The Sinking City là tựa game phiêu lưu kinh dị thế giới mở không chỉ ở thế giới game mà còn trong cả khía cạnh trải nghiệm. Điều đó vô tình khiến trò chơi có thể không dễ để tiếp cận với những ai vốn đã quen với lối chơi “cầm tay chỉ việc” như thường thấy.
Cứ đụng đến những tựa game có yếu tố kinh dị, bạn sẽ rất thường nghe đến cái tên H.P. Lovecraft hay Howard Phillips Lovecraft. Đây là nhà văn người Mỹ chuyên viết truyện kỳ quái và kinh dị giả tưởng. Phần lớn những sáng tác của ông đều xoay quanh một truyền thuyết “tự biên tự diễn” về Cthulhu và trở thành cảm hứng cho rất nhiều tựa game khai thác đề tài này. Không may, cảm hứng từ các câu truyện của tác giả người Mỹ này tạo cảm giác quen quen và na ná nhau trong tạo hình của các quái vật, bối cảnh hay thậm chí tính cách nhân vật trong những tựa game thuộc thể loại này và dần trở nên nhàm chán. Rất ít tựa game thuộc thể loại này có thể tạo nên một trải nghiệm tương tự hấp dẫn hơn mà không cần đến cảm hứng từ Howard.
Đó có lẽ cũng là điều mà tôi cảm thấy không thích nhất khi The Sinking City tiếp tục là một trong số cảm hứng đó. Đơn cử như như SOMA, trò chơi đặt ra cho người chơi rất nhiều câu hỏi khó trả lời về sự tồn tại của một cá nhân, gây ấn tượng sâu sắc về kết thúc mở của trải nghiệm, khiến bạn cảm thấy lạnh người và rất hại não. Quay trở lại với trường hợp của “thành phố chìm” thì ngoài yếu tố đó ra, game mang đến một trải nghiệm thám tử điều tra khá hấp dẫn và tham vọng. Đây cũng chính là những điểm cộng lớn nhất của trò chơi, nhưng giá mà nhà phát triển mạnh dạn bỏ đi cảm hứng từ H.P. Lovecraft thì có lẽ sẽ giúp tựa game này thăng hoa hơn.
Về cơ bản, Sinking City lấy bối cảnh hư cấu vào những năm 1920 của thành phố Oakmont thuộc tiểu bang Massachutsetts, nằm ở khu vực New England của nước Mỹ. Nơi này vừa hứng chịu một trận lụt khổng lồ, khiến cả thành phố đảo đang có nguy cơ chìm dần xuống biển. Cũng giống như bao tựa game lấy cảm hứng từ các tác phẩm của H.P. Lovecraft, thành phố Oakmont trong game ngập tràn những con đường đầy sương mù khó thấy, với những cơn mưa lớn cứ ra rả và không hề thiếu những con đường ngập nước ngay cả khi trời ngừng mưa. Nhân vật của người chơi là thám tử tư Charles Reed có quá khứ bí ẩn, trên đường tìm lời giải đáp về những hình ảnh siêu nhiên mà anh thường thấy lúc nửa tỉnh nửa mơ. Mọi chuyện dần hé lộ khi nhân vật chính tìm đến Oakmont sau khi nghe tin ở đây có người sẽ giúp được anh.
Dù khác nhà phát triển, nhưng Sinking City làm tôi nhớ đến game Vampyr với một số vấn đề tương tự mà dường như đều là điểm chung của cả hai. Tuy nhiên, “thành phố chìm” mang cảm giác mở và tự do hơn trong trải nghiệm khám phá. Điều này không hẳn là tốt nhưng chắc chắn sẽ là điểm trừ với những ai đã quá quen với lối chơi “cầm tay chỉ việc” trong thiết kế của hầu hết những tựa game AAA ngày nay. Trò chơi không cung cấp cho bạn những chỉ dẫn hiển hiện như thế mà đòi hỏi người chơi phải đọc, hiểu những mô tả từ các thông tin thu thập được để từ chỉ dẫn đó tự tìm đến địa điểm thực hiện nhiệm vụ. Nếu không biết trước điều này, có thể bạn sẽ miệt mài chạy ngang chạy dọc trong game mà không biết phải làm gì, rất dễ nản và bỏ cuộc.
Cụ thể, bạn sẽ thường thu thập được ghi chép của ai đó về một địa điểm quan trọng, nhưng thay vì như phần lớn những tựa game khác sẽ hiện vị trí đó lên bản đồ và bạn chỉ việc xem bạn đồ rồi di chuyển đến đó, Sinking City đòi hỏi người chơi phải tập làm thám tử để khai thác thông tin này. Người chơi phải dựa trên dữ liệu đó mà tự tìm đường đến địa điểm mới, khi đó nó mới xuất hiện trên bản đồ. Ở khía cạnh nội dung game thiên về thám tử và điều tra, đây là một ý tưởng thú vị nhưng nếu không để ý những lời thoại với những câu nói tưởng chừng bâng quơ của các NPC, khả năng cao là bạn sẽ đi lang thang mất thời gian một cách vô vọng trong trải nghiệm. Đây là “kinh nghiệm xương máu” mà người viết nếm trải khi NPC nói về việc phải đi bộ là chủ yếu từ địa điểm này đến địa điểm khác mà tôi không để tâm, nhưng đúng là thế.
Với những ai đã từng trải nghiệm các tựa game trong series Sherlock Holmes, bạn sẽ dễ dàng nhận ra nhiều yếu tố quen thuộc. Bởi lẽ, cả hai đều có cùng nhà phát triển, nên không có gì lạ khi Sinking City được cải tiến những ý tưởng từ series nói trên thành một trải nghiệm mới khá thỏa mãn với những ai yêu thích đề tài thám tử điều tra. Cảm giác này tiếp tục thăng hoa với siêu năng lực Mind’s Eye của nhân vật chính, cho phép người chơi thấy được những tình tiết mà các NPC không thấy được, phục vụ cho mục đích điều tra những vụ án mà bạn phải giải quyết trong suốt trải nghiệm game. Ở góc độ người chơi, yếu tố này khiến tôi cảm thấy như mình là một thám tử thật sự vậy và đó là điểm cộng rất lớn trong trải nghiệm.
Cảm giác này càng tỏa sáng hơn với Retrocognition, một cơ chế giúp nhân vật thấy được quá khứ khi tiếp xúc với những vật thể nhất định nào đó, giúp người chơi nhìn lại một sự kiện từ quá khứ đã diễn ra như thế nào. Điều mà người chơi phải làm trong trường hợp này là đóng vai trò thám tử để tìm ra thứ tự diễn ra sự việc đó, tái hiện chính xác toàn bộ tình tiết đã diễn ra nhằm thu thập thêm thông tin phục vụ cho công tác điều tra. Chẳng hạn, vụ án đầu tiên mà bạn tham gia phá án là tìm đứa con mất tích của nhân vật có “máu mặt” nhất thành phố, người chơi phải dùng cả ba cơ chế kể trên lần theo dấu vết để lại, tìm ra sự thật dù đó chưa chắc là sự thật mà bạn muốn phơi bày sau khi nghe lời khai của các bên. Quyết định trong trường hợp này là tùy ở bạn và không ít lần, đó không phải là một quyết định dễ dàng khi dính đến vấn đề sinh tử của một người dù chỉ là NPC trong game.
Cái hay trong trải nghiệm Sinking City là mọi phán đoán gần như đều có hai mặt nội dung khác nhau, không có đúng sai hay trắng đen rõ ràng mà chỉ có những vùng xám giao thoa ở giữa. Hệ thống điều tra xây dựng theo hướng mở nên mỗi vụ án đều có thể giải quyết theo cách này hay cách khác, mang đến giá trị chơi lại cao cho game. Để đưa ra phán quyết, người chơi sử dụng tính năng Mind Palace giống như trong series Sherlock Holmes để tổng hợp những thông tin và bằng chứng thu thập được, ráp nối nó thành lập luận vững chắc dựa trên toàn bộ tình huống đã diễn ra. Kết quả sau cuối sẽ thay đổi tùy thuộc vào điều này. Đôi lúc, tình tiết đó cũng dẫn đến hậu quả là sinh mạng của NPC như đã nói ở trên, mang đến cho người chơi cảm giác khá mơ hồ nhưng thú vị về khía cạnh đạo đức trong cuộc sống.
Đồ họa trong Sinking City khá ấn tượng, tạo được không khí rờn rợn cần thiết cho trải nghiệm thông qua những yếu tố môi trường kể trên. Ở một góc độ nào đó, Oakmont mang cảm giác “life is good” giữa không gian tăm tối mờ mịt như tương lai của thành phố với số lượng NPC khá đông đảo. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bề ngoài giống như không gian thế giới mở của trò chơi vậy. Phần lớn các NPC đều không thể tương tác mà chỉ để “làm màu” cho thế giới game. Môi trường màn chơi cũng vậy, tuy mang cảm giác mở nhưng hầu hết các ngôi nhà đều không cho phép bạn bước chân vào, chỉ “mở” những nơi nào “có việc để làm” mà thôi. Dù vậy, thất vọng nhất vẫn là số lượng kẻ thù thiếu đa dạng và hệ thống chiến đấu hết sức “lượm thượm” của Sinking City.
Đầu tiên, tôi phải nhấn mạnh rằng Sinking City làm khá tốt yếu tố gây sợ hãi, nhất là khi bạn bắt đầu được “trải nghiệm” những cơn ác mộng của nhân vật chính. Nếu yếu tố đó chưa đủ “đô”, có lẽ bạn sẽ “hết cả hồn” khi đụng độ kẻ thù thứ hai trong lúc tiến hành điều tra vụ án đầu tiên. Vấn đề ở chỗ, trò chơi chỉ có vài dạng kẻ thù quen thuộc lấy cảm hứng từ những câu chuyện của H.P. Lovecraft và được tái sử dụng quá nhiều đến mức nhàm chán. Dù vậy, không thể phủ nhận một số nhiệm vụ phụ lấy nội dung về truyền thuyết đô thị khá đáng sợ và chẳng dính gì đến H.P. Lovecraft. Điều này khiến tôi lập tức đặt dấu hỏi việc sử dụng nguồn cảm hứng quen thuộc nói trên liệu có cần thiết, hay nhà phát triển muốn lấy tiếng từ một nhà văn nổi tiếng, người vốn có lượng anti-fan rất lớn vì tư tưởng phân biệt chủng tộc và bài ngoại rất cực đoan của ông trong các tác phẩm?
Hệ thống chiến đấu cũng là một điểm trừ không nhỏ và nhiều lần khiến tôi nổi điên. Đạn dược thì khan hiếm, đòi hỏi bạn phải lục tung mọi nơi để tìm nguyên liệu chế đạn hoặc chấp nhận thỏa hiệp để đổi lấy đạn, đến mức một NPC từng nói đạn giống như một loại tiền tệ ở thành phố này. Trong khi đó, chiến đấu cận chiến thì thiếu chính xác. Nhân vật phản ứng quá sức chậm chạp so với phần điều khiển của người chơi, nhiều lúc tạo cảm giác Charles như một gã say xỉn quơ quào khi chiến đấu khá là ức chế. Chưa kể, trải nghiệm game có tình trạng giật hình nhẹ khá thường xuyên trên Xbox One. Dù nó không đến mức phá hỏng trải nghiệm nhưng vẫn là một sự khó chịu không nhỏ. Ghét nhất vẫn là lái thuyền, phương tiện di chuyển thông dụng nhất trong game. nhưng rất dễ mắc kẹt vào những chướng ngại vật trên đường thủy và không dễ để thoát ra, buộc phải restart lại game rất dễ nổi điên.
Sau cuối, The Sinking City là một trải nghiệm phiêu lưu hành động với yếu tố điều tra, phân tích, phá án khá thú vị và hào hứng. Tuy nhiên, việc đụng độ các quái vật vốn là cội nguồn chính của vấn đề tạo cảm giác hơi dư thừa và có phần nhàm chán do mang nặng cảm giác “thân quen”, trừ khi bạn là người yêu thích những tác phẩm của H.P. Lovecraft. Ngược lại với điều này, trò chơi lại làm khá tốt những khía cạnh khác, từ đồ họa tạo dựng không khí rất tốt theo bối cảnh, cho đến nội dung nhiều nút thắt hấp dẫn, dám đào sâu vào những đề tài gây nhiều tranh cãi. Xét trên tương quan giữa điểm trừ và điểm cộng, đây vẫn là một tựa game hấp dẫn đáng chú ý dù bạn có thích hay không thích những ý tưởng từ H.P. Lovecraft mà trò chơi lấy làm cảm hứng trong xây dựng trải nghiệm.
The Sinking City được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One. Phiên bản PC hiện chỉ có trên Epic Games Store.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!