Worldend Syndrome là tựa game visual novel với đề tài về tình cảm và xen lẫn trong đó là một câu chuyện tâm linh mang yếu tố siêu nhiên bí ẩn. Nhân vật chính là một chàng trai “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” mới dọn đến sống và học ở thị trấn Mihate ven biển.
Mihate không phải là một thị trấn bình thường mà có nhiều điều bí ẩn mang tính tâm linh không thể giải thích. Tương truyền cứ mỗi 100 năm, một người chết sẽ được hồi sinh và mưu sát mọi người ở thị trấn này. “Người bí ẩn” đó được người dân gọi là Yomibito. “May mắn” hơn bao giờ hết, nhân vật chính của người chơi lại chọn đúng thời điểm Yomibito trỗi dậy để đến sinh sống và gặp một số tình huống “lạnh sống lưng”.
Trong số những tựa game visual novel mà tôi trải nghiệm, Worldend Syndrome có lẽ sử dụng phong cách đồ họa lạ mắt nhất. Trò chơi không chỉ thiết kế nhân vật nữ nhìn ai cũng lạnh lùng mà còn mang cảm giác hơi ác. Không chỉ vậy, những cảnh giới thiệu nhân vật “độc đáo” của trò chơi cũng được thiết kế để khiến bạn cảm thấy lạnh người trước những ánh mắt sắc lạnh của nhân vật, không chỉ trong nét vẽ mà cả trong cách phối màu.
Chưa kể, nhà phát triển còn đẩy mạnh yếu tố này bằng cách thường xuyên tạo những âm thanh giật mình ở những phân đoạn “hù chút chơi” này. Lần đầu còn khiến tôi giật mình, nhưng về sau phải tháo tai nghe ra “chơi chay” hoặc vặn nhỏ âm lượng khi chơi ở chỗ đông người cho đỡ bực mình. Xem ra, giải pháp của nhà phát triển tuy có dụng ý thú vị, nhưng trong trường hợp này lại mang đến phản ứng ngược từ người chơi như tôi. Một điểm trừ không đáng có.
Thế nhưng, Worldend Syndrome lại khiến tôi ấn tượng với cách xây dựng cảnh nền khá độc đáo. Bên cạnh tạo hình 2D những nhân vật tĩnh quen thuộc giống như trong phần lớn những tựa game cùng thể loại, trò chơi sử dụng cảnh nền động tương tự game Cinders mà tôi từng trải nghiệm trước đây nhưng ấn tượng hơn. Yếu tố này tuy chỉ là một điểm xuyết nhỏ và đơn giản, nhưng tạo cảm giác “sống” trong bối cảnh đời thường của các nhân vật.
Ở khía cạnh nội dung, những tưởng điểm nhấn của trò chơi là câu chuyện kể nhuốm màu tâm linh nói trên, nhưng nhà phát triển lại không tập trung vào yếu tố đó để thu hút người chơi. Thay vì vậy, họ lại tập trung vào yếu tố tình cảm lãnh mạn giữa nhân vật chính đúng kiểu truyền thống của thể loại visual novel. Điều này khiến tôi cảm thấy hơi đáng tiếc vì hướng đi này nó quá quen thuộc, thiếu sự sáng tạo và mới mẻ trong trải nghiệm.
Các nhân vật mà người chơi có thể hẹn hò vẫn sở hữu những tính cách rất quen thuộc, vừa mang chút cảm giác ngôn tình, vừa có chút yếu tố đời thật. Chẳng hạn như Hanako là một cô gái khá rụt rè, hay như cô bé Maimi xinh xắn dễ thương nhưng bạn chớ dại đụng vào vì có mối quan hệ họ hàng khá gần gũi với nhân vật chính. Ngay cả mô típ nhân vật “bạn tốt” của nhân vật chính cũng vậy, không có điểm gì mới ngoài cảm giác “trẩu tre” khó ưa và đáng ghét.
Vấn đề ở chỗ, tôi có cảm giác nhà phát triển đã khá vội vã trong việc xây dựng cốt truyện, tạo cảm giác thiếu cân bằng giữa những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn cần thiết cho người chơi thể loại visual novel. Sự tiến triển trong mối quan hệ giữa nhân vật chính với các nhân vật nữ mang cảm giác hơi vội vã, thiếu thuyết phục và có phần mang tính lặp lại về tình tiết, chỉ khác biệt về nhân vật nữ mà bạn muốn hẹn hò.
Trò chơi chia trải nghiệm thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu chiếm phần lớn trải nghiệm, mang nhiều cảm giác giống như bất kỳ những tựa game visual novel khác trên thị trường. Đáng nói, người chơi không có nhiều tác động nội dung ở giai đoạn này. Phần lớn các lựa chọn đều không có giá trị gì trong việc quyết định mối quan hệ giữa các nhân vật hay gây ảnh hưởng đến kết cục sau cuối.
Chỉ đến giai đoạn sau, yếu tố này mới mở rộng và trải nghiệm mới bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn. Khi này, người chơi mới có thể bắt đầu xây dựng mối quan hệ với một nhân vật nào đó. Tuy nhiên, tình tiết trong giai đoạn này dường như chỉ là một cách để nhà phát triển “gợi ý” người chơi hoàn tất phần nội dung với nhân vật đang hẹn hò và chơi lại để mở khóa mối quan hệ với các nhân vật khác, đồng thời gợi chút tò mò để người chơi tìm hiểu thêm về bí ẩn ở Mihate.
Tuy nhiên, do mang nặng tính lặp lại về chi tiết nên điều này khó có thể đủ sức “quyến rũ” người chơi, đặc biệt là yếu tố tâm linh bí ẩn không chiếm nhiều trong trải nghiệm như mong đợi. Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ đây là yếu tố dễ thu hút người chơi hơn, nhưng đáng tiếc lại không được nhà phát triển tập trung đẩy mạnh để gợi thêm nhiều tò mò, nút thắt nội dung, tạo sự thu hút như game Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa.
Dù vậy, Worldend Syndrome lại khiến tôi khá thích thú với những giải thích về các “từ khóa” mang văn hóa Nhật Bản trong suốt trải nghiệm. Cảm giác giống như đây là một sản phẩm để quảng bá văn hóa đất nước mặt trời mọc, kiểu “đem chuông đi đánh xứ người” hơn là trải nghiệm visual novel thuần túy. Với việc Nhật Bản gần đây đẩy mạnh giới thiệu văn hóa của họ đến đất nước ta, cùng việc mời một nam ca sĩ làm Đại sứ Thiện chí Du lịch Nhật Bản, đây có lẽ mới là tập trung chính của game.
Sau cuối, Worldend Syndrome mang đến một trải nghiệm visual novel khá thú vị. Thế nhưng, ngoài yếu tố quảng bá văn hóa ra, trò chơi lại không có điểm nhấn tạo sự khác biệt so với những cái tên khác thuộc thể loại này trên thị trường. Kỳ thực, tựa game này có nhiều tiềm năng nhưng lại không được nhà phát triển tập trung khai thác. Dù vậy, nếu yêu thích thể loại này và thuộc kiểu người chơi visual novel kinh điển chỉ đọc và nhấn nút chứ không muốn động não, đây vẫn là một ứng cử viên sáng giá.
Worldend Syndrome được phát hành cho PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!