Tesla nổi tiếng vì xe điện, nhưng nếu bạn nghe thêm về các phát minh khác của họ thì chắc hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên đấy. Ở thời điểm ban đầu, có vẻ như các dự án này chỉ là những ý tưởng điên rồ của CEO Elon Musk. Nhưng càng về sau, chúng càng định hình rõ hơn và giờ đây Tesla đang làm pin có thể dùng cho cả căn nhà, họ cũng đang xây dựng nhà máy lớn nhất thế giới, song song đó cũng thiết lập mạng lưới trạm cho xe điện với quy mô toàn cầu.
#1 Nhà máy lớn nhất thế giới
Một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển của Tesla đó là Gigafactory, một nhà máy khổng lồ đang được xây dựng ở bang Nevada, Mỹ. Tại đây, Tesla dự tính sẽ sản xuất pin Li-ion dành cho các dòng xe của mình cũng như sản xuất giải pháp lưu trữ điện dùng cho hộ gia đình. Hiện công trình chỉ mới hoàn toàn 14% và theo kế hoạch và tính đến tháng 7 năm nay công ty đã chi 431 triệu USD vào nhà máy này. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Gigafactory sẽ hoàn thành vào năm 2020 (tuy nhiên việc sản xuất pin sẽ bắt đầu ngay từ năm 2017).
Trong năm 2014, Tesla ước tính sản lượng của Gigafactory vào năm 2020 sẽ là một số lượng cell tương ứng với 35 gigawatt giờ điện, hay 50 GWh / năm nếu quy đổi sang các gói pin thành phẩm. Để vận hành nhà máy cần 6.500 người và nguồn cung pin sẽ đủ cho khoảng 500.000 chiếc Tesla mỗi năm.
Lý do mà hãng quyết định xây dựng một cơ sở lớn như vậy là nhằm cắt giảm chi phí sản xuất pin lithium dùng cho xe hơi xuống 30% so với hiện nay. Tesla kỳ vọng giá thành mỗi cục pin sẽ xuống dưới 100$ cho mỗi kWh điện vào năm 2020, đạt tới “mốc lạm phát mà chi phí sản xuất một đoàn tàu chạy điện rẻ hơn chi phí làm ra một đoàn tàu chạy động cơ đốt trong, ngay cả khi không có trợ giá và không tính tới khoản tiền tiết kiệm được nhờ sử dụng điện so với xăng”.
#2 Một cục pin có thể cấp điện cho cả nhà
Khi Tesla giới thiệu cục pin dùng trong các hộ gia đình vào đầu năm ngoái, nó đã bán đắt như tôm tươi nhờ sự tiện dụng và thiết kế đẹp. Cục pin Powerwall giá 3500$ cho phép bạn trữ điện từ các hệ thống năng lượng mặt trời và nhiều sạch khác để sử dụng khi cúp điện hoặc bất kì lúc nào bạn cần. Khi cả nhà đi làm, đi học thì pin cũng tự sạc để sẵn sàng dùng vào buổi tối khi mọi người đã tụ họp về nhà. Giống như các phát minh khác của Tesla, hệ thống Powerwall ra mắt lần đầu vẫn còn nhiều khiếm khuyết, và hãng đã trả lời điều này bằng cách tăng sản xuất model thế hệ hai chuẩn bị bán ra vào mùa hè năm nay.
Mỗi cục Powerwall có thể chứa 6,4 kWh điện, và theo Tesla là đủ để cung cấp cho hầu hết các hộ gia đình vào buổi chiều chỉ bằng việc sạc điện thông qua tấm năng lượng mặt trời lúc trời còn sáng. Nhiều cục pin có thể được gắn trong cùng một nhà. Để bạn dễ so sánh thì TV của chúng ta dùng khoảng 0.1 kWh điện mỗi tiếng đồng hồ, tủ lạnh là 1.6 kWh mỗi ngày, máy giặt vào khoảng 2.3 kWh mỗi lần sử dụng.
#3 Trạm sạc xe điện miễn phí
Xe điện chạy pin, tức là càng chạy thì pin sẽ càng bị cạn đi giống như điện thoại hay laptop. Vậy nếu xe điện Tesla hết pin thì tài xế sẽ làm gì nếu họ không ở nhà? Tesla nghĩ về vấn đề này từ rất sớm và đã bắt đầu mở các trạm sạc công cộng của mình từ năm 2012. Mỗi trạm có nhiều trụ nhỏ, hãng gọi chúng là Supercharger vì lý do mỗi trụ có thể sạc đầy 1 xe Tesla trong khoảng 1 tiếng đồng hồ mà thôi. Theo thời gian, Tesla đã đầu tư càng lúc càng nhiều vào những trạm như thế này. Tính đến tháng 7 năm 2016, Tesla đã có 4157 trụ sạc ở 618 trạm trên toàn cầu. Đặc biệt, các trạm này hoàn toàn miễn phí cho người dùng xe Tesla.
Chưa hết, một số trạm Supercharger có lớp mái gắn nhiều tấm pin quang điện để tạo ra một phần lượng điện dùng cho xe, và Tesla đang muốn cấp điện cho tất cả các trạm này chỉ với năng lượng mặt trời mà thôi. Hãng thậm chí còn có tham vọng triển khai các trạm sạc battery-swapping, nơi tài xế có thể ghé vào, lấy một cục pin đã được sạc đầy gắn vào xe rồi lái đi ngay, còn cục pin đã hết thì sẽ được nạp điện từ từ. Toàn bộ quá trình thay pin này chỉ mất 90 giây!
#4 Cánh tay sạc hình con rắn
Sản phẩm này vẫn chưa ra mắt, chúng ta chỉ biết rằng Tesla đã phát triển nó được một thời gian. Musk giới thiệu một nguyên mẫu hồi năm ngoái, nó là một cánh tay sạc dạng con rắn với khả năng tự động kết nối vào xe Tesla mà chẳng cần bạn phải kéo dây thủ công. Giống trong các phim viễn tưởng, con rắn này sẽ bung ra và lò dò đi tìm cổng sạc trên xe nhìn khá là ghê. Musk gợi ý rằng các cánh tay robot này có thể sẽ được bán cho khách hàng vào ngày nào đó để họ lắp đặt trong nhà, và cũng có thể Tesla sẽ gắn nó cho những trạm sạc của mình. Vậy là tài xế có thể sạc xe mà không cần bước ra khỏi xe.
#5 Showroom xe hơi trong container
Tesla có thể là công ty làm xe đầu tiên có một showroom di động có thể được chở đi bởi xe tải và “Tesla Mobile Container Store” đã có một tour đi vòng quanh nước Mỹ và Châu Âu hồi năm ngoái. Một điểm có thể bạn chưa biết ở Tesla: họ bán xe trực tiếp đến người mua, không phải thông qua đại lý (dealer) như các công ty xe truyền thống, bởi vậy họ mới cần showroom để cho khách đến xem trước khi quyết định chi tiền. Tesla mở showroom ở nhiều bang tại Mỹ và kết quả này có được là nhờ cuộc chiến pháp lý đầy căng thẳng giữa Tesla với luật pháp của từng bang lẫn sự phản đối của những hiệp hội đại lý xe. Ngoài showroom di động, công ty còn đang thử nghiệm nhiều cách khác để tiếp cận khách hàng.
Tương lai của Tesla
Với tất cả những dự án đầy tham vọng trên, rõ ràng Tesla đang tiến hóa rất nhanh. Mới đây Elon Musk cũng đã cập nhật kế hoạch lớn “Part Deux” của mình để chia sẻ về dự tính trong tương lai, chẳng hạn như tích hợp chặt chẽ hơn việc tạo ra điện và lưu trữ điện năng, mở rộng việc sử dụng pin điện cho nhiều loại hình giao thông vận tải khác chứ không chỉ có xe, nhắm tới tương lai tự động hóa hoàn toàn (xe tự lái là một ví dụ). Sớm nhất trong năm 2017, Tesla sẽ bắt đầu cho ra mắt xe tải và bus chạy điện. Mới đây hãng còn mua lại công ty năng lượng mặt trời SolarCity với giá 2,6 tỉ USD, đủ để cho thấy tham vọng của Elon Musk lớn đến đâu. Tương lai phía trước của Tesla sẽ rất thú vị.
Theo Tinh Tế