Chicory: A Colorful Tale là game phiêu lưu nhập vai góc nhìn top-down rất độc đáo đến từ nhà phát triển indie Greg Lobanov. Đây là “cha đẻ” của game phiêu lưu đi cảnh theo nhịp nhạc Wandersong từng hớp hồn người viết nhờ vào lối chơi hấp dẫn và không kém phần sáng tạo, kết hợp cùng câu chuyện kể để lại nhiều cảm xúc. Chicory cũng không hề ngoại lệ khi truyền tải thông điệp thú vị cùng lối chơi sáng tạo bất ngờ, không chỉ xoay quanh khía cạnh tô và vẽ mà còn sở hữu đồ họa vô cùng dễ thương và cực kỳ ấn tượng.
Trò chơi lấy bối cảnh thế giới Picnic là nơi sinh sống của những dân cư mang tên các loài thực vật trong tạo hình động vật. Ở thế giới này, nhờ vào nét cọ thần kỳ kiến thiết sắc màu cuộc sống mà Chicory được tôn thờ như vị thần. Một ngày nọ, “thần cọ” đột nhiên biến mất khiến cả thế giới “bay màu”. Nhân vật của người chơi trong hình dạng bé chó nhìn cưng xỉu vô tình tìm được cây cọ thần kỳ nói trên. Từ đó mở đầu cho cuộc phiêu lưu phủ màu cho thế giới Picnic thông qua trải nghiệm của người chơi.
Đồ họa cực kỳ dễ thương là điểm cộng đầu tiên đập vào mắt tôi. Cảm giác này xuất hiện ngay từ đầu trải nghiệm khi Chicory: A Colorful Tale đưa câu hỏi vô thưởng vô phạt về món ăn yêu thích. Người viết quá ngây thơ nên đã rút hết ruột gan thổ lộ với trò chơi đó là bánh Custas, biến cái tên này gắn liền với nhân vật chính trong suốt trải nghiệm về sau. Đó là tôi còn chưa nói đến nét vẽ mộc mạc trong từng khung cảnh theo phong cách truyện tranh và tạo hình dễ thương của các nhân vật mà bạn gặp gỡ trong trải nghiệm.
Đáng chú ý, thế giới Picnic vốn đã “bay màu” nên chỉ còn hai tông trắng và đen. Những hình ảnh mà bạn thấy trong bài kỳ thực đều là tác phẩm nghệ thuật của người chơi thông qua trải nghiệm game. Tuy ban đầu nhân vật chỉ có thể sử dụng một số màu giới hạn và nét vẽ đơn giản, nhưng yếu tố này dần dần mở rộng trong trải nghiệm Chicory: A Colorful Tale. Về cơ bản, người chơi có thể tô màu và vẽ lên mọi khung cảnh trong thế giới game. Mức độ sáng tạo chỉ dừng ở khiếu thẩm mỹ và cảm hứng nghệ thuật của mỗi người.
Thiết kế này đóng vai trò chủ đạo trong mọi cơ chế gameplay từ khám phá đến giải đố của Chicory: A Colorful Tale. Nhân vật chính từ chỉ sở hữu kỹ năng vẽ và tô màu khá hạn chế, càng về sau càng mở khóa thêm các nét cọ cũng như hoa văn mới trong trải nghiệm. Những công cụ này giúp bạn thỏa sức làm Picasso sáng tạo nghệ thuật trong thế giới Picnic. Điều thú vị là màu sắc mà người chơi có thể sử dụng luôn thay đổi trong mỗi khung cảnh, giúp mang đến cái nhìn khác biệt tùy thuộc vào sự phối màu của người chơi và còn hơn thế nữa.
Tô và vẽ không chỉ phủ lớp màu mới cho từng khung cảnh mà nó còn được xây dựng như cơ chế gameplay trong khám phá và tương tác với các câu đố. Chẳng hạn, có loại cây phát triển lớn lên hoặc thu nhỏ lại thành hạt mầm tùy thuộc vào cách mà bạn tô màu màu lên chúng. Hay như trong hang động có loài bọ chuyên đi “tắt đèn” nếu bạn sơn phát quang gần nơi chúng trú ngụ v.v… Các cơ chế tưởng chừng đơn giản này chính là những câu đố vượt chướng ngại vật mà người chơi phải động não để tìm giải pháp trong trải nghiệm game.
Kỳ thực, Chicory: A Colorful Tale khiến tôi không tránh khỏi liên tưởng đến de Blob. Cả hai cùng có nhiều ý tưởng tương đồng về sử dụng màu sắc làm cơ chế gameplay chủ đạo. Tuy nhiên, “đứa con tinh thần” của nhà phát triển Greg Lobanov mang thiết kế đơn giản hơn và không tránh khỏi cảm giác hơi trẻ con. Mặc dù vậy, trải nghiệm game vẫn rất hào hứng và hấp dẫn vượt xa mong đợi của người viết. Về sau, câu chuyện kể ngày càng trở nên tăm tối khi nhân vật chính phát hiện những quầng đen bí ẩn liên tục gây hại đến cư dân Picnic.
Chúng dường như có liên quan đến Chicory và cây cọ thần kỳ mà bé Custas của tôi tìm được. Khi câu chuyện kể trở nên phức tạp hơn thì trải nghiệm game cũng thế. Nhà phát triển khai thác rất tốt các ý tưởng đơn giản, kết hợp chúng thành những cơ chế gameplay phức tạp mang đến cảm giác thỏa mãn trong khía cạnh giải đố. Thế nhưng, do quy mô phát triển mà trò chơi không tránh khỏi nhiều câu đố tái sử dụng nhiều ý tưởng cũ. Đơn cử như dùng bóng nổ để mở đường diễn ra khá thường xuyên với một số thay đổi nhỏ cho thêm phần hại não.
Đó là chưa kể một số ý tưởng được tái sử dụng, để lại cho người viết chút cảm giác như được thiết kế chủ ý cho mục đích câu giờ hơn. Mặc dù vậy, Chicory: A Colorful Tale có vô số vật phẩm thu thập thông qua giải đố giúp giữ trải nghiệm luôn tươi mới, trừ khi bạn không quan tâm đến chưng diện cho nhân vật chính. Trò chơi có rất nhiều trang phục giấu rải rác trong phần lớn khung cảnh game. Thậm chí, có không ít trang phục được “cắt may” từ kỹ năng vẽ thiên bẩm của chính người chơi thông qua tương tác với các NPC.
Điều thú vị là bất kể trình độ nghệ thuật của bạn ở mức độ nào, Chicory: A Colorful Tale vẫn luôn tỏ thái độ hoa hậu thân thiện. Trò chơi cung cấp nhiều công cụ khuyến khích bạn vẽ và tô màu thoải mái vào khung cảnh game. Điều này được thể hiện ở nhiều khoảnh khắc khi người chơi giúp NPC tạo nên bức họa dù xấu đến đâu vẫn được khen rất nhiệt tình, giống hệt cách mà người lớn cổ vũ tinh thần và khuyến khích trẻ con làm điều gì đó vậy. Chúng thậm chí còn được NPC treo lên trang trọng ở vị trí dễ thấy nhất.
Dễ thương không kém là các địa danh trong Chicory: A Colorful Tale được đặt tên chơi chữ theo những bữa ăn hàng ngày hoặc món ăn. Đặc biệt, trò chơi còn có số lượng lớn các nét cọ giấu rải rác trong thế giới Picnic. Chúng được thiết kế như những vật phẩm thu thập không bắt buộc, cùng rất nhiều vật phẩm trang trí và trang phục cho nhân vật. Ngược lại, dù có sự kết hợp hài hòa yếu tố nghe nhìn tạo không khí rất riêng, nhưng đánh boss là những trận chiến khá căng thẳng và khác xa với trải nghiệm khám phá trước đó.
Tuy người viết không gặp nhiều khó khăn khi đánh boss, nhưng trò chơi vẫn có tùy chọn cho phép bạn bỏ qua các trận boss chiến với bất kỳ lý do gì. Đáng chú ý, đây chỉ là một trong số những tính năng hỗ trợ của trò chơi, giúp bạn tập trung vào trải nghiệm khám phá và câu chuyện kể hơn. Nó cũng giúp Chicory: A Colorful Tale thân thiện với số đông người chơi hơn, đặc biệt là những người chơi casual hoặc dễ mắc cỡ vì trình độ hội họa hạn chế như người viết. Thông điệp của trò chơi thậm chí còn sâu sắc hơn thế nhiều.
Điểm trừ lớn nhất của Chicory: A Colorful Tale là cảm giác vẽ và tô màu thiếu trực quan khi trải nghiệm bằng tay cầm. Nếu như người chơi PC dễ dàng dùng chuột để vẽ chính xác, bản PlayStation lại không hỗ trợ chuột. Kỳ thực, việc phải vẽ bằng cần analog trên tay cầm hoặc touchpad là vô cùng thử thách, mất nhiều thời gian hơn ngay từ đường chéo đơn giản chứ chưa nói đến hình tròn. Mặc dù trò chơi có tính năng phóng to hình ảnh cũng như thay đổi kích cỡ và tốc độ đi cọ, nhưng chúng chỉ khiến việc tô vẽ thêm phần phức tạp hơn với tay cầm.
Ngoài ra, có một vấn đề chỉ nhỏ như con thỏ khi trải nghiệm bằng tay cầm nhưng tôi nghĩ cũng đáng đề cập đến. Đó là bên cạnh tô vẽ cho khung cảnh môi trường, người chơi cũng có thể làm điều tương tự cho trang phục và nhân vật chính. Tuy nhiên, do các chi tiết này rất nhỏ nên dễ bị trò chơi tô nhầm sang màu da, khiến nhân vật trông khá lem nhem và mất thời gian tô lại hoặc “tẩy trắng”. Mặt khác, dù trải nghiệm game rất phù hợp với Nintendo Switch nhưng ở thời điểm bài viết, nhà phát triển lại chọn hệ máy của Sony để ra mắt.
Sau cuối, Chicory: A Colorful Tale mang đến một trải nghiệm phiêu lưu nhập vai vô cùng đặc sắc không chỉ có cơ chế gameplay sáng tạo, mà cả khía cạnh nghe nhìn đều để lại ấn tượng sâu đậm. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là sở hữu thiết kế đặc trưng và độc đáo nhưng vẫn vô cùng thân thiện với số đông người chơi, biến nó thành cái tên mà bạn chắc chắn không thể không chơi.
Chicory: A Colorful Tale hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 5 và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!