Anodyne 2: Return To Dust tuy là phần chơi thứ hai trong series game phiêu lưu hành động nhập vai Anodyne nhưng hoàn toàn tách biệt nội dung với phần trước. Nếu như Anodyne mang đến trải nghiệm có phong cách đồ họa pixel với góc nhìn top-down, phần hậu bản này lại có sự thay đổi chất liệu hình ảnh đa dạng hơn và vẫn giữ cảm giác hoài cổ. Môi trường khám phá gợi nhớ đến những tựa game Nintendo 64 ngày xưa, nhưng tạo hình nhân vật dễ tạo liên tưởng đến các tựa game PlayStation kinh điển. Đó là chưa kể những khung cảnh đậm dấu ấn pixel trong trải nghiệm.
Nếu bạn đã từng chơi Anodyne trước đây, dễ hình dung nhất là Anodyne 2: Return To Dust xây dựng khám phá thế giới trong môi trường 3D và sử dụng texture kiểu low-poly nhằm tái hiện cảm giác hoài cổ. Lồng ghép trong đó là trải nghiệm khám phá trên nền đồ họa pixel. Nhân vật của người chơi là Nova, sinh ra đã là Nano Cleaner có khả năng thu nhỏ và chui vào cơ thể người khác để tiêu diệt các Nano Dust gây hại đến mọi người. Thông qua việc thanh tẩy yếu tố ngoại lai này, người chơi thu thập các thẻ bài để giải quyết vấn đề lớn hơn của thế giới và cứ thế.
Mỗi nhân vật được bạn thanh tẩy đều có câu chuyện riêng khá thu hút, mang nhiều yếu tố đời thường cũng như thông điệp điệp đáng chú ý về cuộc sống. Tuy nhiên, Anodyne 2: Return To Dust có cách kể chuyện kém hấp dẫn và thiếu chiều sâu, dễ khiến bạn cảm thấy lùng bùng hơn là cuốn hút vào cốt truyện. Ở góc độ người chơi, tôi không biết có phải do chất lượng chuyển ngữ không, nhưng phần thoại và những tâm tư của nhân vật chính được truyền tải dài dòng bằng rất nhiều chữ với tần suất khá dày, khiến người chơi dễ mất kiên nhẫn trong việc cảm thụ.
Về cơ bản, vòng lặp gameplay của Anodyne 2: Return To Dust chỉ đơn thuần là điều khiển Nova tìm các NPC bị nhiễm Nano Dust rồi chui vào cơ thể họ và thanh tẩy chúng. Tuy ý tưởng gameplay không mới nhưng nó trở nên khá độc đáo khi có sự hậu thuẫn của phong cách đồ họa đa dạng và mang nhiều cảm giác hoài cổ của trò chơi. Một phần là trải nghiệm khám phá trong môi trường 3D ở góc nhìn thứ ba với texture nhìn khá thô và chuyển động nhân vật hạn chế. Phần còn lại nằm ở không gian 2D có góc nhìn chéo từ trên cao và chia thành nhiều khung cảnh nhỏ.
Tuy nhiên, đồ họa pixel của Anodyne 2: Return To Dust không chỉ gói gọn trong hình ảnh 16 bit mà về sau còn có những môi trường 2D trên nền 8 bit. Ở góc độ người chơi, các chất liệu hình ảnh của game gợi khá nhiều cảm giác hoài cổ trong suốt trải nghiệm. Tôi chỉ cảm thấy hơi tiếc khi các bối cảnh 3D trong game tạo cảm giác kém chăm chút và thiếu sinh khí so với môi trường 2D mà tôi không nghĩ đây là chủ ý của nhà phát triển. Đó cũng là môi trường khám phá mà bạn tương tác cùng các NPC cũng như tìm những bí mật ẩn giấu trước khi chuyển sang không gian 2D.
Sự chuyển đổi qua lại giữa hình ảnh 2D và 3D giúp tạo nên cơ chế gameplay khá đa dạng cho Anodyne 2: Return To Dust ở nửa đầu trải nghiệm. Trong môi trường 3D, nhân vật có thể lượn và nhảy hai bước như trải nghiệm đi cảnh để tìm đường đến các NPC làm nhiệm vụ. Bạn cũng có thể điều khiển xe thay vì nhân vật để tăng tốc độ di chuyển và đỡ mất thời gian trong khía cạnh đi cảnh hơn. Ngược lại, môi trường 2D có nhiều vấn đề hạn chế nhưng được xây dựng quy mô và phức tạp hơn trong trải nghiệm về sau, tập trung vào yếu tố giải đố nhiều hơn.
Khác với môi trường 3D thiên về đi cảnh và tương tác, nhân vật chính sử dụng Nano Vacuum để hút lấy kẻ thù và các chướng ngại vật cho mục đích giải đố trong không gian 2D. Đây cũng là nơi diễn ra các trận đánh boss. Sự kết hợp qua lại giữa hai môi trường mang đến cảm giác trải nghiệm khá hào hứng, đặc biệt khi cơ chế điều khiển rất dễ làm quen. Tuy nhiên, đây cũng là điểm trừ lớn nhất của Anodyne 2: Return To Dust khi môi trường 2D dần trở thành chủ đạo trong thiết kế gameplay, khiến nhịp độ chơi trở nên kém hào hứng từ giữa trải nghiệm về sau.
Những khoảnh khắc điều khiển xe và nhân vật 3D đi tương tác khắp nơi càng lúc càng hiếm. Những gì bạn thấy trên màn hình chủ yếu chỉ còn những hình ảnh pixel của các sprite 2D. Góc nhìn đặc trưng của không gian 2D tạo cảm giác gò bó trong khi trước đó nó diễn ra xen kẽ với không gian 3D nhiều tự do hơn. Người chơi phải dò đường vô vọng trong tình trạng nhiều hạn chế về di chuyển, giải quyết các câu đố không quá khó và sử dụng vũ khí Nano Vacuum nói trên. Nó có thể khá hào hứng ban đầu, nhưng thiếu tính thử thách để trải nghiệm trở nên cuốn hút đủ lâu.
Bên cạnh khía cạnh đồ họa mang nhiều cảm giác hoài cổ, sáng tác nhạc cũng mang nhiều âm hưởng của các JRPG từ thập niên 90 trong giai điệu. Yếu tố nghe nhìn có sự kết hợp với nhau khá tốt, mang đến cảm giác trải nghiệm hoài cổ quen thuộc trong những JRPG kinh điển ngày xưa. Số lượng bài nhạc rất nhiều, hiếm khi tạo cảm giác lặp lại trong suốt trải nghiệm game. Ở góc độ người chơi, tôi có thể cảm nhận được sự chăm chút của nhà phát triển ở từng khía cạnh, dù không phải yếu tố nào cũng là điểm cộng thiết kế trong trải nghiệm game.
Sau cuối, Anodyne 2: Return To Dust mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động nhập vai rất hấp dẫn với nhiều yếu tố hoài cổ trong thiết kế. Hướng đi này có thể khiến trò chơi hơi kén người chơi, nhưng nó chắc chắn là cái tên xứng đáng xuất hiện trong thư viện game nếu bạn yêu thích cảm giác “giận thì giận mà thương thì thương” không cần lý do này.
Anodyne 2: Return To Dust hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!