We. The Revolution là một tựa game khiến tôi cảm thấy khá đau đầu. Cảm giác này không chỉ xuất hiện ở khía cạnh gameplay có quá nhiều thứ mới mẻ so với bất kỳ tựa game nào mà tôi đã từng trải nghiệm, mà còn ở cảm giác căng thẳng khi làm người cầm cân nảy mực trong những vụ kiện tụng với hai yếu tố tình và lý khá lẫn lộn. Thậm chí, ngay cả khi bạn ở cương vị là quan tòa trong trải nghiệm, trò chơi vẫn khá thành công trong việc gây sức ép đến người chơi.
Trò chơi lấy bối cảnh cuộc cách mạng Pháp vào cuối thế kỷ 18, một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Pháp. Nếu bạn còn nhớ thì đây là sự kiện diễn ra từ năm 1789 đến 1799, khi lực lượng dân chủ và cộng hòa lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, kết thúc chế độ phong kiến của xã hội Pháp. Người chơi vào vai một thẩm phán, phải tiến hành các thủ tục tố tụng tại tòa án với việc thẩm tra các bằng chứng, thẩm vấn bị cáo và đưa ra phán quyết dựa trên quan điểm của bạn và bồi thẩm đoàn về những gì đã xảy ra với bị cáo nhằm kết thúc phiên tòa.
Ban đầu, tôi những tưởng tựa game này sẽ đi theo hướng giống như Phoenix Wright: Ace Attorney Trilogy, nhưng tôi đã lầm. We. The Revolution ngoài yếu tố phiên tòa ra, mọi thứ khác gần như chẳng có chút gì giống với bộ sưu tầm game nói trên. Thay vào đó, trò chơi đặt vào vai người chơi gánh nặng của một thẩm phán ở thời kỳ này, chịu rất nhiều áp lực trước khi ra phán quyết cho một vụ án mà bạn được giao. Mỗi phán quyết của người chơi không những ảnh hưởng đến nhìn nhận và sự đánh giá của nhiều tầng lớp sống ở Paris, mà bạn còn phải quan tâm đến ý kiến của bồi thẩm đoàn trước khi ký tên vào hồ sơ vụ án.
Các vụ án mà người chơi phải giải quyết khá đa dạng và ngày càng mang nặng tính chính trị. Từ những vụ đơn giản như trộm cắp hay xô xát vì mâu thuẫn nhỏ, cho đến các trọng án với những đề tài nhạy cảm như hãm hiếp, vị thế của nữ giới trong xã hội hay thậm chí là ấu dâm. Đây là một trong những tựa game khiến tôi ấn tượng về đề tài, nhất là cách mà nhà phát triển xử lý vấn đề. Dựa trên những lời khai và cách sắp đặt các câu thẩm vấn, người chơi sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn trong việc bỏ tù hay thậm chí là xử tử bị cáo. Vấn đề ở chỗ, bạn không thể làm hài lòng tất cả với bất kỳ phán quyết nào.
Thậm chí, mọi thứ cũng không hề đơn giản khi các vụ án càng lúc càng mơ hồ về tính đạo đức và “cấp trên” có xu hướng muốn bạn đưa ra những phán quyết có lợi cho họ. Nếu chấp nhận thỏa hiệp để giữ danh tiếng và cái ghế quan tòa của mình, liệu bạn có vượt qua tòa án lương tâm? Đó không chỉ là sức ép duy nhất mà We. The Revolution gây áp lực đến người chơi. Bên cạnh vấn đề công việc, bạn còn phải quan tâm đến cuộc sống gia đình của mình, cố gắng hàn gắn sự rạn nứt trong mối quan hệ với vợ và những người con của nhân vật chính. Chưa kể, không dễ để bạn xóa bỏ ác cảm chứng nghiện rượu của nhân vật với người đầu ấp tay gối.
We. The Revolution mang đến cho tôi một cảm giác khá khó chịu với rất nhiều yếu tố gameplay mang đậm yếu tố đời thật, khiến tôi cũng chào thua không biết phải gọi đây là game thuộc thể loại gì. Nó vừa mang tính chiến thuật, chính trị mà cũng vừa có yếu tố điều tra, giải đố với những lựa chọn. Thậm chí, những lựa chọn đó đều là những quyết định khó khăn mà bất kỳ người trưởng thành nào cũng cảm thấy “hại não”. Sự nghiệp hay gia đình, giàu sang hay nghèo hèn, v.v… đều là những thứ mà bất kỳ ai cũng cảm thấy sự quan trọng của chúng. Đánh giá một người lạ thì dễ, nhưng nếu đó là một người thân của bạn thì sao?
Càng về sau, We. The Revolution càng đưa vào nhiều cơ chế gameplay mới khiến tôi vừa ngạc nhiên mà cũng vừa đau đầu vì có quá nhiều thứ phải làm quen sau mỗi Act mới. Điểm trừ không nhỏ là phần tutorial khá sơ sài, đòi hỏi bạn phải đọc nhiều và động não để cân nhắc trước khi đưa ra những quyết định khó. Nhiều ý tưởng có cảm giác đơn giản như là điều hiển nhiên trong cuộc sống, nhưng lại gây hiệu ứng lớn khi được xây dựng vào trải nghiệm game khá độc đáo. Điều này giúp trò chơi không những có chiều sâu về nội dung mà còn gây ấn tượng ngay cả trong yếu tố gameplay.
Điểm xuyết cho trải nghiệm độc đáo nói trên là yếu tố đồ họa đậm tính mỹ thuật về mặt thị giác, chứ bản thân tôi cũng không biết gọi đây là phong cách mỹ thuật gì. Chỉ biết là toàn bộ thế giới và các nhân vật trong game được tạo hình bằng những hình đa giác tạo cảm giác lồi lõm rất kỳ quái, giống hệt như những phiên tòa mà người chơi phải đứng ra làm người cầm cân nảy mực để giải quyết vậy. Tuy nhiên, đây không phải là tựa game dành cho tất cả mọi người khi xét đến nhiều nội dung được đề cập đều mang tính người lớn, thậm chí giống như một trò chơi mô phỏng chính trị khó nhằn.
Thế nhưng, vấn đề của We. The Revolution là trò chơi chưa đủ tham vọng để tạo nên một trải nghiệm vượt qua cái ranh giới mà nó đã phải tạm dừng đó. Ở góc độ người chơi, cách thiết kế game khiến tôi không có động lực gì để chống lại “đám đông quá đông và nguy hiểm”, trừ khi bạn thích thử thách và tự làm khó mình trong trải nghiệm. Một số ý tưởng trong game chưa thật sự mang tính cách mạng như cái tên của trò chơi, cảm giác như nhà phát triển cũng e dè không dám vượt qua ranh giới của game và đời thật. Tuy nhiên, điều khó chịu nhất là cỡ chữ rất nhỏ khi trải nghiệm game trên Nintendo Switch ở chế độ handheld.
Thậm chí, tôi luôn phải cắm dock xuất hình ra ti vi do không thể đọc được những mô tả quan trọng trong trải nghiệm. Đây cũng là vấn đề của nhiều tựa game gần đây trên nền tảng Nintendo Switch, nhưng không hiểu sao lại luôn tập trung vào những trò chơi có rất nhiều chữ cần phải đọc mới có thể trải nghiệm. Đã vậy, trò chơi không hỗ trợ điều khiển bằng cảm ứng cũng là một điểm trừ cho phiên bản Switch. Mặc dù vẫn biết đây chỉ là một bản chuyển nền từ PC, nhưng những vấn đề này vô tình loại bỏ ưu điểm trải nghiệm cơ động của nền tảng này so với PC.
Sau cuối, We. The Revolution mang đến một trải nghiệm khó phân loại khá độc đáo, với cốt truyện và bối cảnh thú vị cùng các cơ chế gameplay hấp dẫn. Tuy nhiên, điểm trừ đáng tiếc là một số vấn đề điều khiển khiến phiên bản Nintendo Switch mất đi khá nhiều ưu điểm so với nền tảng khác. Mặt khác, trải nghiệm đặc trưng tuy ấn tượng nhưng đòi hỏi phải đọc rất nhiều trước khi giải quyết vấn đề, ít nhiều cũng là một trở ngại không nhỏ với không ít người chơi nếu thiếu sự kiên nhẫn. Dẫu vậy, nếu muốn tìm một trải nghiệm độc đáo có một không hai, đây chắc chắn là cái tên rất đáng để mắt tới.
We. The Revolution được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác