Wild Hearts là game hành động nhập vai lấy đề tài săn quái thú trong xây dựng cơ chế gameplay. Tuy lối chơi có nhiều nét tương đồng với series Monster Hunter, nhưng đội ngũ Omega Force có một số “quân bài” thú vị biến trải nghiệm trở nên hào hứng bất ngờ mà vẫn mang dấu ấn riêng. Thậm chí cũng không sai khi nói người viết khá ngạc nhiên khi trải nghiệm được xây dựng hoàn toàn khác với dòng game musou sở trường của họ được sản xuất nhiều vô số kể những năm gần đây: tham vọng, nghiêm túc và sáng tạo hơn.
Đồ họa là điểm cộng đầu tiên của Wild Hearts với tông màu rực rỡ, tôn vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên trong thế giới game. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh trong game thiếu đồng nhất khi người viết thỉnh thoảng vẫn thấy texture có độ phân giải thấp xuất hiện lẫn trong tổng thể các khung cảnh vốn có mức độ chi tiết cao. Hiệu ứng thời tiết cũng vậy, cụ thể là tuyết trong game không đẹp và cách mà đội ngũ phát triển xử lý hiệu ứng ánh sáng chưa ấn tượng. Dù vậy, những vấn đề này không đến mức tác động tiêu cực đến trải nghiệm.
Wild Hearts lấy bối cảnh tại vùng đất Azuma, xây dựng nơi này như xứ sở thơ mộng và mang nhiều màu sắc dân gian đất nước mặt trời mọc. Đó là vùng đất được tạo nên bởi những hòn đảo nối liền nhau với bốn mùa khác biệt, không theo quy luật tự nhiên dưới sự thống trị của những quái thú khổng lồ gọi là Kemono. Tuy nhiên, việc chúng có thật sự là mối nguy hại hay không thì tôi xin dành câu trả lời khi bạn khám phá thế giới game. Các kemono tuy mang hình dạng những sinh vật quen thuộc ngoài đời thật nhưng bị thiên nhiên hóa đột biến.
Đơn cử kemono Kingtusk mà người viết gặp ở đầu trải nghiệm có hình hài heo rừng khổng lồ, gợi nhớ vị thần trong phim anime Mononoke Hime của Studio Ghibli với nhiều điểm tương đồng. Nó có nhiều mắt trong khi chân và đuôi đột biến thành thân cây tua tủa, có khả năng thay đổi môi trường xung quanh khi bị săn nhằm gây bất lợi cho người chơi. Tương tự, Lavaback là khỉ đột khổng lồ nhưng cực kỳ cơ động, mang tạo hình như ngọn núi sừng sững với cơ thể làm từ đá. Mỗi kemono đều sở hữu đặc tính khác nhau từ thiên nhiên ấn tượng như thế.
Chính vì thế, bạn đừng ngạc nhiên khi các mùa trong thế giới game có thể thay đổi bất thường giữa các địa điểm liền kề nhau. Như đề cập ở trên, các kemono không chỉ là quái thú đột biến khi kết hợp với thiên nhiên, chúng còn có thể thay đổi môi trường màn chơi theo thời gian thật trong cuộc chiến một mất một còn với nhân vật chính. Ý tưởng này góp phần không nhỏ mang đến cho Wild Hearts cái nhìn rất đa dạng khung cảnh, nhiều màu sắc giữa những khoảnh khắc ngày và đêm liên tục thay đổi trong suốt trải nghiệm game.
Bên cạnh các lựa chọn vũ khí đa dạng tương tự Monster Hunter Rise, hỗ trợ chiến đấu cho người chơi là các công trình karakuri. Gọi là công trình thật ra cũng không chính xác. Theo tìm hiểu của người viết, karakuri là con rối truyền thống ở Nhật có khả năng chuyển động nhờ vào yếu tố cơ khí, tương tự những hình nhân trong The Dark Pictures Anthology: Devil in Me và nhỏ hơn. Tuy nhiên, karakuri trong Wild Hearts rất lớn và sử dụng như một loại công cụ trợ chiến. Nó giống các công trình trong Fortnite nhưng quy mô nhỏ và đa dạng hơn.
Mục đích của chúng vô cùng phong phú, tạo nên tính chiến thuật khá cao trong các trận đi săn. Chẳng hạn, bạn có thể xây tường hoặc lò xo nhún làm công trình trợ chiến, giúp nhân vật tung những cú chém trí mạng từ trên không. Karakuri cũng là những công trình hỗ trợ rất hữu dụng. Đơn cử như xây lều tạo điểm dịch chuyển nhanh giữa các khu vực khác nhau; xây nỏ thần để di chuyển giữa hai vách núi hoặc dùng để chế ngự kemono trong cuộc đi săn. Khai thác tốt hệ thống này mang đến trải nghiệm săn quái thú rất khác biệt và thỏa mãn.
Ở góc độ người chơi, karakuri đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm game. Tùy thuộc vào chiến thuật cũng như lượng tài nguyên khả dụng của người chơi, các công trình này còn có thể xây dựng lên những cấp độ khác nhau. Đơn cử bạn có thể xây công trình nhỏ để nhảy lên đó làm bệ tấn công cho một người chơi. Nhiều karakuri nhỏ đó tạo thành bức tường dài mà nhiều người chơi co-op có thể đồng thời dùng nó cho chung một mục đích. Wild Hearts gọi cơ chế “hợp thể thành đại công trình” này là fusion karakuri và không chỉ dừng ở đó.
Càng về sau, cơ chế này thật sự tỏa sáng khi số lượng karakuri mở khóa ngày càng nhiều và đa dạng bất ngờ. Thậm chí, người chơi còn có thể mở khóa các karakuri cho mục đích trang trí khắp nơi trong thế giới game và Minano. Tương tự tiền trạm Elgado trong Monster Hunter Rise: Sunbreak, thị trấn nhỏ hiền hòa phía trên vách núi cheo leo với ít dân cư này là nơi bạn chuẩn bị mọi cuộc đi săn. Số lượng karakuri có thể mở khóa nhiều tới nỗi ngay cả khi kết thúc trải nghiệm, người viết vẫn chưa thể mở khóa tất cả “cây kỹ năng” này.
Đáng nói, việc xây dựng chúng gần như tức thời, nhưng khó khăn lớn nhất là bạn phải thu thập tài nguyên từ môi trường trong game. Những tài nguyên này thường không nhiều ở những khu vực săn kemono, trong khi số lượng tài nguyên mà nhân vật có thể mang cũng khá hạn chế, ít nhất là thời điểm đầu trải nghiệm game. Tất nhiên, những công trình karakuri này cũng rất mong manh dễ vỡ. Nếu không tính toán cẩn thận, người chơi có thể cạn tài nguyên xây dựng ngay khi cuộc săn kemono chỉ mới bắt đầu và đẩy nhân vật vào thế vô cùng bất lợi.
Đó là chưa kể cuộc đi săn đầy hào hứng, đòi hỏi bạn phải khảo sát khu vực đại chiến và lên kế hoạch đi săn tỉ mỉ. Mặt khác, trận chiến với kemono không chỉ diễn ra hoành tránh ở một nơi, mà chúng sẽ di chuyển đến khu vực khác sau khi bị thương ở mức độ nhất định. Khu vực mới đồng nghĩa bạn phải lập chiến thuật mới. Tuy nhiên, Wild Hearts thiết lập tổ hợp nút bấm để kích hoạt và tắt chế độ xây karakuri chưa trực quan, gây cho người viết không ít phiền toái trong chiến đấu nhất là khi trận chiến đang lúc “dầu sôi lửa bỏng”.
Hào hứng là thế, nhưng Wild Hearts cũng có vài khía cạnh thiết kế chưa tốt. Một trong số đó là lượng quái thú cơ bản trong game không đa dạng khi so với Monster Hunter: World phát hành đã lâu chứ đừng nói là bản Iceborne. Đã vậy, trong số này còn có những phiên bản đổi màu dù thường đi kèm thuộc tính khác. Nhà phát triển cho biết họ sẽ liên tục bổ sung quái thú mới thông qua các bản cập nhật tương lai. Nếu tôi nhớ chính xác, tựa game nói trên của Capcom cũng có vấn đề tương tự lúc mới ra mắt và được cập nhật nội dung sau phát hành.
Đi săn không thể không có nâng cấp vũ khí và chế tác giáp, nhưng khía cạnh này trong Wild Hearts không có nhiều thay đổi so với series Monster Hunrter nói riêng và dòng game nhập vai nói chung. Người chơi cũng đi thu thập tài nguyên từ môi trường màn chơi và quái thú rồi nhờ NPC ở thị trấn Minato tạo ra trang bị mới. Tuy nhiên, khía cạnh này chỉ dừng ở mức cơ bản chứ không được mở rộng như mong đợi của tôi, vô tình tạo cảm giác như được thiết kế để buộc người chơi phải cày cuốc trước mức độ thử thách không hề thấp của các kemono.
Tuy vậy, vấn đề thường xuyên gây ức chế nhất cho người viết trong trải nghiệm Wild Hearts là góc nhìn camera thường quay cận cảnh trận chiến, chẳng khác nào đánh đố người chơi. Đây là điểm trừ khiến nhân vật “ăn đòn” rất oan uổng, đặc biệt khi nhiều kỹ năng tấn công của kemono có thể khiến nhân vật điều khiển bị choáng, dẫn tới những lần ‘game over’ khiến tôi phải kêu gào trong tức tối. Khi kết hợp với thiết lập tổ hợp phím dùng để bật và tắt chế độ xây dựng công trình karakuri, trải nghiệm đi săn có thể trở thành cơn ác mộng.
Một vấn đề mà người viết cũng không thể không nhắc tới là giao diện game trong Wild Hearts khá rối. Hệ thống bản đồ và các màn hình menu được thiết kế không thuận tiện khi chơi, rất dễ gây nhầm lẫn mỗi khi mở lên ngay cả khi bạn đã dành hàng giờ vào trải nghiệm game. Cụ thể, bản đồ tuy chỉ có hai mức độ thông tin nhưng cả hai đều không có phần chú thích. Đã vậy, tutorial cũng khá sơ sài khi bỏ qua nhiều cơ chế gameplay không hề giải thích, người viết chỉ biết khi khám phá và tự tìm hiểu trong thị trấn Minato.
Ngược lại, Wild Hearts có sự đầu tư và tập trung nhiều vào cốt truyện chứ không chỉ là phương tiện để đưa người chơi vào trải nghiệm game như series Monster Hunter. Thay vì sử dụng bảng liệt kê các nhiệm vụ cho bạn chọn và thực hiện, mỗi chapter chỉ tập trung vào vài trận đại chiến hoành tráng. Xen kẽ đó là thời gian cho người chơi chuẩn bị trang bị cho trải nghiệm trong chương tiếp theo. Bạn cũng có thể tham gia tuyến nhiệm vụ phụ từ NPC với các chuyến đi săn không kém phần hào hứng và khác với tuyến truyện chính.
Sau cuối, Wild Hearts mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá đặc sắc và có bản sắc riêng, dù sử dụng công thức gameplay cũ trên thị trường. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là sự bổ sung những ý tưởng thú vị làm mới trải nghiệm, trong khi vẫn xây dựng cơ chế gameplay rất chỉn chu và cuốn hút không kém. Tuy vẫn còn vài thiếu sót như số lượng quái thú cơ bản không đa dạng, nhưng đây chắc chắn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc cho thư viện game với tiềm năng mở rộng không hề nhỏ, dù chơi solo hay co-op.
Wild Hearts hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và Xbox Series X|S.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!