Carnivores: Dinosaur Hunt là game mô phỏng săn khủng long với trải nghiệm ở góc nhìn thứ nhất, mang nhiều cảm giác hoài cổ do sở hữu thiết kế game đặc trưng của thập niên 90. Chính vì vậy mà trải nghiệm game dễ để lại cảm giác trái chiều nếu bạn chưa từng trải qua tuổi thơ cùng nguyên bản của trò chơi. Không những vậy, sự thăng trầm của series Carnivores cũng khiến tôi cảm thấy khó định vị đối tượng mà tựa game này hướng đến, đặc biệt khi đề tài này hiếm được khai thác trong trò chơi điện tử nhiều năm nay.
Dành cho những bạn nào không có tuổi thơ dữ dội với series Carnivores, tôi tạm thời chia dòng game này làm hai nhánh. Từ nguyên bản Carnivores phát hành năm 1998 cộng với bốn phần chơi nối tiếp sau đó là nhánh kinh điển. Đáng chú ý trong nhánh này là bản Carnivores: Ice Age và Carnivores: Dinosaur Hunter được chuyển nền lên iOS vào khoảng giữa năm 2010 đến đầu năm 2011. Nếu tôi nhớ không lầm, đây là khoảng thời gian cực thịnh của game di động nhờ vào mức độ thông dụng ngày càng tăng của iPhone và iPod Touch thế hệ 4.
Nhánh thứ hai là nhánh hiện đại, khởi đầu là Carnivores: Dinosaur Hunter HD phát hành vào năm 2013. Đây vừa là hậu bản nhưng cũng đồng thời là bản làm lại của game gốc Carnivores trong nhánh kinh điển nói trên. Trò chơi được xây dựng trên game engine mới với chất lượng đồ họa có cải thiện, nhưng chưa thể tận dụng triệt để sức mạnh phần cứng PlayStation 3 khi phát hành độc quyền trên nền tảng này. Tiếp nối trải nghiệm nói trên là hậu bản Carnivores: Dinosaur Hunter Reborn và được remaster với tựa mới Carnivores: Dinosaur Hunt.
Về cơ bản, Carnivores: Dinosaur Hunt là hậu bản của game gốc Carnivores với đồ họa được đại tu những 2 lần. Tuy không thể sánh bằng Jurassic World Evolution 2 về mức độ chi tiết, tính đa dạng và cả quy mô phát triển, nhưng tạo hình các loài khủng long trong game nhìn cực ổn. Mỗi loài đều có phản ứng khác nhau khi thợ săn người chơi xuất hiện. Tuy nhiên, trò chơi được thiết kế môi trường nhìn khá đơn điệu, mang cảm giác sao chép ở quy mô toàn bản đồ hơn là thiết kế thủ công một cách tỉ mỉ bởi các họa sĩ xây dựng bối cảnh.
Cốt truyện của Carnivores: Dinosaur Hunt xoay quanh câu chuyện loài người phát hiện hành tinh FMM UV-32 tồn tại các loài khủng long sinh sống, dẫn đến những cuộc đi săn. Lối chơi của game giống như phiên bản lite của theHunter: Call of the Wild. Mục tiêu của người chơi là sử dụng các “đồ chơi” thợ săn và vũ khí với đạn dược vô cùng hạn chế để săn khủng long kiếm tiền, nâng cấp giấy phép săn bắn. Như bạn có thể đoán ra, tiền này dùng để sắm các loại vũ khí và công cụ xịn xò hỗ trợ cho trải nghiệm đi săn và hơn thế nữa.
Kỳ thực, gọi là xịn xò hơn nhưng có loại vũ khí như cây nỏ khiến tôi hơi nghi ngờ về tính thực tế của nó, nhất là khi đối mặt với khủng long bạo chúa T-Rex. Nói mới nhớ, series game Turok kinh điển cũng cho người chơi săn T-Rex bằng nỏ với cái kết đầy bất ngờ cho những thợ săn có máu liều ăn nhiều đó thôi. Không những vậy, vũ khí và công cụ hỗ trợ trong Carnivores: Dinosaur Hunt cũng khá phong phú, dù tôi cảm thấy chúng có phần thô sơ so với mức độ khổng lồ của các loài khủng long. Đồ chơi hỗ trợ cũng khá hữu ích.
Những công cụ này trải dài từ thiết bị giúp che mắt khủng long, thậm chí không thể đánh hơi ra thợ săn người chơi cho đến giúp bạn dễ dàng lần theo dấu vết di chuyển của chúng. Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả công dụng của tiền. Những thứ không thể mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, khá đúng trong trải nghiệm Carnivores: Dinosaur Hunt. Người chơi còn dùng tiền để mua giấy phép săn bắn các loại khủng long khác nhau, thậm chí đốt tiền để làm chủ những vùng đảo mới với quần thể khủng long phong phú hơn.
Vấn đề lớn nhất của Carnivores: Dinosaur Hunt là trải nghiệm game khá nặng tính cày cuốc do thiết kế đặc trưng. Cụ thể, mỗi con khủng long săn được chỉ thu về số tiền vô cùng ít ỏi, trong khi mua giấy phép săn loài khủng long mới đồng nghĩa bạn phải săn được cực kỳ nhiều khủng long mới đủ tiền nâng cấp. Không những thế, đạn dược được cung cấp rất hạn chế trong trải nghiệm game. Nếu để hết đạn là trải nghiệm săn bắn kết thúc, chúc bạn may mắn lần sau. Đã vậy, bọn khủng long thường bỏ chạy nhanh như chớp khi bị đánh động.
Đó cũng là vấn đề khác của trải nghiệm Carnivores: Dinosaur Hunt mà tôi không thể không đề cập. Nó liên quan đến cơ chế phát hiện điểm yếu của khủng long. Tuy nhiên, những phát đạn nhắm vào điểm yếu này thường khiến khủng long sợ hãi khi trúng đạn và chạy tán loạn. Chính vì vậy mà trải nghiệm game khá mệt mỏi, khó tránh khỏi cảm giác nó được thiết kế để kéo dài thời lượng chơi. Điều này đặc biệt đúng ở thời điểm đầu trải nghiệm, khi bạn chưa kiếm được nhiều tiền để trang bị công cụ hỗ trợ tốt hơn cho cuộc đi săn.
Sau cuối, Carnivores: Dinosaur Hunt mang đến một trải nghiệm mô phỏng săn khủng long khá hào hứng. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thiết kế game nặng tính cày cuốc và cảm giác retro khiến nó khó lòng dành cho số đông, nhất là những người chơi thiếu kiên nhẫn và không có tuổi thơ với series game này từ trước. Nếu bạn có thể chấp nhận qua những vấn đề kể trên, đây vẫn là cái tên khá đáng để cân nhắc cho trải nghiệm ngắn hạn.
Carnivores: Dinosaur Hunt hiện có cho PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!