Tokyo Clanpool là trải nghiệm nhập vai do Compile Heart phát triển với lối chơi khám phá hầm ngục mang nhiều yếu tố fan service, nhưng lại có số phận khá lận đận so với các “chị em” khác cùng “cha đẻ”. Ở thời điểm phát hành ban đầu vào năm 2017 cho hệ máy chơi game cầm tay PlayStation Vita, trò chơi không được chuyển ngữ và phát hành quốc tế cho đến tận cuối năm 2024, nhưng khi đó lại không còn trung thành với nguyên bản trên nền tảng của Sony.
Cụ thể, một minigame tương tác nhân vật điều khiển vốn không hề xa lạ trong những game như Moero Crystal H và Seven Pirates H cũng do Compile Heart phát triển, đã bị gỡ bỏ khỏi Tokyo Clanpool phiên bản phát hành quốc tế. Nhưng lại theo một cách rất khó coi khi để lại nhiều thông tin và tàn dư của nó trong trải nghiệm game. Tuy không để tâm yếu tố fan service nên không quan tâm đến sự tồn tại của minigame này, nhưng tôi đồ rằng một số người chơi sẽ không vui.
Bỏ qua vấn đề lớn nhỏ tùy người đó, Tokyo Clanpool mang đến một trải nghiệm khám phá hầm ngục với cốt truyện và lối chơi khá thú vị. Trò chơi lấy bối cảnh Tokyo vào năm 2207 bỗng xuất hiện thành phố lật ngược giữa trời với tòa tháp bí ẩn trở thành điểm nối giữa hai thành phố, mở đường cho lũ quái vật xâm chiếm khắp đường phố Tokyo. Lực lượng phòng vệ bất lực trước sự hung hăng của chúng khiến nhiều nơi bị tàn phá.
Nagata là một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất, mở đường cho việc lập nên một tổ chức chính quyền mới gọi là Cyberbrain Tactics Cabinet với các nữ chiến binh có khả năng tấn công vào hang ổ của chúng, đẩy lùi lũ quái vật. Đứng đầu là thủ tướng Natsume Kannuki cùng các thành viên nội các xông pha vào tòa tháp, tiếp cận và điều tra những bí mật xoay quanh lũ quái vật và khám phá một sự thật về Ether.
Nếu từng trải nghiệm bất kỳ tựa game nhập vai khám phá hầm ngục từ góc nhìn thứ nhất nào, bạn sẽ dễ dàng làm quen với lối chơi của Tokyo Clanpool vì không có nhiều khác biệt. Ngoài yếu tố fan service trải dài từ tạo hình dàn nhân vật điều khiển và các kẻ thù khác nhau trong trải nghiệm game, tựa game của nhà phát triển Compile Heart có rất nhiều nét tương đồng với những cái tên tôi đề cập ở trên. Thế nhưng khác biệt lớn nhất không chỉ là bối cảnh câu chuyện kể.
Hệ thống chiến đấu trong Tokyo Clanpool chủ yếu xoay quanh tương khắc nguyên tố, đòi hỏi người chơi khả năng kết hợp các loại tấn công nguyên tố khác nhau vốn là chìa khóa giành chiến thắng trước kẻ thù. Ý tưởng này không mới và có nhan nhản trong hầu hết các game nhập vai nói chung. Mục tiêu của người chơi là khám phá các tầng hầm ngục, quay trở về căn cứ hồi máu, thay đổi trang bị các thứ rồi cứ thế trở lại hầm ngục tiếp tục chiến đấu.
Tuy nhiên, hầm ngục trong Tokyo Clanpool luôn được kiến tạo mới mỗi khi bạn trở về căn cứ. Điều đó cũng đồng nghĩa đường đi, cửa lên tầng, cạm bẫy và tất nhiên chiến lợi phẩm ở từng tầng cũng thay đổi. Giải pháp đơn giản nhất là bạn phải hoàn thành khám phá toàn bộ mỗi tầng trước khi quay về, nhưng nói dễ hơn làm vì mức độ thử thách của trò chơi tương đối cao. Trong nhiều trường hợp, việc phải chiến đấu mãi ở một tầng cũng không hề hiếm.
Để cổ vũ tinh thần và hỗ trợ cho người chơi, Tokyo Clanpool có một tính năng tạm gọi là bỏ phiếu, tương tự đi bầu cử ở các quốc gia trong thực tế. Thông qua trải nghiệm game, người chơi có thể làm hài lòng người dân và nhận được phiếu bầu ủng hộ chính phủ của thủ tướng Natsume. Những lá phiếu này được bầu dựa vào việc party của bạn đã làm tốt như thế nào ở khía cạnh tấn công và phòng thủ, cộng với vài điều kiện khác mà tôi không rõ lắm.
Về cơ bản, quá trình khám phá hầm ngục của party được phát trực tiếp đến người dân Nhật Bản. Mỗi khi bạn có phát hiện mới, chiến đấu thành công hoặc có màn trình diễn ấn tượng, mức độ ủng hộ của người dân càng tăng. Điều này gián tiếp mang đến cho người chơi nhiều phần thưởng thụ động hơn. Đơn cử nhận được chiến lợi phẩm xịn hơn hay thậm chí được hồi máu sau mỗi trận chiến. Nói đơn giản là khi người dân hài lòng thì cơ hội sinh tồn trong hầm ngục của bạn cũng cao hơn.
Mặt khác, nhân vật chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu sẽ nhận được lượng XP lớn. Thế nên bạn cũng đừng ngạc nhiên khi một nhân vật có thể thăng cấp tăng vọt so với những nhân vật khác trong party. Thiết kế này có vẻ nhằm khuyến khích người chơi có sự chuẩn bị cẩn thận trước khi ‘Move Out’ vào tòa tháp của trải nghiệm game. Trò chơi cũng sử dụng khá nhiều thuật ngữ mới có thể gây chút khó khăn trong việc nhận diện ý tưởng của chúng thật sự là gì.
Chẳng hạn phép thuật trong Tokyo Clanpool gọi là Digimagic, trong khi các nhân vật trợ chiến gọi là Gadgettia. Biểu tượng sử dụng trong giao diện game cũng khá dễ gây nhầm lẫn. Ngoài ra, người chơi còn có thể sử dụng các tính năng trong Cyberbrain Apps trên để buff cho party. Thế nhưng tính năng này có số lần sử dụng hạn chế và dễ làm cạn pin điện thoại, đòi hỏi bạn phải sạc pin ở những nơi nhất định trong tòa tháp hoặc khi quay trở về căn cứ.
Trong Tokyo Clanpool, chức nghiệp được gọi là Digiskin. Người chơi có thể trang bị digiskin cho các thành viên trong party gọi là Diet Doll để thay đổi khả năng, cũng như thuộc tính nguyên tố của nhân vật đó trong chiến đấu. Mỗi digiskin sẽ phù hợp và hiệu quả chiến đấu cao hơn với gadgettia khác nhau. Đặc biệt, phiên bản quốc tế đi kèm một số digiskin rất mạnh cho nhân vật trong party, nếu tôi không lầm thì trước đây chúng được bán dưới dạng DLC trả phí.
Người chơi có thể bật hoặc tắt những nội dung DLC này ở mục Additional Content từ menu chính. Tất nhiên, những digiskin này cũng được thiết kế hướng đến yếu tố fan service theo nghĩa càng gợi cảm thì càng mạnh về khả năng chiến đấu. Bạn cũng có thể mở khóa nhiều digiskin khác thông qua trải nghiệm khám phá và đặc biệt là kêu gọi chính phủ ký văn bản luật. Sẽ có rất nhiều điều thú vị xảy ra khi chính quyền của Natsume được người dân ủng hộ.
Gadgettia trong Tokyo Clanpool mang đến một cảm giác khá đặc biệt, gợi nhớ đến các demon trong Shin Megami Tensei: Vengeance. Về cơ bản, các gadgettia là những thực thể kỹ thuật số được xây dựng như những nhân vật trợ chiến, có thể mang đến cho nhân vật điều khiển kỹ năng tấn công và khả năng sử dụng phép thuật. Bạn có thể tạo ra gadgettia mới thông qua trải nghiệm game để có được những nhân vật hỗ trợ mạnh mẽ hơn, giúp chiến đấu trở nên dễ thở hơn.
Thế nhưng bên cạnh tạo hình bắt mắt với ý đồ fan service thấy rõ, thiết kế tạo hình của các gadgettia không mấy đa dạng. Tôi gặp trường hợp cùng một hình ảnh và chỉ khác biệt màu sắc không phải ít. Không những vậy, Tokyo Clanpool còn có khá nhiều ý tưởng gameplay độc đáo, hài hước và đôi lúc khá giống ngoài đời. Chẳng hạn người chơi có thể hối lộ mọi người trong phòng họp để đạt được điều mong muốn. Thậm chí bạn nên làm thế vì cuộc chiến phía trước.
Vậy những thứ mà bạn dùng hối lộ từ đâu ra? Tất nhiên là trong khám phá và chiến đấu ở hầm ngục trong các tầng tháp rồi. Những vật phẩm này nhiều khi chỉ là những thứ rất nhảm nhí, nhưng giá trị mà nó mang đến không gì khác hơn là lợi ích nhóm rất lớn cho nội các của Natsume. Chẳng hạn bạn có thể thao túng chính trị bằng cách hối lộ phe đối lập bỏ phiếu ủng hộ, nhằm nhận được nhiều tiền thưởng hơn trong trải nghiệm chiến đấu hoặc digiskin mới.
Thế nhưng, khác biệt lớn nhất giữa bản quốc tế và bản gốc PlayStation Vita là tính năng Stigmata, cụ thể là minigame Ether Sensitivity. Đây là một minigame có tính tương tác… vật lý với các nhân vật điều khiển thông qua màn hình cảm ứng. Đó là những tình huống nhạy cảm và phần thưởng là những hình ảnh… nhiều cảm xúc, tương tự “ý tưởng lớn gặp nhau” trong trải nghiệm Mugen Souls và Mugen Souls Z cũng đều do Compile Heart phát triển.
Bản phát hành quốc tế gỡ bỏ minigame này và luôn “tặng” cho người chơi kết quả hoàn hảo cứ như bạn đã hoàn thành minigame một cách tuyệt đỉnh. Điều đáng nói là trò chơi vẫn giữ nguyên phần hướng dẫn có kèm hình ảnh chỉ dẫn khá tận tình phải chơi minigame này như thế nào. Thế nên đừng lấy làm lạ khi những thứ bạn thấy từ phần hướng dẫn của Ether Sensitivity lại không xuất hiện trong trải nghiệm game, tạo cảm giác nó bị cắt bỏ ngoài ý muốn vào phút cuối.
Tôi không chơi game vì tính năng nói trên, nhưng một số người chơi nhất định có thể cảm thấy ấm ức khi trò chơi bị cắt bỏ tính năng so với nguyên bản. Mặc dù vậy, Tokyo Clanpool vẫn có nhiều nội dung ecchi khác cũng thú vị không kém nếu bạn là người chơi yêu thích yếu tố fan service. Hài hước có, dí dỏm có và đặc biệt tào lao cũng có. Chúng đều là những nét đặc trưng trong các game nhập vai hướng đến fan service của Compile Heart đó giờ.
Khía cạnh nghe nhìn có lẽ tôi không cần đề cập tới vì chúng khá quen thuộc với những JRPG do Compile Heart phát triển nhiều năm qua. Phong cách đồ họa anime quen thuộc của trò chơi chắc chắn là điểm cộng, kết hợp những bản nhạc nền mang đến một bản sắc rất riêng cho Tokyo Clanpool. Chất lượng lồng tiếng cũng tốt bất ngờ so với những tựa game phát hành gần đây của Compile Heart, đặc biệt khi xét đây là tựa game khá cũ từ tận năm 2017.
Sau cuối, Tokyo Clanpool mang đến một trải nghiệm nhập vai hấp dẫn với nhiều biến tấu thú vị, tạo nên một vòng lặp gameplay đầy hào hứng với những người yêu thích lối chơi khám phá hầm ngục nói chung và phong cách “độc lạ” của nhà phát triển Compile Heart nói riêng. Cái giá phải trả là game được phát hành rất hạn chế khu vực địa lý và nền tảng, ít nhất ở thời điểm bài viết.
Tokyo Clanpool hiện có cho PC (Windows) và Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!