người viết chiếm hết mục tiêu này đến mục tiêu khác xung quanh chúng và chẳng có ý định bỏ chạy khỏi mối nguy hiểm cận kề từ chiến trường.
Thiết kế này cho thấy Company of Heroes 3 dường như hướng đến người chơi mới của series này cũng như dòng game chiến thuật hơn. Ở góc độ người chơi, thiết lập cốt lõi của game vẫn giữ nguyên với bốn phe khác nhau và người chơi chọn một phe phụ, điều quân tham gia vào các trận chiến để dần mở khóa từ nâng cấp đơn vị đến các yếu tố hỗ trợ thông qua điểm chỉ huy nhận được. Tuy mang yếu tố chiến thuật thời gian thật, nhưng người chơi vẫn có thể tạm dừng chiến trường để kịp đưa ra các điều phối quân lực và khí tài.
Tất nhiên, tính năng tạm dừng này không thể sử dụng trong chế độ chơi multiplayer vì lý do quá hiển nhiên, trong khi việc kết hợp giữa các loại quân khác nhau thường đòi hỏi người chơi phải nhớ số lượng phím tắt rất nhiều khi trải nghiệm trên PC với bàn phím và chuột. Điều này có thể là rào cản ban đầu đối với người chơi mới của thể loại này nói chung, cũng như series game Company of Heroes nói riêng. Đặc biệt, Company of Heroes 3 Console Edition đã có giải pháp rất tốt với cơ chế điều khiển trực quan bằng tay cầm.
Như đề cập ở đầu bài, trải nghiệm chơi đơn trong Company of Heroes 3 được chia thành hai chiến dịch Bắc Phi và Ý. Trong đó, các nhiệm vụ trong chiến dịch Bắc Phi khá ngắn và kém hào hứng, thường xoay quanh phòng thủ chống lại các đợt tấn công của quân Anh, mang cảm giác như tutorial giúp người chơi làm quen với các cơ chế gameplay cơ bản hơn. Chưa kể, phần chiến dịch Bắc Phi cũng không có sự sáng tạo như các nhiệm vụ trong hai phần chơi trước và cung cấp rất hạn chế công cụ cần thiết cho trải nghiệm.
Chiến dịch ở Ý được xây dựng theo dạng chiến thuật theo lượt, lấy bối cảnh ở khu vực miền Trung và miền Nam nước Ý. Người chơi tiến hành chiếm lãnh thổ theo từng thị trấn và bến cảng hoặc thành phố lớn, sử dụng các đội quân được gọi là ‘company’ thông qua kết hợp sức mạnh của không quân, hải quân và thủy quân lục chiến xen kẽ với xây dựng cứ điểm. Nếu thấy phần mô tả có vẻ quen quen thì khả năng cao là bạn đã từng chơi một tựa game nào đó trong series Total War cũng do Relic Entertainment phát triển.
Các nhiệm vụ trong chiến dịch Ý rất đa dạng và hào hứng với mức độ bất ngờ cao. Những tình tiết thú vị thường xuất hiện trong những thời điểm mà người viết không ngờ tới. Bên cạnh đó, người chơi cũng tham gia vào những trận đánh theo kiểu chiến thuật thời gian thật truyền thống, với các yêu cầu nhiệm vụ tương đối đa dạng dù không kém phần quen thuộc từ các phần chơi Company of Heroes cũ. Thế nhưng, sự hào hứng đó đôi lúc cũng bị các vấn đề kể trên gây bực bội như những cái gai trong trải nghiệm game.
Trái ngược với phần chơi đơn có nhiều vấn đề và để lại cảm giác khá trái chiều, multiplayer vẫn tiếp tục mang đến trải nghiệm vô cùng hào hứng. Một phần do nhờ vào sự loại bỏ những điểm trừ của Company of Heroes 3 như cách kể chuyện và AI đều kém. Yếu tố cân bằng được điều chỉnh khá tốt trong phần chơi này, cộng với một số thay đổi cho phép người chơi thực hiện những hành động giống với thực tế trên chiến trường hơn. Chẳng hạn, bộ binh có thể quá giang một số mẫu xe tăng nhất định để tiếp cận chiến trường.
Đó còn là thiết kế bản đồ tốt và đa dạng cho nhiều nhu cầu khác nhau của người chơi với thời lượng linh hoạt. Điểm chung là chúng đòi hỏi bạn phải liên tục quan sát cục diện, tránh trường hợp kẻ thù có thể bọc sườn tấn công bất ngờ ở những điểm giao quan trọng có tính chiến lược cao. Trong trải nghiệm multiplayer, đừng bao giờ nghĩ rằng bạn đang kiểm soát tốt cục diện trận chiến, vì cảm giác “cay” khi bị đối phương đánh úp và nhanh chóng đảo ngược tình thế có thể khiến bạn ‘rage quit’ trong vòng ba nốt nhạc.
Sau cuối, Company of Heroes 3 mang đến một trải nghiệm chiến thuật khá hào hứng, nhưng tùy thuộc vào mối quan tâm của bạn là phần chơi đơn hay multiplayer. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi vẫn là multiplayer đầy hào hứng trong khi trải nghiệm chơi đơn không có sự sáng tạo cần thiết so với các phần chơi trước đó. Ngược lại, điểm trừ lớn nhất của trò chơi là phong cách đồ họa kiểu hoạt hình không được lòng không ít người chơi, cộng với vô số lỗi game vẫn được nhà phát triển miệt mài khắc phục nhiều tháng sau phát hành.
Company of Heroes 3 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và Xbox Series X|S.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!