Mugen Souls Z tiếp tục đưa người chơi đến với trải nghiệm JRPG “cũ người mới ta” trên nền tảng của Nintendo. So với bản quốc tế trên PS3 năm 2013 và bản PC năm 2015, lần tái phát hành này mang đến nội dung nguyên vẹn như nguyên bản tiếng Nhật. Cốt truyện nối tiếp câu chuyện về nữ thần vũ trụ tự phong Chou-Chou cùng sự đồng hành của Altis và Ryuto trước đó bị tước đi sức mạnh, nhường “ghế nóng” cho nữ thần Syrma xuất hiện. Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của trò chơi là nhiều vấn đề “đặc sản” thiết kế của nhà phát triển Compile Heart.
Cốt truyện của Mugen Souls Z mang cảm giác chấp vá, trải dài trong những đoạn thoại dài dòng. Nhiều nhân vật được giới thiệu một cách chóng vánh, xen kẽ với những tutorial về hệ thống gameplay cũng đầy chữ và không có tính cầm tay chỉ việc. Đáng nói, các tutorial nói trên chỉ “giao việc” cho người chơi đúng kiểu cưỡi ngựa xem hoa ở thời điểm đầu game, trong khi số lượng thoại theo phong cách visual novel lại quá nhiều. Thiết kế này khiến người viết bị rối loạn thông tin, dẫn đến quên mất những gì được hướng dẫn khi cần đến.
Sự dông dài của Mugen Souls Z còn thể hiện ở một số đoạn chuyển cảnh khiến tôi cảm thấy khá mệt mỏi khi phải theo dõi. Nếu trò chơi sở hữu cốt truyện hấp dẫn thì không nói, trong khi khía cạnh này lại là điểm trừ lớn nhất của game. Nó khiến việc phải đọc thoại và theo dõi những đoạn chuyển cảnh nói trên trở thành cực hình, nhất là những người chơi ngày càng trở nên khó tính và không còn sở hữu tính kiên nhẫn có thừa như tôi của ngày xưa. Đáng nói là trò chơi có thời lượng khá dài so với các JRPG tiêu chuẩn ngày nay.
Mặc dù không nhất thiết là điểm trừ vì mỗi người chơi một sở thích, nhưng không thể không đề cập thời lượng chơi của Mugen Souls Z khoảng trên dưới 50 tiếng với nhịp độ khá lề mề. Đó là nếu bạn chỉ tập trung vào phần cốt truyện chính và bỏ qua những nội dung phụ của trải nghiệm. Với những người thích sự hoàn hảo muốn mở khóa tất cả và trải nghiệm toàn bộ nội dung, thời lượng chơi có thể tăng gấp đôi thậm chí nhiều hơn nữa. Đây kỳ thực không phải trải nghiệm JRPG dành cho người chơi casual cũng như những ai thiếu kiên nhẫn.
Cũng như bất kỳ tựa game nào do Compile Heart phát triển đều hướng đến yếu tố fan service, Mugen Souls Z cũng vậy. Yếu tố này không chỉ thể hiện trong những câu thoại mà cả minigame “đặc thù” của series này, cũng như hình artwork của các nhân vật nữ trong suốt trải nghiệm game. Tuy nhiên, khía cạnh này chỉ dừng ở mức độ ecchi nhẹ nhàng chứ không có nhiều giá trị fan service như những JRPG của Compile Heart vài năm gần đây. Thiết kế nhân vật khá nửa vời. Dễ thương cũng không hẳn, gợi cảm càng không.
Ngược lại, Mugen Souls Z sở hữu hệ thống chiến đấu theo lượt khá hấp dẫn, đòi hỏi yếu tố chiến lược kết hợp vị trí của nhân vật trên chiến trường. Bên cạnh một số nhân vật cũ trong Mugen Souls, phần chơi hậu bản còn có sự xuất hiện của nhiều nhân vật mới. Để giành thắng lợi trên chiến trường, người chơi phải tận dụng những tinh thể rải rác có khả năng buff hoặc debuff. Thiết kế này đòi hỏi người chơi phải định vị kẻ thù vào những vị trí hiểm yếu, tận dụng ưu thế của quân ta trong vòng di chuyển giới hạn mà thừa cơ tấn công địch.
Ở góc độ người chơi, nhiều thiết kế gameplay của Mugen Souls Z mang cảm giác như phiên bản lỗi của Disgaea 7: Vows of the Virtueless phát hành gần đây. Nói cách khác, tựa game của nhà phát triển Nippon Ichi Software có thể đã cải biên và biến tấu nhiều ý tưởng từ các đồng nghiệp ở Compile Heart, mang đến trải nghiệm nhập vai hào hứng hơn nhiều khi lấy bối cảnh trong thế giới Disgaea. Chẳng hạn G-Castle trong trải nghiệm game có vài nét tương đồng với hệ thống Jumbification trong phần chơi mới nhất của Disgaea tính đến thời điểm bài viết.
G-Castle vừa là căn cứ vừa là con mech khổng lồ trong các trận chiến ngoài không gian. Ý tưởng thiết kế của nó có lẽ được mượn ý tưởng từ những tựa game Super Robot Wars nhưng nhiều hạn chế hơn. Về cơ bản, những phân đoạn chiến đấu này không đòi hỏi chiến lược phức tạp mà chủ yếu dựa vào may mắn dưới hình thức nhân phẩm của người chơi. Bạn phải đoán xem kẻ thù sẽ làm gì và sử dụng kỹ năng tấn công tương ứng để phản đòn. Vấn đề ở chỗ những kỹ năng này được xây dựng không đủ hấp dẫn mà chỉ để lại cảm giác kéo dài thời lượng chơi hơn.
Hài hước nhất trong hệ thống chiến đấu với các đòn tấn công có điểm sát thương lên đến hàng tỷ. Thú vị không kém là hệ thống kỹ năng nhóm, kết hợp sức mạnh của các nhân vật khác nhau mang đến những pha chiến đấu rất hào hứng và vui mắt khi theo dõi. Hơi ecchi một chút phải kể đến hệ thống Captive, cho phép nhân vật chính chiêu mộ các quái vật bằng cái gọi là Fetish Pose. Xuất sắc trong vai trò lôi kéo người chơi chìm đắm vào trải nghiệm Mugen Souls Z chính là hệ thống Peon và chế tác để mở khóa những trang bị “xịn xò con bò” nhất.
Sau cuối, Mugen Souls Z mang đến trải nghiệm nhập vai để lại cảm giác khá trái chiều tương tự phần chơi đầu trong series. Nếu yêu thích RPG cho phép bạn xây dựng đội hình mơ ước với những trang bị đỉnh của chóp, không ngại chút yếu tố yếu tố fan service và thời lượng chơi kéo dài, đây sẽ là cái tên đáng cân nhắc cho thư viện game của bạn và ngược lại.
Mugen Souls Z hiện có cho PC (Windows), Nintendo Switch và PlayStation 3.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
[text-blocks id=”game-box”]