Assassin’s Creed Valhalla là phần chơi chính vừa tròn một tá của series lâu năm Assassin’s Creed. Thế nhưng, nếu tính theo số đầu game thì đây lại là phần chơi thứ 22. Sau cuộc dạo chơi ở Ai Cập và Hy Lạp cổ đại trong hai phần chơi trước đó, bản Valhalla đưa người chơi đến với các chiến binh người Viking trong bối cảnh vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8. Tuy cốt truyện khá hấp dẫn với bối cảnh mới, nhưng câu chuyện có phần tăm tối hơn so với những phần chơi trước đó.
Những năm gần đây, dòng game Assassin’s Creed có những bước chuyển mình từ lối chơi hành động lén lút sang nhập vai hành động thế giới mở. Bất kỳ sự thay đổi nào của một thương hiệu lâu năm cũng để lại lời khen tiếng chê tùy vào cảm nhận của mỗi người. Thế nhưng cũng giống như Watch Dogs: Legion, đây có lẽ là phần chơi cuối cùng của series này trên thế hệ console cũ, nhường chỗ cho thế hệ tiếp theo với những cải tiến về phần cứng, thậm chí chào đón thế hệ người chơi mới của dòng game “sát thủ”.
Vấn đề ở chỗ, Assassin’s Creed Valhalla để lại cho tôi ít nhiều cảm giác trái chiều ở nửa đầu trải nghiệm vì cách thiết kế game. Đó là chưa kể, trò chơi có rất nhiều vấn đề hiệu năng trên thế hệ console cũ. Đây là điều rất đáng buồn với những ai chưa thể sở hữu những cỗ máy console mới nhất trong tình hình loạn giá khắp nơi hiện nay vì cầu vượt quá cung. Dù vậy, ngay cả trên Xbox Series X thì trò chơi cũng chỉ tốt về mặt hiệu năng chứ chất lượng hình ảnh chưa đủ khiến tôi bị ấn tượng.
Đồ họa của Asassin’s Creed Valhalla có phần tươi sáng trong phần lớn trải nghiệm, tương phản với cốt truyện ngày càng tăm tối về sau. Tuy nhiên, tôi không tránh khỏi cảm giác trò chơi được phủ lên lớp áo mới dựa trên những asset cũ của các phần chơi trước hơn là xây dựng mới hoàn toàn. Tôi khá ấn tượng với chiến thuyền rồng drakar thon dài (longship) mang tính biểu tượng của người Viking, đưa đoàn quân của bạn đi cướp bóc và xâm chiếm khắp nơi trong thế giới game. Chuyển động nhân vật thì ngược lại.
Vẫn là những chuyển động cũ mèm mà bạn nhìn đến phát chán trong suốt nhiều năm qua. Khác chăng chỉ là phủ lớp trang bị khác lên nhân vật trong bối cảnh mới mà thôi. Những ngôi nhà dài nổi tiếng của người Viking thường phục vụ cho mục đích chè chén cũng xuất hiện trong Asassin’s Creed Valhalla. Thế nhưng ngoại trừ màu sắc sặc sỡ hơn, nó có phần giống với nhà dài của người Ê Đê và thường mang cảm giác hao hao khi bắt gặp ở các địa danh khác nhau, chưa đủ khiến tôi cảm thấy nét đặc trưng.
Nội dung trong game đưa người chơi đến với nhân vật chính Eivor mà bạn có thể lựa chọn giới tính giống như Assassin’s Creed Odyssey. Evior cùng với “anh trai mưa” Sigurd rời quê nhà đi tìm giàu sang phú quý ở nơi xứ người bằng việc cướp bóc và xâm chiếm, mở rộng mối giao hảo với bốn vương quốc: Mercia, East Anglia, Northumbria và Wessex. Những gì cướp bóc được nơi xứ người lại được dùng xây dựng vương quốc của bạn sánh vai cùng các “cường quốc” khác. Kết cục ra sao xin dành cho bạn trải nghiệm.
Chỉ có thể nhắc nhẹ rằng nếu đây là tựa game Assassin’s Creed đầu tiên mà bạn trải nghiệm, nội dung phức tạp của trò chơi với các nhân vật lạ lẫm từ các phần chơi trước sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc tiếp cận và hiểu được câu chuyện kể. Khía cạnh gameplay cũng có vài thay đổi đáng kể, không còn là thiên về trải nghiệm hành động lén lút như những cái tên thời kỳ đầu nữa. Assassin’s Creed Valhalla sở hữu nhiều thay đổi theo hướng nhập vai hành động mang cảm giác điện ảnh hơn.
Dù vậy, nhà phát triển Ubisoft Montreal vẫn cố gắng giữ lại những nét gameplay đặc trưng cũ thông qua một số tùy chọn dễ gây tranh cãi. Một trong số đó là cây kỹ năng (skill) và thiết lập tùy biến độ khó trong các yếu tố gameplay khác nhau: khám phá, chiến đấu và hành động lén lút. Người chơi và kẻ thù được phân định mạnh, yếu thông qua power, chỉ số tăng dần như cấp độ dựa trên số lượng điểm kỹ năng mà bạn cộng vào các kỹ năng cũng như tăng chỉ số của nhân vật mỗi khi “thăng cấp”.
Đáng chú ý là kỹ năng Advanced Assassinations, cho phép người chơi ám sát kẻ thù “one hit one kill” thông qua QTE. Nếu bấm hụt khoảnh khắc, kẻ thù mạnh hơn về chỉ số power sẽ lồm cồm bò dậy và “chiến” với bạn tới cùng. Tuy nhiên, hệ thống kỹ năng này ít phát huy tác dụng ở thời điểm nửa đầu trải nghiệm. Nó chỉ bắt đầu hữu dụng vào khoảng nửa sau trải nghiệm. Đó là thời điểm người chơi mở khóa được kha khá lượng điểm kỹ năng để cộng cho nhân vật. Điều tương tự cũng áp dụng cho phần kịch bản.
Không những vậy, Assassin’s Creed Valhalla còn có thêm tùy chọn gọi là Guaranteed Assassinations, giúp người chơi ám sát “one hit one kill” bất chấp khác biệt về power với kẻ thù. Nó được mô tả là làm thay đổi trải nghiệm theo cách không như thiết kế game và khiến nhiều nhiệm vụ bỗng dễ như trở bàn tay. Đây là lý do mà bạn nên cân nhắc khi bật tính năng này vì cơ bản Guaranteed Assassinations không khác gì tính năng gian lận game được hợp pháp hóa cho một nhóm người chơi nhất định.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Assassin’s Creed Valhalla là thiết kế game khá tuyến tính dù xây dựng thế giới mang cảm giác mở. Điều này gián tiếp giới hạn trải nghiệm khám phá của người chơi và được thể hiện bằng giới hạn chỉ số power ở mỗi khu vực. Nếu bạn cố tình vượt qua “vòng kim cô” nói trên để tự do khám phá, trải nghiệm có thể dẫn đến cảm giác thất vọng. Đơn cử như một số vật phẩm chỉ có thể thu thập một khi người chơi tiếp cận địa điểm đó trong lúc làm nhiệm vụ liên quan.
Nếu không thì sao? Bạn có thể vô tình kích hoạt một lỗi game nào đó và loay hoay mãi với nó. Có lẽ vì nhận ra điều này từ sớm nên tôi rất hiếm đụng phải lỗi game khó chịu nào khiến tôi nổi điên. Trong khi đó, đây lại là điều mà người viết nghe than phiền vô số kể trên khắp các diễn đàn cũng như từ các đồng nghiệp trên thế giới. Tất nhiên cũng có khả năng phiên bản dành cho nền tảng Xbox mà tôi trải nghiệm được chăm chút tốt hơn, nhưng theo truyền thống thì khả năng này kỳ thực rất thấp và khó lòng xảy ra.
Trong suốt thời gian trải nghiệm, người viết chỉ bị văng game về Dashboard đôi ba lần. Con số này thấp đáng kinh ngạc so với lượng than phiền từ bạn bè chơi trên PC và PlayStation 4. Nó nhiều đến mức khiến tôi cũng cảm thấy nghi ngờ vì không chắc mọi người có nói quá hay không. Lỗi quest tuy cũng có, nhưng dường như liên quan đến vấn đề văng game làm hỏng autosave chứ tôi rất hiếm gặp vấn đề với quest trong trải nghiệm. Mà đó là tôi làm rất nhiều nhiệm vụ phụ chứ không chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính.
Đáng nói nhất là trải nghiệm khám phá sử dụng “linh cảm Odin” dò tìm bí mật, đôi khi lại xuất hiện thánh tích hay vật phẩm thu thập ở những vị trí rất khó hiểu nếu bạn không tìm được đường để vào. Ban đầu tôi cứ nghĩ là lỗi game nhưng sau vài lần tìm đường vào mới biết không phải. Những vật phẩm này có khi nằm tít ở dưới biển phải lặn thật sâu muốn tắt thở hoặc ở những nơi lưng chừng vách núi, đòi hỏi bạn phải tốn khá nhiều công sức để tìm đường vào chứ không phải dạng vừa đâu.
Đó là chưa kể các kho báu được giấu ở những nơi mà bạn không thể dùng “linh cảm” để phát hiện, phải khám phá dựa trên quan sát và kinh nghiệm chơi game. Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ phụ này lại cố tình thiết kế để giăng bẫy người chơi rất oan mạng. Tôi gặp không ít trận đụng độ boss ẩn có power cao gấp vài lần nhân vật chính trong quá trình khám phá các nhiệm vụ phụ này. Điều này càng củng cố quan điểm thiết kế game tuyến tính được xây dựng trên thế giới tạo cảm giác mở mà tôi đề cập ở trên.
Ấn tượng nhất là Asgard, tuy màn chơi này thiết kế nhỏ nhưng giấu chiến lợi phẩm nhiều và lắt léo khiến tôi rất hào hứng. Cảm giác sau khi giải mật được thâm cung bí sử rất thỏa mãn. Những nhiệm vụ phụ này thường khá đa dạng và xoay quanh hai yếu tố giải đố hoặc chiến đấu. Có vài nhiệm vụ phụ hài hước và mang nhiều ý nghĩa thâm sâu nhưng không nhiều, khá là đáng tiếc. Hoàn thành chúng sẽ thưởng cho nhân vật điểm kỹ năng để mở khóa kỹ năng mới và tăng chỉ số. Vòng lặp gameplay không chỉ có thế.
Assassin’s Creed Valhalla còn có hệ thống tuyệt kỹ (ability) từ thu thập Book of Knowledge thông qua khám phá khu vực làm nhiệm vụ. Bạn không nhất thiết phải thu thập các vật phẩm nói trên, nhưng các tuyệt kỹ này giúp chiến đấu trở nên nhẹ nhàng hơn, nhất là dễ dàng “tát xéo háng” boss hơn. Hệ thống trang bị cũng được tinh gọn hơn về số lượng, trong khi chất lượng hơn về chỉ số và đặc trưng chiến đấu. Có vũ khí đầu độc kẻ thù khi chúng ngã sấp mặt, nhưng có loại tăng sát thương thưởng khi tấn công liên hoàn.
Những khác biệt tưởng nhỏ nhặt này tạo nên cách tiếp cận kẻ thù khác nhau, giúp mỗi loại vũ khí đều có đất dụng võ cho lối chơi của mỗi người. Đặc biệt, yếu tố chinh phạt và xây dựng có tính hỗ trợ khá thú vị cho trải nghiệm game. Tuy nhiên khi xét riêng ở từng khía cạnh thì vẫn còn nhiều vấn đề có thể làm tốt hơn. Chẳng hạn xây dựng chỉ là phương tiện hỗ trợ cho trải nghiệm cướp bóc và xâm chiếm. Nếu bỏ đi yếu tố thu thập chiến lợi phẩm và kho báu, khía cạnh cướp và chiếm khá nặng tính lặp lại.
Một điều không thể không đề cập là Assassin’s Creed Valhalla có khá nhiều yếu tố tùy biến mang tính trang trí, như hình xăm cho nhân vật cho đến thay hình đổi dáng cho chiến thuyền. Thú cưỡi không quá phong phú nhưng cũng có sự thay đổi thú vị như tuần lộc hay sói nhìn khá ngầu và hài hước. Bạn thậm chí còn có thể nựng mấy bé mồn lèo hay cờ hó thích đi lang ở thị trấn khắp nơi, nếu không thì cũng có thể đi săn bắn nai, cáo hay heo rừng trong rừng nhưng tương tác chỉ dừng ở đó mà thôi.
Sau cuối, Assassin’s Creed Valhalla mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động khá hấp dẫn nếu bạn có chút kiên nhẫn để bị cuốn hút vào game về sau. Thế nhưng, thời điểm ban đầu kém hào hứng cũng là khoảng thời gian người chơi dễ bỏ cuộc nhất. Nếu nhìn nhận ở góc độ này thì rõ ràng trò chơi chưa được xây dựng chỉn chu. Những vấn đề lỗi game mà bạn có thể gặp phải cũng là điểm trừ không nhỏ, nhưng hiệu năng kém trên các hệ console cũ là điều khó chấp nhận cho một cuộc chia tay không đòi quà. Thích thì nhích thôi!
Assassin’s Creed Valhalla hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Google Stadia.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox Series X.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!