Sau một tuần trải nghiệm chiếc Samsung Galaxy S8, mình cũng chia sẻ những kinh nghiệm sử dụng của chiếc máy này, hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho bạn để quyết định có chọn mua chiếc máy này hay không.
Đầu tiên mình nói về màn hình gọi là Infinity Display trước, dịch ra tạm tiếng Việt gọi là “màn hình vô cực”! Đây là điểm nhấn của Samsung khi giới thiệu về Galaxy S8. Cá nhân mình đánh giá cao Samsung ở chuyển bộ ba phím huyền thoại trên HĐH Android thành phím ảo, nghĩa là mặt trước của máy sẽ không còn cần phải chừa chỗ cho ba phím này nữa. Nhờ vậy mà màn hình Galaxy S8 chiếm gần như hoàn toàn mặt trước của máy.
Dù viền màn hình mỏng, Galaxy S8 và S8+ không to hơn về bề ngang so với hai người tiền nhiệm mà chỉ dài hơn một chút. Mình dùng Galaxy S8 cảm giác cầm rất gọn và bạn có thể cho vào túi rất dễ dàng. Màn hình chiếm diện tích tới 83,6% (với Galaxy S8) và 84% (với Galaxy S8+) cùng tỉ lệ 18,5:9 lạ mắt đã góp phần tạo nên một không gian trải nghiệm mới lạ. Cá nhân mình sử dụng cũng rất thích. Nhiều bạn sẽ thắc mắc là viền mỏng như vậy thì dùng một tay hoặc thao tác dễ chạm màn hình dễ đến sai thao tác, nhưng khi dùng mình không gặp vấn đề này.
Tuy nhiên có một vấn đề khi dùng mình gặp trục trặc với hai cạnh bên cong của màn hình. Đó là khi mình nhắn tin hay thao tác gì đó với bàn phím, thì bàn phím hiển thị các phím dù không tràn ra đến cạnh cong, nhưng về thị giác thì mình vẫn cảm thấy hơi khó chịu khi bấm các phím ở ngoài viền như phím số 1, 0, q, a, p, l. Nhìn các phím này có bóng đỗ nên có cảm giác bàn phím bị cong cong hai bên.
Chỉ có một chi tiết nhỏ ở trên thôi, còn lại thì trải nghiệm về chiếc “màn hình vô cực” này rất tốt. Màn hình sáng, đẹp, phân giải cao, bạn xài màn hình này rồi nhìn lại mấy máy cũ hơn cứ như cách biệt chục năm. Đánh giá cá nhân mình thì đây là smartphone có màn hình tốt nhất mà mình từng trải nghiệm.
Vân tay cũng là một vấn đề rất đáng để bàn. Trước này hầu hết các điện thoại có cảm biến vân tay ở mặt lưng đều đặt ngay bên dưới camera, nhưng Samsung Galaxy S8 gây bất ngờ khi lại đặt cảm biến nằm bên phải của camera. Qua trải nghiệm thì với Galaxy S8 bạn sẽ không gặp với đề gì nhưng với Galaxy S8+ bạn “mò” cái vân tay sau lưng khá mệt. Đó là chưa kể mình xài rất hay bị chạm vào camera làm in dấu vân tay lên camera luôn, chụp ảnh sẽ bị mờ nếu không để ý lau lại.
Sẵn nói đến vân tay thì mình nói về tính năng nhận dạng bằng mống mắt luôn. Đây là tính năng đã từng được đưa vào Galaxy Note 7 nhưng do Note 7 đã bị thu hồi nên nó vẫn được xem là một tính năng mới và được Samsung đưa vào các quảng cáo. Mình có sử dụng qua, nhìn chung nó hoạt động khá tốt, tuy nhiên hơi bất tiện khi bạn “mắt hí” hay trang điểm đậm, hoặc nhận diện vào ban đêm. Với lại tính năng này theo mình trang bị thêm có có tính năng “thời thượng” thôi, chứ nếu bạn dùng qua vài lần rồi đảm bảo bạn sẽ lại quay về với cái vân tay hay thậm chí là cái bảng mật khẩu số cho tiện.
Một chi tiết chắc bạn cũng đang rất quan tâm, đó là camera của Galaxy S8. Thực ra theo cá nhân mình thì đây là chi tiết ít cải tiến nhất của Samsung so với các máy trước, dù vẫn rất đẹp. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy khi so về cấu hình camera. Với camera sau, cảm biến của Galaxy S8 vẫn có độ phân giải 12MP, kết hợp với ống kính khẩu độ f/1.7 và công nghệ chống rung quang học (OIS). Theo Samsung thì cảm biến mà Galaxy S8 sử dụng là Sony IMX333/Samsung S5K2L2 đã được nâng cấp từ Sony IMX260/Samsung S5K2L1 của Galaxy S7, đồng thời có thay đổi thuật toán xử lý ảnh mới. Tuy nhiên quá trình trải nghiệm camera sau của Galaxy S8 không gây ấn tượng với mình lắm, chỉ đạt ở mức tốt thôi vì không khác biệt gì về chất lượng lắm nếu so ngang với Galaxy S7 (trừ chụp tối theo mình thấy là có tốt hơn khi khử noise khá tốt). Đồng thời có vẻ truyền thống Samsung là thiết lập sharpness cao vẫn tồn tại trên Galaxy S8.
Camera “tự sướng” phía trước của Galaxy S8 cũng có cải thiện, mà có vẻ như mặc định được áp cái “bộ lọc” mịn da, mình chụp cỡ nào cũng mịn. Phần mềm camera của Galaxy S8 cũng được bổ sung một số hiệu ứng động, tương tự một số ứng dụng phổ biến hiện nay như Snapchat hay SNOW để người dùng có được những bức ảnh selfie ngộ nghĩnh hơn.
Trải Nghiệm Số sẽ đề cập sau với bài liên quan đến các ứng dụng trong Galaxy S8. Trong giới hạn của bài này mình chỉ đề cập đến “trợ lý ảo” Bixby khi nói về ứng dụng, vì đây là chức năng được Samsung quảng cáo khá nhiều, thậm chí là trên Galaxy S8 có hẳn một phím cứng cho nó. Tuy nhiên trải nghiệm của mình với Bixby khá tệ. Nàng trợ lý này được tích hợp khác sâu vào trong Galaxy S8, chẳng hạn như bạn chụp một bức ảnh xong, bạn có thể nhờ Bixby phân tích ảnh đó là gì. Mình đã thử với rất nhiều đồ vật, từ điện thoại, kéo, loa di động, đèn,… nhưng Bixby phân tích khá hài. Mình có cảm giác chức năng này giống như chụp một bức ảnh rồi đưa lên Google Images tìm các ảnh liên quan, không hơn không kém. Các tính năng “trợ lý” khác như hẹn giờ, xem thời tiết, tin tức mới,… theo mình cũng còn khá sơ sài nếu đem so với Siri, Cortana hay là Google Assistant.
Ảnh chụp từ Galaxy S8, chế độ tự động, cứ thích là giơ lên chụp, không canh gì, không phải nhiếp ảnh gia chụp nha, đừng chê!
Ở bài trước mình có giới thiệu “khô khan” về chiếc máy này với cái tít như PR: Galaxy S8: Kẻ định hình xu hướng? Mình có đặt dấu chấm hỏi vì theo thông tin từ chính Samsung thì họ trang bị những công nghệ tốt nhất cho chiếc máy này, có vẻ họ mong muốn thay thế iPhone định hình xu hướng cho smartphone tương lai. Tuy nhiên ở đây mình chỉ đứng ở góc độ người dùng, và dựa theo trải nghiệm người dùng (ở đây là cá nhân mình), cho nên nhận định có thể hơi chủ quan, hy vọng nhận được nhiều ý kiến của các bạn để có góc nhìn đa chiều hơn.
Sau bài trải nghiệm này, mình sẽ đi chi tiết hơn về các ứng dụng của Samsung, cũng như giới thiệu bạn nhiều thủ thuật để làm chủ được chiếc Galaxy S8 này.