Nhắc đến đua xe kart, có lẽ chưa tựa game nào vượt mặt được series Mario Kart quá nổi tiếng của Nintendo. Thế nhưng, điều đó không khiến dòng game này ít đi số lượng game mới mà vẫn có nhiều cái tên xuất hiện để “làm mưa làm gió” ở những nền tảng khác không phải Nintendo. Team Sonic Racing có thể xem là một trong số đó với một số ý tưởng mới khá thú vị, mang đến trải nghiệm đua xe kart hấp dẫn trên các nền tảng khác nhau.
Đua xe kart với nhân vật chính chú nhím xanh có lẽ không mấy xa lạ với nhiều người chơi yêu thích dòng game này. Từ thời Xbox 360 và PlayStation 3 đã có một số tựa game trong series này rất được chào đón như Sonic & Sega All-star Racing hay Sonic & Sega All-star Racing Transformed. Mặc dù chưa đủ sức vượt mặt series Mario Kart về mọi khía cạnh, nhưng những cái tên này vẫn được chào đón khá nhiệt tình vì số lượng các tay đua ngôi sao “tưởng lạ mà quen” đông đảo, đến từ nhiều series game nổi tiếng của Sega như chàng Ryo Hazuki trong series Shenmue. Team Sonic Racing tiếp nối thành công đó, nhưng không phải là phần tiếp theo trong series này mà mở ra một hướng đi mới thú vị hơn.
Như cái tên của trò chơi gợi ý, bạn có thể hình dung ra trải nghiệm đua xe kart trong Team Sonic Racing thiên về lối chơi đua xe theo nhóm. Không giống như phần lớn những tựa game đua xe kart khác trên thị trường, người chơi sẽ cùng đồng đội tranh đua thứ hạng với những nhóm đua khác trong hầu hết các chế độ chơi. Mỗi nhóm sẽ gồm có ba nhân vật, với những gương mặt khá quen thuộc như chàng nhím xanh Sonic, Tails và Knuckles cùng rất nhiều nhân vật chính và phản diện khác trong series game Sonic. Trải nghiệm đua xe cũng bổ sung thêm một số cơ chế mới, giúp mang đến cuộc đua hấp dẫn và kịch tính hơn, đòi hỏi sự tương tác giữa các tay đua trong cùng một nhóm với nhau để giành chiến thắng.
Mặc dù có không ít vòng đua đòi hỏi bạn phải đua solo và thậm chí nếu muốn, bạn vẫn hoàn toàn có thể đua một mình. Thế nhưng, với thiết kế mang đến sự hấp dẫn từ lối chơi tương tác với các tay đua khác, trải nghiệm game chỉ hấp dẫn khi bạn “đồng lòng tác chiến” cùng đồng đội AI hoặc những người chơi khác. Đó có thể là tận dụng những vệt đua (trail) của đồng đội phía trước hay thậm chí slingshot nhau, trao đổi power-up và sử dụng tuyệt kỹ “tay lái lụa” để tương trợ nhau cho đối thủ hít khói. Đó mới chính là trải nghiệm hấp dẫn và vô cùng hào hứng mà Team Sonic Racing mang đến. Yếu tố mới này tuy làm thay đổi thói quen đua xe solo trước đây, nhưng bạn sẽ nhanh chóng làm quen rất dễ dàng.
Nói một cách đơn giản thì người chơi phải hỗ trợ đồng đội cùng giành thứ hạng cao nhất trước các nhóm đua đối thủ. Nếu bạn chỉ chăm chăm giành thứ hạng cao nhất cho bản thân, trong khi để đồng đội bị đối thủ cho hít khói, khả năng cao là bạn cũng không lọt được vào vị trí cao của bảng xếp hạng. Vấn đề ở chỗ, AI trong game mặc dù rất thân thiện và thường xuyên hỗ trợ bạn hết mình, thế nhưng trình độ đua của chúng đôi khi cũng khiến bạn tức phát điên. Không ít lần, tôi nhường hết toàn bộ power-up nhặt được để chúng “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” đối thủ, nhưng cứ nhìn vị trí lẹt đẹt mãi ở phía sau của đồng đội AI cũng đủ khiến bất kỳ tay đua “tay lái lụa” nào cảm thấy ngao ngán.
Trải nghiệm game trong Team Sonic Racing không chỉ đòi hỏi bạn phải tìm cách vượt qua đối thủ, mà còn phải hỗ trợ đồng đội hết mức có thể. Chẳng hạn như trong nhiều trường hợp, bạn sẽ giữ hướng đua ít lạng lách, đánh võng nhất có thể để tạo trail cho đồng đội “đu bám” theo, hưởng lợi từ việc tăng tốc mà cơ chế này mang đến trong trải nghiệm. Thế nhưng, chính điều này đôi lúc mang đến cho tôi cảm giác một mình gánh team khi chơi cùng với AI. Đã vậy, các mẫu xe đua của các nhân vật đều mang cảm giác ban đầu là khó điều khiển, cho đến khi bạn nhận ra một vài cơ chế trong game vận hành hơi khác với phần lớn những tựa game khác trên thị trường.
Drift là một ví dụ khá điển hình trong trường hợp này. Về cơ bản, drift là một kỹ thuật lái xe mà bằng cách sử dụng thắng (phanh) đúng thời điểm, người lái cố tình làm thừa lái để gây nên sự trượt bánh sau ở tốc độ cao khi vào góc cua gắt, nhưng vẫn giữ vững được tốc độ cao ban đầu. Nếu như những tựa game đua xe khác thường giảm tốc độ mỗi khi drift, đòi hỏi người chơi phải biết canh thời điểm drift để vào khúc cua gắt thật “ngọt”, Team Sonic Racing lại sử dụng drift như một tính năng trợ lái. Xe của các nhân vật không giảm tốc độ khi drift mà chỉ để giúp vào đoạn cua gắt dễ dàng hơn mà thôi, mang đến cảm giác rất kỳ cục với những ai đã quen với yếu tố drift từ những tựa game khác.
Các mẫu xe kart trong Team Sonic Racing cũng vậy. Mặc dù nhà phát triển đã làm khá tốt yếu tố tạo hình cho những chiếc xe thật khác biệt, thế nhưng chúng lại mang cảm giác khá hao hao nhau trong suốt trải nghiệm dù các chỉ số có sự khác biệt rất lớn. Cảm giác điều khiển chỉ được cải thiện hơn khi bạn nâng cấp xe trong Garage với những phụ kiện kiếm được từ việc dùng điểm thưởng khi hoàn thành các vòng đua, rồi “bốc thăm trúng thưởng” từ Mod Pod để nhận về các phụ kiện mới. Vấn đề ở chỗ, xe mang cảm giác khá nặng nề khi đua chứ không nhẹ nhàng như cần thiết trong những tựa game thuộc thể loại này. Ngược lại, khi drift thì lại có cảm giác xe rất nhẹ nên dễ khiến bạn drift lố hơn cần thiết.
Nói vậy không có nghĩa là trải nghiệm đua xe trong Team Sonic Racing kém hào hứng mà ngược lại là khác. Trò chơi mang đến những trận đua rất thú vị, nhất là khi “xung trận” cùng với đồng đội là những người chơi khác. Thế nhưng, nếu không có bạn để chơi cùng thì cảm giác trải nghiệm có thể tóm tắt trong bốn từ “chín người mười ý”. Đặc biệt là yếu tố trao đổi power-up khá thú vị, giúp người chơi dễ dàng tận dụng sức mạnh đồng đội để cùng nhau về đích ở thứ hạng cao nhất. Thế nhưng, trò chơi vẫn mắc một điểm trừ ở thiết kế màn chơi không tạo cảm giác có nhiều khác biệt ngoài thay đổi về chủ đề và cảnh vật xung quanh, vấn đề mà rất nhiều tựa game thuộc thể loại này thường mắc phải.
Yếu tố này khiến tôi có cảm giác Team Sonic Racing chưa được đầu tư đúng mức. Kỳ thực, trò chơi có rất nhiều ý tưởng mới khá thú vị mang đến tiềm năng không nhỏ, thế nhưng nhà phát triển dường như chưa muốn tận dụng những yếu tố đó để tạo nên trải nghiệm hấp dẫn hơn. Đơn cử như các power-up cơ bản trong game không có dấu ấn gì đặc biệt, thậm chí thường không mang đến lợi thế cho người chơi khi sử dụng như mong đợi. Có thể đây là chủ ý thiết kế của nhà phát triển để khuyến khích người chơi trao đổi với các tay đua trong nhóm để nhận về những power-up “ẩn” thú vị hơn, nhưng với trình độ của AI thì xem ra ý tưởng hay ho này vô tình biến thành cơ hội để “dìm” các power-up cơ bản hơn.
Sau cuối, Team Sonic Racing mang đến một trải nghiệm đua xe kart với lối chơi co-op ba người khá hấp dẫn nếu bạn có các tay đua đồng đội để chơi cùng. Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu của trò chơi khi trải nghiệm solo với AI sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn so với co-op cùng người chơi khác. Dù vậy, cùng với đồ họa kiểu hoạt hình dễ thương, tạo hình xe cá tính và ấn tượng nhất là những bài nhạc nền “cực chất”, game vẫn tạo được sự hào hứng khi mang đến một số yếu tố mới mẻ trong cuộc đua. Nếu yêu thích thể loại này và có bạn để chơi cùng, đây vẫn là cái tên đáng cân nhắc trên các nền tảng khác không phải của Nintendo.
Team Sonic Racing hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!