Jurassic World: Fallen Kingdom đã tiếp nối thành công của phim Rampage nhưng hình như có gì đó sai sai. Phim ra rạp với tựa Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ và được dán nhãn C13.
Nếu bạn đã xem Jurassic World được ra rạp hồi năm 2015, thì hẳn vẫn còn nhớ công viên kỷ Jura ở hòn đảo Isla Nublar đã trở thành hòn đảo khủng long bị bỏ hoang như thế nào sau sự cố diễn ra trong phim. Jurassic World: Fallen Kingdom tiếp nối nội dung sau thảm họa đó bốn năm, một ngọn núi lửa bắt đầu hoạt động trở lại, đe dọa đến toàn bộ hệ sinh thái ở đây. Vậy là một cuộc chạy đua giải cứu khủng long nhanh chóng diễn ra.
So với các phần phim về công viên kỷ Jura trước đây Jurassic World: Fallen Kingdom có nội dung quá sức đơn giản và có dấu hiệu xào lại nội dung từ các phần phim cũ này. Thậm chí ngay từ đầu phim đã có những tình tiết hé lộ toàn bộ vai ác để người xem không cần phải đoán non đoán già nội dung. Thay vào đó, phim tập trung vào những màn “quái thú đại chiến” khiến tôi có cảm tưởng như đang xem phần tiếp theo của phim Rampage hơn, dù hai phim này vốn chẳng liên quan gì đến nhau. Không biết có phải hãng phim Universal Studios có ý định bổ sung thêm khủng long vào vũ trụ quái vật mà họ đang xây dựng trong phim The Mummy reboot không. Nhưng nói gì thì nói, ở khâu đồ họa và kỹ xảo vi tính thì Jurassic World: Fallen Kingdom có vẻ như làm tốt hơn Rampage… một chút.
Tuy nhiên, nếu xét về các phim khai thác đề tài thế giới khủng long trước đây thì phải thừa nhận Jurassic World: Fallen Kingdom có kỹ xảo khá hoành tráng, nhất là người xem được dịp quan sát hoạt động của rất nhiều loài khủng long so với các phần phim trước. Các pha hành động hấp dẫn trong phim cũng được chuyển sang cho các “diễn viên” khủng long mặc sức tung hoành hơn, dễ dàng khiến những ai thích xem kỹ xảo hơn sẽ cảm thấy mãn nhãn hơn bao giờ hết. Thậm chí cũng không sai khi nói rằng nhà làm phim hầu như không dành đất diễn nào cho các diễn viên mà họ đã tốn không ít tiền để mời vào vai. Ngoại trừ Chris Pratt, Bryce Dallas Howard và BD Wong từ phần phim cũ quay lại trong phần mới, các vai diễn khác tôi đều không còn thấy những gương mặt thân quen nữa.
Tình tiết phim diễn ra khá nhạt nhẽo, thậm chí khá quen thuộc và dễ gây thất vọng nếu bạn đã từng xem các phần phim cũ của đạo diễn Steven Spielberg. Tôi nhớ đạo diễn J.A. Bayona từng chia sẻ rằng ông muốn vận dụng những hướng tiếp cận mà người xem ít ngờ đến để tạo sự hấp dẫn cho Jurassic World: Fallen Kingdom, nhưng khó có thể nói ông đã thành công ở khía cạnh này. Từ nửa sau của phim chuyển về không gian chật hẹp hơn và càng không có đất diễn cho diễn viên nào cả, mọi thứ chỉ vừa đủ ở mức mang đến cảm giác “giải trí” cho người xem. Hầu hết những cảnh mà các diễn viên người phải đóng nhiều nhất là vừa chạy vừa la hét. Thỉnh thoảng cũng có vài câu đùa cợt vui vẻ nhưng rất hiếm, có lẽ vì đạo diễn muốn giữ tâm trạng căng thẳng cho người xem hơn.
Nói vậy không có nghĩa là phim hoàn toàn nhạt nhẽo về mặt nội dung. Vì ngoài một số cảnh khủng long hành động khá hấp dẫn, Jurassic World: Fallen Kingdom cũng có một số cảnh thật sự cảm động khiến bạn phải lặng người. Tôi nhớ nhất trong đó là cảnh một con khủng long cổ dài tru lên những tiếng kêu đau đớn và tuyệt vọng, khiến cả rạp gần như chết lặng. Hay những những kẻ xấu trong phim luôn nhận những cái kết tương xứng khiến người xem hết sức thỏa mãn. Thế nhưng thật đáng tiếc khi đó chỉ là những chi tiết đáng nhớ hiếm hoi so với cả đống lỗ thủng phi lý trong tình tiết của phim, mà có khi bạn cũng chẳng buồn để ý đến khi xem.
Ngay cả các nhân vật mới trong phần này cũng không tạo cảm giác họ mang đến giá trị gì cho bộ phim ngoài việc… xinh xắn, chẳng hạn như cô bé Maisie (Isabella Sermon). Tôi không rõ nhân vật này có sự ảnh hưởng gì trong phần sau nữa hay không, nhưng trong Jurassic World: Fallen Kingdom thì dường như chỉ để giải thích một số tình tiết xen kẽ trong phim nhằm giúp người xem hiểu rõ thêm chuyện gì đang diễn ra song song. Theo nhận định của tôi thì nếu mục đích của nhân vật này chỉ có thế, thật sự đây lại là một vai diễn thừa không cần thiết. Thậm chí một số cảnh diễn trông có vẻ khá nguy hiểm và thiếu thực tế để một đứa trẻ như cô bé có thể liều lĩnh nghĩ ra và thực hiện như thế.
Vậy cuối cùng Jurassic World: Fallen Kingdom có đáng để xem không? Câu trả lời là có, nếu bạn chỉ muốn xem phim để giải trí. Những kỹ xảo vi tính hoành tráng và những pha khủng long hành động dễ dàng chiếm được cảm tình của bất kỳ người xem nào muốn tìm một bộ phim cho mục đích nói trên. Dù vậy, bạn đừng quá mong đợi những kỹ xảo vi tính “đỉnh cao” mà thất vọng vì sẽ không có những thứ đó trong phim đâu. Như tôi đã nói ở trên, mọi thứ chỉ vừa đủ ở mức mang đến cảm giác giải trí cho người xem, và chỉ thế thôi. Còn một điều nữa là phim có một đoạn after-credits, gián tiếp hé lộ điều mà bạn có thể trông đợi ở phần tiếp theo đây nhé.
Xem thêm đánh giá các phim khác.