Site icon TRAINGHIEMSO.VN

Đánh giá game Wo Long: Fallen Dynasty

Đánh giá Wo Long: Fallen Dynasty

Wo Long: Fallen Dynasty là game hành động nhập vai soulslike dựa trên bộ tiểu thuyết dã sử Tam quốc diễn nghĩa vào thế kỷ 14 của tiểu thuyết gia La Quán Trung. Theo sử liệu, đây là thời kỳ hỗn loạn trong lịch sử Trung Hoa và được Team Ninja tô điểm bằng các yếu tố siêu nhiên, từ thần thoại cho đến văn hóa dân gian. Kỳ thực, chúng góp phần mang đến trải nghiệm đầy hào hứng với chút dấu ấn riêng, nếu không nói là dễ tiếp cận nhất so với những game soulslike trên thị trường hiện nay. Chỉ có vấn đề nhỏ: độ khó đôi lúc tăng vọt bất ngờ.

Ngay từ đầu trải nghiệm, Wo Long: Fallen Dynasty khiến tôi thích thú với phần tùy biến nhân vật vô cùng phong phú. Đặc biệt là cho phép tinh chỉnh kiểu tóc nhiều hơn bất cứ tựa game nào mà tôi từng chơi. Đồ họa của game khá đẹp với những tông màu gợi nhớ đến series Nioh. Từ xây dựng bối cảnh cho đến các đoạn chuyển cảnh luôn gây ấn tượng với tạo hình và tính cách đa dạng của các nhân vật. Những võ tướng thời Tam Quốc người thì cưỡi bạch mã oai phong lẫm liệt như Triệu Vân (Zhao Yun), kẻ lại ăn nói bỗ bã như Trương Phi (Zhang Fei).

Mặc dù vậy, họ đều là những nhân vật AI trung thành, luôn theo giúp bạn trong suốt trải nghiệm mỗi khi được triệu hồi. Số lượng nhân vật rất nhiều và đều là những cái tên quen thuộc với câu chuyện kể nhuốm màu sắc siêu nhiên tương tự series Warriors Orochi. Đặc biệt, nếu từng có mối tư thù với Lữ Bố (Lu Bu) vô đối trong series game Dynasty Warriors, giờ đây bạn có thể trả thù ở trận Hổ Lao Quan và một trận khác cấp độ cao hơn trong trải nghiệm Wo Long: Fallen Dynasty mà người viết không thể tiết lộ.

Trò chơi lấy bối cảnh những ngày cuối triều đại nhà Hán, đưa người chơi nhập vai chiến binh vô danh như cái tựa “Ngọa Long” đầy ẩn ý. Bạn bị cuốn vào cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng và được một hiệp khách mù giúp đỡ. Ẩn đằng sau cuộc chiến là âm mưu tìm thuốc trường sinh bất lão. Mặc dù câu chuyện kể mở đầu rất hấp dẫn, nhưng đội ngũ phát triển lại thất bại trong xây dựng cốt truyện cuốn hút để bổ trợ cho trải nghiệm đầy hào hứng. Đó là sự giao thoa giữa thiết kế màn chơi tuyến tính như Nioh và cơ chế ‘deflect' trong Sekiro: Shadows Die Twice.

Nhịp độ chơi của Wo Long: Fallen Dynasty diễn ra khá nhanh, trong khi câu chuyện kể lại là những mảnh ghép nhỏ rời rạc và rất khó theo dõi. Khía cạnh này dường như luôn là sở đoản của nhà phát triển Team Ninja. Các tựa game của họ đều bị trừ điểm trong cách kể chuyện thiếu chiều sâu và sự chăm chút cẩn thận. Phần giới thiệu nhân vật diễn ra chớp nhoáng đến mức người viết cũng chẳng quan tâm họ là ai. Tuy chưa từng đọc pho tiểu thuyết dã sử Tam quốc diễn nghĩa, nhưng nhờ chơi game nên tôi cũng biết nhiều tên Việt hóa.

Thế nhưng, Wo Long: Fallen Dynasty khiến tôi bật ngửa khi đụng độ con boss đầu tiên Trương Lương (Zhang Liang) vô cùng thử thách. Thậm chí gọi đây là con boss đầu tiên khó nhất trong các game soulslike mà tôi từng chơi cũng không sai, dù Trương Lương chỉ là boss được thiết kế như trận đánh hoành tránh hướng dẫn người chơi cơ chế deflect của trò chơi. Con boss này đánh tới hai hiệp liên tục với hai thanh HP “máu trâu”, trong khi người chơi chỉ có một thanh HP “máu đào” rất ngắn và ba bình Dragon's Curse Pot để hồi máu khi cần.

Vấn đề ở chỗ, do thiết kế tuyến tính nên nếu không thể thắng Trương Lương, trải nghiệm của bạn dừng ở đây. Điều thú vị là sau khi lãnh hội được cơ chế deflect kết hợp cùng chiến thuật hợp lý “liều ăn nhiều”, các trận đánh boss nối tiếp sau Trương Lương lại khá nhẹ nhàng và không khiến tôi ức chế với bốn chữ tiếng Trung liên tục xuất hiện trên màn hình như khi đối đầu Zhang Liang nữa. Đó là chưa kể các trận về sau, người chơi còn nhận được nhiều hỗ trợ từ AI đồng đội hoặc tối đa thêm hai người nữa cùng chơi co-op.

Tất nhiên, độ khó của trải nghiệm game cũng được tăng lên tương ứng số người chơi co-op so với khi chơi cùng AI. Mặt khác, bạn cũng có thể triệu hồi những người chơi ngẫu nhiên thông qua vật phẩm Tiger Seal, viện đến sự trợ giúp của họ khi đối đầu với những con boss khó chịu mà bạn không thể tự lực cánh sinh đánh thắng chúng. Về cơ bản, hệ thống chiến đấu của Wo Long: Fallen Dynasty xoay quanh kỹ thuật deflect phá thế tấn của kẻ thù và hệ thống Morale, mang đến trải nghiệm rất liền mạch.

Ngay cả khi kẻ thù tung những đòn tấn công “un-đỡ-able”, người chơi chỉ cần bấm nút thực hiện deflect đúng khoảnh khắc là đủ khiến kẻ thù mất đà, tha hồ cho bạn phản công. Phá vỡ thế tấn của chúng cho phép người chơi “chọc tiết” kẻ thù và cuộc chiến cứ thế lặp lại đến khi nhân vật điều khiển hoặc kẻ thù đăng xuất. Mô tả thế nào thì trải nghiệm thế đó. Thử thách lớn nhất mà bạn phải đối mặt chủ yếu liên quan đến khả năng nhận dạng đâu là đòn tấn công và đâu là đòn nhử của kẻ thù để bấm nút deflect đúng thời điểm.

Bấm nút deflect muộn quá cũng chết mà sớm quá thì kết quả cũng không tốt đẹp hơn. Quan trọng vẫn là đúng khoảnh khắc và trò chơi khá rộng lượng với thời khắc người chơi tương tác deflect. Tuy Wo Long: Fallen Dynasty cho phép đỡ đòn và né tránh tương tự series game Ninja Gaiden kinh điển, nhưng người viết không bao giờ dùng tới kỹ năng đỡ đòn vì nó không hiệu quả và mang đến thỏa mãn bằng thực hiện thành công né tránh thông qua deflect. Đó là cảm giác rất khó diễn tả trừ khi bạn thực chiến trong trải nghiệm game.

Đáng chú ý, Wo Long: Fallen Dynasty không xây dựng cơ chế thể lực như truyền thống của dòng game soulslike. Thay vào đó, trò chơi dùng thanh Spirit với nhiều điều chỉnh thú vị. Cụ thể, thanh này tăng giảm tùy thuộc vào hành động của người chơi. Chẳng hạn nếu bạn đánh trúng kẻ thù hoặc deflect được đòn tấn công của chúng, thanh Spirit nhảy màu xanh tương ứng tăng khả năng công thủ của nhân vật điều khiển. Ngược lại, các hành động như né tránh, deflect trật nhịp, bị đánh trúng cũng như vận phép thuật Wizadry Spell lại làm giảm thanh Spirit.

Nguy hiểm hơn, nhân vật điều khiển sẽ bị choáng trong thời gian ngắn nếu bạn để thanh Spirit tràn hết khung màu đỏ. Tương tự, kẻ thù cũng có thanh Spirit tương ứng với khả năng công thủ khác nhau, đòi hỏi người chơi phải tập trung phá vỡ thế tấn và “xiên que” chúng thay vì chỉ dồn sát thương vào thanh máu như thường thấy. Nói cách khác, mục tiêu của bạn trong tất cả trận chiến là tận dụng mọi khả năng để phá vỡ thế tấn rồi “chọc tiết” chúng và không chỉ một lần. Thế nhưng nói dễ hơn làm vì kẻ thù trong game toàn chơi đánh hội đồng.

Không những vậy, góc nhìn camera trong Wo Long: Fallen Dynasty thường không bao quát hết trận chiến, khiến người viết nhiều lần bị trúng đòn rất oan uổng. Đó là chưa kể kẻ thù còn được thiết kế đứng khuất góc và giở trò “đâm sau lưng chiến sĩ” mỗi khi bạn chui vào những cái bẫy được đội ngũ phát triển cố tình dựng lên. Đây cũng là một trong những vấn đề gây khó chịu đến ức chế mà người viết thường xuyên gặp trong Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin và đặc biệt là hai phần chơi series game Nioh của cùng nhà phát triển.

Các đồng đội AI tuy khả năng chiến đấu rất kém dù đều là những mãnh tướng trong lịch sử, nhưng tôi không có gì phàn nàn vì họ đều làm rất tốt nhiệm vụ đánh lạc hướng kẻ thù cho người chơi tấn công. Điều này rất hữu dụng trong các trận đánh boss, dù không hiếm lần AI bị mắc kẹt do lỗi địa hình trong game. Thậm chí, người viết cũng gặp nhiều tình trạng lỗi hình ảnh khá buồn cười khiến nhân vật rơi vào “lỗ đen vũ trụ” trong suốt thời lượng chơi.

Khác biệt lớn nhất giữa Wo Long: Fallen Dynasty và các game soulslike khác là hệ thống Morale và “cờ chiến” Battle Flag. Cụ thể hơn, cả người chơi và kẻ thù đều có chỉ số Morale Rank biểu trưng cho sức mạnh trong chiến đấu. Tùy thuộc vào cách bạn chiến đấu với kẻ thù mà chỉ số này tăng nhanh như thế nào hoặc giảm. Chỉ số này của bạn càng cao hơn kẻ thù bao nhiêu thì khả năng tấn công của bạn mạnh bấy nhiêu và ngược lại nhưng nếu để nhân vật thiệt mạng, chỉ số này trở về zero và đó là khi cờ chiến lên ngôi.

Trong mỗi màn chơi có nhiều cột cờ gồm loại nhỏ và loại lớn. Loại nhỏ chỉ đơn thuần tăng chỉ số Fortitude Rank khi bạn cắm cờ còn loại lớn đầy đủ tính năng quan trọng như giao thương, thăng cấp cho nhân vật, mở khóa Wizardry Spell theo 5 thuộc tính cùng nhiều yếu tố hỗ trợ khác. Như bạn có thể đoán ra, những phép thuật nói trên có khả năng tương khắc lẫn nhau và kẻ thù về sau cũng vậy, khiến trận chiến đòi hỏi chiến thuật phức tạp hơn dù không ngoài việc vận dụng tốt cơ chế deflect vốn đóng vai trò quan trọng trong chiến đấu.

Đáng nói, fortitude rank giúp người chơi giữ morale rank tối thiểu ở mức cao. Chính vì vậy mà bạn phải đi cắm cờ tất cả cột Battle Flag trong màn chơi để duy trì morale rank ở mức cao nhất có thể phòng khi nhân vật thiệt mạng. Đó là vòng lặp gameplay khá hoàn hảo vì nếu chỉ số morale thấp, người chơi chắc chắn gặp khó khăn trong chiến đấu khi kẻ thù trên cơ bạn quá nhiều. Điều này dẫn đến một sai sót nhỏ cũng dễ khiến nhân vật chính mất mạng. Vấn đề ở chỗ, những điểm cắm cờ thường gắn liền rất nhiều trận chiến chờ bạn đến thử sức.

Từ nhiều kẻ thù thông thường thông chốt chờ cơ hội đánh hội đồng người chơi cho đến miniboss đi cùng đàn em của chúng. Đó là chưa kể nhiều cột cờ được giấu rất kỹ và không dễ để phát hiện ra chúng nếu bạn không chịu khó quan sát môi trường màn chơi từ nhiều góc khác nhau. Thiết kế này buộc người chơi phải khám phá mọi ngóc ngách màn chơi, chấp nhận rủi ro khi đụng độ kẻ thù “xương xẩu” để nhận về phần thưởng giúp giảm phần nào độ khó của Wo Long: Fallen Dynasty. Nói cách khác, trò chơi khuyến khích bạn chơi liều ăn nhiều.

Ở khía cạnh khác, chỉ số morale cũng tác động đến khả năng sử dụng phép thuật của nhân vật chính. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể trang bị tối đa 4 phép thuật so với số lượng không hề nhỏ các Wizardry Spell trong game. Mặc dù những phép thuật này góp thêm một lớp chiến thuật trong chiến đấu, nhưng kỳ thực người viết cũng rất hiếm khi sử dụng đến chúng do nhân vật có thể deflect cả phép thuật thuộc tính từ kẻ thù, cộng với thiết kế game khiến việc sử dụng phép thuật khá hạn chế và không thuận tiện bằng giải pháp deflect.

Hiệu năng Wo Long: Fallen Dynasty khá tốt khi chơi trên các hệ console thế hệ mới. Thế nhưng, hiệu năng trên PC tối ưu kém vốn dĩ là vấn đề biết rồi khổ lắm nói mãi của các game do Team Ninja phát triển. Đáng tiếc là trải nghiệm cũng không ổn trên máy chơi game cầm tay của Valve. Người viết thường gặp tình trạng tốc độ khung hình giảm rất thấp dưới 20fps khi đụng độ Trương Lương trong hiệp hai ở đầu trải nghiệm. Tuy cố chấp giảm độ phân giải thấp hơn 720p dù game không cho phép thì tôi lại không thể tương tác menu và đành bỏ cuộc.

Ở góc độ người chơi, điểm trừ lớn nhất của Wo Long: Fallen Dynasty là màn chơi không trải dài như series Nioh. Thay vào đó, đội ngũ phát triển chọn giải pháp thiết kế chia trải nghiệm game thành những màn chơi tách biệt giữa các trận đánh chính và phụ, tạo cho người viết cảm giác hơi rối và thiếu liền mạch. Những trận đánh phụ có quy mô thiết kế nhỏ này tái sử dụng một phần của địa điểm cũ trong trận đánh chính. Kẻ thù trong đó được sắp đặt ở những vị trí mới với lối đi vô cùng tuyến tính thay vì rẽ nhiều nhánh và liên thông nhau.

Sau cuối, Wo Long: Fallen Dynasty mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai nhịp độ nhanh đầy hào hứng với dấu ấn riêng, từ bối cảnh đến những hệ thống gameplay tạo sự khác biệt và dễ tiếp cận hơn cho số đông. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thiết kế kẻ thù trong màn chơi thiếu đa dạng và trang bị rác quá nhiều, khiến việc quản lý đôi khi mất nhiều thời gian không cần thiết. Bỏ qua vấn đề đó, đây kỳ thực vẫn là cái tên cực kỳ đáng chào đón cho thư viện game, nhất là những ai lần đầu đến với dòng game soulslike.

Wo Long: Fallen Dynasty hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.

Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số  
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Exit mobile version