The Dark Pictures Anthology: House of Ashes là phần chơi thứ ba trong series game phiêu lưu hành động rùng rợn Dark Pictures Anthology. Vẫn là trải nghiệm thiên về câu chuyện kể tương tác mang đậm cảm giác điện ảnh, nhưng nhà phát triển Supermassive Games có nhiều cải tiến so với hai phần chơi trước về mặt hình ảnh và biểu cảm nhân vật. Đặc biệt là cách kể chuyện và lựa chọn bối cảnh với những tình tiết có âm hưởng người lớn hơn. Dàn nhân vật chính cũng vì vậy mà không còn là những cô cậu sinh viên như hai phần trước nữa.
Trải nghiệm game lấy bối cảnh hư cấu giữa cuộc chiến Iraq khi lực lượng đặc nhiệm của Mỹ được điều đến ngôi làng nọ để tìm vũ khí hủy diệt của Saddam Hussain. Thế nhưng kế hoạch đi chệch hướng, khiến đội đặc nhiệm do đội trưởng Eric King dẫn dắt mọi người rơi vào tình thế ngặt nghèo ở hầm mộ dưới lòng đất. Tùy thuộc vào những lựa chọn của người chơi mà số phận của biệt đội nói trên được định đoạt. Vấn đề ở chỗ, mọi quyết định đều dẫn tới hậu quả khó lường và ảnh hưởng kết cục liên quan đến sinh mệnh của mỗi thành viên.
Dark Pictures Anthology: House of Ashes có cách dẫn truyện nhiều chiều sâu hơn hai phần chơi trước trong series game. Đội ngũ biên kịch chấp bút nên câu chuyện kể rất nhân văn khi đẩy các nhân vật kẹt giữa hai chiến tuyến và kẻ thù chung mang màu sắc siêu nhiên. Đó không còn là cảm giác sinh tồn đơn thuần mà hơn thế nữa. Từ sự căng thẳng giữa hai lực lượng đối đầu khiến họ phải bắt tay nhau vì hiểm họa bí ẩn, cho đến những khoảnh khắc “chim chuột” trong mối quan hệ nhiều bất ngờ của hai nhân vật mà tôi không thể tiết lộ danh tánh.
Điều thú vị là những lựa chọn trong trải nghiệm Dark Pictures Anthology: House of Ashes luôn tạo cảm giác như bạn kiến tạo nên tình tiết cốt truyện. Đây là điểm cộng cho sự cải thiện nhỏ nhưng đầy bất ngờ trong trải nghiệm game so với Little Hope trước đó. Ngay cả khi bạn biết chắc những quyết định ở thời điểm đó gây hậu quả không nhỏ về sau, hệ quả từ những lựa chọn này không hiếm lần khiến tôi bất ngờ vì mối liên kết giữa chúng. Điều này dễ khiến người chơi chuyển từ tò mò thành quan tâm đến số phận của các nhân vật hơn.
Thế nhưng so với Man of Medan và Little Hope, điểm trừ lớn nhất của Dark Pictures Anthology: House of Ashes vẫn là phát triển nhân vật thiếu chiều sâu. Tuy mỗi người trong đội đặc nhiệm đều có cá tính rất riêng giống hình mẫu người thật việc thật ngoài đời, nhưng không ít khoảnh khắc tương tác giữa họ để lại cho tôi cảm nhận khá trái chiều. Chẳng hạn đang lúc dầu sôi lửa bỏng mà nhân vật lại nói chuyện “chim chuột” với nhau. Mặc dù vậy, mỗi nhân vật ít nhiều đều để lại dấu ấn trong lòng người viết, đặc biệt là anh lính Salim.
Tương tự hai game trước trong series, người chơi có thể theo dõi mối quan hệ thăng trầm giữa các nhân vật từ menu game. Hầu hết các lựa chọn quan trọng trong câu chuyện kể đều được ghi chú, giúp bạn dễ nhận biết đâu là điều cần xem xét trong lần chơi tiếp theo và thời khắc nào là quyết định chuẩn không cần chỉnh. Tuy nhiên, Dark Pictures Anthology: House of Ashes không có tính năng tua nhanh ngay cả khi bạn hoàn thành trải nghiệm. Thiết kế khó hiểu này chắc chắn gây phiền phức không đáng có cho những ai thích săn achievement/trophy.
Nhịp độ chơi có nhiều cải thiện so với Little Hope, cộng với không khí căng thẳng và kịch tính đều là những điểm cộng đáng chú ý trong trải nghiệm Dark Pictures Anthology: House of Ashes. Yếu tố này còn được hậu thuẫn với chất lượng đồ họa ấn tượng có mức độ chi tiết rất cao. Không những thế, biểu cảm chân thật của các nhân vật góp phần không nhỏ tạo nên bầu không khí đặc trưng cho câu chuyện kể. Từ nét mặt đau khổ đến nụ cười nhếch mép, thậm chí những khoảnh khắc kinh hoàng tạo nên nhiều sắc thái cảm xúc cho dàn nhân vật.
Một điểm mà tôi không biết nên xem là điểm trừ hay điểm cộng là chất hành động nhiều hơn. Yếu tố này gắn kết chặt chẽ vào cốt truyện và trải nghiệm khám phá. Thế nhưng, nó cũng vô tình khiến Dark Pictures Anthology: House of Ashes ít đi những khoảnh khắc rùng mình khiến bạn nổi da gà. Kỳ thực, trò chơi gần như không có khoảnh khắc nào đáng để gọi là jump-scare. Thông qua các phân đoạn QTE “bấm nhanh kẻo chết”, trải nghiệm game được xây dựng như bạn đang theo dõi bộ phim phiêu lưu hành động rùng rợn pha lẫn tương tác hơn.
Yếu tố này còn kết hợp những phân đoạn khám phá đơn giản trong không gian tuyến tính, tương tác các vật phẩm để thu thập thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn cốt truyện và bối cảnh game. Kỳ thực, trải nghiệm Dark Pictures Anthology: House of Ashes khá tương đồng với các phần chơi trước, nhưng đòi hỏi tương tác và hành động nhiều hơn trong những khoảng thời gian phản xạ rất ngắn. Có lúc buộc bạn nhắm bắn bằng vũ khí, có khi phải tự vệ trước kẻ thù thông qua thao tác QTE “bấm không kịp là chết” đúng nghĩa đen khá kịch tính.
Đáng chú ý, thay cho góc nhìn cố định như các game kinh dị sinh tồn kinh điển ngày xưa trong Little Hope, Dark Pictures Anthology: House of Ashes cho phép người chơi điều chỉnh góc nhìn tự do hơn. Tuy chỉ là thay đổi nhỏ nhưng rất đáng chào đón, giúp trải nghiệm khám phá và thu thập vật phẩm đỡ ức chế hơn rất nhiều. Dù thao tác thay đổi góc nhìn diễn ra khá lề mề chứ không nhanh như các game hành động, nhưng sự điều chỉnh này rất hữu dụng trong những khoảnh khắc bạn cần rọi đèn pin soi đường đi nước bước khi trải nghiệm game.
Ở góc độ người chơi, Dark Pictures Anthology: House of Ashes còn bổ sung thêm các thiết lập độ khó mới, giúp trải nghiệm game dễ tiếp cận với số đông người chơi hơn. Thời gian tương tác QTE cũng được điều chỉnh cân bằng và hợp lý hơn. Trải nghiệm ở thiết lập độ khó trung bình Challenging tuy chưa đủ sức làm khó hay gây ức chế cho người viết, nhưng chế độ Lethal đúng là không phải dạng vừa đâu. Một điểm cộng khác mà tôi không thể không đề cập là game có cái kết rõ ràng, không để lại cảm giác lưng chừng như hai phần trước.
Đặc biệt, Dark Pictures Anthology: House of Ashes vẫn tiếp tục hỗ trợ co-op ‘Don’t Play Alone’ với hai lựa chọn: hỗ trợ 2 người chơi online trong Shared Story và Movie Night dành cho nhóm bạn từ 2-5 người chuyền nhau tay cầm trong suốt trải nghiệm. Mỗi chế độ chơi co-op đều mang đến cảm giác trải nghiệm rất khác so với phần chơi đơn ‘Play Alone’, nếu không nói là hào hứng hơn rất nhiều. Thậm chí đến mức tôi phải khuyến cáo bạn thử qua trải nghiệm co-op một lần dù là chế độ nào. Đó kỳ thực mới là thiết kế chính của trải nghiệm game.
Chưa hết, The Dark Pictures Anthology: House of Ashes còn vài điểm cộng tuy nhỏ, nhưng giúp mang đến trải nghiệm game tốt hơn mà tôi không thể không đề cập. Đầu tiên là thời gian chờ tải dữ liệu khá nhanh trong phần lớn trường hợp, nhất là khi trải nghiệm trên thế hệ console cũ. Hiệu năng game cũng rất tốt và ổn định trên tất cả nền tảng. Tôi không gặp tình trạng crash game hay sụt giảm tốc độ khung hình nào gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác trải nghiệm của người chơi như Little Hope khi mới phát hành.
Sau cuối, The Dark Pictures Anthology: House of Ashes mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động rùng rợn cực kỳ hấp dẫn. Điểm cộng lớn nhất của game là giá trị chơi lại rất cao cùng nhiều cải tiến nhỏ nhưng đáng chào đón. Mỗi chế độ chơi đều mang đến cảm giác rất khác biệt, lại còn được hậu thuẫn bởi chất lượng đồ họa ấn tượng với mức độ chi tiết cao và biểu cảm nhân vật chân thật. Nếu yêu thích series này và Until Dawn, đây kỳ thực là cái tên mà bạn không thể không chơi.
The Dark Pictures Anthology: House of Ashes hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!