Jurassic World Evolution 2 là hậu bản của game mô phỏng xây dựng và quản lý công viên giải trí cùng tên, được chuyển thể từ loạt phim hành động khoa học viễn tưởng Jurassic Park. Với đề tài thú vị, phần chơi này kế thừa những điểm cộng và khắc phục những điểm trừ trong tiền bản trước đó. Tuy nhiên, một số định hướng thiết kế của nhà phát triển tiếp tục để lại cho tôi cảm giác khá trái chiều. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là sự hạn chế không cần thiết trong tiếp cận các chế độ chơi khác nhau.
Kỳ thực, những ai yêu thích dòng game mô phỏng xây dựng và quản lý đều biết tầm quan trọng của Sandbox. Chế độ chơi này trao cho bạn sự tự do trong trải nghiệm game, không bị gò bó vào hệ thống nhiệm vụ trong Campaign cũng như nhiều hạn chế khác. Tuy nhiên, Jurassic World Evolution 2 lại buộc người chơi phải hoàn thành hai chế độ chơi theo cốt truyện và Challenge mới có thể trải nghiệm trọn vẹn nội dung trong Sandbox. Đây là hạn chế vô cùng khó hiểu, nhất là khi Campaign được thiết kế như hướng dẫn cơ bản hơn.
Bỏ qua điểm trừ nói trên, Jurassic World Evolution 2 gây ấn tượng với đồ họa tuyệt vời trên cả hai thế hệ console cũ và mới. Cảm giác khi ngắm những con khủng long tăng động với chuyển động mượt mà trong thiên nhiên hoang dã lẫn chuồng trại, vẫn là một trong những khoảnh khắc hào hứng và đáng nhớ nhất mà series game này mang đến kể từ phần chơi đầu tiên. Không chỉ có sự cải thiện về chất lượng texture mà ngay cả những đoạn phim chuyển cảnh cũng rất ấn tượng. Tiếc là trải nghiệm game không có tính tùy biến cao như Planet Zoo.
Lối chơi của Jurassic World Evolution 2 tuy có nhiều cải tiến so với phần chơi đầu, nhưng trải nghiệm game vẫn tập trung vào quản lý vi mô hơn là xây dựng và sáng tạo như nhiều game cùng thể loại trên thị trường. Chế độ chơi Campaign dẫn dắt người chơi làm quen các cơ chế gameplay từ cơ bản đến nâng cao thông qua hoàn thành các yêu cầu nhiệm vụ khác nhau. Yếu tố quản lý đòi hỏi bạn tương tác nhiều hơn. Cơ chế gameplay cũng phức tạp hơn, nhưng không đến mức làm khó cho những ai chưa từng chơi Jurassic World Evolution.
Trải nghiệm game có nhiều việc để làm hơn, đôi khi để lại cảm giác quá tỉ mỉ và câu giờ. Chẳng hạn bạn phải thường xuyên tương tác để đổ xăng cho phương tiện di chuyển, trong khi các khoa học gia cũng cần “bấm nút” nghỉ ngơi để họ không sớm phát điên. Bầy khủng long cũng vậy. Chúng có thể bất ngờ mắc bệnh, buộc người chơi phải điều động đội thú y đến chăm sóc. Mọi thứ đều thông qua tương tác bấm nút, không đòi hỏi người chơi phải đắn đo trước mỗi hành động cụ thể hay thậm chí lo ngại về hậu quả của thao tác trỏ và nhấn đó.
Ở góc độ người chơi, những hành động bấm nút để giải quyết vấn đề kể trên ít nhiều để lại cảm giác khá trái chiều vì tính lặp lại trong trải nghiệm game. Kỳ thực, nó giống như sự cảnh báo nếu bạn không muốn lãnh hậu quả vì chậm trễ tương tác. Mỗi khi vấn đề xảy ra, người chơi phải ngừng việc đang làm và bấm nút điều phối công việc trước khi rắc rối xảy ra. Không những vậy, trải nghiệm còn mang nặng cảm giác cày cuốc và tuyến tính để kiếm đủ số tiền nghiên cứu khủng long, nhất là khi chi phí tăng vọt ở mỗi vòng phân loại.
Chẳng hạn, người chơi phải nghiên cứu lần lượt nhiều “vòng gửi xe” và tốn rất nhiều tiền để mở khóa khủng long bạo chúa T-rex. Đây là định hướng thiết kế vô cùng khó hiểu vì hạn chế sự tự do trải nghiệm của người chơi, điều mà bất kỳ tựa game cùng thể loại nào cũng nên tránh mắc phải. Vấn đề ở chỗ, Campaign có thời lượng khá ngắn với năm nhiệm vụ được thiết kế như phần hướng dẫn giúp bạn làm quen với các cơ chế gameplay cơ bản. Chế độ chơi này lấy bối cảnh sau khi kết thúc phim Jurrassic World: Fallen Kingdom.
Tiếp nối Campaign là chế độ chơi Chaos Theory theo cốt truyện gồm năm nhiệm vụ có quy mô lớn hơn một chút. Trong đó, người chơi được giao nhiệm vụ xây dựng và vận hành công viên khủng long, lấy bối cảnh từ 5 phim Jurrasic Park từng ra mắt trên màn bạc. Đây là chế độ chơi đầy hào hứng chỉ sau Sandbox với những ai yêu thích loạt phim Công viên kỷ Jura nói trên. Vấn đề ở chỗ muốn trải nghiệm trọn vẹn Sandbox, bạn phải vượt qua rào cản lớn nhất là hoàn thành ba chế độ chơi còn lại, bao gồm các thử thách trong Challenge.
Mặc dù gọi là thử thách, nhưng chế độ chơi Challenge cho phép bạn điều chỉnh độ khó phù hợp với thời gian và trải nghiệm cá nhân. Thế nhưng, đừng nghĩ chế độ chơi này không mấy thử thách ở thiết lập thử thách thấp nhất. Hoàn thành cả ba chế độ chơi Campaign, Chaos Theory và Challenge cũng khiến bạn tốn khá nhiều thời gian trước khi mở khóa được mọi thứ trong trải nghiệm Sandbox. Ở góc độ người chơi, tôi hiểu nhà phát triển muốn khuyến khích bạn trải nghiệm đa dạng chế độ chơi, nhưng giải pháp hạn chế để lại cảm giác trái chiều.
Bù lại, Jurassic World Evolution 2 sở hữu số lượng khủng long rất lớn cho bạn tha hồ “tình thương mến thương” với chúng. Sương sương chỉ gần gấp đôi tiền bản Jurrasic World Evolution với đa dạng các chủng loại khủng long hơn. Từ loài bò sát khổng lồ biết bay đến sống dưới nước từng xuất hiện trong các phần phim và hơn thế nữa. Cảm giác điều khiển cũng khá trực quan khi chơi bằng tay cầm. Đặc biệt, bản Xbox còn hỗ trợ trải nghiệm game bằng chuột và bàn phím hoặc tay cầm tùy ý. Người chơi có thể chuyển đổi qua lại bất kỳ lúc nào.
Sau cuối, Jurassic World Evolution 2 mang đến một trải nghiệm mô phỏng xây dựng và quản lý công viên vô cùng hào hứng. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thiết kế tuyến tính và áp nhiều giới hạn trước khi bạn có thể mở khóa đầy đủ nội dung chế độ chơi Sandbox. Bù lại, nhờ số lượng đa dạng và đầy hào hứng với những ai yêu thích khủng long trong những bộ phim Jurrasic Park, đây kỳ thực là cái tên vô cùng đáng cân nhắc miễn là bạn có nhiều thời gian cho trải nghiệm có phần nặng tính cày cuốc của trò chơi.
Jurassic World Evolution 2 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!