Đánh giá game Warhammer 40000: Space Marine

Đăng bởi: Ngày: 05/09/2018

Vũ trụ Warhammer 40000 từ trước đến nay vốn chủ yếu được biết đến nhiều bởi thể loại game board và hàng loạt những tựa game chiến thuật. Thế nên sự xuất hiện của Warhammer 40000: Space Marine như một làn gió mới cho vũ trụ này nói chung và dòng game TPS nói riêng.

Nếu bạn không biết thì Warhammer 40000 thật ra có nguồn gốc là một game board lấy đề tài về chiến tranh trong một vũ trụ khoa học viễn tưởng hư cấu của tác giả Rick Priestley tạo ra vào năm 1987. Tuy nhiên, chính nhờ đề tài quá hấp dẫn của nó nên đến nay đã có hàng loạt game lấy bối cảnh trong vũ trụ này được ra mắt trên nhiều nền tảng khác nhau. Warhammer 40000: Space Marine chỉ là một trong số rất nhiều game trong vũ trụ này.

Warhammer 40K: Space Marine screenshot

Nội dung trong Warhammer 40000: Space Marine đưa người chơi đến với hành tinh Forge World Graia, vốn được xem là một nơi chuyên sản xuất vũ khí cho quân đội và bị lũ người ngoài hành tinh Orks tấn công. Sau khi cân nhắc nhiều lựa chọn, cuối cùng chính quyền cử đội “siêu chiến binh” Ultramarine do Captain Titus lãnh đạo tiếp cận hành tinh này, bước vào trận chiến đẫm máu với lũ Orks đang làm loạn ở nơi này với tâm thế bất lợi hơn hẳn. Chúng không những hơn hẳn về số lượng và lại còn tiêu diệt tất cả những sĩ quan cấp cao của lực lượng phòng vệ tại nơi này.

Ngay từ đầu trò chơi, Warhammer 40000: Space Marine đã mang đến cho tôi một cảm giác thấy tiếc cho trò chơi vì không hỗ trợ co-op phần chơi cốt truyện. Về cơ bản, đây là một tựa game chặt chém kết hợp với lối chiến đấu tầm xa khá hấp dẫn trong góc nhìn thứ ba. Mặc dù nội dung của game không cho phép điều này là một điều đáng tiếc, nhưng lối chơi của trò chơi hết sức phù hợp với trải nghiệm này. Tôi nhớ vào năm 2004 khi game Lord of the Rings: War in the North ra mắt đã mang đến một trải nghiệm co-op 3 người với lối chơi tương tự hết sức hấp dẫn. Trong khi Space Marine dù có lối chơi và đề tài quá hoàn hảo cho trải nghiệm này nhưng lại không thể mang đến trải nghiệm co-op như tựa game nói trên thì thật là đáng tiếc.

Vấn đề thứ hai của Warhammer 40000: Space Marine nằm ở những đoạn chuyển cảnh của trò chơi gây bực mình. Điều này rất dễ nhận thấy chỉ ngay trong chapter đầu tiên của trò chơi khi mà đội ultramarine gồm ba người vừa đáp xuống bãi chiến trường đầu tiên. Tôi không nói đến phần cốt truyện hay nội dung, vì phần này được làm quá tốt khi mang đến một câu chuyện với đầy đủ những nút thắt hỉ nộ ái ố hấp dẫn. Thậm chí nếu đây là lần đầu tiên bạn tiếp xúc với vũ trụ Warhammer 40000 thì vẫn không cảm thấy có gì quá khó hiểu với nội dung của trò chơi. Đồ họa cũng không phải là vấn đề của trò chơi vì nó khá đẹp ở thời điểm ra mắt, và sau ngần ấy năm thì nó vẫn khá ấn tượng so với nhiều tựa game khác trên thị trường.

Điều khó chịu của những đoạn chuyển cảnh này nằm ở tần suất xuất hiện khá dày đặc, liên tục làm gián đoạn trải nghiệm hết sức khó chịu. Nó giống như cái cảm giác mà bạn đang nói nhưng cứ có người này hay người khác “nhảy vào họng” của bạn vậy. Thậm chí nhiều đoạn chuyển cảnh như thế này cứ cách nhau trong những khoảng thời gian rất ngắn, nhưng thường chỉ là những thông tin báo cáo qua bộ đàm chứ không có gì đáng chú ý. Vậy mà không hiểu sao cứ được nhà phát triển đưa vào liên tục, gây gián đoạn trải nghiệm của người chơi một cách khó hiểu.

Warhammer 40K: Space Marine screenshot

Tuy nhiên, nếu có thể bỏ qua vấn đề khó chịu nói trên thì trải nghiệm mà Warhammer 40000: Space Marine mang đến lại hết sức hấp dẫn. Space Marine giống như những siêu anh hùng vậy, họ có thể đối đầu với hàng hàng lớp lớp kẻ thù xuất hiện khắp mọi nơi. Không chỉ vậy, nhân vật Captain Titus của người chơi lại còn thường xuyên nhận được “hàng viện trợ” là những vũ khí rất ngầu, từ tấn công tầm gần đến tầm xa đều có đủ. Bạn thích kiểu chơi “chặt chém vạn binh” như Ninjin: Clash of Carrots thì có chặt chém, bạn thích kiểu xạ thủ như Sniper Elite 4 cũng có luôn, hay bạn thích làm rambo hơn thì game cũng có thể chiều ý bạn luôn.

Thế nhưng, trải nghiệm trong Warhammer 40000: Space Marine cũng không phải quá dễ dàng. Thay vào đó, người chơi sẽ phải làm quen để đối phó với nhiều loại kẻ thù khác nhau và đôi lúc bạn sẽ nhận thấy chỉ một phong cách chiến đấu thôi thì chưa đủ. Ngưòi chơi phải làm được nhiều hơn thế nữa, bằng cách tận dụng mọi loại vũ khí mà trò chơi mang đến cho bạn. Thậm chí có nhiều khi bỏ mạng nơi chiến trường và chơi lại, bạn mới thấy được giá trị của những món “đồ chơi” khác mà nhiều khi vì lý do gì đó mà trước đó bạn chưa tận dụng nó cho hợp lý. Yếu tố này gỡ bỏ đi cái cảm giác lặp lại trong trải nghiệm và theo tôi là một điều đáng khen trong gameplay của Warhammer 40000: Space Marine.

Mặc dù mang đến cảm giác chiến đấu khá hấp dẫn, nhưng thật sự thiết kế màn chơi trong Part I của Warhammer 40000: Space Marine lại mang cảm giác trái ngược với Part II, không chỉ về mặt hình ảnh mà cả yếu tố chiến thuật, đi kèm với với đó là độ khó cũng tăng cao hơn nhất là khi bạn chọn trải nghiệm “High”. Nhưng đó không phải là vấn đề gì to tát mà chính yếu tố hành quyết kẻ thù để hồi máu mới là điểm yếu trong hệ thống chiến đấu của trò chơi. Vì những hoạt cảnh này khi diễn ra mất một thời gian vài giây, trong khi người chơi không thể hủy thao tác thì nhân vật Captain Titus rất dễ bị trúng đòn khi thực hiện.

Nó khá buồn cười khi bạn sắp hết máu và trò chơi nhắc bạn nên nhanh chóng thực hiện thao tác nói trên để hồi máu, nhưng hóa ra lại là một điều khá rủi ro có thể dễ dàng dẫn đến cái chết của nhân vật. Trong những tình huống “dầu sôi lửa bỏng” đang diễn ra trên chiến trường, kỳ thực khả năng hồi máu của nhân vật mang đến cảm giác như một gánh nặng hơn là tính năng đáng chào đón. Tôi đã rất nhiều lần để Captain Titus chết oan mạng chỉ vì tình huống như thế này. Bù lại thì những trận đánh boss thật sự đáng nhớ, mang đến cảm giác rất thỏa mãn mỗi khi bạn “nện” cho boss “sấp mặt”, nhưng trường hợp ngược lại thì cũng không hiếm đâu nhé.

Warhammer 40K: Space Marine screenshot

Sau cuối, Warhammer 40000: Space Marine tuy cũng có vài vấn đề chỗ này chỗ kia nhưng vẫn mang đến trải nghiệm khá hấp dẫn từ đầu đến cuối. Nếu thích thể loại chặt chém thì đây là một tựa game cũng rất đáng để bạn tốn thời gian với nó. Thậm chí nếu bạn là fan của vũ trụ Warhammer 40000 thì đây cũng là một sự “đổi gió” đáng chào đón.

Warhammer 40000: Space Marine được phát hành cho Windows, Xbox 360 và PlayStation 3.

Warhammer 40,000: Space Marine - Anniversary Edition
Warhammer 40,000: Space Marine - Anniversary Edition
Developer: Relic Entertainment
Price: $ 9.99

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.