The Last of Us là tựa game hành động sinh tồn, được phát hành cho PlayStation 3 vào “những ngày cuối đời” của hệ máy này khi PlayStation 4 chuẩn bị ra mắt trong cùng năm đó. Do đã “vô tình đi lướt qua nhau” ở thời điểm phát hành ban đầu, nên tôi đã dành thời gian trải nghiệm phần đầu khi The Last of Us Part II chốt ngày phát hành và bị cuốn hút bởi những gì mà tựa game này mang đến.
The Last of Us Remastered là một bất ngờ thú vị và không kém phần “quá nhanh, quá nguy hiểm” khi ra mắt sau phiên bản gốc chỉ một năm. Ngoài cải thiện về độ nét đồ họa, tốc độ khung hình và hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng do hạn chế của phần cứng PlayStation 3, phiên bản này còn đi kèm với DLC Left Behind mang đến câu chuyện kể hấp dẫn, mảnh ghép cuối cùng giúp người chơi hiểu thêm về nhân vật mà bạn sát cánh gần như trong suốt trải nghiệm chính.
Đó là chưa kể The Last of Us Remastered còn hỗ trợ HDR và PS4 Pro, mang đến trải nghiệm ở độ phân giải 4K cực nét nếu bạn chịu hy sinh tốc độ khung hình 60 fps và chút hiệu ứng đổ bóng. Mặc dù gọi là hy sinh nhưng ngay cả trong trường hợp nói trên, trò chơi vẫn đẹp và sắc nét hơn rất nhiều so với bản PlayStation 3. Thậm chí, người chơi có thể “thỏa hiệp” để trải nghiệm ở độ phân giải trên 2K một chút, nhưng vẫn giữ được tốc độ khung hình 60 fps mượt mà trên PS4 Pro.
The Last of Us Remastered mở đầu với bối cảnh vào năm 2013. Một thảm họa do loài nấm Cordyceps đột biến đã tàn phá nước Mỹ, biến mọi vật chủ con người mà nó lây nhiễm thành những sinh vật hiếu chiến gọi là Infected. Người chơi nhập Joel, một nhân vật đã sinh tồn 20 năm sau biến cố nói trên, làm đủ mọi thứ để sống sót suốt ngần ấy năm. Mặc dù trò chơi không hé lộ nhiều về hai thập kỷ đó, nhưng bạn sẽ dần hiểu những gì nhân vật này phải trải qua trong trải nghiệm về sau.
Đàn ông từng trải rất dễ cuốn hút phụ nữ vì họ biết làm chứ không chỉ nói. Joel đích thực là mẫu nhân vật như thế. Anh sắc sảo vì từng làm rất nhiều việc khủng khiếp, từ nhỏ nhặt như ăn cắp cho đến giết người như ngóe, tất cả chỉ vì sinh tồn. Thậm chí, ban đầu tôi còn có cảm tưởng thế giới quan của Joel chỉ có một vấn đề cần giải quyết: đối phương. Thế giới trong The Last of Us thực tế đến phũ phàng, bạn sống thì ai đó sẽ phải chết và không có lựa chọn nào khác.
Cuộc sống của Joel chỉ thay đổi khi cô bé Ellie xuất hiện. Từ những bất đồng quan điểm ban đầu giữa đứa trẻ mới lớn và người đàn ông từng trải qua nhiều biến cố, cả hai vượt qua hàng loạt những thử thách khiến mối quan hệ của họ ngày càng gắn kết, tin tưởng và bắt đầu chăm sóc cho nhau như hai cha con. Kỳ thực, The Last of Us có một kịch bản quá xuất sắc khi xây dựng câu chuyện kể tuy không mới nhưng có hướng tiếp cận rất khác và phát triển tâm lý nhân vật tuyệt vời.
Đó không chỉ là quan điểm bất đồng giữa hai thế hệ mà còn là kinh nghiệm sống của hai thời đại. Một bên là Joel sống trong những ngày kinh hoàng, chứng kiến quá nhiều để biết cái gì nên và cái gì không. Ở khía cạnh còn lại là một Ellie còn non người trẻ dại, sinh sau “thời loạn” và gần như không biết gì về những thứ bên ngoài cánh cửa khu trại tập trung mà cô bé lớn lên. Sự đối lập trong tính cách của Joel và Ellie chính là những khoảnh khắc ấn tượng nhất về hai nhân vật này.
Đơn cử như những khoảnh khắc cô bé trầm trồ khi lần đầu gặp gỡ một con thú nào đó, hay hí hửng khoe với Joel về việc mình đã biết huýt sáo, kỳ thực đều là những hành động khá trẻ con. Thế nhưng, nó trái ngược hoàn toàn với những từ fuck hay motherfucker, thậm chí cử chỉ “ngón tay thối” mà cô bé thốt ra trong lời thoại và tương tác với các nhân vật khác. Joel thì ngược lại, một người từng trải và kiệm lời như anh chỉ muốn nói ít làm nhiều, khó có thể chấp nhận suy nghĩ của đứa trẻ con như Ellie.
Càng trải nghiệm về sau, The Last of Us càng có thêm những tình tiết giúp hai bên tự nhìn lại chính mình và có sự điều chỉnh nhất định. Những sự kiện này kỳ thực mang đến sự phát triển nhân vật ở nhịp độ hợp lý, nếu không nói là khiến tôi khá ấn tượng. Nếu như ban đầu giống như hai con người ở hai thái cực khác nhau thì về sau, Joel càng thể hiện sự quan tâm đến Ellie và ngược lại. Thậm chí, tuy game có mô típ nội dung dễ đoán, nhưng cái kết vẫn để lại cho tôi cảm giác khá đắng khi Joel nói “I swear” không hề đắn đo.
Tất nhiên, The Last of Us không chỉ có mỗi cốt truyện ấn tượng mà còn ở hệ thống chiến đấu khá kịch tính, từ hành động lén lút đến “súng đạn vô tình” mà đạn dược luôn rất khan hiếm. Người chơi không chỉ chiến đấu với các Infected đủ loại, mà bạn còn đối mặt với những con người từng vào sinh ra tử giống như Joel. Họ cũng chỉ vì mục đích sinh tồn, khiến việc phải xuống tay trước những kẻ “cùng xuồng” nói trên chưa bao giờ để lại cho tôi cảm giác dễ chịu.
Dù vậy, phải thừa nhận những pha hành động lén lút mang đến cảm giác vô cùng thỏa mãn, đến mức nếu sơ suất “bể dĩa” thì tôi cũng chỉ muốn “restart checkpoint” để làm lại lần nữa. Đáng nói, Joel có bản năng sinh tồn để nhận diện kẻ thù xung quanh khuất sau những cánh cửa hay bức tường, nhưng nó không biến trải nghiệm chiến đấu trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh những phân đoạn hành động lén lút kịch tính, game cũng không thiếu những pha đấu súng căng thẳng.
Đi kèm với đó là hệ thống chế tác tuy đơn giản nhưng khá hiệu quả, đặc biệt là hoạt động theo thời gian thật. Nghĩa là thay vì cho phép người chơi tạm dừng để chế tác, mọi hoạt động xung quanh vẫn diễn ra. Bất ngờ luôn xảy ra trên cuộc phiêu lưu và nếu bạn không chuẩn bị trước, tình hình sẽ không mấy khả quan. Không những thế, hệ thống chế tác sử dụng chung một số vật phẩm cho vài món đồ thiết yếu, khiến người chơi phải luôn cân nhắc trước khi quyết định chế tác đồ phòng thân hay tấn công.
Đó là chưa kể đạn dược khá khan hiếm. Bạn không bao giờ có đủ đồ để tạo nên tất cả hoặc đủ đạn nếu muốn làm rambo trong The Last of Us. Mọi quyết định của người chơi dù là gì cũng đều tác động ít nhiều đến trải nghiệm. Chẳng hạn băng keo và kéo có thể tạo ra shiv cho mục đích “hành quyết lén lút”, nhưng nếu kết hợp hai món này với vũ khí cận chiến sẽ giúp tăng khả năng sát thương. Vấn đề ở chỗ, vũ khí cận chiến sẽ hư hỏng sau vài lần sử dụng, trong khi đạn lúc nào cũng khan hiếm.
Thiết kế này buộc người chơi luôn phải tận dụng hiệu quả nhất những gì mình có, cân nhắc giữa khả năng chiến đấu và phòng thủ để chọn cái gì cần nhất trong tình huống phát sinh. Đó cũng là cảm giác khá căng thẳng mà bất kỳ ai trải nghiệm The Last of Us đều phải đối mặt, điều mà tôi chưa thấy tựa game nào vận dụng hiệu quả như thế. Thậm chí, Joel cũng có thể “chơi đồ” để nâng cấp chỉ số và kỹ năng cho bản thân nhưng cũng giống như trên, bạn không bao giờ tìm đủ đồ để “max nâng cấp” cho nhân vật.
Điều tương tự cũng áp dụng cho hệ thống nâng cấp vũ khí với số lượng nâng cấp khá nhiều. Người chơi cũng không bao giờ thu thập đủ vật phẩm nâng cấp để “max” mọi thứ, buộc bạn phải “cân não” trước khi quyết định. Dù vậy, người chơi vẫn có thể “cày cuốc” để biến Joel thành “siêu nhân” và “max all” thông qua trải nghiệm NG+ sau khi hoành thành game. The Last of Us có kha khá số lượng vật phẩm thu thập để giúp tăng giá trị chơi lại cho những ai theo đuổi sự hoàn hảo.
Bên cạnh phần chơi chính, The Last of Us Remastered còn đi kèm với DLC Left Behind như phần tiền truyện của trò chơi. Bạn sẽ được trải nghiệm câu chuyện về quá khứ của Ellie ở thời điểm trước phần chơi chính. Kỳ thực, tôi khá bất ngờ khi trải nghiệm mà DLC này mang đến có nhiều khác biệt so với nội dung chính. Hệ thống chiến đấu có nhiều hạn chế hơn, nhưng mở rộng thêm câu chuyện kể còn khuyết về cô bạn thân của Ellie luôn khiến người chơi tò mò .
Nếu có gì để tiếp tục nói “những lời có cánh”, có lẽ phải dành cho dàn diễn viên lồng tiếng và motion capture một tràng pháo tay. Họ đã làm nên cái hồn cho nhân vật không chỉ ở giọng nói mà cả trong chuyển động và biểu cảm. Kỳ thực, trải nghiệm The Last of Us giống như bạn là một nhân vật trong bộ phim điện ảnh vậy. Tạo hình các nhân vật rất dễ nhầm tưởng là người thật nếu chỉ nhìn thoáng qua. Ngay cả môi trường rộng lớn cũng là điểm cộng tuyệt vời khi được xây dựng vô cùng ấn tượng, không có gì để chê.
Vấn đề ở chỗ, trải nghiệm đặc trưng của The Last of Us có thể không dành cho tất cả. Nhiều chi tiết trong đó được xây dựng khá tỉ mỉ và có ý nghĩa đặc biệt trong thiết kế, nhưng không dễ để tất cả người chơi nhận ra nếu thiếu sự nhạy cảm, tinh ý và khả năng cảm thụ tốt. Đơn cử như chi tiết rất nhỏ khi những kẻ thù Infected như Clicker vùng vẫy lúc Joel xuống tay, mang cảm giác tuyệt vọng rất người khiến người viết phải luôn tự nhủ chỉ là trải nghiệm game, mục đích để trấn an phần người trong tôi.
Sau cuối, The Last of Us Remastered mang đến một trải nghiệm hành động sinh tồn vô cùng tuyệt vời không chỉ ở câu chuyện kể, mà ngay cả thiết kế gameplay, đồ họa và âm thanh lẫn lồng tiếng đều rất ấn tượng. Trò chơi tuy không hoàn hảo nhưng đây kỳ thực là cái tên phải có trong thư viện game nếu bạn sở hữu PlayStation 4. Phiên bản remaster gần như giải quyết mọi vấn đề do hạn chế phần cứng của bản PlayStation 3 trước đây và là lựa chọn tuyệt vời cho những ai chưa từng chơi bản gốc.
The Last of Us Remastered chỉ có trên PlayStation 4.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!