Nói đến dòng JRPG có lẽ không ai lại không biết đến nhà phát triển Nihon Falcom với series The Legend of Heroes rất nổi tiếng. Đặc biệt, series này là luôn được ưu tiên phát hành trên PC trước từ thời máy tính NEC-PC series 8000 đến nay, về sau mới được chuyển nền lên các nền tảng khác. Những năm gần đây, series này gần như đóng đô trên nền tảng Windows và các thế hệ PlayStation, bao gồm handheld lẫn console nhưng chỉ có khoảng gần 2/3 tựa game trong số này được chuyển ngữ và phát hành tại các nước Âu Mỹ.
Trails of Cold Steel là series con mới nhất của series JRPG The Legend of Heroes nói trên được chuyển ngữ tiếng Anh. Phần chơi đầu tiên Legend of Heroes: Trails of Cold Steel được phát hành lần đầu tại Nhật vào tháng 9/2013 và bản remaster ra mắt trên PlayStation 4 cách đây không lâu vào cuối tháng 3/2019. Đây cũng là phiên bản mà tôi trải nghiệm. Phần chơi này lấy bối cảnh tại Erebonia, có cùng dòng thời gian với series con Crossbell và nối tiếp sự kiện diễn ra trong series con Trails in the Sky. Không may là bộ Crossbell chưa từng được chuyển ngữ sang tiếng Anh, trong khi series Trails in the Sky thì được phát hành đã khá lâu nếu không tính bản chuyển nền cho PC mới ra mắt cách đây hai năm.
Nếu nhiêu đó chưa đủ khiến bạn nản chí thì xin chúc mừng, bạn đã vượt qua vòng “thử thách gởi xe” của Legend of Heroes: Trails of Cold Steel một cách xứng đáng. Tựa game này thậm chí còn được người chơi đánh giá là một trong những phần chơi hay nhất của series JRPG lâu năm Legend of Heroes. Việc chưa từng chơi những phần chơi trước đó chắc chắn ít nhiều có ảnh hưởng đến lượng nội dung mà người chơi sẽ tiếp nhận trong trải nghiệm, nhưng không đến mức gây nhiều khó khăn như bạn lầm tưởng ban đầu. Trò chơi đưa người chơi đến với nhân vật chính Rean Schwarzer và các bạn học trong lớp học Class VII rất đặc biệt tại học viện quân sự Thors.
Nếu có điều gì khiến tôi ấn tượng ngay từ đầu trải nghiệm có lẽ chính là cốt truyện mở ra với tình tiết dồn dập. Người chơi nhanh chóng “nhập bọn” với các học viên Class VII, tham gia vào cuộc chiến đang diễn ra. Sau vài trận chiến giúp bạn làm quen với thao tác và các yếu tố gameplay đặc trưng, trò chơi chuyển sang đoạn phim mở đầu bằng anime khá ấn tượng và quay ngược thời gian về với nơi câu chuyện bắt đầu. Đây là lúc bạn nhập vai nhân vật chính Rean Schwarzer, bắt đầu làm quen với học viện quân sự Thors cùng các bạn đồng môn khác trong những tình huống tréo ngoe “cười ra nước mắt” thường thấy trong anime. Một mở đầu rất tươi đẹp.
Điểm nhấn của bản remaster này là đồ họa tinh chỉnh sắc nét hơn dù phiên bản gốc của game được xây dựng từ rất lâu nếu xét ở thời điểm phát hành ban đầu. Tôi khá ấn tượng với chất lượng đồ họa khi trải nghiệm độ phân giải 4K và tốc độ khung hình 60fps mượt mà trên PS4 Pro. Hình ảnh của các nhân vật được trau chuốt rất kỹ từng chi tiết, mang đến cảm giác đồ họa hiện đại. Đáng tiếc là cảnh nền tuy sắc nét nhưng đồ họa nhìn hơi cũ, chuyển động khi nhân vật tương tác cứng nhắc và đơn giản nên rất dễ nhận ra đây là một tựa game từ thời PS3 và Vita. Sự tương phản này tạo cảm giác hơi khác biệt với hình dựng nhiều màu sắc kiểu anime khá ấn tượng của các nhân vật.
Một điểm mới mà tôi nhận thấy ngay từ đầu game là Legend of Heroes: Trails of Cold Steel có thể tải save game từ phiên bản gốc PS3 và Vita. Tuy nhiên, khi thử sử dụng thì trò chơi thông báo không tìm thấy dữ liệu trên PlayStation Network nên tôi cũng không rõ có phải game chỉ hỗ trợ lấy save game cũ từ dịch vụ đám mây của PlayStation Plus hay không. Đây là một tính năng khá hay với những ai muốn trải nghiệm New Game+ trên phiên bản PlayStation 4, nhưng nếu yêu cầu tải save game lên dịch vụ đám mây thì tôi thấy không thiết thực lắm vì đây là một JRPG chơi đơn, không hỗ trợ co-op online mà phải cần đến dịch vụ PlayStation Plus thu phí để chuyển save game.
Một điểm nhấn khác là bản remaster cho PlayStation 4 hỗ trợ cả lồng tiếng Anh lẫn tiếng Nhật và cả hai đều có chất lượng khá tốt. Cá nhân tôi vẫn thích phần lồng tiếng Nhật hơn, nhưng đây chỉ là quan điểm cá nhân. Điều thú vị là bản remaster có thêm tính năng Turbo, cho phép người chơi có thể “tua nhanh” trải nghiệm để giảm bớt thời gian chờ do đặc trưng tiết tậu khá chậm rãi của dòng JRPG. Tính năng này hoạt động không chỉ trong chiến đấu và những yếu tố khám phá, tương tác, mà còn vận hành trong cả các đoạn chuyển cảnh được dựng hình bằng 3D của trò chơi nữa. Không chỉ vậy, trò chơi vẫn giữ nguyên tiết tấu của nhạc nền không thay đổi dù bạn mở “turbo” hay không.
Ở góc độ người chơi JRPG lâu năm, đây là một tính năng rất đáng giá mà hầu như không có JRPG nào ứng dụng. Thậm chí, bạn cũng có thể bỏ qua các phân đoạn tung tuyệt chiêu (art) hay đòn tấn công trong trận chiến để đẩy nhanh tốc độ trải nghiệm, bỏ qua những cảnh “râu ria” không cần thiết đã phải xem rất thường xuyên trong suốt vài giờ đầu trải nghiệm. Nhịp độ chơi trong Legend of Heroes: Trails of Cold Steel cũng có nhiều cải thiện khiến tôi khá bất ngờ. Chẳng hạn, người chơi có thể “tái chiến” ngay sau khi thất bại một trận đánh nào đó hoặc chọn “úm ba la xì bùa” để kẻ thù yếu hơn, giúp bạn nhanh chóng hoàn thành trận chiến hơn.
Với những ai không thích yếu tố cày cuốc trong các tựa game nhập vai nói chung và JRPG nói riêng, đây quả thật là một tính năng tuyệt vời. Không những vậy, nếu bạn kết hợp với tính năng Turbo “tua nhanh”, trải nghiệm game càng thú vị hơn khi diễn ra theo nhịp độ mà bạn mong muốn chứ không còn rề rà như phần lớn những tựa game cùng thể loại khác trên thị trường. Đoạn nào bạn muốn từ tốn chậm rãi hay “tua nhanh” cho lẹ đều có thể thực hiện được chỉ với một thao tác nhấn nút. Đây là một điểm cộng thú vị, cho thấy sự tinh tế của nhà phát triển trong việc lắng nghe và thấu hiểu cảm giác của người chơi khi xây dựng những tính năng đơn giản nhưng mang lại hiệu quả lớn nói trên.
Ngay cả cốt truyện và cách dẫn truyện cũng gây cho tôi ấn tượng. Mặc dù có nội dung nối tiếp series Trails in the Sky, nhưng nội dung trong Legend of Heroes: Trails of Cold Steel vẫn tạo cảm giác độc lập, không đòi hỏi người chơi phải hiểu biết nhiều về tuyến truyện cũ. Tất nhiên, nếu bạn biết thì vẫn tốt hơn vì sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ trước một số tình tiết. Nhà phát triển cũng khá khéo léo khi xây dựng các địa điểm mà người chơi được điều đến để làm nhiệm vụ đều có chủ ý, khiến chúng không chỉ đơn thuần là một điểm dừng chân mà còn để khai thác sự phát triển của các nhân vật.
Cách làm này không những giúp bạn hiểu rõ hơn về nhân vật chính mà cả với các thành viên khác của Class VII thông qua những lời thoại và tuyến truyện phụ thú vị. Không chỉ dừng ở đó, nhà phát triển còn xây dựng các nhiệm vụ như một cách để người chơi thấy được sự gắn kết của các nhân vật trong mối quan hệ bạn bè lẫn cuộc sống riêng của mỗi người. Đây là một hướng đi không mới trong yếu tố phát triển nhân vật của các JRPG trước đây, nhưng dường như ngày càng thiếu vắng trong những tựa game thuộc thể loại này ngày nay không rõ lý do, được Legend of Heroes: Trails of Cold Steel vận dụng tuyệt vời trong trải nghiệm.
Hệ thống chiến đấu cũng là một điểm cộng thú vị không chỉ về thiết kế mà cả trong giao diện. Trò chơi sử dụng một giao diện chọn lựa các hành động của nhân vật bằng hình tròn thay cho các thao tác chọn kiểu menu quen thuộc. Một party có tối đa bốn nhân vật. Mỗi nhân vật đều sử dụng ngọc thuộc tính thông qua hệ thống Orbment để cung cấp các tuyệt kỹ tấn công và hỗ trợ. Điểm nhấn trong hệ thống chiến đấu của Legend of Heroes: Trails of Cold Steel là hệ thống Link khá thú vị nhưng không mới. Đây là một kiểu phối hợp tác chiến giữa các nhân vật để tăng bội phần sát thương với kẻ thù “xấu số”. Tính năng này thậm chí cũng có thể thăng cấp tùy vào mối quan hệ của nhân vật chính với các bạn trong Class VII.
Các yếu tố chiến đấu tương khắc cũng được vận dụng khéo léo trong trải nghiệm Legend of Heroes: Trails of Cold Steel theo hướng mở rộng hơn. Chẳng hạn như bạn có thể sử dụng những đòn tấn công vật lý thông thường để chiến đấu với những kẻ thù “thân mềm” hay vũ khí tầm xa như súng để tấn công với những kẻ thù có cánh v.v… Mỗi đòn tấn công vật lý này đều có yếu tố tương khắc khác nhau chứ không chỉ riêng thuộc tính trong các tuyệt kỹ (art). Sự phối trộn giữa hai yếu tố tương khắc này mang đến một hệ thống chiến đấu rất có chiều sâu, đòi hỏi người chơi phải xem xét điểm yếu của kẻ thù nếu muốn tấn công hiệu quả.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Legend of Heroes: Trails of Cold Steel có lẽ nằm ở yếu tố thiết kế mang đậm “hương vị” thời kỳ vàng JRPG vào thập niên 90. Ngoại trừ một số tính năng mang đến trải nghiệm tiện lợi hơn như Turbo, trò chơi không có bất kỳ điểm nhấn gameplay nào nếu xét ở khía cạnh mới mẻ hay mang tính cách mạng trong thể loại. Điều này có thể khiến những ai quá quen thuộc với dòng JRPG hiện đại ngày nay cảm thấy hơi hụt hẫng và thất vọng. Ở góc độ người chơi JRPG khi nhìn lại thời điểm phát hành ban đầu, rõ ràng tựa game này không hướng đến những đối tượng người chơi nói trên nên tôi không nghĩ đây là một điểm trừ đáng đề cập, nhưng vẫn phải nhắc đến để công bằng khi đánh giá.
Sau cuối, The Legend of Heroes: Trails of Cold Steel mang đến một trải nghiệm JRPG tuyệt vời mà những ai yêu thích những cái tên kinh điển thuộc thể loại này ngày xưa chắc chắn sẽ rất thích. Chưa kể, hàng loạt những tinh chỉnh đáng giá càng biến tựa game này trở thành một trong những tựa game đáng chơi nhất với những ai yêu thích công thức làm JRPG kinh điển của ngày xưa, kết hợp một chút cảm giác hiện đại của những điều chỉnh nói trên trong bản remaster này.
The Legend of Heroes: Trails of Cold Steel được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, PlayStation 3 và PlayStation Vita.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!