Xenon Racer là tựa game đua xe tốc độ cao với độ khó cũng cao không kém.
3DClouds có thể là một cái tên mới trên thị trường, nhưng đội ngũ phát triển và những tựa game mà họ thì không. Năm ngoái, nhà phát triển này từng “chào sân” bằng tựa game đua xe kart All-Star Fruit Racing lấy chủ đề về trái cây khá thú vị với phong cách đồ họa hoạt hình. Năm nay, họ lại tiếp tục ra mắt Xenon Racer, một tựa game đua xe đậm chất khoa học viễn tưởng với những cuộc đua siêu tốc độ tương tự như series WipEout nổi tiếng của Sony.
Về cơ bản, có thể ví trải nghiệm Xenon Racer như một sự pha trộn giữa nhiều series game đua xe nổi tiếng trên thị trường. Người chơi sẽ có cảm giác điều khiển giống như series Ridge Racer kinh điển, kết hợp với yếu tố boost tăng tốc từ series Need for Speed hay Burnout và cuối cùng là cảm giác siêu tốc độ với đường đua đầy thử thách mang phong cách khoa học viễn tưởng của WipEout. Mặc dù nghe qua có vẻ giống như một mớ “tả pí lù” nhưng kỳ thực, trải nghiệm đua xe trong game lại hấp dẫn không ngờ, khiến tôi cực kỳ hào hứng mỗi khi vượt mặt đối thủ trong gang tấc để giành ngôi vị đầu đường đua.
Lối chơi trong Xenon Racer đòi hỏi nhiều ở kỹ năng người chơi. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố drift và boost, mang đến một tải nghiệm đua xe cực kỳ hào hứng với độ khó tương đối cao. Đáng tiếc là yếu tố này có thể khiến nhiều người chơi bớt hào hứng với trải nghiệm game. Ngay cả khi tôi thử thiết lập độ khó dễ hơn thì cuộc đua cũng không mang đến cảm giác dễ hơn. Toàn bộ trải nghiệm vẫn đòi hỏi người chơi kết hợp giữa hai yếu tố quan trọng nói trên và chúng có sự liên quan mật thiết với nhau. Drift sẽ giúp làm đầy thanh boost hoặc bạn cũng có thể chạy ngang qua các điểm hồi thanh boost cho mục đích tương tự. Boost thì giúp tăng tốc độ tối đa trong một khoảng thời gian ngắn.
Nếu bạn đã từng chơi những tựa game đua xe khác, hẳn cũng biết drift là một kỹ thuật lái xe mà trong đó người lái cố tình làm thừa lái để gây ra sự trượt bánh sau ở tốc độ cao mà không bị mất lái. Kỹ năng này thường được các tay đua chuyên nghiệp vận dụng để giữ tốc độ cao khi vào những góc cua gắt. Đây cũng là một kỹ năng quan trọng trong bất kỳ tựa game đua xe nào, đòi hỏi người chơi phải sử dụng thắng (phanh) đúng lúc, đúng thời điểm để xe vào góc cua “ngọt” mà vẫn giữ vững được tốc độ cao ban đầu. Trong khi đó, boost trong Xenon Racer cũng như bao tựa game đua xe khác, giống như một phần thưởng tăng tốc bứt phá đối thủ để thưởng cho người chơi drift tốt.
Do thiết kế đường đua trong game thường là những góc cua rất gắt và quanh co hết sức nguy hiểm, drift được vận dụng rất nhiều trong trải nghiệm Xenon Racer như một yếu tố bắt buộc. Drift không hề dễ với tốc độ lên tới cả trăm km mỗi giờ trong trải nghiệm game, nhưng nếu không vận dụng tốt kỹ thuật lái này, khả năng cao bạn sẽ thường xuyên hít khói các xe đua do AI điều khiển. Chúng tuy không quá xuất sắc nhưng thường vượt qua người chơi ở những phân đoạn drift đầy kịch tính và đòi hỏi kỹ thuật “tay lái lụa” này. Điều đó cũng đồng nghĩa trải nghiệm game có thể không phù hợp với những ai yêu thích lối chơi đua xe casual giống như Need for Speed hay series game mobile Asphalt khá nổi tiếng.
Thay vào đó, Xenon Racer đòi hỏi kỹ năng drift thật sự của người chơi trong trải nghiệm hơn. Vấn đề ở chỗ, dù trò chơi có rất nhiều chế độ chơi đa dạng khác nhau, nhưng một khi bạn làm chủ được cơ chế drift của game thì trải nghiệm sau đó sẽ nhanh chóng trở nên khá đơn điệu. Nhà phát triển không có bổ sung thêm cơ chế nào mới để tạo nên trải nghiệm mới mẻ hơn. Các yếu tố như tùy biến màu sắc hay nâng cấp xe cũng không có điểm gì mới, vẫn là đua thật nhiều để nhận lại các nâng cấp mới cho xe nhanh hơn và đổi lại là kém đi một yếu tố nào đó. Đã vậy, trò chơi còn có xu hướng trừng phạt người chơi khá mạnh tay.
Cụ thể, nếu bạn để xe va chạm quá nhiều dẫn đến hư hỏng nặng, trò chơi sẽ ném bạn về bét với một chiếc xe mới. Vấn đề ở chỗ, AI trong Xenon Racer đều “không phải dạng vừa đâu”, nếu đó là vòng đua cuối thì khả năng để bạn bứt phá về lại vị trí đầu bảng là chuyện không bao giờ có thể xảy ra. Chưa kể trong không ít trường hợp, mặt dù vẫn giữ tốc độ khá tốt và drift hoàn hảo, nhưng tôi vẫn thấy AI dễ dàng rút ngắn khoảng cách khá phi lý. Yếu tố này khiến tôi liên tưởng đến vấn đề AI chơi ăn gian trong All-Star Fruit Racing, game đua xe kart của cùng nhà phát triển. Tuy nhiên, trong những màn đua quanh co với những khúc cua gắt nối tiếp nhau thì điều này không xảy ra, nên tôi chưa thể khẳng định AI chơi xấu.
Ở khía cạnh thiết kế, những “cỗ máy tốc độ” trong Xenon Racer có thiết kế nhìn ngầu và khá ấn tượng. Thế nhưng, khi vào màn đua thì những chiếc xe này có cảm giác khá nặng nề khi điều khiển so với thiết kế nhìn có vẻ nhẹ hẫng của chúng. Một điểm đáng nói là thiết kế đường đua dường như được tái sử dụng lại nhiều lần, chỉ thay đổi cảnh nền để tạo sự khác biệt về môi trường xung quanh. Mặt khác, mặc dù tốc độ xe đua trong game ghi nhận trên xe khá nhanh, nhưng kỳ thực trải nghiệm game không tạo được cái cảm giác tốc độ siêu nhanh như thế. Không những vậy, các thông báo xác nhận hiện lên khá rề rề, khiến tôi cảm thấy không phù hợp với trải nghiệm tốc độ cao của trò chơi lắm.
Mặt khác, Xenon Racer tải dữ liệu khá lâu trước mỗi cuộc đua cũng khiến trải nghiệm phần nào kém hào hứng sau mỗi lượt chờ trước khi vào màn. Ngay cả cuộc đua cũng vậy, thường dài không cần thiết rất dễ làm giảm đi sự hào hứng. Tôi nghĩ thường chỉ nên hai vòng đua là vừa đủ, không quá ngắn cũng không quá dài. Bởi lẽ, phần lớn tình huống trong những cuộc đua thường chỉ có hai trường hợp, hoặc bạn hít khói trước các đối thủ hoặc một mình một cõi ở vị trí đầu. Việc kéo dài thời gian đua khiến cả hai cảm giác này trong mỗi trường hợp đều khá mệt mỏi, vô tình làm giảm đi cảm giác đua hấp dẫn ban đầu trong trải nghiệm.
Ở khía cạnh đồ họa, Xenon Racer cũng chỉ ở mức khá trên phiên bản Xbox One mà tôi trải nghiệm. Môi trường màn chơi với các thành phố như Tokyo hay Dubai trong những năm 2030 của bối cảnh game nhìn khá độc đáo, nhưng thiếu sự chăm chút chi tiết nhiều bằng những chiếc xe đua. Dù vậy, yếu tố này cũng không quá quan trọng, trừ khi bạn tông vào lề phải dừng xe, tôi nghĩ hầu hết người chơi sẽ không kịp để ý điều này trong suốt cuộc đua diễn ra. Ngược lại, soundtrack sử dụng những bản nhạc điện tử cực kỳ sôi động, mang đến một cảm giác tốc độ “cực đã” trong trải nghiệm game và cũng là một điểm cộng lớn. Ngay cả phần âm thanh khi xe va vào tường hay tiếng động cơ gầm lên ở tốc độ cao nghe cũng rất đã, nhưng tôi thường phải giảm âm lượng của phần âm thanh này để nghe nhạc nền hơn.
Sau cuối, Xenon Racer mang đến một trải nghiệm đua xe cực kỳ hấp dẫn với những ai có đam mê tốc độ. Trò chơi tuy không có điểm gì để tạo sự nổi trội so với những tựa game cùng thể loại khác trên thị trường, nhưng cảm giác đua với những cú drift “cực đỉnh” trong môi trường màn đua là một cảm giác khá tuyệt vời. Dù vẫn có vấn đề này hay vấn đề kia trong trải nghiệm, nhưng nếu đam mê tốc độ trong những tựa game đua xe thì đây là một cái tên rất đáng cân nhắc.
Xenon Racer được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác