Visage là game kinh dị tâm lý, mang đến nhiều cảm giác căng thẳng sợ hãi mà những cái tên kinh điển như Silent Hills hay Resident Evil ngày xưa đã từng “hớp hồn” bao thế hệ người chơi. Một đại diện có nét tương đồng gần nhất mà tôi có thể nghĩ tới là P.T., không chỉ ở khía cạnh gieo cảm giác sợ hãi vào tâm trí người chơi mà cả những căng thẳng thường trực, dẫn dắt người chơi bước vào câu chuyện kể nhuộm đầy cảm giác lạnh tóc gáy và không dành cho những ai không có cái gọi là tinh thần thép.
Trò chơi mở đầu hết sức kinh hoàng và bắt đầu dẫn dắt người chơi đi loanh quanh trong ngôi nhà của nhân vật chính. Đó là ngôi nhà ám đầy bi kịch với kết cục khiến bạn nặng đầu ngay từ khoảnh khắc trải nghiệm đầu tiên. Một điều mà tôi không biết nên gọi là may mắn hay không, chính là việc trò chơi không được phát hành trên PlayStation 5 để tận dụng tính năng phản hồi xúc giác của tay cầm DualSense để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng như Observer: System Redux. Nếu có, trải nghiệm chắc chắn đáng sợ hơn rất nhiều.
Trò chơi có cách xây dựng câu chuyện kể khá độc đáo. Trải nghiệm game giống như cuộc hành trình điều trị tâm lý của nhân vật chính, đưa bạn đến rất nhiều địa điểm khác nhau trong suốt thời gian trải nghiệm khám phá mọi thứ bên trong ngôi nhà. Từ những lần di chuyển nói trên, người chơi dần lấp đầy những mảnh ghép về câu chuyện bi thảm của ngôi nhà. Thông qua tương tác với vật thể nhất định, bạn sẽ mở ra chapter nội dung mới gắn liền với nhân vật liên quan cùng những câu đố riêng cần lời giải của người chơi.
Đó là những cuộc hành trình vừa thực vừa siêu thực đan xen lẫn nhau, dễ khiến người chơi đắm chìm vào thế giới của Visage không thoát ra được. Mỗi câu chuyện kể đều có kết thúc riêng của nó, nhưng tôi không thể nói đó là kết thúc có hậu hay không. Chỉ có thể tiết lộ một điều rằng những kết thúc đó thỏa mãn được cảm giác của người chơi sau khoảng thời gian khám phá và giải đố, thậm chí “gánh chịu” những màn jump-scare khiến bạn hết hồn chim én trong từng khoảnh khắc. Kỳ thực, trải nghiệm game mang đến cảm giác kích thích bạn khám phá trong tâm trạng đầy sợ hãi.
Kích thích vì câu chuyện kể luôn tạo sự tò mò về số phận của các nhân vật, từ đó cuốn bạn vào trải nghiệm. Thế nhưng, đâu đó vẫn luôn có những khoảnh khắc khiến bạn rùng mình chùn bước, ngăn cản bạn khám phá sự thật mỗi khi mở ra một cánh cửa và giải quyết thử thách của chapter nội dung đó. Kỳ thực, Visage không phải là trải nghiệm dành cho người chơi yếu tim. Những thanh âm mà bạn nghe được trong suốt trải nghiệm hay thiết kế nội thất bên trong ngôi nhà kết hợp cùng thiết lập ánh sáng luôn tạo nên không khí căng thẳng cùng cực.
Những tiếng thét, tiếng cười hay tiếng cọt kẹt và những âm thanh khiến bạn hết hồn chim én luôn vang lên vào những khoảnh khắc ít ngờ đến nhất. Trong suốt trải nghiệm, chúng gần như là yếu tố bạo hành tinh thần khiến người chơi luôn trong tâm trạng căng như dây đàn. Cảm giác khi bị nhốt trong căn phòng kín và hoảng loạn tìm cách thoát ra là một trong những tình huống đáng sợ và ấn tượng. Khoảnh khắc này có thể gây ám ảnh không ít đến tâm lý của người chơi sau trải nghiệm, nhất là những ai yếu bóng vía. Visage là thế: đáng sợ một cách quyến rũ.
Thậm chí, nếu Amnesia: Rebirth chỉ đủ để tim bạn đập loạn nhịp, khả năng cao là Visage khiến bạn bĩnh ra quần trong phút giây nào đó quá tập trung. Không những vậy, đây là một trong những tựa game kinh dị rất thử thách vì không có chuyện cầm tay chỉ việc như thường thấy. Ở góc độ người chơi, trải nghiệm game thậm chí căng thẳng và dễ khiến bạn bị “hack não”, không biết phải làm gì tiếp theo nhiều hơn so với tựa game nói trên của Frictional Games, nhất là ở khía cạnh tương tác vật phẩm. Đó là chưa nói đến khía cạnh hình ảnh vật phẩm nhìn rất giống thật.
Tương tác vụng về có lẽ là một trong những khía cạnh khiến trải nghiệm Visage trở nên đáng sợ. Trò chơi không có hệ thống hành trang để giữ những vật phẩm bạn thu thập được. Thay vào đó, nhân vật chỉ có thể cầm vật phẩm trên tay và mang đi tương tác ở nơi nó cần. Chính vì vậy mà việc sử dụng ánh sáng và uống thuốc để giữ tỉnh táo cũng khá hạn chế, chẳng khác nào thứ tài nguyên quý giá mà bạn phải lên kế hoạch sử dụng khi và chỉ khi thật sự cần thiết. Trong khi đó, đứng quá lâu trong bóng tối khiến nhân vật phát sinh những hiện tượng trông gà hóa cuốc hoặc tệ hơn.
Thế nhưng, nhà phát triển SadSquare Studio cũng không chỉ dừng ý tưởng thiết kế ở đó. Họ thậm chí còn xây dựng giao diện game ở mức tối thiểu để tập trung vào những hình ảnh trong trải nghiệm. Lý do thì có lẽ tôi không cần phải giải thích. Ngôi nhà mà người chơi phải khám phá có cả đống thứ cần tương tác, nhưng bạn không thể biết trước mục đích của chúng là gì nếu không thử nhặt lên và xem xét. Chỉ một vài trong số đó là vật phẩm chính mà khi tương tác đúng vị trí, chúng sẽ mở khóa chapter câu chuyện với câu đố riêng chờ bạn đưa ra lời giải.
Thiết kế này vừa là điểm trừ mà cũng vừa là điểm cộng của Visage. Điểm trừ ở chỗ nếu không chịu khó săm soi mọi thứ, khả năng cao là bạn cứ phải đi lòng vòng trong tâm trạng căng thẳng và sợ hãi mà không biết phải làm gì để thúc đẩy diễn biến mới cho trải nghiệm. Điểm cộng là nó khiến trải nghiệm trở nên đáng sợ, biến những lần tương tác đơn giản cũng cần phải có tinh thần thép. Vì thiết kế không có hành trang nên bạn phải thường xuyên di chuyển qua lại giữa vị trí các vật phẩm, trong khi không biết điều gì sẽ xảy ra giữa những chuyến đi đó.
Không những vậy, nhịp độ chậm rãi của trò chơi trong trải nghiệm game góp một phần không nhỏ trong việc tạo căng thẳng cho người chơi. Điều đó đồng nghĩa trải nghiệm Visage càng không thể thiếu sự kiên nhẫn. Đó là chưa kể, những ai có thói quen vứt đồ lung tung trong trải nghiệm phiêu lưu và khám phá càng thêm khó khăn trong việc nhớ vị trí của vật phẩm khi cần đến chúng ở thời điểm nhất định của phân đoạn nào đó. Đừng nghĩ tôi đang nói quá lên để dọa bạn mà hãy tự tìm câu trả lời khiến bạn tâm phục khẩu phục trong trải nghiệm game. Nó thậm chí còn đáng sợ hơn nhiều.
Một điểm trừ đáng chú ý là sự bất nhất khó hiểu trong cách thức hoạt động của hệ thống Sanity hay sự tỉnh táo của nhân vật chính. Hệ thống này hoạt động dựa trên ánh sáng và bóng tối, nhưng trong trải nghiệm game thì yếu tố này được phân định khá tùy tiện. Chính vì vậy mà người chơi không bao giờ biết chắc nhân vật chính có đang mất tỉnh táo và cần uống thuốc hay không. Đã vậy, thiết kế game có quá nhiều ngõ cụt không thể tương tác khi bạn chưa kích hoạt tình tiết nội dung, dẫn đến những cái chết khá bất công và không kém phần hết hồn chim én.
Sau cuối, Visage mang đến một trải nghiệm kinh dị tâm lý rất rùng mình, chỉ dành cho những người chơi gan dạ cũng như không thể thiếu chút kiên nhẫn thử sức. Nếu bạn thuộc nhóm người chơi có tinh thần thép và trái tim quả cảm này, đây chắc chắn là cái tên phải có trong thư viện game. Bằng không, hãy cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định tìm đến đêm dài ác mộng với trò chơi. Đừng trách tôi không báo trước!
Visage được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 4.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!